Ứng xử của luật sư trong Quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Hành nghề luật sư
Hành nghề luật sư (Ảnh: hocluat.vn)

Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác là nội dung được quy định tại Quy tắc 29, 30 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

..

Những nội dung liên quan:

..

Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác

Theo Quy tắc 29, khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan nhà nước khác với tư cách đại diện ngoài tố tụng, luật sư tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng, luật sư phải tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan nhà nước. Trong quan hệ với cơ quan nhà nước khác để thực hiện công việc cho khách hàng, luật sư cần có thái độ lịch sự, tôn trọng, kiên quyết từ chối những hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật, trái đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; khuyến nghị khách hàng tránh việc khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây tốn kém thời gian, tiền bạc của Nhà nước, người dân và ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. 

Quy tắc này quy định ba nhóm vấn đề ứng xử của luật sư với các cơ quan nhà nước khác. Nhóm hành vi ứng xử đầu được dẫn chiếu tới quy định tại Chương IV của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Điều này có nghĩa là khi tiếp xúc và làm việc với cơ quan nhà nước, luật sư phải chấp hành nội quy, quy định của cơ quan khi mình đến liên hệ cũng như các quy định khác của pháp luật. Dịch vụ pháp lý của luật sư rất đa dạng, khi tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư phải có ứng xử phù hợp, chấp hành nội quy, quy định của cơ quan nhà nước khi mình tiếp xúc hoặc đến làm việc, đồng thời thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Những hành vi ứng xử này thường yêu cầu luật sư phải lịch sự, tôn trọng các cơ quan nhà nước khi đến tiếp xúc, làm việc như cần giữ trật tự nơi công cộng, xếp hàng theo thứ tự giải quyết hoặc sắp xếp hồ sơ đầy đủ khi vào làm việc… Những yêu cầu này là đòi hỏi phù hợp buộc luật sư phải có những ứng xử tuân theo. Luật sư là người am hiểu pháp luật, thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng, do vậy quy tắc này cũng yêu cầu luật sư cần có sự hợp tác với các cơ quan nhà nước khi đến tiếp xúc, làm việc; phối hợp cùng các cơ quan này để giải quyết công việc một cách có hiệu quả và tốt nhất.

Một hành vi đòi hỏi ở mỗi luật sư khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan nhà nước là phải có thái độ lịch sự, tôn trọng họ, đồng thời kiên quyết từ chối những hành vi móc nối, làm trung gian trái pháp luật, trái đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Luật sư là những người được đào tạo một cách bài bản, có thực tiễn và lý luận, hiểu biết rõ pháp luật, là những nhà tri thức của xã hội và có kỹ năng làm việc, do vậy khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan nhà nước, luật sư phải có thái độ lịch sự, tôn trọng với chủ thể mình đang làm việc. Khi thấy có hành vi sai trái, không phù hợp đạo đức và lương tâm nghề nghiệp thì luật sư phải kiên quyết từ chối thậm chí cần lên án như móc nối, làm trung gian trong giải quyết vụ việc…

Mặt khác, trong hoạt động hành nghề, luật sư cũng không được chủ động móc nối, làm trung gian hay lôi kéo những người trong cơ quan nhà nước để thực hiện những hành vi sai trái, không phù hợp đạo đức nghề nghiệp cũng như lương tâm nghề nghiệp. Điều này biểu hiện bởi một số hành vi mà luật sư có thể mắc phải như móc nối với người đang giải quyết vụ việc trong cơ quan nhà nước để làm sai lệch bản chất vụ việc, gây thiệt hại tới lợi ích kinh tế cũng như danh dự của Nhà nước, của xã hội. Những điều này, trong quy tắc quy định luật sư phải kiên quyết từ chối và không được tiếp tay, thực hiện những hành vi sai trái này.

Trong tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hay dịch vụ pháp lý khác nhất là việc khiếu nại, tố cáo, khách hàng thường yêu cầu luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Việc khiếu nại, tố cáo thường rất phức tạp và chủ yếu liên quan tới cơ quan quản lý nhà nước, do vậy để việc khiếu nại, tố cáo đúng, có hiệu quả, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quản lý nhà nước, luật sư phải giải thích cho khách hàng thật kỹ về quy định của pháp luật liên quan tới khiếu nại, tố cáo. Luật sư khuyến nghị và giải thích cho khách hàng tránh việc khiếu nại, tố cáo trái pháp luật vừa gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho Nhà nước và khách hàng, hơn nữa làm nhiễu loạn xã hội, ảnh hưởng tới trật tự quản lý nhà nước.

Một thực tế là tỷ lệ lớn khiếu nại, tố cáo khi giải quyết được cơ quan nhà nước kết luận là không đúng hoặc chỉ đúng một phần hoặc vấn đề liên quan tới quy định về thời hiệu khiếu nại, đối tượng khiếu nại, tố cáo hoặc sự việc đã được cơ quan khác giải quyết… nhưng khách hàng vẫn khiếu nại, tố cáo kéo dài, không hiệu quả, thậm chí yêu cầu luật sư bằng mọi giá dù tốn kém thời gian hay tiền bạc nhưng vẫn thực hiện và đi đến cùng sự việc. Điều này làm phức tạp thêm tình hình cũng như ảnh hưởng xấu đến quản lý nhà nước. Để bảo đảm phù hợp trong quan hệ với cơ quan nhà nước, góp phần phát triển đất nước, luật sư phải có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng hiểu về những quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo sai không những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể vướng vòng lao lý, hậu quả khôn lường… Có rất nhiều vụ việc trong thực tiễn, việc khiếu nại, tố cáo diễn ra một thời gian rất dài nhưng hiệu quả đem lại không cao do người khiếu nại, tố cáo không nắm rõ quy định của pháp luật. Khi có luật sư tham gia, rất cần sự hợp tác, phối hợp của luật sư trong quan hệ với cơ quan nhà nước để tháo gỡ, giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý.

Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân khác

Khi tiếp xúc, làm việc với các tổ chức, cá nhân khác, luật sư có thái độ ứng xử đúng mực, không được có lời nói, việc làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó.

Trong hoạt động hành nghề cũng như cuộc sống, luật sư luôn phải tiếp xúc, làm việc với nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau nhất là hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý khác, do vậy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đòi hỏi mỗi luật sư thể hiện thái độ ứng xử đúng mực, văn minh; không có những lời nói hoặc việc làm mà ảnh hưởng đến uy tín cũng như lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Ví dụ, luật sư nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, đến làm việc với tổ chức xã hội hoặc cá nhân nào đó; khi làm việc phải có thái độ lịch sự, lời nói đúng mực, không vì lợi ích của khách hàng mà mình bảo vệ để bất chấp tất cả, dùng lời nói hay hành động nào khác xúc phạm tới tổ chức, cá nhân mà mình đang tiếp xúc, làm việc.

Phân tích Quy tắc 29, 30 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam?

5/5 - (12054 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền