Tư pháp quốc tế Việt Nam có đối tượng điều chỉnh là quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài và quan hệ tố tụng dân sự quốc tế. Có hai phương pháp điều chỉnh cơ bản là phương pháp thực chất (sử dụng quy phạm thực chất) và phương pháp xung đột (sử dụng quy phạm xung đột).
1. Tư pháp quốc tế Việt Nam và vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Tư pháp quốc tế Việt Nam bao gồm các quy phạm nằm ở nhiều văn bản khác nhau như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014, Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Bộ luật Hàng hải năm 2015…
Tư pháp quốc tế Việt Nam có đối tượng điều chỉnh là quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài và quan hệ tố tụng dân sự quốc tế; có hai phương pháp điều chỉnh cơ bản là phương pháp thực chất (sử dụng quy phạm thực chất) và phương pháp xung đột (sử dụng quy phạm xung đột).
Quy phạm thực chất là quy phạm trực tiếp quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, hình thức, biện pháp chế tài cụ thể…
Quy phạm xung đột là quy phạm gián tiếp, đưa ra nguyên tắc chung trong việc xác định pháp luật áp dụng giải quyết một quan hệ/một tình huống cụ thể.
Khoản 2 Điều 464 BLTTDS năm 2015 quy định: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”
Như vậy, phạm vi của vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm vụ án dân sự (tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) và việc dân sự (yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) và có yếu tố nước ngoài.
2. Nội dung vụ việc và phân tích
Qua người quen giới thiệu, bà Nguyễn Thị Mỹ N ( sinh năm 1983, HKTT: Xã A, huyện B, tỉnh G, Việt Nam; Địa chỉ tạm trú: Xã P, huyện N, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam) và ông Chen Chien C (sinh năm 1982. Địa chỉ: Phường O, khu L, thành phố M, Đài Loan) có quen biết, tìm hiểu và có tình cảm với nhau. Sau một thời gian, bà và ông Chen Chien C quyết định kết hôn và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh X cấp giấy chứng nhận kết hôn ngày 09/11/2015 (vào sổ đăng ký kết hôn số 1042, quyển số 05/2015 ngày 23/11/2015).
Sau khi kết hôn, bà N và ông C đã tiến hành các thủ tục để bà N sang Đài Loan sinh sống. Tuy nhiên, do thủ tục bảo lãnh gặp trục trặc nhiều lần vì thiếu một số giấy tờ. Ông Chen Chien C quay lại Đài Loan để sinh sống và làm việc, còn bà vẫn thường trú ở Việt Nam với gia đình. Do trục trặc thủ tục nên ông C không thể bảo lãnh cho bà N sang Đài Loan để vợ chồng được đoàn tụ. Mặt khác, ông C cũng không đồng ý sang Việt Nam để sinh sống với bà N nên vợ chồng đổ lỗi cho nhau và phát sinh mâu thuẫn. Ông Chen Chien C đề nghị ly hôn và không còn quan tâm đến bà N nữa. Nay cả hai đều nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn yêu thương nhau, đã sống ly thân từ năm 2015 cho đến nay, không thể hàn gắn đoàn tụ, mục đích hôn nhân không đạt được, ông C cũng đã có văn bản đồng ý ly hôn nên bà N đề nghị Tòa giải quyết cho bà N được ly hôn với ông C. Về con chung và tài sản, cả hai bên đều không yêu cầu Tòa giải quyết[1].
Vụ việc này, chúng ta thấy rằng: Thứ nhất, quan hệ kết hôn và ly hôn của vợ chồng ông Chen Chien C và bà Nguyễn Thị Mỹ N là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Vì theo khoản 25 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 thì “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Thứ hai, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã áp dụng các điều 53, 56, 122, 123, 127, 131 Luật HNGĐ năm 2014 để giải quyết cho bà Nguyễn Thị Mỹ N được ly hôn với ông Chen Chien C.
Trong số các điều luật này có Điều 122, Điều 123 và Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 là những điều luật nằm trong nội dung quy định tại chương VIII – Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Cụ thể quy định gần nhất với vụ việc trên là Điều 127 – Ly hôn có yếu tố nước ngoài: “1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này. 2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam. 3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Điều luật này bao gồm 03 quy phạm xung đột. Bởi lẽ, quy phạm xung đột là quy phạm đặc thù, không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ, các hình thức và biện pháp chế tài đối với các bên trong quan hệ đó mà chỉ quy định nguyên tắc chọn luật để điều chỉnh. Nói cách khác, quy phạm xung đột là quy phạm điều chỉnh gián tiếp, có chức năng dẫn chiếu pháp luật áp dụng để điều chỉnh cho một quan hệ trong một tình huống nhất định.
Các quy phạm xung đột chỉ đưa ra cách thức hướng dẫn chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, bao gồm quy phạm xung đột do quốc gia tự xây dựng ban hành và các quy phạm xung đột thống nhất nằm trong các điều ước quốc tế. Trong vụ việc này, giữa Việt Nam và Đài Loan có tồn tại một bản Thỏa thuận giữa Văn phòng kinh tế và văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc và Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự nhưng bản thỏa thuận này không có quy phạm điều chỉnh về xác định luật áp dụng trong quan hệ hôn nhân và gia đình mà chỉ có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài và những nội dung khác.
Ưu điểm của quy phạm này là xây dựng khá đơn giản, linh hoạt, được sử dụng rộng rãi, giúp cơ quan có thẩm quyền xác định được pháp luật nước nào được áp dụng để giải quyết khi có xung đột pháp luật nhưng lại có nhược điểm là không giải quyết vấn đề trực tiếp, nhanh chóng, hơn nữa, bản chất của quy phạm xung đột là chức năng dẫn chiếu cho nên có khả năng dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài và dễ kéo theo những hệ quả như là lẩn tránh pháp luật…
Quy phạm xung đột có cơ cấu bao gồm 2 phần: phần phạm vi và phần hệ thuộc. Phần phạm vi của quy phạm xung đột là phần chỉ ra quan hệ, lĩnh vực nào cần được điều chỉnh. Xác định cụ thể đây là quan hệ về dân sự hay kinh doanh thương mại hay là lao động…
Phần hệ thuộc là phần chỉ ra pháp luật của nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết quan hệ đó. Ở phần này chúng ta có thể dựa vào các hệ thuộc cơ bản như hệ thuộc luật nhân thân: luật quốc tịch và luật cư trú; hệ thuộc luật nơi có tài sản; hệ thuộc luật Tòa án; hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ; hệ thuộc luật của nước người bán; hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi vi phạm…
Trong quy phạm ở Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 nhà làm luật đã dựa vào các hệ thuộc cơ bản như là hệ thuộc luật nhân thân bao gồm luật quốc tịch, luật cư trú và hệ thuộc luật nơi có tài sản, hệ thuộc luật Tòa án… để giải quyết xung đột pháp luật về ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Ví dụ khoản 3 Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: “Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Phần phạm vi ở đây là: tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn. Phần hệ thuộc là: pháp luật của nước nơi có bất động sản.
Quy phạm xung đột có nhiều tiêu chí để chúng ta phân loại. Ví dụ, khi chúng ta dựa vào căn cứ vào nguồn của quy phạm xung đột thì chia thành quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế (là những quy phạm do các quốc gia thỏa thuận xây dựng) và quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia (là quy phạm được quốc gia xây dựng nhằm hướng dẫn cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mình hoặc chủ thể trong việc xác định luật áp dụng). Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 chính là quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia Việt Nam giải quyết vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Hoặc khi chúng ta căn cứ vào tính chất của quy phạm xung đột, chúng ta có quy phạm xung đột mệnh lệnh và quy phạm xung đột tùy nghi. Hoặc khi dựa vào căn cứ kỹ thuật xây dựng quy phạm xung đột, chúng ta có quy phạm xung đột một bên và quy phạm xung đột hai bên.
Quy phạm xung đột một bên (quy phạm xung đột một chiều) là quy phạm quy định áp dụng pháp luật của chính quốc gia đã ban hành ra quy phạm đó. Vì áp dụng chính pháp luật quốc gia đó cho nên đây là quy phạm xung đột không dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài. Trong vụ việc này ở khoản 1 Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 chính là quy phạm xung đột một bên vì đã chỉ ra pháp luật của Việt Nam cụ thể là Luật HNGĐ Việt Nam năm 2014 sẽ được áp dụng để giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam khi họ ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Hoặc đoạn sau của khoản 2 quy định: “…nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam” là quy phạm ấn định pháp luật Việt Nam được áp dụng khi vợ chồng không có nơi thường trú chung mà có một bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu xin ly hôn.
Về quy phạm xung đột một bên, chúng ta đừng nên nhầm lẫn với quy phạm thực chất. Bởi lẽ, quy phạm thực chất có bản chất là quy phạm trực tiếp quy định giải quyết vấn đề, quy định quyền và nghĩa vụ, hình thức biện pháp chế tài cụ thể. Còn quy phạm xung đột một bên là quy phạm điều chỉnh gián tiếp, không trực tiếp giải quyết vấn đề và áp dụng pháp luật của quốc gia xây dựng quy phạm đó. Hơn nữa, quy phạm thực chất có nguồn chứa đựng như là điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia, tập quán quốc tế, còn quy phạm xung đột một bên nằm ở nguồn chứa đựng là pháp luật quốc gia.
Quy phạm xung đột hai bên (quy phạm xung đột hai chiều) là quy phạm đưa ra quy tắc chung để cơ quan tư pháp xác định một hệ thống pháp luật sẽ được áp dụng cụ thể cho quan hệ đó. Ở đây, khoản 2 và khoản 3 Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 cho thấy quy tắc xác định pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi hai vợ chồng thường trú chung hoặc pháp luật của nước nơi có bất động sản. Nghĩa là, quy phạm này có chức năng chỉ ra pháp luật nước nào được áp dụng để giải quyết, có thể là pháp luật của quốc gia đó hoặc cũng có thể là pháp luật nước ngoài.
Quy phạm mệnh lệnh hay quy phạm tùy nghi đều là một thể thức khác từ quy phạm xung đột một bên hoặc quy phạm xung đột hai bên. Quy phạm mệnh lệnh là quy phạm mang tính chất bắt buộc, nghĩa là cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bắt buộc tuân theo và không có sự thỏa thuận hay lựa chọn pháp luật của nước nào khác mà phải theo pháp luật của nước đã xác định. Ví dụ như ở khoản 1 Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014. Ở đây, chỉ có pháp luật Việt Nam được áp dụng và pháp luật nước ngoài sẽ không được áp dụng trong trường hợp này.
Quy phạm tùy nghi là loại quy phạm cho phép các bên tham gia quan hệ được thỏa thuận chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ của mình. Nếu các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng thì mới áp dụng pháp luật do quy phạm xung đột dẫn chiếu đến (căn cứ vào hệ thuộc luật có mối liên hệ mật thiết với quan hệ đó).
Hay khi chúng ta căn cứ vào nội dung của quy phạm xung đột thì sẽ bao gồm quy phạm xung đột về năng lực hành vi dân sự, quy phạm xung đột về thừa kế, quy phạm xung đột về sở hữu trí tuệ, quy phạm xung đột về hợp đồng, quy phạm xung đột về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quy phạm xung đột về hôn nhân và gia đình. Và Điều 127 Luật HNGĐ năm 2014 mà chúng ta đang xem xét ở đây chính là quy phạm xung đột về ly hôn có yếu tố nước ngoài (quy phạm xung đột về hôn nhân và gia đình).
3. Kết luận
Như vậy, qua việc phân tích quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế Việt Nam thông qua vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể, chúng ta đã có được sự nhìn nhận toàn diện về khái niệm, cơ cấu và phân loại của một quy phạm đặc thù, phổ biến áp dụng, có vai trò rất lớn trong việc xác định luật áp dụng giải quyết.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bản án số 34/2017/HNGĐ-ST ngày 24 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc xin ly hôn.
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
3.Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
4.Bản án số 34/2017/HNGĐ-ST ngày 24 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc xin ly hôn.
Để lại một phản hồi Hủy