Quan điểm về thủ tục đăng kí bào chữa theo quy định tại BLTTHS 2015

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật bao-chua

Trình bày quan điểm về thủ tục đăng kí bào chữa theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015).

Những nội dung liên quan được tìm kiếm:

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa và thay bằng thủ tục “đăng ký bào chữa. Đây được coi là quy định “cải cách hành chính” quan trọng nhằm đảm bảo kịp thời quyền có người bào chữa cho người phạm tội. Tuy nhiên, xung quanh quy định về thủ tục đăng ký bào chữa vẫn còn những vướng mắc gây khó cả cho luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo quy định tại Điều 78 BLTTHS 2015 về thủ tục đăng ký bào chữa quy định: Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa”. Và tại khoản 2 điều này cũng đã quy định các loại giấy tờ người bào chữa phải xuất trình khi đăng ký bào chữa.

Thứ nhất, về mặt quy định, có thể thấy đây là một bước cải cách hành chính, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, quy định này thực chất là “bình mới rượu cũ”.

“Quy định đăng ký bào chữa hay thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa về bản chất không thay đổi. Luật cũ thì cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật mới thì cơ quan tố tụng ra Văn bản thông báo người bào chữa. Chung quy luật sư vẫn phải nộp 01 bộ giấy tờ cho cơ quan tiến hành tố tụng như bản sao có chứng thực thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của họ, vẫn phải có giấy phép do cơ quan tố tụng cấp, vẫn phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy có khác nào bình mới rượu cũ”

Thứ hai, việc pháp luật quy định CQTHTT phải ra thông báo chấp nhận đăng ký bào chữa trong 24 giờ có khả thi?

+ Theo quy định tại Điều 78 BLTTHS 2015 nói trên, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ của người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ, vào sổ đăng ký bào chữa và gửi thông báo cho người đăng ký. “BLTTHS 2015 chỉ quy định chung chung là “cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra giấy tờ và ra thông báo cho người đăng ký bào chữa”. Nhiều ý kiến đã thắc mắc “cơ quan tố tụng”trong trường hợp này là ai? Điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán có được quyền ra thông báo bào chữa hay chỉ lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng mới được quyền ra thông báo?”

 + Theo điểm a, khoản 2 và khoản 4 Điều 78 này thì khi đăng ký bào chữa, Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội cho cơ quan có thẩm quyền, trong thời hạn  24 giờ cơ quan có thẩm quyền phải vào sổ đăng ký và thông báo cho luật sư.

  Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa theo quy định của Khoản 3, Điều 75 BLTTHS 2015. Với các quy định như trên, trường hợp thuận lợi, trong 24 giờ cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiếp nhận thủ tục điều kiện bào chữa, sau đó vào nhà tạm giữ, trại tạm giam gặp hỏi người bị buộc tội và quy định điều kiện bào chữa, thông báo cho người bào chữa.

 + Tuy nhiên, trên thực tế, việc cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đến tận nơi tạm giam, tạm giữ gặp để lấy ý kiến người bị buộc tội về sự đồng ý hay không đồng ý nhờ luật sư bào chữa, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng vào sổ đăng ký và thông báo cho người đăng ký bào chữa trong thời hạn 24 giờ là không khả thi. Bởi không phải lúc nào nơi tạm giam, tạm giữ người bị buộc tội cũng ở cùng địa hạt, cùng phạm vi tỉnh, thành phố với trụ sở của cơ quan tiến hành tố tụng. Có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ở Miền Nam đã khởi tố vụ án xảy ra tại Miền Nam nhưng bị can lại bị tạm giữ, tạm giam ở Miền Bắc thì để làm đầy đủ các thủ tục, quy trình luật định như trên lại là “làm khó”cho cơ quan tiến hành tố tụng.

  + Quy định tại khoản 4 Điều 78 BLTTHS 2015 về việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi văn bản thông báo người bào chữa trong vòng 24 giờ khi không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa là nhằm tạo điều kiện để người bào chữa có khả năng hỗ trợ kịp thời người bị bắt, người bị tạm giữ thực hiện quyền được bào chữa của họ. Tuy nhiên quy định này vẫn còn “vênh”với quy định tại khoản 1 Điều 183 BLTTHS 2015 về hỏi cung bị can. Theo đó “Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó”. Nếu sau khi được giải thích về quyền được nhờ người bào chữa  theo Điều 60 bị can mới có nguyện vọng mời luật sư bào chữa thì lại không có quy định nào để dừng việc hỏi cung lại để có sự tham gia của luật sư, trong khi việc cấp GCN bào chữa phải qua các thủ tục đòi hỏi một khoảng thời gian từ 24 giờ trở lên. Do vậy, thực tế đã xảy ra tình trạng một số trường hợp bị can bị bức cung, dùng nhục hình ngay tại nơi tạm giam, tạm giữ vì không có sự tham gia kịp thời của người bào chữa từ những bản cung đầu tiên.

Thứ ba, về việc cấp giấy chứng nhận đăng kí bào chữa chưa có sự thống nhất khi xuất hiện trường hợp có địa phương áp dụng, có nơi lại không.

+ Tại một số tòa án như TAND TP.HCM, TAND cấp cao tại Hà Nội… vẫn còn áp dụng việc cấp giấy chứng nhận bào chữa như cũ. Nhiều luật sư cho biết từ khi Bộ LTTHS 2015 bị lùi hiệu lực thi hành, có tòa án vẫn duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, tuy nhiên một số cơ quan đã mạnh dạn áp dụng thủ tục đăng ký.

+ Sở dĩ có sự áp dụng không thống nhất quy định nêu trên bởi cả Bộ LTTHS và Bộ luật hình sự năm 2015 đều đã bị hoãn hiệu lực thi hành. Nghị quyết 144 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành các bộ luật trên đã nêu rõ: “Áp dụng các quy định của Bộ LTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự”.Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là quy định có lợi, hay áp dụng như thế nào đang là vấn đề bị bỏ ngỏ và chưa được giải thích cặn kẽ. theo quy định của pháp luật thủ tục đăng ký bào chữa là quy định có lợi cho bị can, bị cáo. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên có cơ quan thích thì áp dụng, không thích thì thôi. Quy định đăng ký bào chữa hay thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa về bản chất không thay đổi. Luật cũ thì cấp giấy chứng nhận người bào chữa, luật mới thì cơ quan tố tụng ra thông báo về việc bào chữa. Chung quy vẫn phải có giấy của cơ quan tố tụng, vẫn phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng..

Đây cũng là một trong nhiều vướng mắc rất dễ xảy ra trong quá trình áp dụng các quy định mới của BLTTHS 2015 về đảm bảo quyền của người bào chữa cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định này nhằm loại bỏ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật cho cả đôi bên là người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng.

Nguồn: Yến Nhi (sinh viên khóa 56 khoa luật, trường Đại học Vinh)


Các tìm kiếm liên quan đến thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, mẫu giấy đăng ký bào chữa, thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự , thủ tục tham gia tố tụng của luật sư, mẫu đơn đăng ký bào chữa, bộ luật tố tụng hình sự 2015, thủ tục luật sư gặp bị can, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa trong giai đoạn truy tố, người bào chữa trong tố tụng hình sự 2003

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền