Site icon Hocluat.VN

Quy định về nhóm công ty trong pháp luật một số quốc gia và những nội dung tham khảo cho Việt Nam

Nhóm công ty

Tóm tắt: Nhóm công ty đang ngày càng xuất hiện phổ biến ở Việt Nam bởi mô hình này giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các tổ hợp liên kết kinh tế của các công ty. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện hành về nhóm công ty tại Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế. Nhận diện và khắc phục các điểm hạn chế này trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới trong việc điều chỉnh các vấn đề liên quan là cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho các nhóm công ty phát triển, qua đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

 

Abstract: The corporate group is more and more popularly existing in Vietnam because this modality of business helps creating a competitive advantage for the economic association of the enterprises. However, the current legal regulations on the corporate group in Vietnam consists of several shortcomings. Identification of and overcoming the limitations by studying the experience of nations in world for the related issues are necessary to create a favorable environment for the development and corporate groups, which may promote the development of the national economy.

 

Mục lục:

1. Một số bất cập trong quy định pháp luật về nhóm công ty tại Việt Nam

2. Pháp luật về nhóm công ty của một số quốc gia trên thế giới

3. Hoàn thiện pháp luật về nhóm công ty ở Việt Nam

Khi hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế được mở rộng, xuất hiện một hình thức liên kết kinh tế là nhóm công ty. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005[1], nhóm công ty là “tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác”. Luật Doanh nghiệp năm 2014 có sự sửa đổi định nghĩa nhóm công ty và chỉ nêu ra hai hình thức nhóm công ty là tập đoàn kinh tế và tổng công ty[2]. Cụ thể, Luật này quy định “Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác”.

Nhìn chung, có thể thấy rằng, về bản chất, nhóm công ty không phải là một chủ thể pháp lý độc lập mà là tập hợp các doanh nghiệp có tư cách pháp lý độc lập. Các công ty trong nhóm có mối liên hệ với nhau về sở hữu hay gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và sản phẩm đầu ra.

1. Một số bất cập trong quy định pháp luật về nhóm công ty tại Việt Nam

Thứ nhất, chưa quy định rõ về khái niệm nhóm công ty

Sự mơ hồ trong định nghĩa nhóm công ty dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác quản lý hoạt động của nhóm cũng như giao dịch giữa các công ty trong nhóm. Bên cạnh những ý kiến trái chiều về sử dụng cụm từ “tổng công ty” và “tập đoàn kinh tế” để chỉ nhóm công ty[3], khái niệm được Luật Doanh nghiệp năm 2014 đưa ra còn có phần chưa chính xác bởi mối quan hệ đầu tư chỉ diễn ra giữa công ty mẹ và các công ty con thông qua việc công ty mẹ có sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại các công ty con. Giữa các công ty con với nhau không thể diễn ra quan hệ đầu tư. Khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định rõ điều này: “Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”.

Thứ hai, quy định thiếu thống nhất về căn cứ xác định sự chi phối của công ty mẹ

Sự chi phối (bao gồm sự chi phối xuất phát từ yếu tố vốn và chi phối thực tế) là cơ sở xác định công ty mẹ trong mối quan hệ công ty mẹ – công ty con. Điểm a khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về sự chi phối xuất phát từ yếu tố vốn của công ty mẹ. Theo đó, công ty mẹ xác lập được quyền chi phối với công ty con khi sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty con. Tuy nhiên, quy định này chưa tương thích với các quy định tại Điều 60 và Điều 144 của Luật này. Căn cứ các quy định tại Điều 60 và Điều 144, điều kiện để nắm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp là nắm giữ trên 65% vốn điều lệ đối với công ty cổ phần và từ trên 75% đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 69/2014/NĐ-CP (Nghị định 69) đều có các quy định để xác định sự chi phối thực tế của công ty mẹ đối với công ty con. Tuy nhiên, các quy định tại Nghị định 69 có nội hàm rộng hơn so với các quy định của Luật. Bên cạnh quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm nhân sự cấp cao của công ty con và bổ sung, sửa đổi Điều lệ công ty[4], theo Nghị định 69, quyền chi phối thực tế của công ty mẹ còn bao gồm quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định chiến lược, kế hoạch kinh doanh của công ty con và các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa hai bên[5]. Tuy nhiên, Nghị định 69 mới chỉ khắc phục phần nào việc Luật Doanh nghiệp đã bỏ sót một số mối quan hệ chi phối – bị chi phối giữa công ty mẹ và công ty con. Bởi lẽ, các quy định của Nghị định này chỉ mang tính chất liệt kê một số biểu hiện về quyền chi phối thực tế của công ty mẹ thay vì xây dựng một cơ sở hay một định nghĩa rõ ràng về quyền này.

Thứ ba, quy định về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của công ty mẹ thiếu tính khả thi

Khoản 3 Điều 190 và khoản 5 Điều 190 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đưa ra một số quy định về trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con, cũng như với các cổ đông, thành viên, chủ nợ cùng các bên liên quan khác của công ty con. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến tính khả thi và hiệu quả của các quy định này.

Lợi ích của công ty con, của các cổ đông, thành viên, chủ nợ của công ty con và các bên liên quan khác của công ty con có thể bị đe dọa khi công ty mẹ lợi dụng quyền chi phối để trục lợi. Để bảo vệ lợi ích các đối tượng này, Luật Doanh nghiệp quy định, nếu công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó[6]. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con[7].

Câu hỏi đặt ra là, dưới sự kiểm soát của công ty mẹ, liệu công ty con và các bên liên quan có khả năng yêu cầu công ty mẹ đền bù hay chịu trách nhiệm cho những thiệt hại phát sinh từ sự can thiệp của công ty mẹ. Thực tế ở nước ta cho thấy, không ít trường hợp công ty mẹ nắm quyền kiểm soát hoặc sở hữu lên đến 100%. Do đó, cơ chế để công ty con và các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của họ chưa đảm bảo hiệu quả cũng như tính khả thi.

Mặt khác, việc người quản lý của công ty mẹ được cử làm đại diện phần vốn góp của công ty mẹ ở công ty con đồng thời được bổ nhiệm làm giám đốc tại công ty con diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam vẫn thiếu vắng các quy định để đảm bảo người này hành động vì lợi ích của công ty con. Do vậy, không ít trường hợp người được bổ nhiệm để điều hành hoạt động của công ty con lại bỏ qua lợi ích của công ty con và ưu tiên lợi ích công ty mẹ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông và các bên liên quan của công ty con.

2. Pháp luật về nhóm công ty của một số quốc gia trên thế giới

2.1 Định nghĩa nhóm công ty

Để tạo môi trường pháp lý cho các nhóm công ty phát triển, các quốc gia như Mỹ, Anh và Nhật Bản đã xây dựng các quy định cụ thể để nhận diện và điều chỉnh mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con và giữa các công ty con với nhau. Về bản chất, nhóm công ty bao gồm công ty mẹ và các công ty con, trong đó mỗi công ty là một thực thể pháp lý độc lập nhưng công ty mẹ giữ vai trò kiểm soát các công ty con. Nói cách khác, nhóm công ty là một hình thức tổ chức kinh tế dựa trên sự kết hợp giữa các công ty có quyền và nghĩa vụ riêng biệt nhưng trong đó, công ty mẹ có quyền tác động đến hoạt động của các công ty con.

2.2 Quy định về sự chi phối của công ty mẹ

Hai yếu tố để các quốc gia trên thế giới nhận diện công ty mẹ là sự chi phối xuất phát từ yếu tố vốn và sự chi phối thực tế đến công ty con. Điều 2 Luật Công ty của Nhật Bản xác định, sự chi phối của công ty mẹ đến từ việc sở hữu phần lớn cổ phần có quyền biểu quyết hoặc có quyền chi phối hoạt động điều hành của công ty đó[8]. Theo Điều 46 và 47 Luật Công ty Úc, một công ty được xác định là công ty mẹ của một công ty khác khi nắm giữ phần lớn số cổ phần của công ty con, kiểm soát đa số phiếu biểu quyết (thông qua việc nắm giữ loại cổ phiếu ưu đãi biểu quyết) hoặc nắm giữ quyền bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số chức danh quản lý trong công ty con[9]. Theo pháp luật Mỹ[10], quyền chi phối của công ty mẹ biểu hiện ở việc công ty mẹ sở hữu cổ phần chi phối, kiểm soát công việc kinh doanh thực tế, và quyền biểu quyết chi phối đối với công ty con. Theo đó, nếu công ty A không có khả năng chi phối công ty B thì việc nắm giữ cổ phần của công ty A đối với công ty B chỉ là quan hệ đầu tư thông thường, và công ty A không được xem là công ty mẹ của công ty B.

Như vậy, đối với quyền chi phối thông qua yếu tố vốn, đa số các quốc gia đều không ấn định một tỷ lệ cụ thể cổ phần/cổ phần có quyền biểu quyết mà công ty mẹ phải nắm giữ của công ty con. Pháp luật chuyên ngành sẽ có các quy định cụ thể về tỷ lệ cổ phần sở hữu của công ty mẹ. Ở Hoa Kỳ, một công ty nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của một công ty khác thì được xem là công ty mẹ của công ty khác đó. Tuy nhiên, trường hợp công ty mẹ hoạt động trong các lĩnh vực công ích, ngân hàng hay lĩnh vực đầu tư, theo các quy định pháp luật chuyên ngành, việc một công ty nắm giữ 25% tổng số cổ phần của công ty khác đã được xem là cơ sở để công ty đó được nhận diện là công ty mẹ của công ty khác đó[11].

Đối với quyền chi phối thực tế của công ty mẹ, Điều 2 Luật Công ty của Nhật Bản xác định đó là quyền tác động đến các quyết định về tài chính và kinh doanh của một công ty khác[12]. Điều 3 Sắc lệnh về thực thi Luật Công ty Nhật Bản tiếp tục cụ thể hóa các biểu hiện của quyền chi phối thực tế của công ty mẹ. Theo đó, công ty A được xem là công ty mẹ của công ty B trong các trường hợp sau:

1) Khi đa số thành viên Hội đồng quản trị công ty B là người do công ty A cử;

2) Khi giữa 2 công ty có thỏa thuận về quyền quyết định các vấn đề quan trọng về chiến lược tài chính và kinh doanh của công ty A đối với công ty B;

3) Khi khoản vay mà công ty A cho công ty B vay có giá trị vượt tổng giá trị tài sản của công ty B;

4) Khi có bằng chứng cho thấy công ty A tác động đến các quyết định về tài chính và kinh doanh của công ty B.

Ngay cả khi sự liệt kê các biểu hiện của quyền chi phối thực tế như trên là chưa đầy đủ, vẫn có thể xác định liệu một công ty có là công ty mẹ của công ty khác hay không, bởi pháp luật nước này đã có một định nghĩa chung đóng vai trò nền tảng để xem xét về sự chi phối.

2.3 Trách nhiệm của công ty mẹ

Pháp luật các nước như Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đều thừa nhận tư cách pháp nhân độc lập của công ty mẹ và các công ty con, nhưng cũng đồng thời xây dựng các quy định đặc thù để giám sát và ràng buộc trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con. Theo luật của Mỹ, các công ty trong nhóm công ty là những thực thể pháp lý độc lập, với quyền và nghĩa vụ riêng biệt. Tuy nhiên công ty mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà công ty con gây ra cho bên thứ 3 trong các trường hợp sau:

1) Khi công ty mẹ lợi dụng quyền chi phối của mình, yêu cầu công ty con tham gia vào giao dịch với bên thứ 3 vì lợi ích của công ty mẹ nhưng gây thiệt hại cho công ty con hoặc bên thứ 3;

2) Khi tài sản giữa công ty mẹ và công ty con không được tách bạch, hoặc các giao dịch được thực hiện giữa công ty mẹ và công ty con không đảm bảo nguyên tắc giao dịch giữa các chủ thể pháp lý độc lập;

3) Khi công ty con không nhận đủ vốn từ công ty mẹ để hoạt động;

4) Khi hoạt động của công ty con được công ty mẹ bảo lãnh[13].

Luật cũng quy định các cổ đông của công ty con có quyền khởi kiện công ty mẹ trong trường hợp công ty mẹ lợi dụng quyền chi phối của mình để thực hiện hoạt động sáp nhập, khiến các cổ đông của công ty con phải bán cổ phần với giá mà họ cho rằng là không công bằng[14].

Tại Úc, trong đa số trường hợp, công ty mẹ và công ty con được xem là những thực thể pháp lý độc lập ngoại trừ các trường hợp sau[15]:

1) Khi công ty mẹ thành lập công ty con nhưng không đảm bảo nguồn tài chính để công ty con hoạt động;

2) Khi Tòa án cho rằng lợi ích của bên thứ 3 sẽ được đảm bảo hơn nếu công ty mẹ là đối tượng thực hiện bồi thường thiệt hại[16];

3) Khi giữa công ty mẹ với công ty con và với các thành viên khác của công ty con có thỏa thuận về trách nhiệm của công ty mẹ.

Pháp luật Úc đề cao trách nhiệm của người quản lý với công ty mà mình được bầu ra để thực hiện quyền quản lý. Để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, học thuyết Phá hạn trách nhiệm[17] được Tòa án nước này áp dụng. Theo đó, thành viên công ty con có quyền khởi kiện khi người được công ty mẹ cử làm thành viên Hội đồng quản trị ở công ty con vì lợi ích riêng của mình hoặc của công ty mẹ mà gây thiệt hại cho các cổ đông khác của công ty con[18].

Tương tự Úc, hệ thống pháp luật Nhật Bản cũng xem công ty mẹ như là một cổ đông của công ty con. Trong đó, công ty con tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ bằng tài sản của mình; trách nhiệm công ty mẹ chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn đã đầu tư. Ngoài nghĩa vụ bồi hoàn cho công ty con khi nhận được lợi ích về tài sản từ công ty con[19] và yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ giữa các công ty trong nhóm[20], Luật Công ty của Nhật Bản không quy định cơ chế cụ thể nào khác để ràng buộc trách nhiệm của công ty mẹ. Trên thực tế, trách nhiệm của công ty mẹ thường được xác định dựa trên các quy tắc do Tòa xây dựng, bao gồm:

1) Quy tắc giám đốc thực tế: Một cá nhân dù không chính thức được bầu vào vị trí quản lý công ty nhưng nắm thực quyền quản lý công ty vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như một người quản lý hợp pháp của công ty. Vì công ty mẹ cũng được xem như một “Giám đốc ngầm” của công ty con nên công ty mẹ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do mình gây ra cho công ty con hoặc với bên thứ ba.

2) Cơ chế phá hạn trách nhiệm: Công ty mẹ phải thực hiện các nghĩa vụ của công ty con nếu lợi dụng tư cách pháp nhân của công ty con để lách luật hoặc khitư cách pháp nhân của công ty con chỉ tồn tại như một hình thức và mọi hoạt động đều diễn ra dưới sự chi phối hoàn toàn của công ty mẹ.

3. Hoàn thiện pháp luật về nhóm công ty ở Việt Nam

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể hoàn thiện pháp luật về nhóm công ty với một số nội dung sau:

Khái niệm nhóm công ty. Chúng ta có thể xác định nhóm công ty là một tổ hợp liên kết kinh tế không có tư cách pháp nhân, bao gồm các công ty mẹ và các công ty con hoạt động dựa trên mối quan hệ chi phối – bị chi phối. Trong đó, công ty mẹ là doanh nghiệp có quyền chi phối một hoặc nhiều doanh nghiệp khác, nghĩa là công ty mẹ có quyền kiểm soát và tác động đến hoạt động của các công ty con trong nhóm. Công ty con là doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của doanh nghiệp khác, và ở đây chính là công ty mẹ.

Đối với các quy định về quyền chi phối của công ty mẹ, một mặt cần rà soát, điều chỉnh các quy định để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của công ty mẹ đối với công ty con; mặt khác, cần bổ sung định nghĩa quyền chi phối thực tế của công ty mẹ và các biểu hiện của quyền này, khắc phục khả năng bỏ sót các mối quan hệ chi phối – bị chi phối giữa công ty mẹ và công ty con trên thực tế. Cụ thể như sau:

Quyền chi phối của công ty mẹ xuất phát từ: 1) Công ty mẹ sở hữu cổ phần chi phối hoặc có tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ từ 65% (trường hợp là công ty cổ phần) hoặc từ 75% trở lên (trường hợp là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); 2) Công ty mẹ tác động đến các quyết định về tài chính và kinh doanh của công ty con trên thực tế. Trong đó, các biểu hiện của quyền chi phối thực tế của công ty mẹ bao gồm:

1) Quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm nhân sự cấp cao của công ty con;

2) Quyền bổ sung, sửa đổi Điều lệ công ty con;

3) Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định chiến lược, kế hoạch kinh doanh của công ty con;

4) Các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa hai bên.

Cần quy định  rõ hình thức công ty mẹ có được quyền chi phối như:

1) Thông qua việc công ty mẹ đầu tư nắm giữ 100% vốn điều lệ để trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty con hoặc nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối của công ty con;

2) Thông qua việc công ty mẹ cho công ty con vay các khoản vay có giá trị vượt tổng giá trị tài sản của công ty con;

3) Thông qua thỏa thuận giữa các công ty trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con.

Về mối quan hệ đầu tư giữa các công ty trong nhóm,. Cần quy định rõ mối quan hệ đầu tư trong nhóm công ty chủ yếu chỉ có quan hệ đầu tư xuôi (ví dụ doanh nghiệp cấp 1 đầu tư vào doanh nghiệp cấp 2), và làm rõ quan hệ đầu tư trong nhóm công ty không diễn ra theo hướng quan hệ đầu tư ngang, đầu tư chéo, đầu tư vượt cấp hay quan hệ đầu tư ngược.

Về trách nhiệm của công ty mẹ.Cần quy định đặc thù để giám sát trách nhiệm của những người được công ty mẹ cử làm người đại diện phần vốn góp của công ty mẹ ở công ty con và sau đó được công ty con bổ nhiệm làm giám đốc;xây dựng cơ chế đảm bảo thành viên công ty con có quyền khởi kiện khi người được công ty mẹ cử làm thành viên Hội đồng quản trị ở công ty con gây thiệt hại cho các cổ đông khác của công ty con.Một mặt, có thể nghiên cứu áp dụng quy tắc giám đốc thực tế trong trường hợp giám đốc hợp pháp của công ty con không thực sự thực thi thẩm quyền hợp pháp của mình mà thực quyền nằm trong tay cổ đông lớn hoặc người quản lý của công ty mẹ. Mặt khác, trong trường hợp công ty mẹ chi phối toàn bộ hoạt động của công ty con,  việc áp dụng cơ chế phá hạn trách nhiệm là cần thiết để buộc công ty mẹ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty con. Sự phá hạn trách nhiệm cần được xem xét khi:

1) Tư cách pháp nhân của công ty con bị lạm dụng để phục vụ cho mục đích bất hợp pháp của công ty mẹ hoặc giúp công ty mẹ lẩn tránh các quy định pháp luật;

2) Giữa công ty mẹ và công ty con không đảm bảo sự tách bạch về vấn đề tài sản, quản lý, nhân sự và công ty con chỉ tồn tại như một vỏ bọc của công ty mẹ;

Ngay cả khi công ty mẹ không lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con thì cơ chế phá hạn trách nhiệm vẫn nên được xem xét áp dụng nhằm đảm bảo lợi ích của bên thứ 3 là các cổ đông, chủ nợ, đối tác thương mại của công ty con. Các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm công ty mẹ nên được điều chỉnh theo hướng bất kỳ bên thứ ba nào bị thiệt hại bởi hành vi can thiệp trái pháp luật hoặc hành vi trục lợi của công ty mẹ đều có quyền yêu cầu công ty mẹ bồi thường thiệt hại./.

Tác giả: ThS. Trần Minh Anh, Tòa án nhân dân Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13(389), tháng 7/2019


[1] Điều 146 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

[2] Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam.

[3] “Tổng công ty” là thuật ngữ chỉ công ty mẹ trong Tổng công ty nhà nước trước đây, trong khi đó, “Tập đoàn kinh tế” mang tính kinh tế – xã hội hơn là một thuật ngữ pháp lý. Xem thêm: Hà Thị Thanh Bình (2017), “Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con”, Tạp chí Khoa học Pháp lý,số 03 (106), tr. 36-45.

[4] Điểm b, c khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và điểm c, d khoản 5, Điều 3 Nghị định số 69/2014/NĐ-CP.

[5] Điểm đ, e khoản 5, Điều 3 Nghị định số 69/2014/NĐ-CP.

[6] Khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[7] Khoản 5 Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[8] Companies Act No.86 of July 26, 2005. Tham khảo tại Japanese Law Translation, link truy cập: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?ft=2&re=02&dn=1&yo=companies+act+&x=50&y=8&ia=03&ph=&ky=&page=1

[9] Corporations Act No.50 of 2001.Tham khảo tại Commonweath Numbered Act, link truy cập http://www5.austlii.edu.au/au/legis/cth/num_act/ca2001172/s46.html và http://www5.austlii.edu.au/au/legis/cth/num_act/ca2001172/s47.html.

[10] Securities Act 1993 Rule 405, 17 C.F.R 230.405. Tham khảo tại Legal Information Institute, link truy cập: https://www.law.cornell.edu/cfr/text/17/230.405

[11] American Public Utility Holding Companies Act, Bank Holding Companies Act, Investment Companies Act.

[12] Companies Act No.86 of July 26, 2005. Tham khảo tại Japanese Law Translation, link truy cập: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?ft=2&re=02&dn=1&yo=companies+act+&x=50&y=8&ia=03&ph=&ky=&page=1.

[13] Kurt A. Strasser, Phillip I.Blumberg (2007), Replacing misused limited liability with enterprise analysis – corporate Groups conference on corporate accountability, limit liability, and the future of globalization. Paper presented at the Conference on Corporate Accountability , Limited Liability , and the Future of Globalization, School of Oriental and African Studies.

[14] Jeffrey D. Bauman (2010), Corporations Law and Policy – Materials and problems, American Casebook Series. Thomson Reuters, 2010, p.871.

[15] H A J Ford et al (1999). Ford’s Principles of Corporations Law (9th edition), Butterworths, page 124-126.

[16] Case of Briggs v JamesHardie & Co Pty Ltd (1989) 16 NSWLR 549; 7 ACLC 841

[17] Chủ sở hữu/cổ đông phải chịu trách nhiệm cho hành vi nhân danh công ty nhưng thực chất lại vì lợi ích riêng của mình.

[18] Corporations Act No.50 of 2001 Part 2F. Tham khảo tại The Federal Register of Legislation, link truy cập: https://www.legislation.gov.au/Details/C2018C00031

[19] Điều 120 Luật Công ty Nhật: Cổ đông phải có nghĩa vụ hoàn trả nếu được trao bất kỳ lợi ích về tài sản nào từ công ty cổ phần mà không cần trả một số tiền tương ứng nào.

[20] Điều 362, 393, 416 Luật Công ty Nhật Bản.

5/5 - (27574 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version