Tại sao cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá?

Chuyên mụcLuật thuế, Thảo luận pháp luật Thuốc lá

Tóm tắt: Sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam. Trong khi những hệ lụy của sử dụng thuốc lá đang không ngừng gia tăng, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam lại đang ở mức thấp nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực, điều này khiến sức mua thuốc lá đang không ngừng gia tăng. Bài viết này phân tích sự bất cập về thuế và giá thuốc lá, tính cấp thiết của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam.

Abstract: Tobacco utization is causing a severe and serious burden of economics and diseases for Vietnam. While harmful effects by tobacco utization are constantly on an uptrend, the imposible taxes and tobacco prices in Vietnam are at the lowest level in comparison to those in a number of countries in the world and in the region, which leads to the cigarettes purchase is increasing. This article provides analyisis of the inadequacies of tobacco taxation and prices in Viet Nam and the urgency of increase of excise taxes imposed on tobacco in Vietnam.

1. Tiêu dùng thuốc lá cao, tín hiệu báo động về sức khỏe cộng đồng

Theo điều tra toàn cầu năm 2015 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) mặc dù tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm nhưng với 15,6 triệu người hút thuốc, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc cao nhất; trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%; bên cạnh đó, có 28,5 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nhà và 5,9 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc[1].

Tại Việt Nam, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra; con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả (mà chính sách thuế và giá đóng góp 60% gảm tiêu dùng thuốc lá trong tổng số các giải pháp)[2]. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá gây ra tử vong hàng đầu ở Việt Nam là đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi[3].

Vấn đề đáng lo ngại nữa là phần lớn những người hút thuốc lá Việt Nam bắt đầu hút thuốc từ khi còn rất trẻ. Năm 2015, theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, có tới 56% người Việt Nam hút thuốc bắt đầu hút thuốc trước tuổi 20. Năm 2014, theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên, có tới 17,9 % nam thanh thiếu niên và 5,4% nữ thanh thiếu niên ở Việt Nam trong lứa tuổi từ 13 -15 đã từng sử dụng thuốc lá, trong đó 17% hút thuốc trước tuổi lên 10[4].  Hệ lụy hút thuốc lá ở người trẻ tuổi là khả năng nghiện thuốc khi trưởng thành cao hơn và tác hại đối với sức khỏe sinh sản và sức khỏe của các thế hệ sau cũng lớn hơn.

2. Sử dụng thuốc lá gây gánh nặng về kinh tế cho hộ gia đình và quốc gia

Hút thuốc lá gây ra bệnh tật và tử vong sớm, vì thế tạo ra gánh nặng về chi phí y tế đối với gia đình và xã hội. Chi phí y tế do tác hại của việc hút thuốc lá là tất cả các khoản chi tiêu hay thu nhập bị mất đi vì bệnh tật do thuốc lá gây ra. Các khoản chi phí này bao gồm: chi phí trực tiếp cho điều trị bệnh (viện phí, chi phí mua thuốc, máu…), chi phí trực tiếp không cho điều trị bệnh (chi phí đi lại, thuê người chăm sóc, ở trọ…) và chi phí gián tiếp (thu nhập bị mất đi do giảm năng suất lao động vì nghỉ sớm và tử vong sớm, do việc chăm sóc người thân bị bệnh). Cho đến nay, nhiều quốc gia đã tổ chức nghiên cứu về mức độ bệnh tật và ước tính chi phí y tế do tác hại của việc hút thuốc đối với gia đình, đối với hệ thống y tế nói riêng và xã hội nói chung để từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách kiểm soát thuốc lá cũng như các chính sách chăm sóc sức khỏe quốc gia. Các nghiên cứu đều có chung kết luận là: hút thuốc lá tạo ra một gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội do tác hại của việc hút thuốc gây ra. Tổng chi phí y tế do tác hại của việc hút thuốc chiếm từ 6% đến 15% tổng chi phí y tế tại các nước phát triển và ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, tỷ lệ này là 3,1%[5].

Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y tế công cộng và HealthBridge Canada tại Việt Nam, tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim do hút thuốc lá gây ra là hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm 0,97% tổng GDP của cả nước vào năm 2011, chi phí y tế trực tiếp cho khám và điều trị nội trú và ngoại trú là hơn 12.464 tỷ đồng, chi phí do tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá là 9.563 tỷ đồng và tổn thất do mất khả năng lao động vì bệnh tật liên quan đến thuốc lá là 2.653 tỷ đồng[6].

Gánh nặng của khoản chi phí điều trị nội trú được chia cho ba bên: nhà nước, cơ quan bảo hiểm và gia đình người bệnh. Chi phí của nhà nước và các cơ quan bảo hiểm chiếm 46% – 67% tổng chi phí tùy theo từng nhóm bệnh. Tính trung bình ngân sách nhà nước trả 40% chi phí điều trị nội trú, gia đình trả 40,8% và 19,2% chi phí điều trị nội trú là từ bảo hiểm y tế.7

Năm 2015, tổng số tiền nngười dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31 nghìn tỉ đồng (GATS 2015)[7]. Số tiền này tương ứng với 2,4 triệu tấn gạo (năm 2015), đủ nuôi sống 14,3 triệu người trong một năm.

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia (khoảng 16.000 tỷ đồng năm 2015), nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.

Đáng lo ngại là có một tỷ lệ đáng kể người nghèo hút thuốc và người nghèo có xu hướng hút thuốc nhiều hơn người giàu. Theo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2006, tỷ lệ hút thuốc ở nhóm thu nhập thấp nhất là 54,8% cao hơn so với mức của nhóm thu nhập cao nhất (43,5%). Hệ lụy của việc sử dụng thuốc lá ở người nghèo là làm gia tăng đói nghèo vì:

+ Thứ nhất, sử dụng thuốc lá lấy đi một phần ngân sách hộ gia đình mà lẽ ra đã có thể dùng cho những tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giáo dục, mua sắm tư liệu sản xuất, là những điều kiện cần thiết giúp họ giảm nghèo.

+ Thứ hai, người nghèo sử dụng thuốc lá cũng dễ mắc bệnh hơn do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hạn chế. Khi mắc bênh, do áp lực kinh tế, họ thường có xu hướng bỏ qua những dấu hiệu sớm của bệnh và chỉ quan tâm khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Việc điều trị các bệnh như ung thư, tim mạch ở giai đoạn muộn thường có kết quả rất hạn chế, vô cùng tốn kém, và thường vượt quá khả năng kinh tế của phần lớn các bệnh nhân nghèo.

+ Thứ ba, sự suy giảm khả năng lao động, sự thiếu vắng lực lượng lao động chính do ốm đau và/hoặc mất sớm khiến cho thu nhập của các hộ gia đình này ngày càng suy giảm, gánh nặng cơm áo rơi vào phụ nữ và trẻ em. Những đứa trẻ trong những gia đình này sẽ phải bỏ học để để bắt đầu lao động kiếm sống từ rất sớm và có một vòng xoay nghèo đói mới lại bắt đầu.

3. Sự bất cập về thuế và giá thuốc lá

Theo luật thuế hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của thuốc lá bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là “tỷ lệ trong giá bán lẻ”, thì tỷ lệ thuế Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6% giá bán lẻ. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%) và so với đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Philippines 63%, Brunei 61,7%).

Nguồn: WHO Global Tobacco Control Report 2017

Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2017, giá trung bình một bao Malboro 20 điếu ở Việt Nam chỉ khoảng 1,1 USD, chỉ cao hơn một chút so với Campuchia (~ 1 USD) và thấp hơn so với tất cả các nước còn lại trong khu vực ASEAN.

 Biểu đồ 3: Giá một bao thuốc lá nhãn phổ biến nhất, tính theo đô la quốc tế Việt Nam so với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương 2014

Nguồn: WHO. Báo cáo Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu 2015

Trong khi xu hướng sử dụng thuốc lá và những hệ lụy của nó đang không ngừng gia tăng thì giá thực của thuốc lá lại đang có xu hưởng giảm đi.

Mặc dù giá bán lẻ của thuốc lá có tăng theo thời gian nhưng thu nhập của người dân đang gia tăng nhanh hơn. Nếu lấy mốc là năm 2005 thì trong giai đoạn 2015 – 2016, trong khi thu nhập theo đầu người tăng gấp 4,7 lần thì giá thuốc lá chỉ tăng 2,2 lần (số liệu của Tổng cục Thống kê và Báo cáo của WHO).

Phân tích sức mua thuốc lá bằng chỉ số “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người”, hay nói cách khác là tỷ lệ phần trăm thu nhập cần thiết để mua được 100 bao thuốc lá (20 điếu) cho thấy, nếu như năm 2005 người dân phải bỏ 9% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá Vinataba,  nhưng đến năm 2016 người dân chỉ còn phải bỏ ra 4,3% thu nhập là có thể mua được 100 bao thuốc lá Vinataba. Điều này cho thấy giá thuốc lá đang rẻ đi so với thu nhập trong khi sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn đang trên đà gia tăng.

 Biểu đồ 4: Giá bán lẻ thuốc lá và thu nhập đầu người tại Việt Nam 2005-2016

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Thống kê và các Báo cáo toàn cầu của WHO về kiểm soát thuốc lá

4. Tăng thuế thuốc lá: Biện pháp hiệu quả nhất giảm tiêu dùng và tăng thu ngân sách.

Do những tác hại khôn lường của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe con người, các quốc gia trong đó có Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong số các biện pháp này, tăng thuế đối với thuốc lá là biện pháp hiệu quả giúp  giảm tiêu dùng thuốc lá và  mang lại nhiều lợi ích khác không chỉ cho người hút, cho gia đình họ mà còn cho toàn xã hội. Tăng thuế thuốc lá có hai lợi ích cơ bản:: (1) làm giảm sử dụng thuốc lá, giảm chi phí khám chữa bênh do sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật, tử vong và gánh nặng kinh tế do việc sử dụng thuốc lá; (2) tăng thu cho ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, tăng thuế được gọi là biện pháp có lợi đôi đường: lợi cho sức khỏe người dân và lợi cho Nhà nước.

Tăng thuế làm giảm tiêu dùng thuốc lá, ngăn ngừa thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc

Bằng chứng từ các nước cho thấy, việc tăng thuế và giá thuốc lá có tác động mạnh đến giảm nhu cầu. Thuế cao hơn sẽ được chuyển hóa vào giá và làm tăng giá thuốc lá. Người tiêu dùng phản ứng với sự tăng giá bằng cách bỏ thuốc, hoặc giảm số lượng điếu hút. Đối với một bộ phận dân cư, giá thuốc cao hơn sẽ giúp họ không bắt đầu hút thuốc. Theo Ngân hàng Thế giới (năm 2003), trung bình giá một bao thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá 4% tại các nước có thu nhập cao và 8% tại các nước nước có thu nhập trung bình và thấp. Tại Việt Nam theo ước tính, giá thuốc tăng 10% sẽ làm giảm tiêu dùng thuốc lá 5%[8].

Biện pháp tăng thuế rất có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên. Theo ước tính, khi giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc nhiều hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so vói nhóm trưởng thành)[9].

Một số liệu điều tra ở Mỹ cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm học sinh lớp 12 giảm tương ứng với mức tăng giá thuốc lá qua các năm (Hình 4).

Hình 4: Xu hướng giá thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc ở học sinh lớp 12, Hoa Kỳ, 1991-2014

Nguồn: United states National Caner Institute & WHO. 2016

Tăng thuế thuốc lá làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước:

Số thu từ thuế thuốc lá đối với ngân sách nhà nước phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là tỷ lệ thuế/mức thuế suất và mức độ co giãn của cầu theo giá thuốc lá. Nếu mức thuế suất càng cao sẽ làm giá thuốc lá tăng và số thu thuế trên mỗi bao tăng. Bên cạnh đó, tăng thuế sẽ có tác động làm tăng giá bán lẻ và giảm lượng tiêu dùng thuốc lá, nên thay đổi trong số thu ngân sách sẽ bằng tỷ lệ tăng của thuế và giá trừ đi tỷ lệ giảm của sản lượng.

Việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi, tuy nhiên doanh thu thuế vẫn tăng vì lý do sau:

– Thuốc lá là loại hàng hoá có tính gây nghiện nên tốc độ giảm tiêu dùng sẽ chậm hơn so với tốc độ tăng giá.

– Do sự gia tăng dân số nên ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc giảm vẫn luôn có một số người mới gia nhập thị trường và tổng số người hút sẽ giảm nhưng rất chậm.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2010, do dân số tăng, nên ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc giảm vẫn luôn có một số người mới gia nhập thị trường, do đó, tổng số người hút giảm nhưng rất chậm. Khi tăng thuế, đã làm tăng giá thuốc lá mạnh hơn, giá thuốc lá bán đến tay người dùng tăng khoảng hơn gấp đôi. Kết quả, doanh thu thuế thuốc lá của Chính phủ tăng khoảng hơn 40% từ 11 tỷ TL năm 2009 lên thành 15,9 tỷ TL năm 2011. Trong khi tiêu dùng thuốc lá giảm đáng kể, từ 5,3 tỷ bao năm 2009 xuống còn 4,5 tỷ bao năm 2011[10].

Ở Nam Phi, trong giai đoạn 1991-2012 thuế thuốc lá (sau khi đã trừ lạm phát) đã tăng từ mức 2 Rands (1USD = 12,7 Rands) lên mức 10 Rands mỗi bao. Kết quả là thu thuế thuốc lá đã tăng từ 3 tỷ Rands lên gần 12 tỷ Rands trong cùng giai đoạn[11].

Ở Thái Lan, từ năm 1993-2015, thuế thuốc lá đã tăng từ 55% lên 87% giá bán buôn đã có thuế (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên thành 670% giá xuất xưởng như cách tính thuế của Việt Nam). Kết quả, thu ngân sách từ thuế thuốc lá tăng gấp 4 lần (từ 500 triệu USD năm 1993 lên 2,1 tỷ USD năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,9% (năm 2015), trong khi sản lượng thuốc lá không thay đổi nhiều, dao động quanh con số 2 tỷ bao mỗi năm[12].

Tại Việt Nam, năm 2008 (sau khi áp dụng mức thuế mới 65% – tăng 10% so với mức thuế 55% năm 2007), doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007 (từ 6.500 tỷ VND lên 7.500 tỷ VND) mặc dù tiêu dùng trong năm 2008 giảm khoảng 3% so với 2007. Tuy nhiên việc tăng thuế chỉ trong một năm duy nhất không có nhiều tác dụng, vì các năm sau đó thuế không tăng nên tiêu dùng lại tiếp tục trở lại xu hướng tăng như trước đó. Năm 2016 (sau khi áp dụng mức thuế mới 70% – tăng 5% so với mức thuế 65% năm 2015), thu thuế thuốc lá năm 2016 ước tính tăng khoảng 4% so với năm 2015. Do mức tăng thuế nhỏ nên tác động tới tiêu dùng hầu như không đáng kể[13].

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của chính phủ thêm 7%. Theo tổ chức Y tế thế giới, chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ đô la Mỹ từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 USD mỗi bao[14]. Ở các quốc gia nơi mà tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thấp như ở Việt Nam, tăng thuế thuốc lá thường không dẫn tới một mức tăng lớn trong giá bán thuốc lá hay mức giảm mạnh đối với tiêu dùng, nhưng lại sẽ làm tăng doanh thu từ thuế thuốc lá ở mức rất đáng kể cho quốc gia đó./.

Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám dốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá; TS. Phạm Thị Duyên Thảo – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17/2018.


[1] Bộ Y tế, Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành ở Việt Nam, 2015.

[2] Lyvy DT, Bales S, Lam NT, Nikolayev L. The role of public policies in reducing smoking and deaths caused by smoking in Vietnam: results from the Vietnam tobacco policy simulation model. Soc Sci Med. 2006; 62(7):1819-1830. 10.1016/j.socscimed.2005.08.043.

[3] Bui N Linh, Nguyen TT Nhung, Tran K Long, Vos Theo, Norman Rosana, Nguyen T Huong. Risk factors of burden of disease: a comparative assessment study for evidence-based health policy making in Vietnam. The Lancet.381:S23. 10.1016/S0140-6736(13)61277-5.

[4] Bộ Y tế, Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên ở Việt Nam, 2014.

[5] Phạm Hoàng Anh, Lê Thị Thu. Gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế của các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 20 (276) 10/2015.

[6] Hoang Anh PT, Thu T Le, Ross H, Quynh Anh N, Linh BN, Minh NT. Direct and indirect costs of smoking in Vietnam.Tob Control. 2016;25(1):96-100. 10.1136/tobaccocontrol-2014-051821.

[7] Bộ Y tế, Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành ở Việt Nam, 2015.

[8] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam, 2018

[9] World Bank. Curbing The Tobacco Epidemic: Governments and the Economics of Tobacco Control.Washington DC: World Bank; 1999.

[10] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, tlđd, 2018.

[11] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, tlđd, 2018.

[12] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, tlđd, 2018.

[13] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, tlđd, 2018.

[14] World Health Organization. World No Tobacco Day 2017 brochure: “Tobacco threatens us all: protect health, reduce poverty and promote development”. 2017.

đánh giá bài viết

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền