Site icon Hocluat.VN

Quy định của pháp luật Việt Nam về nguyên tắc suy đoán vô tội và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung

Nguyên tắc “Suy đoán vô tội”

Khác với mục đích ban đầu của việc ban hành pháp luật là nhằm trừng trị người có hành vi chống lại giai cấp thống trị, thậm chí không qua xét xử, ngày nay, Nhà nước ban hành pháp luật trước hết là để phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật sau đó mới đến việc xử phạt những người thực hiện hành vi đã được Nhà nước, pháp luật tuyên bố cấm. Tuy vậy, việc xử phạt bất luận trong trường hợp nào cũng không được tùy tiện mà buộc phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, sao cho bảo đảm quyền con người của cả bị hại, người bị tình nghi phạm tội, bị can, bị cáo và những người có liên quan khác.Trong tố tụng hình sự (TTHS), người bị truy cứu trách nhiệm hình sự dễ có nguy cơ bị xâm hại quyền con người và có thể bị kết án oan. Không phải bất cứ ở đâu hay lúc nào các cơ quan tiến hành tố tụng cũng thể hiện được (dựng lại) toàn bộ tình tiết, diễn biến vụ án đã xảy ra đúng hoàn toàn với thực tế. Do vậy, thực tiễn đã chỉ ra rằng, còn nhiều vụ án oan sai xảy ra trong TTHS. Có oan sai thì tất yếu có vi phạm quyền con người. Để hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm quyền con người, pháp luật đặt ra nguyên tắc, trình tự, thủ tục chặt chẽ buộc các cơ quan, người tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuyệt đối tuân thủ. Trong số các nguyên tắc, quy định đó có nguyên tắc suy đoán vô tội.

Tuy vậy, trong thực tiễn: “người ta thấy nổi lên thói quen sử dụng nhục hình để sớm có lời thú tội và kết thúc vụ án, vô hiệu hóa nguyên tắc suy đoán vô tội”1 hay có nhiều trường hợp “suy đoán có tội” diễn ra trong tố tụng hình sự.

1. Quan niệm suy đoán vô tội

Theo Từ điển Bách khoa luật học, suy đoán vô tội là trạng thái mà theo đó người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi việc phạm tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định2.

Theo Từ điển Bách khoa đương đại, suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc của nền tố tụng dân chủ, theo đó người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi việc phạm tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định và chưa được xác định bởi phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án3.

Suy đoán vô tội theo tiếng Anh là “presumption of innocence”. Thuật ngữ này còn có tên gọi khác là “the right to be presumed innocent”, với nghĩa là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội4.

Ngay từ năm 1948, trong văn kiện quan trọng đầu tiên của Liên hiệp quốc về quyền con người là Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người đã khẳng định: “Mỗi bị cáo dù đã bị buộc tội có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo luật pháp tại một phiên toà xét xử công khai với mọi bảo đảm biện hộ cần thiết”5.

Thể chế hóa quy định của Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”6. Đồng thời Công ước cũng nêu rõ: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội.

 

Các tài liệu liên quan:

 

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về nguyên tắc suy đoán vô tội

Ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội nói riêng. Điều 10 Bộ luật TTHS năm 1988 quy định: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Tương tự như vậy, Bộ luật TTHS năm 2003 vẫn tiếp tục quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Đồng thời, Điều 72 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đó có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”. Như vậy, cho đến trước Hiến pháp năm 2013, pháp luật Việt Nam quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội chưa cụ thể và chưa bao hàm hết nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội. Mặt khác, về mặt hình thức thì cả trong Hiến pháp và Bộ luật Hình sự cũng chưa có điều nào có tên gọi “suy đoán vô tội”. Ngay cả cụm từ “suy đoán vô tội” cũng chưa được quy định một cách chính thức trong văn bản quy phạm pháp luật mà mới chỉ được thể hiện trong các công trình nghiên cứu khoa học hoặc các văn bản, các cuộc trao đổi, hội thảo có tính phân tích, bình luận, diễn giải… pháp luật.

Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn về nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trên cơ sở Hiến pháp, Bộ luật TTHS năm 2015 là bộ luật đầu tiên của Việt Nam chính thức quy định: “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định rõ: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới trong quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội. Các bản Hiến pháp và pháp luật Việt Nam trước đó quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội mới chỉ bao hàm một nội dung (dấu hiệu), đó là không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Hay nói cách khác, người nào đó chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Như vậy, những trường hợp bị kết án oan, phải chấp hành hình phạt, kể cả hình phạt tù thì cũng bị coi là có tội vì đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Hiện nay, người bị coi là có tội phải có đủ hai điều kiện: thứ nhất, việc phạm tội của người đó phải được chứng minh theo đúng trình tự của pháp luật; thứ hai, phải có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với người đó. Như vậy, thiếu một trong hai điều kiện trên thì người bị buộc tội vẫn được “coi” là chưa có tội. Với quy định này, pháp luật mở ra cơ hội cho người dù bị kết án oan vẫn có thể được coi là người chưa có tội vì việc thực hiện hành vi phạm tội chưa được chứng minh theo đúng trình tự luật định mà việc kết tội được thực hiện sai pháp luật, trong đó có cả trường hợp mớm cung, ép cung, dùng nhục hình bị pháp luật nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, Bộ luật TTHS năm 2015 còn bổ sung thêm quy định, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Đây vừa là nội dung, vừa là cách thức thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

Pháp luật TTHS Việt Nam quy định: Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Như vậy, suy đoán vô tội được áp dụng suốt trong quá trình TTHS. Có tài liệu nêu lên rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội tồn tại trong tất cả các giai đoạn của quá trình TTHS7, ngoài giai đoạn thi hành án phạt tù8.

Điều tra viên, Kiểm sát viên có nghĩa vụ điều tra, xác minh, thu thập, phân tích, đánh giá chứng cứ, chứng minh tội lỗi của người bị buộc tội nhưng những chứng cứ khách quan về buộc tội trong giai đoạn điều tra không tạo cho việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội dừng lại. Suy đoán vô tội vẫn tiếp tục chừng nào chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Tuy vậy, mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị đưa ra xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm thì nguyên tắc suy đoán vô tội cũng không mất đi hiệu lực mà nó lại tiếp tục có hiệu lực trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, ngay cả khi bản án, quyết định của Tòa án tuyên vô tội được đưa ra giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm không có quyền kết tội bị cáo mà chỉ có quyền ra quyết định hủy bản án để điều tra và xét xử lại. Và theo đó, nguyên tắc suy đoán vô tội tiếp tục được thực hiện.

Suy đoán vô tội có nghĩa là: không chứng minh được có tội đồng nghĩa pháp lý với chứng minh vô tội. Trong giai đoạn xét xử, Hội đồng xét xử phải làm rõ nội dung về chứng minh việc phạm tội trên cơ sở chứng cứ được điều tra xem xét trực tiếp tại phiên tòa. Bản án kết tội chỉ có thể được xác định với điều kiện Hội đồng xét xử nhận thấy rằng, tội phạm đã được chứng minh làm rõ. Suy đoán vô tội bác bỏ định kiến có tội dưới mọi hình thức và là một bảo đảm quan trọng đối với quyền con người của bị can, bị cáo.

Tòa án có nghĩa vụ kiểm tra, làm rõ tất cả các kết luận của cơ quan điều tra, truy tố về việc cáo buộc phạm tội đối với người nào đó và không được xác định rằng, những giả định có tội là đúng. Hay nói cách khác, suy đoán có tội không được thực hiện trong TTHS mà việc kết luận có tội chỉ được thực hiện bằng việc kiểm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ thông qua tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Suy đoán vô tội là thành quả đấu tranh văn minh nhân loại đưa đến kết quả là, bị cáo không buộc phải chứng minh mình vô tội và Hội đồng xét xử không kết tội khi vẫn còn nghi ngờ về không phạm tội. Hội đồng xét xử chỉ được phép tuyên một ai đó là có tội khi họ không còn nghi ngờ rằng, có thể bị cáo không phạm tội. Chính suy đoán vô tội tạo cho niềm tin nội tâm của Thẩm phán, Hội thẩm có cơ sở pháp lý để thể hiện.

Suy đoán vô tội là nguyên tắc khách quan và nó có thể bị phủ nhận. Đương nhiên, việc phủ nhận nó chỉ có thể được thực hiện bằng việc chứng minh, kiểm tra, đánh giá theo đúng trình tự được pháp luật quy định.

Suy đoán vô tội không cấm điều tra viên, kiểm sát viên cáo buộc người phạm tội và chứng minh việc phạm tội nhưng cấm đối xử với người bị buộc tội như đối với người phạm tội trong khi việc thực hiện hành vi của họ chưa được chứng minh theo đúng trình tự luật định và chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Suy đoán vô tội gắn bó chặt chẽ với quyền được bào chữa của người bị buộc tội. Họ không buộc phải chứng minh mình vô tội hay thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Trong vụ án Minenli kiện Thụy Sỹ, Tòa án Nhân quyền châu Âu xác định: “Suy đoán vô tội bị vi phạm, nếu trước đó việc phạm tội của bị cáo không được chứng minh theo pháp luật và, trước hết, nếu anh ta không có cơ hội thực hiện việc bào chữa của mình”9.

Tòa án Nhân quyền châu Âu cho rằng, nguy cơ xâm phạm nguyên tắc suy đoán vô tội có thể không chỉ đến từ Thẩm phán hay Tòa án mà có thể từ tất cả các cơ quan nhà nước khác10, theo đó phạm vi áp dụng nguyên tắc này rộng hơn: nó không chỉ bắt buộc đối với tòa hình sự11.

Việc khẳng định người nào đó có tội có nghĩa là có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên người đó phạm tội theo đúng trình tự luật định với việc áp dụng trách nhiệm hình sự cũng như miễn trách nhiệm hình sự. Suy đoán vô tội diễn ra trong suốt quá trình tố tụng nhưng việc xác định người có tội bắt buộc phải được thực hiện bằng việc xét xử tại phiên tòa, nơi bảo vệ hữu hiệu nhất quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân.

3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về suy đoán vô tội

Trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến pháp và chuẩn mực quốc tế về quyền con người, có thể đưa ra quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau: Người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo quy định của pháp luật và chưa được kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Quy định này khắc phục được hạn chế của quy định hiện hành ở chỗ:

Thứ nhất, người bị buộc tội được “coi” là vô tội… là chưa rõ, chưa chính xác. Bởi lẽ, chữ “coi” không được nhìn nhận như một ngôn ngữ luật học. Hơn nữa, người ta có thể và có quyền “coi” việc này là đúng hay không đúng theo cảm nhận riêng của mỗi người. Do vậy, quy định: người bị buộc tội được “suy đoán vô tội”… là phù hợp, đúng với tên gọi của điều luật là “suy đoán vô tội”, chứ không phải “coi” là vô tội.

Thứ hai, pháp luật quy định: người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi bị kết tội là không phù hợp về nội dung cốt lõi mà điều luật cần quy định. Bởi vì, quy định này cần dứt khoát khẳng định trạng thái vô tội;không thể vừa vô tội, vừa có tội. Theo đó, cần quy định: người bị buộc tội được suy đoán vô tội khi tội phạm chưa được chứng minh theo trình tự luật định là phù hợp với logic, với trạng thái vẫn vô tội. Một điều hiển nhiên là, chưa chứng minh được tội phạm có nghĩa là chưa có tội. Còn đến khi tội phạm được chứng minh và kết tội thì lúc đó là có tội. Ở đây cần thể hiện đúng trạng thái chưa có tội chứ không phải là trạng thái có tội.

Theo đó, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 Bộ luật TTHS theo hướng sau:

Nguyên tắc suy đoán vô tội

1. Người bị buộc tội được suy đoán vô tội khi việc thực hiện tội phạm của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định và chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của Tòa án.

2.Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình hoặc tự nhận mình có tội.

3. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội (giữ nguyên như hiện hành).

4.Bản án kết tội không được căn cứ vào các giả định.

Tác giả: Hoàng Hùng Hải – PGS. TS. Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


1 Võ Hồng Quỳnh, Thói quen vô hiệu hóa nguyên tắc suy đoán vô tội, http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20160502/thoi- quen-vo-hieu-hoa-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi/1094023.html, truy cập ngày 4/8/2017.

2 http://dic.academic.ru/dic.nsf/enc_law/1781/%D0%9F%D0%A0%D0%95%D0%97%D0%A3%D0%9C%D0%9F% D0%A6%D0%98%D0%AF, truy cập ngày 4/8/2017.

3 http://dic.academic.ru/dic.nsf/enc1p/38694/%D0%9F%D0%A0%D0%95%D0%97%D0%A3%D0%9C%D0%9F%D 0%A6%D0%98%D0%AF, truy cập ngày 5/8/2017.

4 Bùi Tiến Đạt, Vì sao ‘suy đoán có tội’ phổ biến?, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/vi-sao-suy-doan-co-toi-pho-bi- en-245080.html, truy cập ngày 6/8/2017.

5 Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Hà Nội, 2002, tr. 30.

6 Sđd, tr. 256.

7 Najumov V.P, О презумпции невиновности в уголовном процессе и о суде присяжных //Вопросы уголовного права и процесса в условиях правовой реформы. Kaliningrat, 1991, tr. 73.

8 Casumov T.C, Презумпция невиновности в советском праве. Bacu, 1984. – tr. 117-122.

9 Strogovich M.S, Учение о материальной истине в уголовном процессе. – Nxb. Văn hóa Mátxcơ, 1947, tr.236.

10 Европейский суд по правам человека, tr. 699, 757.

11 Nurcaeva M.К. Презумпция невиновности по УПК РФ в свете международных стандартов уголовного судопроизводства http://kalinovsky-k.narod.ru/b/ufa20033/03.htm, truy cập ngày 6/8/2017.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Hồng Quỳnh, Thói quen vô hiệu hóa nguyên tắc suy đoán vô tội, http://tuoitre.vn/tin/phap-lu- at/20160502/thoi-quen-vo-hieu-hoa-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi/1094023.htmltruy cập ngày 4/8/2017. 2.http://dic.academic.ru/dic.nsf/enc_law/1781/%D0%9F%D0%A0%D0%95%D0%97%D0%A3%D0%9C%D 0%9F%D0%A6%D0%98%D0%AF, truy cập ngày 4/8/2017. 3.http://dic.academic.ru/dic.nsf/enc1p/38694/%D0%9F%D0%A0%D0%95%D0%97%D0%A3%D0%9C%D0

%9F%D0%A6%D0%98%D0%AF, truy cập ngày 5/8/2017

4.Bùi Tiến Đạt, Vì sao ‘suy đoán có tội’ phổ biến?, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/vi-sao-suy-doan-co- toi-pho-bien-245080.html, truy cập ngày 6/8/2017

5.Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, Cácvănkiệnquốctế cơ bản về quyền con người, Hà Nội, 2002, tr. 30.

6.Najumov V.P, О презумпции невиновности в уголовном процессе и о суде присяжных //Вопросы уголовного права и процесса в условиях правовой реформы. Kaliningrat, 1991, tr. 73.

7.Casumov T.C, Презумпция невиновности в советском праве. Bacu, 1984, tr.117-122.

8.Strogovich M.S, Учение о материальной истине в уголовном процессе. Nxb. Văn hóa, Mátxcơva, 1947, tr.236.

9.Европейский суд по правам человека… tr. 699, 757.

5/5 - (26919 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version