Site icon Hocluat.VN

Quá trình hình thành và vai trò của Bộ nguyên tắc La Hay năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

Hợp đồng

Cùng với tiến trình tự do hóa toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch kinh doanh xuyên biên giới, pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế (HĐTMQT) ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm. Về cơ bản, HĐTMQT cũng có nội dung giống như hợp đồng thương mại trong nước, chỉ khác ở yếu tố quốc tế. Việc xác định chính xác tính quốc tế trong HĐTMQT sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý, đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên chủ thể trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Bởi nếu trong quan hệ HĐTM không có yếu tố nước ngoài, hoạt động của các chủ thể chỉ chịu sự điều chỉnh của nội luật, thì HĐTMQT cùng một lúc nó có thể liên quan tới hai hay nhiều hệ thống pháp luật. Trong khi đó, mỗi hệ thống pháp luật lại có thể tồn tại những quy định khác nhau về cùng một vấn đề pháp lý nhất định. Đây là một hiện tượng mà trong tư pháp quốc tế gọi là hiện tượng xung đột pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, một trong các phương pháp tối ưu trong thực tiễn đã được pháp luật trong nước cũng như văn bản pháp luật quốc tế ghi nhận là cho phép các bên chủ thể được quyền lựa chọn pháp luật áp dụng trong HĐTMQT. Gần đây nhất, một trong số các văn bản pháp luật quốc tế đề cập tới vấn đề này là Bộ nguyên tắc La Hay năm 2015 về chọn luật áp dụng cho HĐTMQT (sau đây gọi tắt là Bộ nguyên tắc). Đây là một bộ nguyên tắc không có tính ràng buộc, chỉ khuyến khích các quốc gia kết hợp vào trong cơ chế lựa chọn pháp luật áp dụng của chính quốc gia theo cách thức phù hợp với từng hoàn cảnh. Tại sao một bộ nguyên tắc dù không tạo thành một văn kiện có tính ràng buộc chính thức như các văn bản khác, nhưng lại đang nhận được rất nhiều kỳ vọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế? Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bài viết quá trình hình thành, trên cơ sở đó làm sáng tỏ vai trò của Bộ nguyên tắc La Hay 2015.

 

Mục lục:

1. Quá trình hình thành Bộ nguyên tắc La Hay năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

2. Vai trò của Bộ nguyên tắc La Hay năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

3. Kết luận

 

1. Quá trình hình thành Bộ nguyên tắc La Hay năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

Hợp đồng thương mại quốc tế với tính chất đặc thù là loại hợp đồng có liên quan đến hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, nên trong quá trình giao kết và thực hiện đã phát sinh không ít những vấn đề phức tạp, điển hình như việc lựa chọn pháp luật nào làm căn cứ để giải quyết các vấn đề pháp lý đối với hợp đồng, hay các bên chủ thể của hợp đồng có được thể hiện ý chí trong việc quyết định luật áp dụng hay không.

Từ cuối thế kỷ thứ XV, cùng với sự ra đời của tư tưởng triết học Immanuel Kant về chủ nghĩa tự do, nguyên tắc “Tự do ý chí”1 đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng trong pháp luật hiện đại về hợp đồng trên thế giới. Cùng với nguyên tắc bình đẳng trong thương mại, khái niệm quyền tự định đoạt của các bên (“party autonomy”) trong việc xác định pháp luật áp dụng dần được hoàn thiện và chiếm ưu thế. Trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển giao thương, các quốc gia đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về HĐTMQT, cụ thể như việc công nhận và trao cho các bên trong hợp đồng quyền có thể tự do thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng.2 Tuy nhiên, với mỗi hệ thống pháp luật khác nhau, nội dung của quyền tự định đoạt luật áp dụng trong hợp đồng lại có những điểm khác biệt, gây ra không ít khó khăn cho các thương nhân khi ký kết những hợp đồng xuyên biên giới. Với mục tiêu thống nhất nội dung, phổ biến quyền năng của các bên chủ thể trong việc lựa chọn pháp luật nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nguyên tắc tự định đoạt đã được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế đa phương như: Công ước Rome về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng, Công ước thành phố Mexico…

Thống nhất hóa các quy định pháp luật nói chung và các quy định pháp luật về HĐTMQT nói riêng là một trong những mục tiêu chính của Liên minh Châu Âu (EU) ngay từ những ngày đầu thành lập. Việc công nhận quyền tự do trong việc lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng đã được đề cập trong Công ước Rome số 80/934/EEC về luật áp dụng với các nghĩa vụ hợp đồng ngày 19/6/1980 (còn gọi là Công ước Rome 1980 hay Quy chế Rome I). Ngay từ phần mở đầu Quy chế Rome I đã khẳng định một nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật hợp đồng, đó là nguyên tắc tự do thỏa thuận luật áp dụng, cụ thể: “Tự do thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên trong hợp đồng là một trong những nền tảng của hệ thống quy tắc xung đột”, “Hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật do các bên thỏa thuận lựa chọn”. Theo nguyên tắc này, các bên có quyền lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của mình. Điều khoản này có thể là một điều khoản trong văn bản hợp đồng hoặc có thể được thỏa thuận trong một văn bản riêng. Công ước Rome 1980 có hiệu lực từ ngày 01/4/1991. Tuy vậy, sau gần 30 năm thực hiện, do việc áp dụng Công ước không được thống nhất giữa các quốc gia thành viên, hiệu quả thực thi trên thực tế bị suy giảm, nên đến tháng 1/2003, Uỷ ban châu Âu đã đưa ra đề xuất sửa đổi Công ước Rome 1980. Ngày 17/6/2008, Hội đồng và Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy tắc số 593/2008 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng (hay còn gọi là Quy chế Rome I), thay thế Công ước Rome 1980.

Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (The Organization of American States

– OAS) là một tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập năm 1948. Một trong các mục tiêu của OAS là thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và pháp lý của các nước Châu Mỹ, thống nhất những cố gắng vì sự tiến bộ kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và văn hóa. Vào ngày 17 tháng 3 năm 1994, một Hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng OAS đã nhóm họp tại Mexico và thông qua Công ước Liên Mỹ về Luật áp dụng đối với Hợp đồng quốc tế hay còn gọi là Công ước Mexico (The Inter-American Convention on the Law Applicable to International Contracts- ICLAIC). Công ước này là một nỗ lực nhằm tiếp tục phát triển và hài hòa hóa các quy định pháp luật trong HĐTMQT, cụ thể là thiết lập các quy tắc lựa chọn hợp pháp cho các nghĩa vụ theo hợp đồng của các bên trong tổ chức OAS.3

Trong sự vận động không ngừng của quá trình toàn cầu hóa, với mục tiêu định hướng cải cách pháp luật quốc gia, đồng thời bổ sung giải thích rõ hơn nữa về các vấn đề lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng, phù hợp với những nhu cầu thực tiễn, Hội nghị La Hay vào ngày 19/03/2015 đã thông qua Bộ Nguyên tắc về chọn luật áp dụng cho HĐTMQT (The Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts).

Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (The Hague Conference) được Chính phủ Hà Lan tổ chức lần đầu năm 1893 theo sáng kiến của luật gia nổi tiếng người Hà Lan – Tobias Michael Carel Asser.4 Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã có 6 phiên họp được tổ chức (vào các năm 1893, 1894, 1900, 1904, 1925 và 1928). Phiên họp thứ 7 tổ chức năm 1951 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới với việc trở thành một tổ chức quốc tế liên chính phủ độc lập kể từ năm 1955 trên cơ sở Hiến chương của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Mục đích của Tổ chức này là hài hòa hóa các nguyên tắc khi có sự khác biệt giữa các hệ thống luật pháp, nhằm đem đến cho công dân và pháp nhân của các quốc gia sự bảo đảm và an toàn về mặt pháp lý ở cấp độ cao. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, tính phức tạp và đan xen giữa các vấn đề pháp lý của từng quốc gia và quốc tế ngày càng tăng lên, chính điều này lại càng làm nảy sinh nhu cầu cấp bách về hợp tác pháp luật, tăng cường thông tin và liên kết giữa các hệ thống pháp luật vốn dĩ rất khác nhau. Mục tiêu của Hội nghị La Hay là xây dựng những phương pháp tiếp cận và giải pháp nhận được sự chấp nhận và đồng thuận trên bình diện quốc tế nhằm giải quyết những xung đột pháp luật.5 Cùng với sự đóng góp của các quốc gia thành viên Hội nghị và nhiều quốc gia khác, cho tới này Hội nghị La Hay đã soạn thảo được khoảng 40 điều ước quốc tế đa phương, thường được gọi là các Công ước La Hay. Các điều ước quốc tế này đã và đang được đón nhận ở nhiều quốc gia và trở thành các công cụ pháp lý hữu hiệu, góp phần đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về giải quyết các xung đột pháp lý toàn cầu.

Như đã trình bày ở phần trên, do tính chất quốc tế trong các HĐTMQT, tòa án và hội đồng trọng tài thường được yêu cầu phải xác định luật áp dụng – hay còn được gọi là luật điều chỉnh – để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Khả năng lựa chọn luật áp dụng của các bên là hợp lý dựa trên các nguyên tắc cổ điển đã tồn tại từ thế kỷ XV về sự tự chủ của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX, mức độ về quyền tự định đoạt của các bên trong HĐTMQT đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi lớn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.6 Đứng trước thực tiễn này, tháng 06/2006, Hội đồng đặc biệt về chính sách và những vấn đề chung của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế 7 đã mời Văn phòng thường trực của Hội nghị La Hay8 cùng tiến hành một loạt các nghiên cứu về tính khả trong việc xây dựng một bộ nguyên tắc liên quan đến việc lựa chọn luật áp dụng trong các HĐTMQT. Các nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phân tích các quy tắc hiện hành và thực tiễn áp dụng các thoả thuận pháp lý trong lĩnh vực tư pháp và trọng tài. Ngoài ra, Văn phòng Thường trực-Ban Thư ký Hội nghị La Hay- cũng tiến hành gửi bảng câu hỏi tới các thành viên Hội nghị, Phòng Thương mại quốc tế9, và rất nhiều các trung tâm trọng tài quốc tế và các thực thể khác, nhằm điều tra thực tiễn việc sử dụng quyền thỏa thuận chọn luật của các bên trong hợp đồng, và mức độ mà các thoả thuận này được tôn trọng, trên cơ sở đó sẽ xác định các điều khoản cần phải xây dựng trong Bộ nguyên tắc sau này.

Trong năm 2009, theo kết quả và khuyến nghị từ các nghiên cứu, Hội đồng đặc biệt về chính sách và những vấn đề chung, cơ quan điều hành Hội nghị La Hay đã yêu cầu Văn phòng thường trực thành lập một Nhóm công tác phụ trách việc soạn thảo một văn kiện quốc tế với tính chất không ràng buộc, và sau này là Bộ Nguyên tắc La Hay. Nhóm công tác bao gồm các chuyên gia đến từ các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế và trọng tài thương mại quốc tế. Trong những năm tiếp theo, Nhóm công tác do giáo sư Daniel Girsberger của Thụy Sỹ làm chủ tịch đã nhóm họp nhiều lần về việc xây dựng, góp ý, cũng như đưa ra các bình luận cho Bộ Nguyên tắc này.10 Với mỗi điều khoản, Nhóm công tác sẽ đưa ra các bình luận cụ thể, với mục đích như một công cụ giải thích để các bên khi áp dụng có thể hiểu rõ hơn về nội dung trong Bộ Nguyên tắc La Hay. Các ví dụ và tình huống cũng được xây dựng nhằm minh họa cho việc áp dụng các quy định pháp luật.

Từ 12-16/12/2012, một Ủy ban đặc biệt được thành lập và triệu tập ở La Hay để đánh giá bản dự thảo do Nhóm Công tác đưa ra vào năm 2011. Ủy ban đặc biệt đã nhất trí thông qua bản sửa đổi của Bộ Nguyên tắc La Hay và đưa ra một số các khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thành Bộ Nguyên tắc và các Phụ lục kèm theo. Trên cơ sở những khuyến nghị này, tháng 4 năm 2013, Hội đồng về chính sách và những vấn đề chung đã thông qua dự thảo Bộ Nguyên tắc La Hay và chỉ đạo Nhóm công tác tiếp tục hoàn thành Bản bình luận cho Bộ Nguyên tắc.

Nhóm công tác đã họp hai lần trong năm 2013-2014 để thống nhất về những dự thảo trong Bản bình luận, và thành lập một Ủy ban biên tập để hoàn thành công việc của mình. Bản dự thảo cuối cùng của Bộ Nguyên tắc La Hay đã được trình lên Hội đồng đặc biệt về chính sách và những vấn đề chung. Tại cuộc họp tháng 4 năm 2014 của Hội đồng, một thủ tục tham vấn bằng văn bản đã được thông qua, theo đó các thành viên được mời sẽ đưa ra ý kiến, và nếu không có phản đối trong vòng 60 ngày, văn kiện sẽ được phê duyệt. Ngày 19/3/2015, sau khi không nhận được ý kiến phản đối nào, Bộ Nguyên tắc La Hay đã được chính thức phê duyệt. Việc thông qua Bộ nguyên tắc không có tính ràng buộc như thế này có thể nói là cách thức mới đối với Hội nghị La Hay, mặc dù các văn kiện dạng này trên thế giới lại khá phổ biến. Trên thực tế, Bộ nguyên tắc đã bổ sung vào số lượng ngày càng lớn các văn kiện không có tính ràng buộc của các tổ chức khác đã đạt được thành công trong xây dựng và hài hòa hóa pháp luật.

2. Vai trò của Bộ nguyên tắc La Hay năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

Hội nghị La Hay cho rằng, một bộ nguyên tắc không có tính ràng buộc mà có tính khuyến nghị như Bộ Nguyên tắc La Hay 2015 là phù hợp hơn ở thời điểm hiện tại, nhằm gia tăng sự chấp nhận đối với nguyên tắc về quyền tự định đoạt của các bên trong HĐTMQT, trên cơ sở đó các quốc gia sẽ thiết kế các cơ chế pháp lý phù hợp để áp dụng nguyên tắc này một cách hài hòa và khả thi.11 Vậy đối với việc lựa chọn luật áp dụng cho HĐTMQT, Bộ nguyên tắc sẽ phải định hướng cho mình những vai trò như thế nào để có thể khuyến khích việc áp dụng của bộ nguyên tắc này tại các quốc gia.

Thứ nhất, Bộ nguyên tắc La Hay 2015 có vai trò như một bộ luật mẫu cho các văn bản pháp luật quốc gia, văn bản pháp luật của tổ chức trong khu vực, văn bản của các tổ chức liên chính phủ hoặc tổ chức mang tính toàn cầu.

Vai trò này đã được đề cập đến ngay ở phần Lời nói đầu của Bộ nguyên tắc. Một trong những mục đích của Bộ nguyên tắc là được công nhận và ghi nhận trong các quy tắc tư pháp quốc hiện tại và tương lai, thông qua đó đạt được mức độ đáng kể về hài hoà hoá pháp luật ở cấp độ quốc gia, khu vực, liên minh các quốc gia và cấp độ toàn cầu, tạo ra sức ảnh hưởng về quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Trên thực tế, vai trò này của Bộ nguyên tắc đã được thể hiện rất sớm. Từ trước khi Bộ nguyên tắc được chính thức thông qua, Paraguay là quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật về lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng quốc tế, một đạo luật được xây dựng dựa trên nền tảng là bản dự thảo của Bộ nguyên tắc vào 17/12/2014.12 Paraguay đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc đưa Bộ nguyên tắc áp dụng trong thực tiễn, hướng tới việc áp dụng thống nhất về quyền tự định đoạt của các bên trong HĐTQMQT. Vai trò này của Bộ nguyên tắc rất có ý nghĩa với các nhà lập pháp khi họ có thể sử dụng Bộ nguyên tắc như một hình mẫu để soạn thảo mới, bổ sung hoặc phát triển thêm các quy tắc hiện có tại quốc gia, tổ chức của họ về lựa chọn pháp luật áp dụng. Vì Bộ nguyên tắc không mang tính ràng buộc nên các nhà lập pháp có thể áp dụng Bộ nguyên tắc toàn bộ hoặc một phần.

Vai trò luật mẫu của Bộ nguyên tắc được thể hiện cụ thể ở các điều khoản của nó khi những điều khoản này được coi là các quy định quốc tế mẫu, thống nhất về việc công nhận và các giới hạn của nguyên tắc quyền tự định đoạt của các bên trong lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế, với những điều khoản tiên tiến phù hợp. Một số quy định thể hiện cách tiếp cận đã được thừa nhận rộng rãi trên bình diện quốc tế, chẳng hạn quy định về quyền tự do lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của các bên tại Điều 2.1 Bộ nguyên tắc, hoặc quy định về giới hạn trong việc áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn tại Điều 11 Bộ nguyên tắc. Một số quy định khác thể hiện quan điểm của Hội nghị La Hay về những vấn đề pháp lý trong việc lựa chọn luật áp dụng và đưa ra những giải thích hữu ích cho các quốc gia đã chấp nhận quyền tự định đoạt của các bên, chẳng hạn quy định về xác định khả năng các bên được lựa chọn pháp luật khác nhau điều chỉnh những phần khác nhau của hợp đồng tại Điều 2.2, các bên được ngầm chọn pháp luật áp dụng (Điều 4), quy định về hiệu lực riêng rẽ giữa thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng với hợp đồng chính (Điều 7). Các quy định của Bộ nguyên tắc cung cấp các khuyến nghị quan trọng cho các quốc gia trong ban hành hoặc hiện đại hóa cơ chế ủng hộ quyền tự định đoạt của các bên.13

Thứ hai, Bộ nguyên tắc còn đóng vai trò là văn bản hướng dẫn cho các toà án ở các quốc gia và trọng tài thương mại tham khảo trong việc giải thích, bổ sung và phát triển các nguyên tắc tư pháp quốc tế.

Các nguyên tắc này có thể tồn tại ở cấp độ quốc gia, khu vực, liên minh các quốc gia hoặc toàn cầu và có thể được tìm thấy ở trong các văn bản quốc tế, các quy tắc, các văn bản pháp luật trong nước hoặc án lệ. Các toà án quốc gia hoặc các trọng tài thương mại có thể sử dụng Bộ nguyên tắc để:

Giải thích hoặc diễn giải, phân tích nghĩa hoặc cách hiểu các nguyên tắc tư pháp quốc tế hiện tại;

Bổ sung hoặc phát triển các quy định về tư pháp quốc tế khi những quy định này không đủ rõ ràng hoặc phù hợp về tình huống cụ thể nào đó;

Thêm vào các quy tắc mới chưa từng có trước đó hoặc thay đổi cơ bản các quy định tư pháp quốc tế hiện tại (do toà án hoặc các cơ quan lập pháp thực hiện).

Bộ nguyên tắc không chỉ đóng vai trò là văn bản hướng dẫn cho các toà án ở các quốc gia và trọng tài thương mại, với các bên chủ thể của hợp đồng và các nhà tư vấn pháp lý của họ, Bộ nguyên tắc cung cấp hướng dẫn về các quy định pháp luật hoặc nguyên tắc pháp luật mà các bên có thể lựa chọn một cách hợp pháp, và các đặc điểm, sự cân nhắc, xem xét liên quan khi đưa ra lựa chọn pháp luật, bao gồm những vấn đề quan trọng về hiệu lực và ảnh hưởng đối với lựa chọn pháp luật của họ, dự thảo thoả thuận lựa chọn luật áp dụng có khả năng thi hành.14

Thứ ba, Bộ nguyên tắc đóng vai trò như một phương tiện để làm hài hoà việc lựa chọn pháp luật giữa phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay toà án bất kể sự khác biệt trong việc giải quyết tranh chấp giữa hai phương thức này.

Khi một tranh chấp được giải quyết tại toà án của một quốc gia, hầu như các quy tắc tư pháp quốc tế sẽ dẫn chiếu đến pháp luật quốc gia để giải quyết tranh chấp giữa các bên.Việc lựa chọn các quy tắc hay “nguyên tắc pháp luật” thường được sử dụng trong trường hợp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tuy nhiên, Điều 3 của Bộ nguyên tắc đã mở rộng phạm vi quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn luật áp dụng bằng cách cho phép các bên lựa chọn “nguyên tắc pháp luật” phát triển từ các nguồn không do cơ quan nhà nước ban hành (Non-state Law), nhằm điều chỉnh quan hệ hợp đồng của họ ngay cả khi tranh chấp được đưa ra giải quyết theo trình tự tố tụng tại toà án. Đây là quy định thể hiện cách thức giải quyết vấn đề mới của Bộ nguyên tắc. Trên thực tế, một số cơ chế cho phép các bên được kết hợp bằng cách dẫn chiếu trong hợp đồng về việc áp dụng các nguyên tắc pháp luật hoặc tập quán thương mại quốc tế, chẳng hạn như Công ước viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) hoặc Incoterms. Khi các bên thoả thuận rõ trong hợp đồng về luật áp dụng là CISG hoặc một điều kiện của Incoterms, khi đó cơ quan giải quyết tranh chấp cho dù là toà án hoặc trọng tài thương mại sẽ dựa vào thoả thuận đó làm căn cứ xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên, việc dẫn chiếu trong hợp đồng như vậy khác với việc quy định trong một bộ nguyên tắc về việc cho phép các bên chọn lựa nguyên tắc pháp luật là luật áp dụng điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa các bên chủ thể. Dù vậy, Điều 3 Bộ nguyên tắc đặt ra giới hạn nhất định đối với “nguyên tắc pháp luật” được phép lựa chọn áp dụng, đó là các “nguyên tắc pháp luật” phải được chấp nhận một cách rộng rãi ở cấp độ khu vực, liên minh các quốc gia hoặc toàn cầu và phải mang tính chất trung lập và cân bằng.

3. Kết luận

Với sự đầu tư công phu và chuẩn bị kỹ lưỡng của Hội nghị La Hay, Bộ nguyên tắc 2015 về lựa chọn luật áp dụng trong HĐTMQT dù mới ra đời, nhưng đã được nhiều quốc gia sử dụng như bộ luật mẫu, hoặc được toà án ở các quốc gia và trọng tài thương mại tham khảo trong việc giải thích, bổ sung và phát triển các nguyên tắc tư pháp quốc tế về những vấn đề có liên quan. Có lợi thế là một văn kiện pháp lý không có tính ràng buộc, Bộ nguyên tắc vì vậy được các quốc gia kết hợp vào trong cơ chế lựa chọn pháp luật áp dụng của chính quốc gia theo cách thức linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh. Chính từ lý do này, Bộ nguyên tắc đã góp phần tạo nên sự hài hòa hóa giữa hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực lựa chọn pháp luật áp dụng trong HĐTMQT./.

ThS. Phạm Thanh Hằng
Giảng viên Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế
Trường Đại học Luật Hà Nội


1 Xem Kox, Y.Magnyc, P.Bunklep Pon MopeHPelc, 2003, 143-144; Droit international prive

2 Ví dụ: Hoa Kỳ. Là một nước theo hệ thống pháp luật án lệ, nguyên tắc tự do ý chí của các bên trong hợp đồng trong pháp luật Hoa Kỳ được thể hiện rất cụ thể và trong một phạm vi rộng không chỉ trong các án lệ của Tòa án Hoa Kỳ từ thế XX, sau đó được Viện pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận tại Tuyển tập án lệ số 1 (First Restatement of Conflict of Laws) năm 1934. Restatement of Conflict of Laws là tập hợp các học thuyết pháp lý phổ biến đã được áp dụng qua thời gian nhằm thông báo cho thẩm phán, luật sư về các nguyên tắc chung của hệ thống án lệ, không có tính chất ràng buộc các bang phải tuân thủ. Bên cạnh đó, nguyên tắc tiếp tục được quy định Tuyển tập án lệ số 2 (Second Restatement of Conflict of Laws) năm 1971 và sau này là trong Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC).

3 An argument for ratification: Some basic principles of the 1994 inter-american convention on the law applicable to international contracts
Nguồn: http://digitalcommons.law.uga.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1334&context=gjicl

4 Tobias Asser – Biographical. Nguồn: https://www.nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/1911/asser-bio.html

5 Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và khả năng gia nhập của Việt Nam. Nguồn: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1416

6 Harmonization Through the Draft Hague Principles on Choice of Law, Marta Pertegas – Brooke Adele Marshall, Volume 39- Brooklyn Journal of International Law.

7 Special Commission on General Affairs and Policy of the Hague Conference on Private International Law\

8 The Permanent Bureau of the Hague Conference

9 International Chamber of Commerce (ICC)

10 Harmonization Through the Draft Hague Principles on Choice of Law, Marta Pertegas – Brooke Adele Marshall, Volume 39- Brooklyn Journal of International Law.

11 Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts. Nguồn: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/full-text/?cid=135

12 Paraguay Approves Implementing Legislation based on the Draft Hague Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts
https://www.hcch.net/en/news-archive/details/?varevent=391

13 Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts. Nguồn: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/full-text/?cid=135

14 Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts. Nguồn: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/full-text/?cid=135

5/5 - (27488 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version