Sandbox – cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế – kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Quy phạm pháp luật

m tắt: Dưới góc độ pháp lý, có thể định nghĩa một cách khái quát nhất về Sandbox như sau: Sandbox là tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng (nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới. Theo đó, regulatory sandbox – “khung pháp lý thí điểm” là một cách tiếp cận mới và khá linh hoạt trong kỹ thuật lập pháp, cho phép thử nghiệm trực tiếp, giới hạn thời gian của các đổi mới dưới sự giám sát điều chỉnh. Sandbox cho phép thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào của sự thất bại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống tài chính quốc gia. Hết thời hạn thử nghiệm, nếu doanh nghiệp khởi nghiệp và đi vào hoạt động thành công, thì sẽ phải thoát ra khỏi khung pháp lý Sandbox và hoạt động theo khung pháp luật hiện hành.

 

Abstract: Under legal perspective, Sandbox is defined in the most general manner as follows: The Sandbox is to provide a favorable cyber with its own legal policy framework (outside or beyond the existing legal framework) to proceed pilot experiments of startups and innovations. Accordingly, the regulatory sandbox – “pilot legal framework” is a new and flexible approach in legislative techniques, allowing direct experiment, limiting the time of innovations under regulatory supervision. The Sandbox allows experiment in a real environment with a defined scope and time, along with appropriate protective measures to prevent any consequences of failure without too much impacts on the national financial system. At the end of the experiment, if the startups operates successfully, it will have to break out of the Sandbox and then operate under the applicable legal framework.

 

Đối tượng điều chỉnh của regulatory sandbox thường là các sản phẩm tài chính sáng tạo, sản phẩm ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Những “khung pháp lý thử nghiệm” Sandbox áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ (fintech, blockchain,…) hay doạnh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ) sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho hệ thống tài chính quốc gia.

1. Kinh nghiệm Singapore

Cuối năm 2016, Chính phủ Singapore, với tham vọng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghệ tài chính, đã chính thức cho áp dụng Sandbox – cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế – cho phép các công ty công nghệ trong những lĩnh vực chưa có quy định rõ ràng được phép thử nghiệm các giải pháp của họ trên thị trường, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Ngày 16/11/2016, Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) đã công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính (FinTech Regulatory Sandbox Guidelines) để khuyến khích và cho phép thử nghiệm các giải pháp sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính[1].

MAS công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính hướng tới mục tiêu cụ thể là khuyến khíchnhữngkhởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính có thể được thử nghiệm ở thị trường sau đó được áp dụng tại Singapore và nhiều quốc gia khác. Những thử nghiệm này sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng và với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho “hệ thống tài chính” của Singapore[2]. Tuy nhiên, MAS cũng có thể gia hạn về thời gian để tiến hành thử nghiệm trong khung pháp lý Sandbox.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính muốn tham gia vào khung pháp lý Sandbox phải thỏa mãn những yêu cầu, nguyên tắc được quy định tại mục 5 và 6 Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính (FinTech Regulatory Sandbox Guidelines) của MAS. Theo đó, một trong những tiêu chuẩn của Sandbox là đòi hỏi các dịch vụ tài chính phải có “tính mới”, hoặc công nghệ sử dụng trong dịch vụ đó phải sáng tạo. Đặc biệt, Mục 5.5.a. Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính khẳng định không áp dụng khung pháp lý Sandbox nếu những dịch vụ tài chính đó đã được cung cấp ở Singapore, trừ phi doanh nghiệp chứng minh được sự khác biệt, sự sáng tạo của công nghệ sử dụng/hoặc hỗ trợ dịch vụ so với các dịch vụ tương ứng đã có trên thị trường.

MAS có quyền quyết định các yêu cầu pháp lý và quy định cụ thể nào sẽ được áp dụng trong từng trường hợp tùy thuộc vào dịch vụ tài chính và tư cách pháp lý của người nộp đơn có liên quan. Chẳng hạn, tại phụ lục A của Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính, MAS đã đưa ra những trường hợp có thể được MAS “thay đổi” tiêu chuẩn, bao gồm: Duy trì tài sản kỹ thuật số, số dư tiền mặt, vốn và yêu cầu về độ thanh khoản tài chính, lệ phí cấp phép, kinh nghiệm quản lý… Tuy nhiên, có những yêu cầu là quy định “cứng” mang tính chất bắt buộc, MAS yêu cầu doanh nghiệp tham gia Sandbox phải tuân thủ. Đó là 4 nhóm yêu cầu: bảo mật thông tin khách hàng; các quy định về phòng chống rửa tiền; đảm bảo an toàn cho tiền và tài sản của khách hàng; và tiêu chí về sự phù hợp và tính đúng đắn của “dịch vụ thử nghiệm” đặc biệt là về sự trung thực và liêm chính[3].

Nếu thử nghiệm thành công và thoát ra khỏi khung pháp lý Sandbox, những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của Singapore.

Hiện nay, Singapore chưa có khung pháp lý riêng để điều chỉnh các hoạt động ICO (Initial Coin Offering – Phát hành tiền kỹ thuật số/tiền mã hóa hay còn gọi là “tiền ảo”). Ngày 14/11/2017, MAS tiếp tục công bố Bản hướng dẫn tạm thời về ICOs mang tính chất tham khảo, hướng dẫn và không có giá trị pháp lý[4]. Quan điểm của MAS khi đưa ra bản hướng dẫn này là ICO sẽ được xem xét cho từng trường hợp cụ thể nhằm mục đích xác định việc ICO này có được coi là một hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng hay không. Nếu ICO bao gồm việc cam kết chia cổ tức hay bất cứ lợi ích kinh tế nào thì có thể được coi là một hình thức chào bán chứng khoán và sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật về Chứng khoán và Hợp đồng kỳ hạn của Singapore, trong đó quan trọng nhất là hoạt động chào bán phải đi kèm với một Bản cáo bạch và phải được đăng ký với MAS[5]. Các công ty có quyền nộp đơn đề nghị MAS cho phép áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (Sandbox) đối với các dịch vụ tài chính mới mang tính thử nghiệm sáng tạo, theo đó các công ty này sẽ được giảm bớt các yêu cầu tuân thủ về pháp lý và quản lý trong thời gian thử nghiệm và MAS có quyền cho phép đối với từng trường hợp cụ thể[6]. Các tiêu chí để được hưởng quy chế Sandbox được quy định cụ thể tại Hướng dẫn về khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính (FinTech Regulatory Sandbox Guidelines).

Trong số các doanh nghiệp đăng ký tham gia Sandbox tại Singapore có thể kể đến Công ty ICHX Tech. Theo xu hướng Fintech hiện tại, ICHX Tech là một công ty hạ tầng dựa trên nền tảng blockchain được thành lập bởi công ty đầu tư ICH Group của Singapore. Công ty này xây dựng một sàn giao dịch cho phép người dùng phát hành và mua bán các loại cổ phiếu kỹ thuật số Securities Token Offering (STO), iSTOX, kết nối các tổ chức phát hành chứng khoán với cộng đồng đầu tư[7].

ICHX Tech muốn quản lý các giao dịch mua bán STOs trong một hệ sinh thái được xác thực, minh bạch và hy vọng sẽ hiệu quả hơn, coi STO là một “mô hình xác định về việc gọi vốn trong những thập kỷ tới”. Nền tảng này cũng đang cân nhắc việc tiếp nhận các khoản đầu tư quan trọng từ Sàn giao dịch Singapore (SGX) và Heliconia Capital Management, thuộc sở hữu của Temasek Holdings. Tham gia vào Sandbox dường như là một bước tiến quan trọng để ICHX Tech có cơ hội được MAS cấp phép hoạt động chính thức trên thị trường. ICHX Tech hiện là một trong hai đơn vị tham gia tích cực vào Sandbox của MAS[8].

2. Kinh nghiệm một số quốc gia về xây dựng “khu vực an toàn” (safe-space) cho các khởi nghiệp về tiền mã hóa và blockchain[9]

Nga

Hiện nay, trên thế giới đang xuất hiện trào lưu xây dựng khu vực kinh tế đặc biệt cho Cryptocurrencies và Blockchain. Đáng chú ý trong đó, trong tuần đầu tháng 6/2019, CHLB Nga đã chính thức công bố về kế hoạch xây dựng một trung tâm tài chính lớn trên một hòn đảo tại Viễn Đông, nơi sẽ phục vụ cho các khởi nghiệp về cryptocurrency và một số dịch vụ tài chính khác. Nếu được xây dựng, đây sẽ là một “thiên đường thuế” cho tiền mã hóa/tiền ảo[10]. Ý tưởng xây dựng hòn đảo Bolshoi Ussuriysky ở Nga thành một “thiên đường thuế” cho tiền điện tử, giao dịch crypto và thị trường ngoại hối đã được đề cập tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg khi ông Leonid Petukhov – người đứng đầu Tổ chức Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông đưa ra trong một cuộc phỏng vấn của TASS, một kênh truyền thông tại Nga: “Chúng tôi muốn thiết lập một trung tâm tài chính lớn tại đó. Nói một cách ẩn dụ, nó có thể liên quan tới tiền điện tử, giao dịch cryptocurrency, sàn giao dịch timber – vậy nên nó giống như thiên đường thuế quốc nội, theo hướng tích cực. Như những gì chúng tôi đã làm ở Kaliningrad”[11].

Belarus

Belarus đã đi xa hơn bất kỳ nước cộng hòa hậu Xô viết nào khác và thiết lập phiên bản đầy đủ của Thung lũng Silicon của riêng mình để trở thành một quốc gia công nghệ. Ngày 21/12/2017, chính phủ Belarus ban hành Nghị định về phát triển kinh tế. Nghị định đã hợp pháp hóa hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến blockchain hoặc bất kỳ hoạt động nào khác liên quan đến tiền mã hóa và chuyển chúng đến một trung tâm kinh tế đặc biệt gọi là Khu công nghệ cao (HTP)[12].

Tuy nhiên, giai đoạn mới thử nghiệm, Sandbox này của Belaruss tỏ ra không hiệu quả. Kể từ tháng 03/2018, sau khi Nghị định có hiệu lực, nhìn chung không ai ở Cộng hòa Belarus có mối quan tâm tới giao dịch tiền mã hóa hay doanh nghiệp nào thực hiện ICO. Theo một thành viên của Hội đồng tư vấn của Hiệp hội Blockchain Belarus trả lời phỏng vấn của Cointelegraph vào thời điểm đó cho thấy HTP không có nhu cầu cao[13].

Georgia

Năm 2014, chính phủ Georgia, một nước cộng hòa hậu Xô viết nằm ở khu vực Kavkaz, đã dành ưu đãi cho Bitfury, một hãng khai thác tiền mã hóa lớn hiện có trụ sở tại Hà Lan. Cụ thể, theo báo cáo của New York Times, chính phủ Georgia đã bán 45 mẫu Anh chỉ với 1 đô la cho Bitfury để công ty có thể thiết lập hoạt động tại Georgia. Ngoài ra, một quỹ đầu tư thuộc về một cựu thủ tướng cũng cấp cho startup này khoản vay 10 triệu đô la.

Khi Bitfury đầu tư, Georgia đã tạo ra các khu kinh tế tự do, thành phố, trong đó các hoạt động khai thác điện không phải chịu thuế. Do đó, quốc gia này đã có mức tiêu thụ điện bình quân đầu người tăng nhanh nhất ở tất cả các nước Đông Âu và Trung Á kể từ năm 2009, với 10-15% điện dành riêng cho hoạt động khai thác tiền mã hóa[14].

Thụy Sĩ

Zug – một thị trấn nhỏ của Thụy Sĩ với dân số 30.000 người, là nơi có một trong những trung tâm lâu đời nhất và nổi tiếng của các công ty tiền mã hóa và blockchain, và thường được gọi với cái tên “Thung lũng Crypto”[15]. Con đường để Zug trở thành Thung lũng Crypto bắt đầu vào năm 2016, khi thị trấn này cho phép cư dân trả phí bằng bitcoin. Vào thời điểm đó, Thị trưởng Dolfi Müller của thị trấn Zug khi trả lời phỏng vấn trên hãng tin DW của Đức đã nói: Với Bitcoin, chúng tôi đang gửi một thông điệp: “Zug muốn vươn ra đứng trước công nghệ của tương lai”. Tuy nhiên, động thái này chỉ mang tính tượng trưng vì các khoản thanh toán thậm chí chỉ giới hạn ở mức tương đương 200 franc Thụy Sĩ. Mặc dù vậy, thông điệp này cùng với chính sách thuế hiệu quả cũng đã thu hút sự chú ý của các công ty Fintech khác nhau, từ những công ty đặt trụ sở tại Zug đến các khu vực lân cận. Do đó, tháng 12 năm 2018, Zug được xếp hạng cộng đồng công nghệ phát triển nhanh nhất ở châu Âu, dựa trên so sánh mức tăng trưởng hàng năm của người tham dự các sự kiện  liên quan đến công nghệ ở mỗi thành phố châu Âu. Theo nghiên cứu IFZ Fintech 2018, hơn một nửa số liên doanh fintech mới có trụ sở tại Thụy Sĩ năm 2017 hoạt động trong không gian blockchain và tiền mã hóa, trong đó, phần lớn các công ty này được thành lập tại Zug[16].

Liên quan đến Sandbox, với mục đích tạo ra “không gian đổi mới” cho các doanh nghiệp thử  nghiệm các mô hình kinh doanh tài chính trước khi có giấy phép, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cũng đã tiến hành sửa đổi một số quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Chẳng hạn, theo quy định tại Pháp lệnh Ngân hàng (SR 952.02) được sửa đổi, bổ sung ngày 05/7/2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017, một số khoản tiền gửi từ cộng đồng không thuộc đối tượng phải cấp giấy giấy phép theo Cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA). Tiếp theo đó, ngày 07/12 /2017, FINMA sửa đổi Thông tư  2008/2, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, hướng dẫn Pháp lệnh Ngân hàng. Trong Hướng dẫn 03/2017 và các ấn phẩm khác liên quan đến bản sửa đổi Pháp lệnh Ngân hàng này, FINMA đã đề cập đến Sandbox.

Philippines

Philippines dường như đang dẫn đầu cuộc đua trở thành trung tâm tiền mã hóa tại Châu Á với kế hoạch được cho là chi tiết nhất từ trước đến nay trong khu vực. Năm 2018, Đặc khu kinh tế Cagaya – một tập đoàn nhà nước chịu trách nhiệm phát triển Khu kinh tế đặc biệt và Freeport (CSEZFP) rộng 54.000 ha ở phía bắc Philippines – tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm fintech với mục tiêu tạo ra một Thung lũng Silicon Châu Á, còn được gọi là Thung lũng Crypto của Châu Á (CVA). CVA sẽ được phát triển bởi Cơ quan Khu kinh tế Cagayan (CEZA) phối hợp với nhà phát triển bất động sản tư nhân Northern Star Gaming & Resorts Inc. Mục tiêu cuối cùng của CVA là kích thích phát triển kinh tế địa phương và cho phép nhiều người dân Philippines theo đuổi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Cụ thể hơn, các công ty địa phương dự kiến sẽ tạo ra việc làm để đổi lấy các khoản giảm thuế mà họ sẽ nhận được.CEZA cũng sẽ yêu cầu các công ty đầu tư ít nhất 1 triệu đô la trong hai năm và trả tới 100.000 đô la phí giấy phép[17].

Từ tháng 2/2017, Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) – Ngân hàng Trung ương của Philippines – đã yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa trong nước phải đăng ký làm công ty chuyển tiền và thực hiện các biện pháp bảo vệ cụ thể – bao gồm chống rửa tiền (AML), chống tài trợ khủng bố (CFT), rủi ro quản lý và bảo vệ người tiêu dùng. Tháng 6/2019, BSP tiếp tục cảnh báo cấm việc sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ khủng bố và nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc sử dụng tiền mã hóa trong nước[18].

Trung Quốc

Tháng 4/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch xây dựng Xiongan thành một “Khu vực mới về kinh tế” với nền tảng là  blockchain được sử dụng trong các lĩnh vực dịch vụ cộng đồng, khối dịch vụ công và các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, bitcoin và các loại tiền mã hóa khác không có trong kế hoạch. Dự án này kỳ vọng có thể mang lại 2,4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong thập kỷ tới.

Đáng chú ý, các công ty nước ngoài cũng đã được tiếp cận khu vực này. Tháng 7/2018, chính quyền Khu vực mới của Trung Quốc (Xi Xian) đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty blockchain ConsenSys có trụ sở tại New York để mang công nghệ blockchain tới “smart city”. Joseph Lubin, người sáng lập ConsenSys, cho biết tại  thời điểm đó: Là một trong những dự án lớn đầu tiên của chúng tôi tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chúng tôi rất vui lòng trong việc giúp định hướng nhiều trường hợp ứng dụng, mà có thể hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng tin cậy được kích hoạt bởi công nghệ ethereum”[19].

3. Đề xuất xây dựng Sandbox cho Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, hàng loạt câu hỏi về việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền mã hóa/tiền ảo… vẫn còn bỏ ngỏ.  Đây chính là mảnh đất màu mỡ  để “rủi ro” len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống của pháp luật đã tạo ra “đất” để một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp… qua các hình thức kinh doanh, gọi vốn, mua bán tiền mã hóa trá hình mà vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ.

Hoặc một hiện tượng khác là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, do đội ngũ người Việt sáng lập ra nhưng lại đăng ký kinh doanh tại Singapore, là thực tế của nhiều startup hiện nay[20]. Trên thực tế, với nhiều chính sách ưu đãi như thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế trong các năm đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mở công ty ở nước sở tại, hệ sinh thái khởi nghiệp linh động với cơ chế cho phép áp dụng Sandbox, cơ hội gọi vốn và vươn ra thế giới dễ dàng hơn,… Singapore đang trở thành điểm dừng chân của các startup ngoại, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, nhiều startup, bằng cách này hay cách khác đang thành lập công ty ở Singapore nhưng đội ngũ chủ chốt vẫn ở Việt Nam. Các công ty tại Singapore chỉ được dùng làm đại diện pháp nhân, với văn phòng rất nhỏ và nhân sự rất ít để tiết kiệm chi phí tối đa, mọi công việc khác thực tế đều do nhân sự tại Việt Nam đảm trách. Do đó, trong khi chờ các văn bản chính thức được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thì Việt Nam cần xem xét xây dựng khung pháp lý theo cơ chế Sandbox với các yêu cầu sau:

(1)   Sandbox phải được xây dựng và triển khai áp dụng với quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khung pháp lý Sandbox phải có “không gian và thời gian được xác định rõ ràng” vì “thử nghiệm thất bại có thể xảy ra”.

(2)   Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế Sandbox (bằng việc xây dựng và ban hành Nghị định về Sandbox) theo mô hình của Singapore với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới (ví dụ kinh tế chia sẻ), sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam.

(3)   Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình của một số quốc gia.

(4)   Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế – Sandbox này cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định phải được thực hiện khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể.

(5)   Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam có thể xây dựng Sandbox cho ICO, là hình thức gọi vốn cho doanh nghiệp, có điểm tương đồng với IPO của chứng khoán, có thể dùng pháp luật chứng khoán và quản lý ngoại hối để quản lý, kiểm soát và thúc đẩy hoạt động này.

(6)   Cần xem xét cho thành lập sàn giao dịch tài sản/tiền mã hóa. Các sàn giao dịch phải được đăng ký như một doanh nghiệp để khi xảy ra sự cố thì cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở giải quyết. Bước đầu, cơ quan quản lý sẽ cho phép giao dịch trong chừng mực nhất định (ví dụ hạn chế số lượng token giao dịch,…), sau đó sẽ nghiên cứu và tính tới vấn đề mở rộng.

(7)   Việc phát triển sàn giao dịch tài sản mã hóa ICO & STO do Nhà nước quản lý cũng có thể được xây dựng như một dự án khởi nghiệp (StartUp) với sáng lập viên là các quỹ đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách và doanh nghiệp công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý, cơ quan kiểm toán độc lập phối hợp với các tổ chức kiểm định an toàn và bảo mật thông tin tiêu chuẩn quốc tế./.

TS. CHU THỊ HOA

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (391), tháng 8/2019


[1]“Regulatory Sandbox” Guidelines for FinTech Experiments, http://www.mas.gov.sg/News-and-Publications/Media-Releases/2016/MAS-Issues-Regulatory-Sandbox-Guidelines-for-FinTech-Experiments.aspx, truy cập ngày 17/6/2019.

[2]Understanding and applying to the sandbox, http://www.mas.gov.sg/News-and-Publications/Media-Releases/2016/MAS-Issues-Regulatory-Sandbox-Guidelines-for-FinTech-Experiments.aspx, truy cập ngày 17/6/2019.
[3]Sandbox FinTech “Regulatory Sandbox Guidelines,
http://www.mas.gov.sg/~/media/Smart%20Financial%20Centre/Sandbox/FinTech%20Regulatory%20Sandbox%20Guidelines%2019Feb2018.pdf, truy cập ngày 17/6/2019.
[4]Monetary Authority of Singapore, A Guide to Digital Token Offerings,
http://www.mas.gov.sg/~/media/MAS/Regulations%20and%20Financial%20Stability/Regulations%20Guidance%20and%20Licensing/Securities%20Futures%20and%20Fund%20Management/Regulations%20Guidance%20and%20Licensing/Guidelines/A%20Guide%20to%20Digital%20Token%20Offerings%20%2014%20Nov%202017.pdf, truy cập ngày 16/6/2019.
[5]Đối với các vụ chào bán chứng khoán quy mô nhỏ dưới 5 triệu đô la Singapore, chào bán cổ phần riêng lẻ cho dưới 50 nhà đầu tư hoặc việc chào bán chỉ hướng tới các nhà đầu tư là tổ chức hoặc các nhà đầu tư được công nhận có khả năng đầu tư mạo hiểm thì tùy từng trường hợp cụ thể, MAS sẽ quyết định miễn yêu cầu về Bản cáo bạch khi ICO.
[6]Monetary Authority of Singapore, A Guide to Digital Token Offerings,
http://www.mas.gov.sg/~/media/MAS/Regulations%20and%20Financial%20Stability/Regulations%20Guidance%20and%20Licensing/Securities%20Futures%20and%20Fund%20Management/Regulations%20Guidance%20and%20Licensing/Guidelines/A%20Guide%20to%20Digital%20Token%20Offerings%20%2014%20Nov%202017.pdf
[7]Singapore Welcomes STO Player to its Fintech Sandbox, truy cập ngày 14/6/2019.
[8]Doanh nghiệp tích cực thứ 2 tham gia Sandbox của MAS là Inzsure – một doanh nghiệp về cung cấp giải pháp môi giới bảo hiểm, đã tham gia Sandbox kể từ khi mô hình này được MAS công bố vào tháng 11/2016.
[9]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland, https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[10]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[11]Đảo Oktyabrsky ở khu vực Kaliningrad cùng với đảo Russky ở Vladivostokđã trở thành đặc khu kinh tế ngoài khơi từ tháng 7 năm 2018. Các công ty nước ngoài đăng ký trong khu vực này sẽ được miễn một khoản thuế nhất định, ví dụ, không phải trả thuế trên lợi nhuận thu được từ cổ tức. Tuy nhiên, cả hai khu vực này đều không có bất cứ lợi ích nào liên quan tới tiền mã hóa.
[12]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[13]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[14]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[15]Tên gọi “Thung lũng Crypto” được cho là sáng tạo bởi Mihai Alisie nhà đồng sáng lập Ethereum (ETH) đặt ra.
[16]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[17]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[18]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.
[19]Safe-space aguidetospecialeconomic-zonesforcryptofromchinatoswitzerland,https://cointelegraph.com/news/safe-space-a-guide-to-special-economic-zones-for-crypto-from-china-to-switzerland, truy cập ngày 14/6/2019.

[20]Startup Việt “chạy” sang Singapore khởi nghiệp: Nên mừng hay lo? http://cafebiz.vn/startup-viet-chay-sang-singapore-khoi-nghiep-nen-mung-hay-lo-20190414075401574.chn; truy cập 18/6/2019.

5/5 - (7920 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền