Thực tiễn xét xử đã gặp phải một số tình huống vướng mắc liên quan đến mức hình phạt tù có thời hạn mà Tòa án cấp huyện có thẩm quyền tổng hợp trong hoạt động xét xử. Những vướng mắc này đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, vì vậy trong thực tiễn công tác đã và đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp được quy định tại Điều 170 BLTTHS năm 2003 và hiện nay được quy định tại Điều 268 BLTTHS năm 2015. Theo đó, Tòa án cấp huyện chỉ được xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm được quy định tại các điểm a,b,c,d khoản 1 Điều 268 BLTTHS. Mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất mà Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xử phạt người thực hiện hành vi phạm tội là 15 năm tù.
Nhiều quan điểm khác nhau
Để tiện cho việc trao đổi, tác giả xin được nêu một ví dụ cụ thể như sau: Tháng 9 năm 2018, Nguyễn Văn A bị Tòa án huyện B xử phạt 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 (Bản án đã có hiệu lực pháp luật). Đến tháng 12 năm 2018 Nguyễn Văn A lại bị VKSND huyện C truy tố ra trước Tòa án huyện C để xét xử về tội Cướp tài sản theo khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015, có mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Sau khi nhận và thụ lý hồ sơ vụ án đã có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền xét xử và tổng hợp hình phạt của Tòa án huyện C.
Quan điểm nhứ nhất: Tòa án huyện C vẫn tiến hành xét xử đối với Nguyễn Văn A về tội Cướp tài sản và tổng hợp 10 năm tù của bản án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kể cả trường hợp khi tổng hợp hình phạt của 02 bản án mà mức hình phạt chung bị cáo A phải chấp hành trên 15 năm tù, thì cũng không bị coi là vi phạm về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.
Lập luận của quan điểm thứ nhất là: Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện được xác định theo tội danh, điều khoản, mức hình phạt mà bị cáo A bị VKSND huyện C truy tố để xét xử. Còn việc tổng hợp hình phạt của bản án do Tòa án huyện B xét xử đã có hiệu lực pháp luật chỉ là tổng hợp hình phạt mang tính số học, không căn cứ vào hình phạt chung sau khi đã tổng hợp để xác định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án huyện C vẫn tiến hành thụ lý, xét xử Nguyễn Văn A về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 168 BLHS 2015 mà không tiến hành tổng hợp hình phạt 10 năm tù của bản án do Tòa án huyện B xét xử. Vì khi tổng hợp hình phạt của cả 2 bản án thì mức hình phạt chung bị cáo A phải chịu sẽ vượt quá mức tối đa hình phạt tù có thời hạn 15 năm mà Tòa án cấp huyện được quyền xét xử “ giả sử A sẽ bị xử phạt 10 năm tù về tội cướp tài sản, nếu tổng hợp 2 bản án mức hình phạt chung mà Tòa án huyện C buộc A phải chấp hành là 20 năm tù”. Như vậy là vi phạm về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Những người theo quan điểm thứ hai cho rằng cứ xét xử mà không tổng hợp hình phạt của bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã có hiệu lực pháp luật, sau khi xét xử Tòa án huyện C đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh của mình tổng hợp hình phạt chung của 2 bản án.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Trường hợp này sau khi thụ lý hồ sơ, Tòa án huyện C phải báo cáo và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp tỉnh xét xử mới đúng thẩm quyền.
Lập luận của quan điểm này là, thẩm quyền của Tòa án cấp huyện chỉ được xử hình phạt tù có thời hạn tối đa là 15 năm. Vậy nên, nếu Tòa án huyện C vẫn tiến hành xét xử và tổng hợp hình phạt 10 năm tù của bản án đã có hiệu lực, dẫn đến vi phạm quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.
Chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp tỉnh
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba với những lập luận sau đây:
Một là, khi nói đến thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, có nghĩa là chúng ta đang bàn về việc Tòa án cấp huyện được xét xử các loại tội phạm nào, được áp dụng các loại hình phạt nào, mức hình phạt tối đa của các loại hình phạt mà Tòa án cấp huyện có quyền áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bán án (hoặc nhiều tội) cũng là một hoạt động xét xử. Mà đã coi tổng hợp hình phạt trong quá trình tố tụng là hoạt động xét xử thì vẫn phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Theo đó, mức hình phạt tù có thời hạn mà Tòa án cấp huyện có quyền áp dụng đối với người phạm tội là không được quá 15 năm tù. Nếu bản án của Tòa án cấp huyện áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội có mức tối đa quá 15 năm tù là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS. Do đó, tác giả cho rằng lập luận của những người theo quan điểm thứ nhất là thiếu tính chính xác, chưa đúng về mặt lý luận và hiểu không đúng quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp.
Hai là, nếu Tòa án huyện C vẫn xét xử về hành vi cướp tài sản nhưng không tổng hợp hình phạt của bản án đã có hiệu lực pháp luật mà đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh tổng hợp của hai bản án cũng không hợp lý, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS thì “trong trường hợp một người đang phải chấp hành hình phạt của một bán án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”.
Như vậy, nếu trường hợp khi xét xử A về tội cướp tài sản mà không tiến hành tổng hợp hình phạt 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã có hiệu lực pháp luật là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS. Hơn nữa, nếu thực hiện theo quan điểm thứ hai, thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế mà không thể áp dụng lâu dài vì không bảo đảm tuân thủ của quy định của BLHS.
Ba là, nếu Tòa án huyện C vẫn tiến hành xét xử A về tội cướp tài sản nhưng không tiến hành tổng hợp hình phạt 10 năm tù của bản án đã có hiệu lực pháp luật, sau đó đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh tổng hợp hình phạt của 2 bản án (giả sử hình phạt chung là 20 năm tù như đã nêu), điều này sẽ tiếp tục nảy sinh vướng mắc về thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 364 BLTTHS 2015 thì “Chánh án toà án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án…”, mà thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện được áp dụng tối đa không qúa 15 năm tù. Vậy thì Chánh án Tòa án cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định thi hành án theo quyết định tổng hợp hình phạt của Chánh án tỉnh với mức hình phạt là 20 năm tù hay không? Mặt khác Chánh án Tòa án cấp huyện (Tòa án xét xử sơ thẩm) có thẩm quyền ra quyết định thi hành án theo quyết định tổng hợp hình phạt của Chánh án cấp tỉnh hay không? Đây là những vấn đề mà hiện này chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Bốn là, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 thì “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.”. Mặc dù, hướng dẫn này chỉ quy định trường hợp bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc chung thân thì Tòa án cấp huyện phải báo cáo, đề nghị VKS và Tòa án cấp tỉnh rút hồ sơ lên để truy tố, xét xử theo thẩm quyền nhưng là định hướng quan trọng.
Năm là, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 268 BLTTHS thì “Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người”.
Tuy các quy định nêu trên chưa cụ thể, tuy nhiên chúng ta có thể vận dụng quy định tại điểm này để đề nghị Tòa án cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án để xét xử khi thụ lý vụ án Tòa án cấp huyện xét thấy nếu tiến hành xét xử sẽ vi phạm quy định về thẩm quyền xét xử và điều này cũng phù hợp với việc ra quyết định thi hành án hình sự. Mặc dù không có quy định Chánh án Tòa án huyện được ra quyết định thi hành án hình phạt tù đến bao nhiêu năm, song căn cứ thẩm quyền xét xử thì Tòa án huyện chỉ được xét xử đối với những loại án có mức hình phạt đến 15 năm. Do đó, mặc định Chánh án huyện cũng chỉ có thể ra quyết định thi hành án tương ứng với mức hình phạt được phép xét xử, còn trên 15 năm sẽ do Chánh án cấp trên ra quyết định.
Trên đây là một số vướng mắc còn có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền tổng hợp hình phạt (bao gồm cả tổng hợp hình phạt nhiều bản án và tổng hợp hình phạt nhiều tội) của Tòa án cấp huyện trong quá trình xét xử, cần phải được HĐTP TANDTC hướng dẫn.
Tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả, các chuyên gia pháp lý, các đồng nghiệp và Ban biên tập về vấn đề này./.
HÀ QUANG HUY (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bắc Kạn)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
Để lại một phản hồi Hủy