Tại sao sinh viên luật tốt nghiệp loại khá, giỏi hiện nay vẫn tìm việc khó khăn?

Chuyên mụcCafe Dân Luật that-nghiep

Đừng tự mãn dù bạn đang học tại một trường luật danh tiếng, có điểm số cao và ra trường với tấm bằng loại khá, giỏi bởi vì chỉ như vậy thôi “tìm việc khó khăn” vẫn là cụm từ sẽ đeo bám bạn mãi.

 

Bài viết được nhiều người quan tâm:

 

Tại sao sinh viên luật tốt nghiệp loại khá, giỏi hiện nay vẫn tìm việc khó khăn?

1. Chúng ta phải hiểu rõ rằng: khá, giỏi ở đây là khả năng hoàn thành chương trình đại học của sinh viên, xác định theo tiêu chí đánh giá của nơi đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là cầm trong tay bằng khá, giỏi và đã hoàn thành mức độ khá, giỏi các yêu cầu của trường học. Trường luật không dạy nghề, nên người khá, giỏi không thể được hiểu là họ có khả năng làm việc ở mức khá, giỏi. Trong khi đa phần người tuyển dụng lại mong muốn ứng viên phải làm được việc ngay, thậm chí làm tốt. Đó là thực tế vênh nhau rõ rệt giữa “cung” và “cầu”. Chính đòi hỏi này khiến nhiều bạn trẻ hoang mang, lo lắng, sợ hãi, thậm chí bỏ cuộc.

Bằng cử nhân luật

2. Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo luật (thống kê năm 2019 có trên 80 cơ sở với chỉ tiêu 24.300 sinh viên), tôi ước tính theo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và hỏi thăm thực tế các bạn sinh viên, sau đó tổng hợp thì sinh viên chính quy mỗi năm ra trường tầm 6-7 nghìn người (phỏng đoán, không chính thức), chưa tính đến các hệ tại chức, chuyên tu, văn bằng 2, học online … Do đó, sức cạnh tranh về việc làm rất lớn. Đó là chưa tính đến vài năm gần đây, kinh tế khó khăn, nhu cầu tuyển dụng giảm sút.

Chương trình đào tạo - Học viện Tòa án

3. Nhà tuyển dụng khi tuyển là muốn ứng viên làm được việc ngay, vì thế họ mới đòi hỏi người có kinh nghiệm (kinh nghiệm là trải nghiệm thực tế của ứng viên và có khả năng làm được việc, chứ không phải là đã đi làm theo hợp đồng lao động được bao nhiêu năm, sinh viên vừa tốt nghiệp vẫn có thể có từ 1-3 năm kinh nghiệm nếu đã đi thực tập, đi làm trước đó). Nhà tuyển dụng không muốn tuyển người mới ra trường, không muốn hướng dẫn, đào tạo vì các lý do sau đây:

  • Đa phần các ứng viên mới tốt nghiệp, ngoài kiến thức pháp luật nhiều môn, thậm chỉ chưa được tổng hợp, hệ thống lại trong đầu, có trình độ Anh văn, tin học đủ ra trường là “chấm hết”, rất thiếu kiến thức thực tế, chưa nói đến kỹ năng thực công việc. Một ví dụ kinh điển mà tôi phải phân tích và hướng dẫn mọi học viên của tôi về thực tế như thế này: Luật DN quy định muốn xác định thẩm quyền quyết định cho ký hợp đồng trong doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV, TNHH 2 thành viên trở lên, CTCP) phải căn cứ vào “tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất”, nhưng hầu hết các sinh viên luật kinh tế không biết Báo cáo tài chính là gì, không biết tổng giá trị tài sản ghi nhận ở đâu, vậy sao đi làm có thể soạn thảo, hiệu chỉnh hợp đồng???
  • Hiện tại, để nhận một nhân sự học việc thì doanh nghiệp cần chi trả rất nhiều chi phí: tiền mặt bằng, bàn, ghế, máy tính, điện, nước, máy lạnh, văn phòng phẩm, chi phí sinh hoạt khác, trả lương, chế độ phúc lợi, các nghĩa vụ pháp lý theo luật lao động
  • Khi hướng dẫn 1 bạn trẻ, ngoài tốn chi phí như nêu trên, doanh nghiệp và người hướng dẫn còn tốn thêm rất nhiều thời gian và công sức. Hướng dẫn theo quy trình: chỉ dẫn, theo dõi thực hiện, nhận kết quả, phân tích kết quả, trả kết quả, hướng dẫn điểu chỉnh, theo dõi điều chỉnh, … cho đến khi xong việc, mất rất nhiều thời gian và công sức. Người kiên nhẫn, có kỹ năng sư phạm, yêu nghề, có nhân cách tốt và chịu chia sẻ mới có thể kiên trì hướng dẫn thành công một người trẻ học cái nghề này. Trong khi tuyển một người làm được việc, làm ngay, dù trả lương cao vẫn tốn ít chi phí hơn tuyển người chưa biết làm việc, cái gì cũng phải chỉ dẫn từ đầu.
  • Các bạn được hướng dẫn cho đến khi thạo việc, nhưng lại không thấu hiểu, ghi nhận công sức của nơi nhận hướng dẫn mình, người đã tận tụy chỉ việc cho mình, có kinh nghiệm một tý là đòi hỏi, nhảy việc tìm môi trường mới, khiến người hướng dẫn, đào tạo không muốn làm lại.

>>> Xem thêm: Góc tâm sự của một sinh viên luật mới ra trường đi xin việc

4. Hiện tại, các ứng viên là sinh viên Luật vừa tốt nghiệp, sau khi loại trừ khả năng về ngoại ngữ không nói đến, tôi nhận thấy các ứng viên đa phần còn một khoảng cách quá xa so với nhu cầu thực tế của đa số nhà tuyển dụng, biểu hiện ở các tiêu chí sau đây:

Soạn thảo văn bản

  • Dù học khá, giỏi, nhưng khả năng hiểu biết tổng hợp về hệ thống pháp luật, hệ thống cơ quan nhà nước, cũng như phân ngành theo từng lĩnh vực đều rất hạn chế. Ví dụ khi hỏi: theo em, khi làm trợ lý cho một luật sư tư vấn về hợp đồng, em cần nắm kỹ các lĩnh vực pháp luật nào? Đa phần các em không thể trả lời đạt yêu cầu.
  • Giao tiếp không tốt, thiếu tự tin và khá xa lạ với môi trường công sở. Nguyên nhân là do không chịu tham gia thực tập, kiến tập, làm thêm trong các môi trường tương ứng. Hậu quả kéo theo là phong cách, tác phong, còn rụt rè, chậm chạp, sợ sệt, thiếu tự tin.
  • Các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều rất hạn chế, nhất là kỹ năng viết: không biết soạn thảo văn bản (về cả nội dung, hình thức, kỹ thuật trình bày, dù luật đã hướng dẫn rất rõ ràng). Ứng viên pháp lý mà không soạn được một cái đơn khởi kiện đúng mẫu, không soạn được một cái Biên bản họp HĐQT vốn đã có sẵn mẫu và hướng dẫn của luật thì rất khó khăn để được nhận. Các kỹ năng này cần được rèn luyện khi kiến tập, thực tập.
  • Rất nhiều ứng viên không định hướng được nghề nghiệp cho tương lai, không biết mình muốn gì, có ứng viên đã đặt ra cho mình một mục tiêu nghề nghiệp nhưng không biết làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, cần phải làm gì, đi qua bao nhiêu giai đoạn, tốn bao nhiêu năm, bao nhiêu công sức, chi phí …
  • Còn quá xa lạ với thực tế, quá lý tưởng trong suy nghĩ và hành động, thậm chí nhiều bạn tốt nghiệp loại khá, giỏi, tốt nghiệp các khoa VIP, trường VIP luôn tự đề cao, đánh giá cao bản thân, có thái độ coi thường người khác, không chịu lắng nghe, không chịu học hỏi từ người khác; luôn cho mình đúng, nên đôi lúc người khác thấy mình chưa đúng, nhưng thấy thái độ như vậy, nên ghét không nhận, cũng không muốn hướng dẫn luôn.
  • Rất ít ứng viên chịu khó, chịu đựng được áp lực công việc, không nhìn thấy được cái xa hơn là sự nghiệp, tương lai và cơ hội được rèn luyện; khi có được môi trường tốt ngay lập tức đòi lương cao, đòi chế độ mà mình tự cho là phải tương xứng với mức độ khá, giỏi của mình, nên đã mất cơ hội được thử thách.

5. Theo cá nhân tôi, để có được việc làm và duy trì được nó, dù ở môi trường nào, dù nhà nước hay tư nhân, vượt trên hết tất cả các điều kiện, một bạn sinh viên luật khi ra trường phải đảm bảo rằng:

  • Có hiểu biết một cách tổng hợp, đầy đủ kiến thức pháp luật, hệ thống tổ chức cơ quan nhà nước; đồng thời phải hiểu chi tiết, cụ thể về pháp luật đối với ngành mình dự kiến theo đuổi;
  • Định hướng rõ ràng nghề nghiệp và hiểu rõ con đường mình sẽ đi;
  • Hệ thống cụ thể, rõ ràng và nắm cơ bản các ngành luật chính về văn bản pháp luật;
  • Thành thạo 04 kỹ năng nghe, nói, đọc và đặc biệt là viết đối với môi trường pháp lý, viết không tốt thì cầm chắc thất nghiệp hoặc sẽ bị đào thải, viết không đúng, không cẩn thận trong văn bản pháp lý thì không những không giúp mình mà còn hại chính mình.
  • Thành thạo kỹ năng tin học; ngoại ngữ thì tùy môi trường làm việc, giỏi thì càng tốt.
  • Biết thực tế, hiểu thực tiễn, biết lắng nghe, chịu khó học hỏi.
  • Giao tiếp tốt, khéo léo, lịch sự, khiêm nhường, xây dựng và giữ gìn được các mối quan hệ ban giao.
sinh-vien-luat-truong-thanh
Ảnh minh họa (Nguồn: CLB Luật Gia Trẻ – Khoa Luật ĐHQGHN)

6. Tôi cũng đã từng là sinh viên trường luật. Đã cố gắng học và cuối cùng cũng có bằng khá. Nên tôi không có ý chê các bạn học khá, học giỏi. Để đạt được điều đó là rất cực khổ rồi, viết để động viên các bạn cố gắng hơn cho những tiêu chí bổ trợ và mong rằng các bạn chịu khó học hỏi thêm, để có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế khó khăn hiện nay. Chỉ trên tinh thần vậy thôi.

Nữ luật sư

7. Nhắn gửi: đây là ý kiến của cá nhân, sau nhiều năm làm tuyển dụng pháp lý, hướng dẫn thực tập, huấn luyện kỹ năng cho sinh viên, bản thân tôi nhận ra những điều như vậy, bạn nào tham khảo được gì thì tham khảo, không được thì đọc chơi cho vui, mong không công kích.

>>> Xem thêm: Kinh nghiệm trước khi đi xin việc dành cho sinh viên luật

Chia sẻ của Luật sư Lê Văn Dụng / Cựu sinh viên Khoa Luật Dân Sự trường Đại Học Luật TP.HCM

5/5 - (2 bình chọn)

Phản hồi

  1. Rất cám ơn anh vì bài viết thực tế này ạ. Cũng như một lời cảnh tỉnh với sinh viên luật sắp ra trường như em. Nhưng vấn đề về định hướng tương lai em vẫn còn rất mông lung, rằng con đường mình chọn không thực sự phù hợp với bản thân, hay không thực sự “thực tế”. Anh có thể viết bài giúp các bạn như em có thể có cái nhìn thực tế, rõ ràng hơn về việc định hướng nghề nghiệp không ạ?

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền