Site icon Hocluat.VN

Thông tin trên mạng và hệ thống hóa các loại hình thông tin trên mạng

Thông tin trên mạng

Cùng với hệ thống báo chí điện tử, trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều các mạng xã hội, các trang web cá nhân, các công cụ tìm kiếm, kết nối thông tin khác. Sự phân chia các loại hình thông tin trên mạng để có biện pháp định hướng, quản lý là một yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với mọi quốc gia. Tuy nhiên, việc phân chia các loại hình thông tin trên mạngtrong pháp luật các nước có sự khác nhau. Ở Việt Nam, hiện nay sự phân chia này được quy định trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Cách phân loại này hiện đang tỏ ra bất cập, nhất là việc phải xác định thông tin trên mạng có phải là thông tin báo chí hay không, hay phải trả lời câu hỏi mạng xã hội là gì. Nghiên cứu này bước đầu đề cập đến việc phân loại, hệ thống hóa các loại hình cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng phù hợp hơn với thực tiễn cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng hiện nay.

 

Từ khóa: cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP;phân loại, hệ thống hóa các loại hình cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng.

Abstract: Along with the electronics press, more and more social networks, personal web pages, search tools and other information links are available on the internet. The classification of information on the internet for directional and management purposes is a requirement for all nations for their management. However, the classification of the network information is different among the countries. In Viet Nam, the classification of the network information is now regulated in the Government’s Decree No. 72/2013/ND-CP dated July 15, 2013 on the management, provision and use of internet services and information on the internet. This classification is inadequate, especially whether the information on the internet is a news or not, or what the social network is. This study initially deals with the classification and systematization of the supply and use of information on the internet in line with the current practice of providing and using information on the internet.

 

1. Khái quát về tình hình cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng hiện nay

1.1 Theo báo cáo của Internet World Starts, châu Á – Thái Bình Dương hiện tại đóng góp hơn một nửa trong số 3,7 tỷ người sử dụng Internet trên toàn cầu. Phần lớn trong số hàng tỷ người sử dụng Internet trong tương lai cũng sẽ đến từ khu vực này[1].

Sau 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia để cùng nhau chia sẻ thông tin, nhận thức, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Mọi người dân đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC)[2] Việt Nam có tiềm năng kinh tế số rất lớn khi đã trở thành quốc gia đứng thứ 17 thế giới về số lượng người dùng Internet (hơn 49,7 triệu người, chiếm gần 53% dân số, tỷ lệ tăng trưởng người dùng khoảng 6%/năm), cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. “So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”[3].

1.2 Mấy năm gần đây, cùng với hệ thống báo chí đã có, trên internet xuất hiện ngày càng nhiều các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, kết nối thông tin khác. Chúng phát triển nhanh, lan tỏa rộng khắp toàn cầu, điển hình là Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoo chat, Gmail… Riêng Facebook, chỉ sau mấy năm ra đời, mạng xã hội này đã có xấp xỉ một tỷ người khắp thế giới sử dụng[4]. Ở những nước phát triển như Mỹ, EU, một số nước châu Á, có hơn 50% số dân và gần như toàn bộ giới trẻ thường xuyên dùng mạng xã hội. Theo cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Hoa Kỳ), 45% số người được hỏi đã trả lời họ dựa vào internet để đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Internet đã trở thành kênh thông tin gần gũi, tiện lợi, bổ ích và cả độc hại – tùy theo ý thức, mục đích của người sử dụng[5].

Trong các loại hình truyền thông trên internet, mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng. Hiện nay, trên thế giới có đến gần 2 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút[6].

Ở nước ta, dựa theo nguồn cung cấp dịch vụ, có thể phân mạng xã hội thành hai loại.Thứ nhất là mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Thứ hai là mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình như: Facebook, Google, Youtube, Twitter, Microsoft… Các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Số ít trường hợp để xảy ra sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu là do thành viên chia sẻ, trao đổi các nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục và phản cảm.

Các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được người Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều nhất hiện nay là Facebook và Youtube. Theo báo cáo của Google, Việt Nam là một trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất trên thế giới. Trước tháng 8/2013, mạng xã hội tại Việt Nam được quản lý dưới phương thức đăng ký cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của mạng xã hội, Việt Nam đã thay đổi phương thức quản lý từ đăng ký cung cấp dịch vụ sang phương thức cấp giấy phép hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 270 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động[7].

1.3 Đối với báo điện tử, tính tới tháng 6/2017, cả nước đã có 150 trang báo điện tử trong số 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động. Cụ thể, số lượng báo in là 193 (trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (trung ương: 525, địa phương: 114); báo điện tử (báo mạng): 150. Thống kê cũng cho thấy, đã có 17.297 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo[8].

Trong thời gian qua, loại hình báo điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút, dễ dàng thay bài, gỡ bài. Trên thực tế, báo điện tử đã thông tin kịp thời, phản ánh hơi thở của đời sống xã hội, truyền tải nhanh chóng đến người đọc mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, mọi sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp phóng viên báo điện tử sai phạm, bị thu Thẻ nhà báo, cơ quan báo chí bị xử phạt. Hiện có tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Một số cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Thậm chí, ngay trên một số báo điện tử gần đây, các nhà báo đã lên tiếng về việc một số đồng nghiệp liên kết thành những “liên minh báo chí’’ hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Bên cạnh đó, các Sở Thông tin và Truyền thông phải xử nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các văn phòng, phóng viên thường trú.

1.4 Dù với các đặc điểm khác nhau, vai trò và ý nghĩa khác nhau trong thông tin truyền thông, nhưng các loại hình truyền thông trên internet vẫn đang từng giờ từng phút chuyển tải một khối lượng thông tin khổng lồ đến mọi ngõ ngách trên toàn cầu. Thông tin trên mạng đã trở thành một loại thông tin không thể thiếu đối với cuộc sống của hàng tỷ người trên hành tinh.

2. Phân loại các loại hình thông tin trên mạng theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP

Theo định nghĩa tại Khoản 21 Điều 3 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP), Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiu trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, s, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.

Theo quy định tại Điều 20 Chương III. Quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, các trang thông tin điện tử được phân loại như sau:

  1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử. Hay còn gọi là báo mạng điện tử. Báo mạng điện tử là một phương tiện truyền thông đại chúng đại chúng, luôn cập nhật những tin tức chính trị xã hội nóng hổi trên cả nước để cung cấp thông tin cho người dân. Báo mạng điện tử cũng giống như một trang thông tin điện tử nhưng lại được thiết lập và hoạt động theo những quy tắc của báo chí.
  2. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó. Như vậy, trang thông tin điện tử tổng hợp không giống báo mạng điện tử ở chỗ là không được tự ý sản xuất các thông tin và đưa lên website mà phải lấy các thông tin từ những trang báo hoặc trang website khác có trích nguồn cung cấp và đã được thỏa thuận giữa hai bên.

Trang thông tin điện tử tổng hợp có hai loại chính là loại thuộc cơ quan báo chí và loại không thuộc cơ quan báo chí. Về giao diện thì trang thông tin điện tử tổng hợp có nhiều điểm giống với báo mạng điện tử từ cách trình bày và cách thiết kế các bản tin.

  1. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó.
  2. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó đến với mọi người trên internet, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác.
  3. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác.

Như vậy, hiện nay có 5 loại trang thông tin điện tử chính là: báo mạng điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và trang thông tin điện tử chuyên ngành. Mỗi loại đều có những đặc thù và ứng dụng riêng của mình.

3. Bước đầu hệ thống hóa các loại hình cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng  

Tuy các loại hình cung cấp thông tin điện tử là rất đa dạng và việc phân loại chúng có thể có rất nhiều cách khác nhau, như cách phân loại dựa vào Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; cách phân loại dựa vào cách thức biên tập và phát hành; cách phân loại dựa vàotính chính thống (hay hợp pháp) – là loại được cấp phép bởi một cơ quan chức năng; hay cách phân loại dựa theo chất lượng nội dung – cách phân loại này dựa trên hình thức thể hiện trên phiên bản online (gồm cả trang tin điện tử và báo điện tử, trong khi báo điện tử hội đủ các yếu tố được cấp phép hoạt động của một tờ báo điện tử, thì trang tin điện tử đa phần được lấy thông tin từ báo in đăng lại)…, nhưng dù có các loại hình phong phú đến đâu, các loại hình này bản chất vẫn là những trang thông tin điện tử trên nền internet. Sự phân loại hiện nay chỉ dựa vào nội dung, hình thức, vai trò, ý nghĩa của từng trang. Và theo Khoản 21 Điều 3 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Trang thông tin điện tử là một hệ thống thông tin được sử dụng để tạo ra một hoặc nhiều trang có thông tin được trình bày dưới các dạng chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hay đặc biệt hơn là các ký hiệu để phục vụ cho việc cung cấp thông tin trên internet.

Do vậy, để tránh việc chia ra quá nhiều loại hình cung cấp thông tin điện tử qua mạng và để dễ dàng hơn cho công tác quản lý, định hướng, chúng tôi cho rằng, cần phải:

  1. Xác định nguyên tắc tất cả các trang thông tin điện tử qua mạng là các loại hình thông tinđược xây dựng theo hình thức trang webvà phát hành dựa trên nền tảng Internet. Do dựa trên nền tảng Internet, nên chúng phải được quản lý theo các đặc tính của công nghệ này, khác với việc thông tin trên nền tảng giấy in hoặc các loại vật liệu khác.
  2. Về bản chất, sự phân chia các loại hìnhthông tin điện tử qua mạngchỉ xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước đối với các loại hình cung cấp thông tin điện tử qua mạng về mặt hành chính nhà nước và về mặt nội dung, chứ không vì mục đích để quy định khuôn khổ, dung lượng, tính doanh thu, thuế…, hoặc vì các lý do ngoài thông tin nào khác.
  3. Xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước đối với cácloại hình cung cấp thông tin điện tử qua mạng, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, nên chúng ta nên chọn cách phân loại dựa vào tính chính thống, hay hợp pháp – là loại được cấp phép bởi một cơ quan chức năng.

Từ đó, chúng tôi kiến nghị thay đổi lại cách phân loại các trang thông tin điện tửtheo Điều 20 Chương III. Quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

3.1 Báo điện tử:

Báo điện tử (còn được gọi là báo mạng, báo trực tuyến hay tin tức trực tuyến) là một hình thức của trang thông tin điện tử. Đây là loại hình báo chí được xây dựng theo hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng Internet. Báo điện tử được tòa soạn điện tử xuất bản, còn người đọc báo dựa trên máy tính, thiết bị cá nhân như máy tính bảng, điện thoại di động trung cao cấp,… có kết nối internet.

Báo điện tử là một cơ quan báo chí, hoạt động theo Luật Báo chí Việt Nam, phải có tôn chỉ mục đích hoạt động, có Cơ quan chủ quản, có trụ sở, con dấu, tài khoản, có tổ chức bộ máy phóng viên, biên tập viên, có Tổng Biên tập. Và nhất thiết phải có Giấy phép hoạt động báo chí.

Báo điện tử chỉ gồm hai loại:

– Báo điện tử chỉ trực tuyến (online-only), phát hành gần như không có bản in tương ứng. Đây là báo do các hãng thông tấn, phát thanh, truyền hình lập ra.

– Báo điện tử có bản in giấy. Các cơ quan xuất bản báo in hoàn toàn có thể xây dựng báo điện tử cho mình, phát hành song song với báo giấy (còn gọi là báo lai – hybrid) nhưng nội dung đăng tải, hình thức nên khác nhau. Phiên bản trực tuyến cũng có thể khác hẳn bản in. Khái niệm kỳ phát hành như “báo ngày”, “báo tuần” cũng không còn. Bộ máy tổ chức, đội ngũ làm báo có thể có thể có hai (tùy quy mô), nhưng Tổng Biên tập chỉ là một người và đương nhiên là có chung cơ quan chủ quản.

Các báo điện tử này đều có thể có thêm hình thức là báo trực tuyến, cập nhật thường xuyên tin tức, đặc biệt là đăng “tin tức thời” “tin thời sự” hay “tin giật gân” (breaking news). Trong tiếng Anh, báo trực tuyến gọi là “Online newspaper”. Sự phổ biến và thuận tiện của việc dùng từ “Online” dẫn đến trên thế giới và trong nước, từ này được gắn luôn vào tên báo, ví dụ Báo “Laodong Online”, “Tuổi trẻ Online”,… để chỉ phiên bản trực tuyến.

Báo trực tuyến cho phép mọi người trên khắp thế giới tiếp cận tin tức nhanh chóng không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Sự phát triển của báo trực tuyến cũng sẽ làm thay đổi thói quen đọc tin và có thể trở thành một cách làm báo chủ đạo trong tương lai.

3.2 Tạp chí điện tử:

Tương tự như tổ chức và hoạt động của Báo điện tử, Tạp chí điện tử cũng hoạt động theo Luật Báo chí Việt Nam, phải có tôn chỉ mục đích hoạt động, có Giấy phép hoạt động, có Cơ quan chủ quản, có trụ sở, con dấu, tài khoản. Và nhất thiết phải có tổ chức bộ máy phóng viên, biên tập viên, có Tổng Biên tập.

Các Tạp chí in hoàn toàn có thể xây dựng Tạp chí điện tử cho mình, phát hành song song với tạp chí giấy (định kỳ), nhưng nội dung đăng tải, hình thức thì cũng nên khác nhau, do yêu cầu tăng dung lượng tin bài hay cần phản hồi nhanh nhờ sự ưu việt của nền Internet. Như vậy, Tạp chí điện tử, ngoài việc đăng tải các bài viết trên Tạp chí in của mình, còn được tự sản xuất các thông tin và đưa lên website, lấy các thông tin từ những trang báo hoặc trang website khác nhưng có trích nguồn cung cấp và đã được thỏa thuận giữa hai bên.Bộ máy tổ chức, đội ngũ làm báo có thể có thể có hai, nhưng Tổng Biên tập chỉ cần là một người và đương nhiên là có chung cơ quan chủ quản.

Do tính chất của một tờ Tạp chí, Tạp chí điện tử không cần có thêm hình thức là Tạp chí trực tuyến.

Hơn nữa, có thể nhập báo điện tử và Tạp chí điện tử thành một loại hình, đó là Báo chí điện tử. Sự khác nhau chỉ là Tạp chí điện tử không có hình thức là Tạp chí trực tuyến.

3.3 Trang điện tử:

Theo phân loại chính thống, ngoài báo điện tử, hiện nay chúng ta có các loại trang thông tin: thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và trang thông tin điện tử chuyên ngành. Chủ thể của các trang này có thể là cơ quan nhà nước, các tờ tạp chí, doanh nghiệp hay cá nhân.

Theo chúng tôi, chúng ta nên xếp cả bốn loại trang thông tin này làm một, gọi chúng là Trang tin điện tử (chỉ để phân biệt với trang tin giấy và để phù hợp với đặc tính là trang tin trên mạng Internet, nên chúng phải được quản lý theo các đặc tính của công nghệ này, khác với việc thông tin trên nền tảng giấy in hoặc các loại vật liệu khác).

Trang tin điện tử hoạt động theo các quy định của hệ thống pháp luật chung, không nhất thiết chỉ hoạt động theo Luật Báo chí và không được coi là cơ quan báo chí, do vậy không cần xin giấy phép hoạt động báo chí. Trang tin điện tử có thể là trang thông tin của một cơ quan nhà nước, một tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp nhất định; và cũng có thể là trang tin của một công ty, đơn vị kinh tế, cá nhân. Đối với Trang tin điện tử của một cơ quan nhà nước, một tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp thì trách nhiệm về mọi hoạt động của Trang tin thuộc về người đứng đầu cơ quan chủ quản hoặc người được người đứng đầu cơ quan chủ quản ủy quyền (có thể là Chủ nhiệm Trang tin hay Chủ bút Trang tin). Tùy theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản mà nội dung của Trang tin truyền tải cho phù hợp. Với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội khác cũng vậy. Người đứng đầu doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của trang tin mà mình là cơ quan chủ quản.

Ngay cả Công báo điện tử – trang thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý, có chức năng đăng các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành, các điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các văn bản pháp luật khác theo quy định, và trang Công báo điện tử cấp tỉnh do Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản cũng thuộc về loại Trang tin điện tử này.

Các Trang thông tin điện tử cá nhân do cá nhân chịu trách nhiệm hoàn toàn.

3.4 Mạng xã hội:

3.4.1 Xác định mạng xã hội là gì

Mạng xã hội (social network) là một khái niệm đã trở nên quen thuộc và gắn bó với người sử dụng Internet. Nhưng để định nghĩa mạng xã hội là gì, tính năng và những ưu điểm của mạng xã hội gồm những gì, thì hiện nay, đang có rất nhiều quan điểm khác nhau, cách phân loại cũng khác nhau. Bản thân cụm từ “social network” trong tiếng Anh khi chuyển ngữ cũng gây nhiều tranh cãi về độ chính xác.

Theo Wikipedia[9] Tiếng Việt thì mạng xã hội hay còn gọi là mạng xã hội ảo là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ tệp, blog và xã hội. Như vậy, mạng xã hội có thể ngầm hiểu là một thế giới ảo (xã hội ảo) với các thành viên là các cư dân mạng. Cách để các cư dân mạng liên kết với nhau có thể dựa trên các group, dựa trên các thông tin cá nhân, dựa trên sở thích cá nhân hoặc lĩnh vực quan tâm. Khái niệm này đã gây ra rất nhiều tranh luận vì khái niệm tập trung vào vấn đề coi mạng xã hội là sự kết nối những người có chung sở thích, mục tiêu và họ là những kiến tạo nội dung của mạng xã hội. Quan điểm đó khiến nhiều người đã đề nghị, nên đổi khái niệm “mạng xã hội” thành khái niệm “mạng giao lưu” cho đúng với ý nghĩa và mục đích của social network.

Theo nhà xã hội học Laura Garton, nhà nghiên cứu chiến lược ở Trường Đại học Toronto (Canada) thì “khi một mạng máy tính kết nối mọi người hoặc các cá nhân, tổ chức lại với nhau thì đó chính là mạng xã hội”. Theo cách định nghĩa đơn giản này, mạng xã hội là một tập hợp người hoặc các tổ chức hoặc các thực thể xã hội khác được kết nối với nhau thông qua mạng máy tính. Như vậy, trái với cách hiểu của nhiều người, mạng xã hội là mạng máy tính lớn, nhiều thành viên, mạng xã hội đơn giản là hệ thống của những mối quan hệ con người với con người. Trên bình diện đó, bản thân Facebook hay Twitter… không phải là mạng xã hội, mà chỉ là những dịch vụ trực tuyến được tạo lập để xây dựng và phản ánh mạng xã hội [10].  

Bên cạnh hai khái niệm mạng xã hội kể trên, không thể không nhắc tới khái niệm mạng xã hội của Vũ Kiêm Văn, Giám đốc Công ty truyền thông VSMC (Công ty sáng lập mạng xã hội thehetre.vn): Mạng xã hội như một đồ thị trong đó các nút có thể là một cá thể, tổ chức, còn các liên kết là mô phỏng các quan hệ trong xã hội thực. Quan điểm này khẳng định, mạng xã hội khác rất nhiều so với blog, đó là một khái niệm rộng lớn hơn trong khi blog chỉ đơn thuần là một dịch vụ, một loại hình giao tiếp trong mạng xã hội, do đó sẽ có mạng xã hội được xây dựng trên nền tảng chính là blog, nhưng cũng có những mạng xã hội không có dịch vụ này. Khái niệm này được xây dựng trên cơ sở lý thuyết về mạng lưới xã hội khi nhìn nhận mạng xã lưới xã hội gồm hai thành tố chính là điểm nút (Node) và ràng buộc (Tie).

Một quan điểm khác về khái niệm mạng xã hội nhấn mạnh tới sự phân biệt hai khái niệm Social Media (truyền thông công chúng) và Social Network (mạng xã hội). Theo ông Trương Trí Vĩnh – Giám đốc Dự án VC Corp – cần phân biệt hai khái niệm Social Media (truyền thông công chúng) và Social Network (mạng xã hội). Hãy xét trên hai phần cơ bản của truyền thông: sản xuất nội dung và phân phối nội dung (khác với phát hành). Trong khi mạng xã hội đề cập đến một tập hợp các phần tử (thành viên) và các quan hệ liên kết giữa chúng thì Social Media đề cập tới hình thức sản xuất và phân phối nội dung. Như vậy, ngay cả MySpace hay Facebook, tự thân nó không phải Social Media vì nó không sản xuất mà cũng không phân phối, mà là mạng xã hội, nhưng nó cung cấp môi trường để các blogger sản xuất và phân phối. Social Media không hề phụ thuộc vào Social Network. Ví dụ nếu ai đó lập một trang web cá nhân để đưa các bài viết và quan điểm cá nhân của mình lên, vậy là họ đã sản xuất nội dung, nhờ Internet phân phối chính là Social Media[11].

Như vậy có thể hiểu mạng xã hội đó là một xã hội ảo với hai thành tố chính tạo nên, đó là các thành viên và liên kết giữa các thành viên đó. Mạng xã hội là dịch vụ Internet cho phép kết nối các thành viên, không phân biệt không gian và thời gian[12].

3.4.2 Nên xác định mạng xã hội là gì

Đến đây thì quan niệm về khái niệm mạng xã hội nên thay đổi, vì chúng ta đã biết,Trang thông tin điện tử (kể cả báo chí điện tử) của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được xây dựng theo hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng Internet, được liên kết với nhau thì được gọi chung là mạng xã hội. Bởi vì:

– Chúng đều sử dụng chung dịch vụ Internet;

– Chúng có tính liên kết toàn cầu trên mạng (sách báo, các phương tiện khác không có);

– Chúng bình đẳng với nhau trong hoạt động thể hiện nội dung, bản sắc;

– Dù có giấy phép hoạt động báo chí hay không, khi hoạt động, các Trang tin điện tử này đều phải tuân thủ pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.

– Tất cả các chủ thể xây dựng Trang tin điện tử đều phải thực hiện các công đoạn: sản xuất và biên tập thông tin, lưu giữ thông tin, truyền thông tin, khai thác thông tin và đều có quyền bình luận, tiếp nhận hay không tiếp nhận các thông tin khác trên mạng.

– Phù hợp với ngữ nghĩa của khái niệm xã hội, cả trong ngôn ngữ, trong đời sống và trong các quy định của pháp luật. Nói đến xã hội là nói đến mọi yếu tố tạo nên một chỉnh thể xã hội và những mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa các yếu tố đó với nhau. Chúng ta vẫn nói quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Mạng xã hội bao gồm tất cả các trang thông tin điện tử được xây dựng theo hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng Internet, nghĩa là chúng cũng là các yếu tố cấu thành nên một chỉnh thể xã hội trên mạng, do vậy, không thể loại báo điện tử, tạp chí điện tử ra khỏi mạng xã hội.

4. Kết luận

Từ sự phân tích trên, để thống nhất việc phân loại các loại hình thông tin trên mạng, chúng ta chỉ cần phân chia chúng thành 02 loại:

– Báo chí điện tử, gồm Báo điện tử và Tạp chí điện tử. Báo chí điện tử có các đặc trưng:

+ Là một cơ quan báo chí, hoạt động theo Luật Báo chí Việt Nam, có tên gọi, có tôn chỉ mục đích hoạt động, có cơ quan chủ quản, có trụ sở, con dấu, tài khoản, có tổ chức bộ máy phóng viên, biên tập viên, có Tổng Biên tập. Và nhất thiết phải có Giấy phép hoạt động báo chí.

+ Các đơn vị có Báo điện tử và Tạp chí điện tử đều có thể xuất bản, phát hành song song với báo, tạp chí in trên giấy của đơn vị mình. Nội dung, hình thức giữa hai bản điện tử và giấy có thể không giống nhau.

Sự khác nhau giữa Báo điện tử và Tạp chí điện tử chỉ là: Tạp chí điện tử không cần có hình thức Tạp chí trực tuyến.

 Trang tin điện tử

Trang tin điện tử hoạt động theo các quy định của hệ thống pháp luật chung, không nhất thiết chỉ hoạt động theo Luật Báo chí và không được coi là cơ quan báo chí, do vậy không cần xin giấy phép hoạt động báo chí. Trang tin điện tử có thể là trang thông tin của một cơ quan nhà nước, một tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp nhất định; và cũng có thể là trang tin của một công ty, đơn vị kinh tế, cá nhân. Đối với Trang tin điện tử của một tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp thì trách nhiệm về nội dung và mọi hoạt động của Trang tin thuộc về người đứng đầu cơ quan chủ quản hoặc người được người đứng đầu cơ quan chủ quản ủy quyền (có thể là Chủ nhiệm Trang tin hay Chủ bút Trang tin). Tùy theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản mà nội dung của Trang tin truyền tải cho phù hợp. Với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội khác cũng vậy. Người đứng đầu doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của trang tin mà mình là cơ quan chủ quản.

Các Trang thông tin điện tử cá nhân do cá nhân chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Sự phân loại này sẽ giúp cho việc xây dựng các văn bản pháp luật về quản lý thông tin trên mạng đơn giản và hợp lý hơn, đồng thời cũng giúp cho việc chuẩn bị sửa đổi bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ (dự kiến vào năm 2019./.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Số liệu do VNNIC công bố tại Hội thảo về xu thế phát triển tên miền đa ngữ (IDN) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/5/2017 (VietTimes).

[2] Số liệu do VNNIC công bố tại Hội thảo về xu thế phát triển tên miền đa ngữ (IDN) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/5/2017(VietTimes).

[3] Số liệu do Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông công bố tại Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam với chủ đề “Chuyển động số Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” tổ chức ngày 22/11/2017 tại Hà Nội.

[4] Tổng lượng truy cập internet trên toàn cầu tập trung vào khoảng 150 công ty, chủ yếu là các công ty xuất phát từ Mỹ, như Google, Yahoo, Facebook, Twitter.

[5] Dẫn theo TS. Nguyễn Thế Kỷ (Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương): Báo, trang tin điện tử, mạng xã hội trên Internet: Cần định hướng và quản lý có hiệu quảNguồn: Petrotimes.vn (truy cập 15/10/2017).

[6] Lê Quang Tự Do, “Công tác quản lý mạng xã hội trong tình hình mới”. Nguồn: VietTimes ngày 21/7/2017

[7] Lê Quang Tự Do, Mạng xã hội tạo điều kiện cho “truyền thông cá nhân” phát triển, tlđd.

[8] Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, http://hoinhabaovietnam.vn/Ca-nuoc-co-982-co-quan-bao-tap-chi-duoc-cap-phep-hoat-dong_n20973.html, truy cập 15/10/2017

[9]https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%8Bch_v%E1%BB%A5_m%E1%BA%A1ng_x%C3%A3_h%E1%BB%99i, truy cập ngày 06/10/2017.

[10] Theo chúng tôi, nếu vẫn coi Facebook hay Twitter… là mạng xã hội, thì đó chỉ là những mạng xã hội con (các group) tham gia liên kết trên cùng một mạng xã hội toàn cầu.

[11] Mạng xã hội là gì? Seo.iclick.vn/mang-xa-hoi/tu-van/mang-xa-hoi-la-gi/

[12] Dẫn theo: Phạm Thị Phương Liên, Chu Vân Khánh, Nguyễn Minh Huyền “Mạng xã hội Reader.vn và mô hình của thư viện – mạng xã hội”; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, http: //huc.edu.vn/mạng-xã-hội-readervn-và-mô-hình-của-thư-viện-mạng-xã-hội-1460-vì.htm; truy cập 06/10/2017.

 

TS. Nguyễn Hoàng Thanh – ThS. Trần Thị Hoa, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

 

 Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15/2018.

3/5 - (2 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version