Sự cần thiết luật hóa chế định ly thân trong Luật Hôn nhân và Gia đình

Chuyên mụcLuật hôn nhân và gia đình, Thảo luận pháp luật Luật Hôn nhân và gia đình

Khi xã hội ngày càng phát triển thì kéo theo đó là những hệ lụy với những mối quan hệ vô cùng phức tạp, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi gia đình, do không hài hòa được cuộc sống vợ chồng, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly thân để giải quyết mâu thuẫn. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình nước ta (Luật HN&GĐ năm 2014) vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân.

Đặt vấn đề

Khi xã hội ngày càng phát triển thì kéo theo đó là những hệ lụy với những mối quan hệ vô cùng phức tạp, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi gia đình, do không hài hòa được cuộc sống vợ chồng, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly thân để giải quyết mâu thuẫn. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình nước ta (Luật HN&GĐ năm 2014) vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân.
Thực tế, ly thân không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên những hậu quả phát sinh từ ly thân lại chưa được pháp luật điều chỉnh toàn diện. Đã không ít lần, Dự thảo Luật HN&GĐ sửa đổi đã từng đề xuất luật hóa chế định ly thân nhưng cơ quan Lập pháp của nước ta vẫn còn e ngại, chưa chủ động để nhìn thẳng vào sự vận động thực tế của xã hội về ly thân, chưa đánh giá đúng tác động của sự thiếu hụt chế định ly thân để ghi nhận nội dung này một cách chính thức. Tại mục 1 của Thông báo số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sơ kết chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã kết luận một trong những tồn tại của gia đình xuất hiện ngày càng nhiều và chậm được khắc phục là ly thân.

Trong khi đó, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới lại quy định “ly thân là quyền của vợ, chồng lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, tạo căn cứ pháp lý cho các quan hệ tài sản, nhân thân, con cái trong giai đoạn quan hệ hôn nhân nhạy cảm này; tức là họ công nhận quyền ly thân của vợ, chồng. Chế định ly thân được xem là một chế định bắt kịp với thực tế cuộc sống hôn nhân vợ chồng đồng thời thể hiện được tinh thần luật hóa đạo đức khi quy định nghĩa vụ cưu mang lẫn nhau về vật chất bằng tài sản riêng và chăm sóc về tinh thần cho bên có bệnh nặng, khó khăn trong thời kỳ ly thân.

Theo thống kê của ngành Tòa án, ở nước ta hiện nay có tới hơn 90% các cặp ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân, có cặp vợ chồng ly thân đến 10 năm mới chính thức gửi đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn. Thực tế, việc sống ly thân giữa vợ chồng vẫn thường xảy ra mà không được pháp luật điều chỉnh rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của hai bên nên dễ gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho cả hai người và xã hội. Các vấn đề đặt ra như nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung trong thời gian ly thân, căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng phát sinh trong thời gian ly thân, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với các loại tài sản tương ứng.

Thực tế, ly thân là giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn khi họ chưa muốn ly hôn và vì vậy Luật HN&GĐ không thể né tránh mà cần quy định rõ ràng. Chẳng hạn như với những người theo đạo Công giáo, ly thân là giải pháp hữu ích cho họ, theo giáo lý họ không được phép ly hôn. Bên cạnh đó, ly hôn còn là biện pháp giúp các bên vợ chồng tránh được tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho các bên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ly hôn. Quy định về ly hôn còn giúp minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình.

Đồng thời, để bảo đảm tự do định đoạt trong quan hệ vợ chồng khi thực hiện các giao dịch dân sự, theo kịp với sự vận động khách quan từ thực tế cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng, đồng thời góp phần công khai, minh bạch về tình trạng hôn nhân, hòa nhập với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới thì việc quy định chế định ly thân trong Luật HN&GĐ là điều rất cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về tầm quan trọng của chế định ly thân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly thân, từ đó đưa ra những kiến nghị (giải pháp) để các cơ quan lập pháp nên nghiên cứu đưa vào điều chỉnh ở trong luật.

1. Những vấn đề lý luận chung về chế định ly thân

1.1. Khái niệm ly thân

Ngay tại khoản 10, Điều 8 Dự thảo Luật HN & GĐ năm 2000 đã nêu rằng: “Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng”. Tuy nhiên, khái niệm này so với pháp luật của các quốc gia như Anh, Pháp là chưa đề cập đến nghĩa vụ chung thủy, giúp đỡ, tương trợ nhau ngay cả khi trong thời kỳ ly thân. Theo quan điểm của tác giả Phan Thị Vân Hương – Trần Minh Tuấn, Tòa Dân sự – TANDTC cho rằng “việc không cùng chung sống của vợ chồng không nên quan niệm là tình trạng pháp lý trong khái niệm ly thân. Ngoài ra, hai tác giả cho rằng với quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho phép người bị bạo lực có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc cũng như có biện pháp xử lý đối với người có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, và có thể bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế nếu mâu thuẫn vợ chồng xảy ra nên chế định ly thân chưa thật sự cần thiết khi có mâu thuẫn vợ chồng. Nếu ghi nhận ly thân thì không nên quy định một bên có quyền xin ly thân, chỉ nên quy định nếu vợ chồng cùng có yêu cầu công nhận thỏa thuận ly thân thì giải quyết.

Nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình với quan điểm trên vì đó là sự thiếu sót của pháp luật, đó là: (1) sống chung không nên hiểu là một nghĩa vụ pháp lý. Theo khoản 2 Điều 15 Luật cư trú quy định vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận. Như vậy, ngay cả khi chưa ly thân thì vợ, chồng vẫn có quyền không cùng nơi cư trú, hoặc không cùng hộ khẩu với nhau, vấn đề này do hai vợ chồng tự thỏa thuận; (2) không phải mọi trường hợp ly thân đều xuất phát từ hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở nên áp dụng Luật Phòng chống bạo lực gia đình không giải quyết được tận gốc của vấn đề; (3) việc quy định chỉ được ly thân khi đạt được sự thoả thuận của cả hai vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của một bên vợ hoặc chồng nếu bên còn lại không đồng ý ly thân nhằm trốn tránh xác định trách nhiệm với con chung hoặc nhằm trục lợi từ khối tài sản chung để cầm cố, thế chấp.

Đối với pháp luật của một số nước như pháp luật của Cộng hòa pháp, chế định ly thân (Séparation de Corps) được quy định tại Điều 296 BLDS Cộng hoà Pháp. Ly thân được hiểu là sự giảm độ gắn kết quan hệ vợ chồng, theo đó, hệ quả quan trọng nhất là sự hủy bỏ nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng, trong khi những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ tương trợ giúp đỡ nhau vẫn phải được duy trì giữa hai vợ chồng. Việc ly thân theo quy định của pháp luật Pháp, do tòa án ra quyết định trên cơ sở những căn cứ và điều kiện giống như căn cứ và điều kiện ly hôn (vợ chồng ly thân, vợ chồng thống nhất chấm dứt hôn nhân, vợ chồng ly thân do lỗi của một bên hoặc ly thân do cuộc sống chung đã hoàn toàn chấm dứt). Đây là một khái niệm tiến bộ ở chỗ đã thể hiện được yếu tố nhân văn bằng nghĩa vụ chăm sóc về vật chất và tinh thần trong một số điều kiện cụ thể đối với quan hệ vợ chồng thời kỳ ly thân. Tuy nhiên, việc ly hôn chỉ được thừa nhận hợp pháp trên cơ sở quyết định của Toà án, làm thủ tục tố tụng trong ly thân trở nên rườm rà hơn so với một số quốc gia cho phép hai bên tự thoả thuận thông qua văn bản tự chứng thư; Còn theo Theo pháp luật Vương quốc Anh thì ly thân (Separation) được hiểu là đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung, chỉ còn để lại nghĩa vụ trung thành và không thể thiết lập cuộc hôn nhân mới. Ly thân có thể là ly thân tư pháp (judicial separation) hay ly thân thuận ý (voluntary separation) được thực hiện bởi chứng thư ly thân (separation deed). Khái niệm này gần giống tinh thần với pháp luật Cộng hoà Pháp, tuy nhiên, thủ tục mở rộng chấp nhận sự thuận ý hai bên chứng minh bởi chứng thư ly thân.

Như vậy, có có nhiều khái niệm về ly thân với các cách tiếp cận khác nhau phù hợp với đời sống thực tiễn và đặc thù của mỗi quốc gia. Từ những cách hiểu kể trên, tác giả cho rằng: “Ly thân là tình trạng hai bên vợ chồng vẫn chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân và có nghĩa vụ đối với con chung, tài sản chung và những nghĩa vụ khác trong quan hệ hôn nhân, nhưng không còn nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.

1.2. Đặc điểm của ly thân

Chế định ly thân có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đa số các nước có quy định về ly thân đều ghi nhận ly thân là quyền của vợ chồng nhằm giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân. Tuy nhiên cũng có rất ít nước như Ailen, Philippines…do không thừa nhận ly hôn, đã quy định ly thân như là giải pháp pháp lý bắt buộc khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn tới không thể sống chung.

Thứ hai, đa số các nước cũng quy định căn cứ ly thân được quy định tương tự như căn cứ ly hôn. Căn cứ ly hôn dựa trên quyết định, xem xét của cơ quan có thẩm quyền khi xét thấy tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tương tự, vợ chồng ly thân khi đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được như: hai bên không còn thương yêu, quý trọng nhau, có quan hệ ngoại tình, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau nên họ quyết định ly thân như giải pháp hoà giải tạm thời.

Thứ ba, về thủ tục ly thân. Pháp luật của một số nước như pháp luật của Anh quy định ly thân là sự đồng thuận mang tính cá nhân, riêng tư giữa hai bên vợ, chồng, do đó thủ tục ly thân cũng không cần tuân theo một trình tự, thủ tục quá chặt chẽ mà chủ yếu dựa trên một văn bản thỏa thuận về ly thân, hay chứng nhận ly thân giữa hai vợ chồng để qua đó có thể dễ dàng xác định thời điểm bắt đầu ly thân và tạo điều kiện để giải quyết hậu quả của ly thân (trong trường hợp sau này hai bên muốn dẫn tới ly hôn). Chứng nhận ly thân là văn bản riêng tư mang tính cá nhân, không cần phải nộp cho bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Chứng nhận này có thể được hủy bỏ tại bất kỳ thời điểm nào theo sự đồng thuận của hai bên. Hoặc, pháp luật của một số nước hoặc vùng lãnh thổ (Cộng hòa Pháp, Bang California của Hoa Kỳ, Philippines…) quy định ly thân phải theo thủ tục tố tụng thực hiện tại Tòa án, việc ly thân chỉ có hiệu lực khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án.

Thứ tư, về hậu quả pháp lý của ly thân. Việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật, vợ chồng có quyền thỏa thuận về những hậu quả của ly thân (tình trạng sống tách biệt; quyền, nghĩa vụ về tài sản; quyền, nghĩa vụ đối với con; vấn đề cấp dưỡng cho nhau…) Tuy nhiên, có thể hai bên vẫn có trách nhiệm với nhau một số nghĩa vụ khác như: vẫn có nghĩa vụ trợ giúp lẫn nhau khi ly thân (BLDS Pháp), nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dạy và chăm sóc con chung, nghĩa vụ chung thủy giữa vợ chồng. Nói cách khác, trong giai đoạn ly thân vợ hoặc chồng không có quyền kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác vì họ vẫn là người đang có vợ/có chồng.

1.3. Ý nghĩa của ly thân

Chế định ly thân ra đời nhằm thực hiện ba mục đích chính đó là: giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng, tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh về nhân thân, tài sản và con trong khi hôn nhân của họ chưa chấm dứt và đảm bảo sự minh bạch, công khai trong các giao dịch dân sự. Vì vậy, ly thân có ý nghĩa sau:
Thứ nhất, ly thân được coi là một phương thức giúp vợ chồng có thêm thời gian nhìn nhận lại mối quan hệ hôn nhân, giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ chồng, để cho các bên có thời gian suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân, hướng tới sự hòa hợp, đoàn tụ. Khác với ly hôn, ly thân là giai đoạn “quá độ”, giúp vợ chồng có thời gian suy nghĩ để chọn đúng hướng giải quyết cuộc hôn nhân đang rạn nứt. Tuy nhiên, ly thân chỉ là giải pháp hữu hiệu với những ai có thiện chí hàn gắn đổ vỡ, vun đắp gia đình, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và tha thứ lỗi của người vợ, chồng. Có thể thấy đây là phương thức giúp vợ chồng bảo vệ quyền của mình. Tức là nếu vợ chồng cảm thấy cuộc sống hôn nhân không như ý… nên cần có thời gian sống riêng để suy nghĩ có nên ly hôn hay không thì họ có quyền ly thân. Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định ly thân với tư cách là một quyền mới trong hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, chế định ly thân là làm đơn giản hoá thủ tục ly hôn về sau: nếu sau thời gian ly thân mà cặp vợ chồng vẫn quyết định ly hôn thì cần xem bản công chứng về ly thân hay quyết định ly thân của Toà án như một bằng chứng về nỗ lực cố gắng hàn gắn của hai bên nhưng không thành. Khi đã có chứng cứ này thì tòa án không nên tiến hành thêm bước hòa giải nữa. Việc quy định về ly thân theo hướng trên, ngoài tác dụng bảo đảm giá trị pháp lý, giúp đơn giản hóa thủ tục ly hôn.

Thứ ba, việc ly thân cũng làm thuận tiện việc hai bên muốn xác lập lại tình trạng sống chung. Bởi khi ly hôn, có thể sau một thời gian các cặp vợ chồng lại thấy vẫn còn tình cảm với nhau, hoặc vì thương con cái mà muốn kết hôn lại. Lúc đó, họ phải làm lại từ đầu. Còn với chế định ly thân, khi suy nghĩ của hai người thực sự chín chắn, vẫn muốn tiếp tục đời sống hôn nhân thì vẫn về sống với nhau một cách dễ dàng.

2. Thực trạng, nguyên nhân vấn đề ly thân ở nước ta hiện nay

Ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó một người hay cả hai không còn muốn sống chung với nhau. Trên pháp lý họ vẫn là vợ chồng cho tới khi được xử ly hôn, và họ không cần ra tòa để được sống ly thân. Theo thống kê thì tỷ lệ ly hôn của các gia đình tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các gia đình trẻ ở các thành phố lớn. Ví dụ, tại thành phố HCM hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 35 tuổi chiếm tỉ lệ 30% và năm sau luôn có xu hướng tăng hơn năm trước. Trong thực tế, trước khi ly hôn các cặp vợ chồng thường có quãng thời gian sống ly thân với nhau và có thể hiện vẫn đang sống ly thân nhưng chưa ly hôn. Suy ra, tỷ lệ ly thân chiếm một con số không hề nhỏ trong đời sống của các cặp vợ chồng. Vậy nên dù muốn hay không thì vẫn phải thừa nhận ly thân là một hiện tượng xã hội đã đang và sẽ tiếp tục tồn tại.

Thực tế có khá nhiều nguyên do mà nhiều cặp vợ chồng tuy xác định mâu thuẫn không thể hàn gắn, nhưng vẫn không ly hôn mà chọn cách ly thân như ngại mang điều tiếng bị vợ bỏ, chồng bỏ, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín gia đình, ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng tâm lý con cái, khó khăn trong chia tài sản chung; Có nhiều trường hợp, biết không thể cứu vãn quan hệ hôn nhân, nhưng khi biết người kia có hạnh phúc mới thì có tâm lý “trả thù”. Những người này viện cớ, luật đâu có quy định vợ chồng bắt buộc phải “ở cùng nhà, ăn cùng mâm”, nên khi ra Tòa, vẫn cho rằng tuy vợ chồng không sống cùng một nơi, nhưng quan hệ hôn nhân của họ vẫn đang bình thường, mâu thuẫn chưa trầm trọng, không đồng ý ly hôn để ngăn cản người kia có cơ hội kết hôn với người khác, dẫu thực tế, quan hệ hôn nhân giữa những cặp vợ chồng này chỉ là “cái vỏ”, tồn tại trên danh nghĩa pháp lý, còn cả về tình cảm, lẫn tài sản đều đã rạch ròi.

Vì ly thân diễn ra nhiều, nên khi xét xử, nhiều thẩm phán vẫn xem xét đến tình trạng ly thân như là một trong những cơ sở cho thấy mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, không thể hàn gắn để cho ly hôn. Nhưng vì không được luật quy định nên ngay cả việc xác định một cặp vợ chồng nào đó trong tình trạng ly thân hay không cũng không dễ dàng. Trong khi đó, ly thân (được hiểu là vợ chồng không cùng chung sống, không có quan hệ tình cảm, không thiết lập khối tài sản chung… với nhau) lại nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Thực tế, không ít chị em phụ nữ khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra đã bế con bỏ đi, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà chồng, đã chịu thiệt thòi lớn khi phải tự mình vất vả kiếm tiền nuôi dưỡng con cái mà người chồng không hề có trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian dài. Có những bà vợ cũng muốn đòi tiền khi chồng trốn tránh trách nhiệm nuôi con, nhưng khi họ nhờ cơ quan, đoàn thể, ngay cả luật sư để tư vấn trong những trường hợp này thì các luật sư cũng khó xử, bởi luật đâu có quy định trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian ly thân?

Trong thời gian ly thân, nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc cố tình vay mượn để bắt người kia phải chung trách nhiệm “vợ chồng” trả nợ… Đặc biệt, con cái là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều vì ly thân vẫn đang là thời kỳ hôn nhân, song do không cùng chung sống, nên ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con cái cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Không ít đứa trẻ vì bố mẹ mâu thuẫn mà bị “đá bóng” trách nhiệm, lơ là việc nuôi dưỡng, dẫn đến buồn chán, bỏ bê học hành, sa vào tệ nạn xã hội, hoặc phạm pháp; Cũng trong giai đoạn hôn nhân không bền chặt này, vấn đề “cơ hội” cho “người thứ ba” cũng nhiều chuyện đáng bàn. Rất nhiều trường hợp, mâu thuẫn vợ chồng bắt nguồn từ việc một bên có quan hệ tình cảm với người khác, khi vợ chồng ly thân, thì người này chuyển đến ở cùng người mới. Tranh chấp tài sản, tranh chấp “quyền chính chủ” với vợ/chồng cũng từ đó mà thêm rắc rối vì người vợ/chồng lúc này lại cùng ăn ở, cùng xác lập khối tài sản chung với người thứ ba. Đặc biệt khi người chồng/vợ góp vốn làm ăn với người thứ ba nhưng sau đó thua lỗ, nợ nần, dẫn đến người vợ/chồng hợp pháp bị buộc trách nhiệm cùng trả nợ vì giữa vợ chồng chưa có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân…

3. Nên luật hóa chế định ly thân

Các nhà làm luật đều thừa nhận một thực tế rằng ly thân là một hiện tượng xã hội đang tồn tại trong nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên có nên luật hóa hiện tượng này hay không thì có những quan điểm trái chiều. Vấn đề này đã từng được đem ra thảo luận trong quá trình dự thảo Luật hôn nhân gia đình năm 2000, đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì chế định này vẫn chưa được ghi nhận. Vì vậy, đã có nhiều luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ:

Quan điểm ủng hộ, tiêu biểu cho quan điểm này là của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ông cho rằng: “Ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em’”. Theo Bộ trưởng, trong thực tế, khi cần ly thân, người dân có thể có nguyện vọng lựa chọn ly thân thực tế hoặc ly thân pháp lý, nếu thấy việc ly thân pháp lý mang lại lợi ích cho mình thì họ mong muốn có sự công nhận của Nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về ly thân cho nên nguyện vọng chính đáng đó không thực hiện được.

Quan điểm không ủng hộ, dù ly thân là một hiện tượng xã hội đã tồn tại từ lâu, nhưng với đặc điểm văn hóa Việt Nam, rất ít người muốn công khai tình trạng này. Mặt khác, ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng, vì vậy không cần thiết phải có sự can thiệp của Tòa án và nên coi ly thân là thử thách bình thường của cuộc sống. Hơn nữa, còn có những lo ngại việc lợi dụng ly thân, biến ly thân thành “hôn nhân treo” mà đối tượng chịu thiệt thòi thường là phụ nữ và trẻ em.

Quan điểm khác cho rằng, nếu không luật hóa chế định ly thân sẽ phát sinh nhiều bất cập (tức là ủng hộ chế định ly thân phải được quy định trong luật )vì:

Thứ nhất, không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của các bên khi phát sinh tranh chấp.
Như chúng ta đều biết, ly thân hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của đôi bên và việc thực hiện đúng như những cam kết cũng chỉ xuất phát từ sự tự nguyện đó. Do vậy, khi một trong 2 bên tự ý thay đổi thỏa thuận, gây phương hại đến lợi ích của bên còn lại thì hoàn toàn không có cơ sở để bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại.

Thứ hai, pháp luật hiện hành không giúp giải quyết được triệt để vấn đề.

Quy định pháp luật hiện hành cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38 Luật HN&GĐ năm 2014) và các bên có quyền thỏa thuận về việc không sống chung với nhau (Khoản 2 Điều 19 Luật HN&GĐ năm 2014). Về bản chất đây không phải là những quy định có thể thay thế và giải quyết được về việc ly thân giữa vợ, chồng mà chỉ là những quy định nhằm giúp cho vợ, chồng có sự thuận lợi hơn trong đời sống hôn nhân. Hơn nữa, ly thân về bản chất là chấm dứt đời sống tình cảm chứ không phải chấm dứt về tình trạng tài sản hay không gian sống, nơi sống.

Thứ ba, không có quy định rõ ràng dễ gây xung đột lợi ích giữa những người trong cuộc với quy định của pháp luật.

Khi đã ly thân, vợ hoặc chồng, thông thường sẽ được thoải mái tự do về mặt tình cảm, có thể yêu và sống chung như vợ chồng với người khác, việc này nằm trong thỏa thuận của đôi bên và đôi bên tôn trọng quyền đó của nhau nhưng theo quy định của pháp luật thì hành vi trên lại xem là hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP).

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó hoặc làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

4. Kiến nghị ghi nhận chế định ly thân trong Luật Hôn nhân và Gia đình

Việc ghi nhận chế định ly thân trong Luật HN & GĐ sẽ mang lại những ưu điểm sau:

Thứ nhất, thỏa thuận ly thân sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Khi pháp luật đã có những quy phạm điều chỉnh vấn đề ly thân, nếu các bên thực hiện theo đúng yêu cầu pháp luật quy định thì thỏa thuận ly thân này sẽ được pháp luật bảo vệ. Quyền và lợi ích của các bên sẽ được đảm bảo khi có sự xâm phạm từ phía đối phương do vi phạm thỏa thuận. Theo quan điểm tác giả thì thỏa thuận ly thân này không cần thiết phải do Tòa án công bố thừa nhận mà chỉ cần sự chứng thực xác nhận từ phía UBND cấp xã và có ghi nhận trong giấy tờ hộ tịch là đủ. Khi có tranh chấp phát sinh, UBND cấp xã sẽ là nơi tiến hành thủ tục hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án mới can thiệp. Quy định như vậy một phần sẽ giúp cho các bên phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định có ly thân hay không (hạn chế tình trạng ly thân tràn lan do không có sự can thiệp từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền), mặt khác cũng hạn chế sự phức tạp về thủ tục khi phải nhờ đến Tòa án (trong trường hợp các bên đã thực sự muốn ly thân).

Thứ hai, cơ sở quan trọng để Tòa án chấp nhận việc ly hôn

Hiện nay ly thân trong thực tế không phải là một trong các căn cứ để Tòa án quyết định có đồng ý cho ly hôn hay không. Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố nhằm chứng minh cho mục đích đời sống hôn nhân không đạt được v.v…Thông thường thì việc chứng minh này khá phức tạp (đặc biệt là trong trường hợp đơn phương ly hôn), đó là lý do tại sao các vụ án liên quan đến ly hôn thường phải tiến hành hòa giải rất nhiều lần, tốn thời gian và công sức của đôi bên. Một khi giữa các bên đã có thỏa thuận về ly thân trước đó và đã quyết định tiến tới ly hôn thì Tòa án cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc chứng minh mục đích hôn nhân không đạt được và không cần thiết phải hòa giải nhiều lần vì Tòa đã có được thông tin trong hồ sơ hộ tịch do UBND cấp xã cung cấp.

Thứ ba, hạn chế tình trạng đơn phương ly hôn.

Đơn phương ly hôn khi một bên muốn chấm dứt hôn nhân nhưng bên còn lại thì không. Đơn phương ly hôn thường dẫn đến những tranh chấp về tài sản và con cái, do các bên chưa đạt được sự đồng thuận. Nếu các bên đã ly thân và đã có những thỏa thuận về tài sản chung, con chung trước đó thì khi ly hôn những tranh chấp hầu như sẽ không còn, các bên dễ dàng đạt được sự đồng thuận và khi đó việc của Tòa án chỉ là công nhận sự thuận tình ly hôn của các bên. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng.

Như vậy, hoàn thiện pháp luật HN&GĐ nhằm điều chỉnh toàn diện và cụ thể những vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân tồn tại trong đời sống thực tiễn thể hiện trình độ cao của kỹ thuật lập pháp. Sự hình thành chế định ly thân trong pháp luật một số quốc gia không nằm ngoài điều ấy. Cùng với sự vận động phát triển đa dạng của quan hệ hôn nhân, việc đòi hỏi có sự điều chỉnh bởi pháp luật là cần thiết, bởi nó giúp đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và đồng thời đặt cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn, giúp định hướng quan hệ hôn nhân hình thành đi theo mặt tích cực trong khuôn khổ pháp luật./.

Ths. ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI ( Sở Tư pháp Ninh Bình)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

Tài liệu tham khảo.

1. wikipedia.org https://vi.wikipedia.org/wiki/Ly_th%C3%A2n.
2. Nguồn: https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/bao-dong-tinh-trang-ly-hon-o-cac-gia-dinh-tre-20170801190658797.htm.
3. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hop-phap-hoa-ly-than-cong-khai-139677.html.
4. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hop-phap-hoa-ly-than-cong-khai-139677.html.
5. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ly_th%C3%A2n.
6. Nguồn: https://hocluat.vn/nen-hay-khong-nen-luat-hoa-van-de-ly-than/

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền