Bài viết nêu khái quát về hệ thống tư pháp quốc tế (TPQT) Pháp, những nỗ lực của Pháp về pháp điển hóa TPQT nhưng không thành công; biện giải nguyên nhân Pháp không thống nhất trong việc pháp điển hóa TPQT; và phân tích các quan điểm cho rằng quá trình pháp điển hóa TPQT là cần thiết và sớm muộn cũng phải tiến hành tại Pháp.
Tư pháp quốc tế (TPQT) Việt Nam đã khá phát triển trong thời gian gần đây. Cấu thành nguồn của TPQT Việt Nam có hơn 30 văn bản luật[1] và văn bản dưới luật. Các văn bản này đã được sửa đổi khá thường xuyên để bắt kịp các xu thế mới, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, sự quá rải rác về nguồn, cộng thêm với những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản thường xuyên thay đổi làm cho các quy phạm TPQT của Việt Nam gần như không được áp dụng trong thực tế[2]. Mặc dù các quy phạm xung đột luật trong Bộ luật Dân sự (BLDS) và xung đột thẩm quyền trong Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) đã được sửa đổi khá toàn diện trong năm 2015, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các sửa đổi này vẫn chưa cho phép khắc phục được các vấn đề đã phát sinh. Ngoài ra, sự rải rác về nguồn gây khó khăn cho việc tiếp cận, hiểu về các quy phạm TPQT vẫn chưa giải quyết được. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể giải quyết các vấn đề trên thông qua việc xây dựng một đạo luật về TPQT[3].
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Đề án nghiên cứu khả năng xây dựng Luật TPQT. Để hoàn thiện Dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3621/BTP-PLQT ngày 17/10/2016 gửi xin ý kiến về dự thảo Đề án nghiên cứu khả năng xây dựng Luật TPQT tế đến 15 Bộ, ngành và nhận được ý kiến trả lời từ 11 Bộ, ngành. Kết quả cho thấy, đa số (9/11) Bộ/ngành nhất trí với sự cần thiết xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng xây dựng Luật TQT và đề xuất dự kiến xây dựng Luật TPQT (Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương). 2/11 Bộ/ngành (Bộ Nội vụ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề nghị cân nhắc về sự cần thiết, tính khả thi của việc xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng xây dựng Luật TPQT trong giai đoạn hiện nay, khi BLDS năm 2015 và Bộ luật TTDS năm 2015 vừa mới được ban hành và đã cập nhật, phù hợp với xu hướng chung điều chỉnh của TPQT[4].
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phản biện cho rằng, Việt Nam không nên xây dựng luật về TPQT mà ưu tiên cho việc tham gia các điều ước quốc tế[5]. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng Luật TPQT của một số quốc gia cho thấy, ở những nước này cũng xuất hiện những ý kiến tương tự, nhưng không cản bước được nhà lập pháp xây dựng luật TPQT, bởi việc này mang lại rất nhiều lợi ích[6]. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu xây dựng luật TPQT, cần tham khảo kinh nghiệm của cả các nước đã thành công và cả các nước đã thất bại trong việc xây dựng luật TPQT để tránh đi vào “vết xe đổ”. Bài viết này nghiên cứu trường hợp của Cộng hòa Pháp để góp thêm một cái nhìn đa chiều cho việc xây dựng luật TPQT Việt Nam.
1. Khái quát về hệ thốngtư pháp quốc tế Pháp
Nếu như pháp điển hóa luật pháp nói chung và TPQT nói riêng là xu hướng phổ biến và đặc trưng cho hệ thống dân luật (civil law) thì quốc gia tiêu biểu cho hệ thống pháp luật này, nước Pháp, cho đến nay vẫn quay lưng lại với việc pháp điển hóa TPQT. Trong khi các quốc gia lân cận ở châu Âu[7] đã lần lượt xây dựng các luật, bộ luật về TPQT(Bỉ[8], Italy[9], Thụy Sỹ[10], Hà Lan[11], Áo[12], Liechtenstein[13], Ba Lan[14], Séc[15], Bulgary[16], Hungary[17], Thổ Nhĩ Kỳ[18], Anh quốc[19], Slovenia[20], Estonia[21], Macedonia[22], Montenegro[23], Romania[24]), hoặc tập hợp các quy phạm TPQT trong các BLDS (Đức[25], Nga[26]…), thì Pháp vẫn chỉ có rất ít các quy định TPQT thành văn. Ngoài Điều 3[27] và Điều 14[28], 15[29] BLDS về thẩm quyền của Tòa án Pháp và luật áp dụng đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài (YTNN) liên quan tới công dân Pháp, trong suốt hai thế kỷ, cơ quan lập pháp của Pháp chỉ thông qua thêm một số điều khoản về quan hệ cha, mẹ và con có YTNN[30].
Rõ ràng là các quy định này, ngoài sự bất hợp lý về vị trí[31] thì còn bất cập về nội dung và sơ sài về số lượng, nên hoàn toàn không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề của TPQT. Trong thực tế, Tòa án Pháp đã phải sử dụng phương pháp quy dẫn, tức là sử dụng các quy định xác định thẩm quyền của tòa án đối với các vụ việc trong nước (các Điều 42 đến 47 Bộ luật TTDS) cho các vụ việc có YTNN.
Sự sơ sài về nguồn cấu thành TPQT không đặt ra nhiều vấn đề trong hơn 100 năm kể từ khi ban hành BLDS năm 1804. Pháp luật Pháp vẫn bằng lòng với việc trao quyền cho thẩm phán bổ khuyết cho các nguyên tắc chung này. Chính vì thế, hệ thống án lệ về TPQT của Pháp rất phát triển. Tuy nhiên, cho tới sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc thì các quan hệ dân sự có YTNN đã phát triển nhanh chóng. Các quy định sơ sài của TPQT không còn phù hợp nữa. Việc trao thẩm quyền cho Tòa án mặc dù có ưu điểm là tạo ra một hệ thống các giải pháp mềm dẻo, thích ứng nhanh chóng với biến động của thực tiễn, nhưng lại có những bất lợi cố hữu, đó là khả năng tiếp cận pháp luật đối với người dân trở nên khó khăn hơn và bản thân Tòa án cũng khá nhiều lần thay đổi giải pháp trước đó của chính mình, tạo nên sự mất an toàn pháp lý cho các chủ thể[32].
Chính điều này đã thúc đẩy một số nhà nghiên cứu và Bộ Tư pháp Pháp đề xuất các dự án luật TPQT. Nước Pháp đã chứng kiến ít nhất ba lần nỗ lực pháp điển hóa TPQT một cách toàn diện, song đều thất bại.
2. Những nỗ lực pháp điển hóatư pháp quốc tếbất thành của Pháp
Những đề xuất pháp điển hóa TPQT đã được nêu ra tại Pháp ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai[33]. Ba dự án luật về TPQT đã được đề xuất, đó là các dự án của Juliot de La Morandière (1), của H. Batiffol (2) và của Jean Foyer (3), nhưng không dự án nào được Nghị viện Pháp chấp nhận.
2.1 Dự án thứ nhất – Dự án Niboyet
Đây được coi là dự án xây dựng Luật TPQT[34] đầu tiên ở Pháp được Ủy ban cải cách BLDS Pháp, đứng đầu là ông Juliot de La Morandière, xây dựng từ năm 1948 đến năm 1950. Người đóng vai trò quan trọng nhất cho việc xây dựng dự thảo luật là luật gia TPQT nổi tiếng của Pháp, ông Jean Paul Niboyet, nên giới nghiên cứu vẫn gọi đây là dự án Niboyet. Dự thảo gồm 150 điều đề cập toàn diện tới địa vị pháp lý của người nước ngoài, giải quyết xung đột luật, thẩm quyền của các tòa án Pháp đối với các vụ việc có YTNN[35]. Dự thảo không chỉ giải quyết các vấn đề cụ thể như hôn nhân gia đình, quan hệ cha mẹ con cái, hợp đồng, v.v.., mà còn đề cập tới các vấn đề chung như định danh, xung đột luật, dẫn chiếu, điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài, công nhận quyền đã xác lập ở nước ngoài (vested right hay droit acquis)[36]. Như vậy, đây là một dự thảo toàn diện và đưa ra những giải pháp cụ thể, chi tiết cho từng vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là các nguyên tắc chung. Về mặt nội dung, dự thảo đã “ghi nhận hầu hết các giải pháp xung đột đương đại, dựa trên sự tổng hợp các giải pháp do án lệ đề ra […] hài hòa giữa việc đảm bảo lợi ích quốc gia và thích ứng với nhu cầu phát triển giao thương quốc tế”[37].
Dự thảo Niboyet ghi dấu ấn đậm nét của việc ưu tiên áp dụng pháp luật của Pháp. Luật của Pháp không chỉ được áp dụng rộng rãi đối với các quan hệ nhân thân liên quan tới công dân Pháp theo nguyên tắc quốc tịch (lex nationalis), mà ngay cả người nước ngoài cư trú tại Pháp từ 5 năm trở lên cũng sẽ phải chịu sự điều chỉnh của luật Pháp (Điều 59 Dự thảo). Các quy phạm xung đột chủ yếu là quy phạm một chiều. Đây có lẽ cũng là lý do khiến Dự thảo bị tranh luận gay gắt khi đưa ra thảo luận năm 1955[38], khiến Ủy ban cải cách BLDS phải thu hồi Dự thảo và giao việc soạn thảo một Dự thảo mới cho hai Thẩm phán cao cấp là Marc Ancel và Georges Holleaux, cũng như Trưởng ban mới là Thẩm phán Henri Batiffol[39]. Ngoài ra, việc tác giả đột ngột qua đời năm 1952 cũng khiến Dự thảo không còn được bảo vệ, nên dự án xây dựng Luật TPQT cũng “chết” theo người mang lại “tâm hồn” cho nó mà chưa kịp đưa ra thảo luận trước Nghị viện.
2.2 Dự án thứ hai – Dự án Batiffol 1959
Dự án thứ hai, còn được gọi là dự án “Batiffol”, do người khởi xướng là giáo sư H. Batiffol với sự tham gia của M. Ancel và G. Holleaux. Trái ngược với Dự thảo luật Niboyet, bản Dự thảo[40] lần hai chỉ gồm vỏn vẹn 21 điều chứa đựng các nguyên tắc chủ đạo điều chỉnh ba vấn đề: địa vị pháp lý của người nước ngoài (1 điều), xung đột luật (10 điều) và xung đột thẩm quyền (10 điều). Điều này phản ánh chủ trương của nhóm tác giả là chỉ đưa ra các nguyên tắc chung chứ không đi vào các giải pháp cụ thể[41]. Dự thảo được đánh giá là ít tính hàn lâm và ít gây tranh cãi hơn Dự thảo đầu tiên[42]. Thực vậy, Dự thảo đã bỏ đi hầu hết các quy phạm xung đột một chiều cũng như việc đề cao quá mức luật của Pháp trong giải quyết xung đột luật và pháp điển hóa các giải pháp đã được ghi nhận trong án lệ, hệ thuộc quốc tịch được thay thế bằng hệ thuộc nơi cư trú.
Lần này, Dự thảo được trình riêng rẽ so với Dự thảo cải cách BLDS. Tuy nhiên,văn bản đã không được bàn đến và chỉ được công bố 11 năm sau đó, năm 1970, gần như cùng lúc với Dự thảo thứ ba. Do đó, bản Dự thảo thứ hai này đã nhanh chóng rơi vào quên lãng và các học giả đánh giá rằng Dự thảo thất bại là do “thiếu ý chí chính trị” chứ không phải do nội dung của Dự thảo[43].
2.3 Dự án thứ ba – Dự án Foyet năm 1967
Dự án thứ 3 được bắt đầu 1965 theo sáng kiến của Bộ trưởng Tư pháp lúc bấy giờ là ông Jean Foyet. Dự thảo Luật[44] gồm 37 điều, được hoàn thiện trên cơ sở Dự thảo năm 1959 và dự kiến sẽ được đưa vào thành một phần của BLDS (quyển IV) với tên gọi “Luật áp dụng trong TPQT”[45]. Điều này cho thấy, Dự thảo mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề xung đột luật. Lần này, Dự thảo chỉ ghi nhận các quy phạm nhiều bên và gần như xóa bỏ hoàn toàn các quy phạm một chiều.
Đáng tiếc là Dự thảo đã không nhận được sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo mới tại Bộ Tư pháp[46], hay nói một cách khác, cũng như số phận của Dự thảo thứ hai, Dự thảo lần ba này đã không được đưa ra bàn thảo do thiếu “quyết tâm chính trị”[47].
3. Nguyên nhân Pháp không pháp điển hóatư pháp quốc tế
Các học giả bàn luận khá nhiều tới các nguyên nhân nhằm lý giải việc nước Pháp cho đến nay vẫn không thành công hoặc không quá tha thiết với việc pháp điển hóa TPQT[48].
Lý do thứ nhất là nước Pháp không có được nỗ lực chính trị thực sự về pháp điển hóa hệ thống TPQT của mình. Dự án thứ nhất và thứ ba đã không được tiếp tục ngay khi người khởi xướng chết hoặc rời chức vụ. Còn Dự án thứ hai không thành công là vì nhóm khởi xướng quá ít ảnh hưởng về chính trị và học thuật. Nội dung của Dự án được giới thiệu quá chậm và được coi là “được chăng hay chớ”[49], nên không nhận được sự ủng hộ của cơ quan nhà nước cũng như giới nghiên cứu.
Lý do thứ hai liên quan đến thời điểm ra đời các Dự án. Một số người cho rằng còn quá sớm để nghĩ tới một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh các QHDS có YTNN[50]. Một số khác lại nghĩ rằng, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn[51]. Một số khác nữa đánh giá rằng đã quá muộn để xây dựng Luật về TPQT, bởi vì quá trình toàn cầu hóa đã diễn ra với sự gia tăng nhanh chóng các QHDS có YTNN, làm cho các giải pháp mà Tòa án đưa ra trở nên phức tạp hơn bao giờ hết[52]. TPQT Pháp đã trở nên phức tạp tới mức không thể “nhét” tất cả các quy định vào một chiếc áo pháp điển. Ngoài sự phức tạp “tự nhiên và không thể giản lược được của TPQT”[53] còn có sự “phức tạp về hình thức” tuy không quá quan trọng nhưng lại không dễ giải quyết[54].
Có ý kiến cho rằng, việc nước Pháp không pháp điển hóa TPQT đem lại những lợi ích nhất định đối với việc hài hòa hóa và tuân thủ luật pháp quốc tế và khu vực[55]. Trong khi các nước trong EU như Đức, Ý, Thụy Sỹ… phải tiến hành sửa đổi các văn bản TPQT cho phù hợp với các quy định của châu Âu rất tốn công sức và tiền của, thì nước Pháp, do không có luật về TPQT nên không phải mất công sửa đổi luật, hệ thống án lệ có thể thích nghi một cách nhanh chóng với hoàn cảnh mới. Chính lợi ích này khiến nhiều người không ủng hộ việc pháp điển hóa TPQT ở Pháp[56]. Ý kiến khác cho rằng, quá trình pháp điển hóa trên bình diện quốc tế có thể bù đắp sự thiếu hụt của nước Pháp. Ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp đã đóng vai trò hạt nhân tích cực tại Hội nghị quốc tế La Hay về TPQT và tham gia vào việc soạn thảo rất nhiều Công ước về TPQT trong khuôn khổ hội nghị này. Do vậy, nước Pháp có thể không cần tiến hành pháp điển hóa các quy định trong nước mà có thể tận dụng quá trình pháp điển hóa quốc tế này[57].
Lý do thứ ba liên quan đến bản chất của TPQT. Đây là một loại văn bản chuyên ngành rất đặc biệt, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến rất nhiều văn bản luật khác nhau. Một số khái niệm thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản luật này mang tính hàn lâm thuộc loại khá mềm dẻo, khó nắm bắt và được áp dụng rất khác nhau, chẳng hạn các khái niệm như “trật tự công cộng”, “dẫn chiếu”, “định danh”, “lẩn tránh pháp luật”, “trùng tố”, “nhường thẩm quyền”, “quan hệ gắn bó nhất”. Chính điều này làm cho việc luật hóa các khái niệm là rất khó khăn. Theo một số tác giả, tính chất án lệ của TPQT đáp ứng được tốt hơn các đòi hỏi về sự gắn kết và tính khả đoán của pháp luật, nên việc xây dựng một bộ luật về TPQT là hoàn toàn không cần thiết[58]. Một số người thậm chí còn cho rằng, bộ luật về TPQT là có hại vì đây là một lĩnh vực đòi hỏi một sự đánh giá tự do của Tòa án nên không thể bị đóng khung vào các quy định cứng nhắc. Theo họ, TPQT chỉ cần có một số quy tắc chung thành văn là đủ, các nguyên tắc chuyên biệt nên để cho Tòa án đưa ra trong quá trình xét xử.
4. Sự cần thiết phải pháp điển hóatư pháp quốc tế Pháp
Mặc dù cho đến nay, nước Pháp vẫn do dự trong việc xây dựng Luật TPQT, nhưng những chuyển biến của bối cảnh hiện nay cả trong nước và quốc tế đã cho thấy sự cần thiết phải tiến hành pháp điển hóa TPQT. Việc các nhà lập pháp ban hành các quy định rời rạc để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh có thể dẫn tới sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật. Sự cần thiết phải pháp điển hóa TPQT Pháp được luận giải bởi những lý do sau đây:
4.1 Án lệ không phải là giải pháp bền vững
Mặc dù các phán quyết của Tòa án tối cao[59] có tính hệ thống thông qua việc thẩm phán xây dựng hoặc khẳng định các nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, nhưng điều này cũng không đảm bảo hoàn toàn sự áp dụng và giải thích thống nhất bởi các Tòa án cấp dưới. Điều này càng đúng đối với những vấn đề mới chưa được Tòa án tối cao xem xét. Chẳng hạn trong các vụ tranh chấp liên quan tới thẩm quyền xét xử quốc tế của Tòa án Pháp đối với vụ việc cá nhân kiện Facebook, các Tòa án cấp tỉnh áp dụng và giải thích theo các cách rất khác nhau các quy phạm pháp luật của Pháp để giải quyết các câu hỏi liên quan tới TPQT[60]. Một số học giả thậm chí chỉ trích rằng,án lệ đã xa rời nhiệm vụ đảm bảo tính hệ thống và nhất quán của TPQT, tỏ ra ít quan tâm hơn tới việc đảm bảo tính nhất quán này mà chỉ chú ý giải quyết các vấn đề nhất thời[61]. Xu hướng này càng thể hiện rõ đối với lĩnh vực TPQT vốn nhiều khái niệm trừu tượng như bảo lưu trật tự công cộng, dẫn chiếu, lẩn tránh pháp luật…
4.2 Vai trò hạn chế của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực TPQT
Quá trình pháp điển hóa TPQT diễn ra sôi nổi từ sau chiến tranh thế giới thứ hai ở cấp độ khu vực (châu Âu) và ở cấp độ quốc tế (trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về TPQT). Nước Pháp tham gia tích cực vào quá trình này, không chỉ trở thành thành viên mà còn trực tiếp tham gia soạn thảo các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về TPQT.
Việc pháp điển hóa TPQT có những ưu điểm nhất định bởi các giải pháp đưa ra là những giải pháp đã thống nhất, do đó giúp hạn chế tối đa sự khác biệt giữa các nước. Hơn nữa, những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của các ĐƯQT đều là những lĩnh vực có nhu cầu điều chỉnh cao, trong đó các quan hệ có YTNN diễn ra phổ biến. Do vậy, ngay cả khi việc pháp điển hóa chưa thành công (có những ĐƯQT không có hiệu lực do không có đủ số nước tham gia), quá trình này có thể giúp cung cấp cho các nước những đường hướng chính trong xây dựng và áp dụng TPQT. Quá trình này cũng là quá trình so sánh các giải pháp quốc gia và các nước tham gia đàm phán có thể hiểu rõ hơn về các giải pháp chung được đa số các quốc gia áp dụng[62].
Nhưng chỉ dựa vào các ĐƯQT với quan niệm có thể thay thế hoàn toàn cho việc pháp điển hóa TPQT là sai lầm, bởi pháp điển hóa trên bình diện quốc tế cũng có những mặt trái. Đây là quá trình đàm phán lâu dài, khó khăn và thường đi đến thất bại hơn là thành công. Nhìn vào các Dự thảo hoặc Công ước đã được thông qua tại Hội nghị La Hay về TPQT, có thể thấy rất nhiều Công ước chưa thể có hiệu lực do không đủ thành viên tham gia hoặc ngay cả những Công ước đã có hiệu lực thì cũng có rất ít nước tham gia[63]. Điều đó cho thấy các Công ước chưa chắc đã giúp ích cho việc thống nhất hóa TPQT trên thế giới, ngược lại, chúng dường như lại bổ sung vào một số mắt xích trong chuỗi phức tạp của TPQT một cách không cần thiết.
Kết luận
Mặc dù đã có ba nỗ lực bất thành, nhưng nước Pháp hiện nay vẫn nhận thấy cần có các nỗ lực lớn hơn để pháp điển hóa TPQT, bởi tiến trình này sẽ đảm bảo tính hệ thống, nhất quán và rõ ràng, không chỉ cho các thẩm phán của Pháp trong việc giải quyết các vụ việc có YTNN mà ngay cả cho các thẩm phán nước ngoài trong trường hợp phải áp dụng TPQT của Pháp (đối với những nước cho phép cơ chế dẫn chiếu ngược hoặc dẫn chiếu tới nước thứ ba). Để tránh cứng nhắc, nhà lập pháp có thể bổ sung các điều khoản linh hoạt hoặc điều khoản ngoại lệ, và quy định ưu tiên áp dụng ĐƯQT (để đảm bảo tuân thủ pháp luật quốc tế). Điều quan trọng nhất là pháp điển hóa TPQT sẽ giúp nước Pháp có được một bức tranh tổng thể các quy phạm TPQT[64] hài hòa trên cơ sở các nguyên tắc chung trong một lĩnh vực mà sự giao thoa với quốc tế vốn cực kỳ phổ biến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Lý Vân Anh, Thẩm quyền trong các vụ kiện của Facebook của Tòa án Pháp: Gợi mở với Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9 (341), tháng 9/2016.
– Ngô Quốc Chiến và Medhi Kebir, Tính hồi tố của án lệ và thay đổi án lệ, Tạp chí Tòa án Nhân dân, số 17 và 18 tháng 9/2013.
– Armelle Bodenes-Constantin, La codification du droit international français (Pháp điển hóa TPQT Pháp),Nxb Defrénois, 2005.
– A. Weiss, Le Code civil et le conflit de lois (BLDS và xung đột luật), trong Le Code civil 1804-1904, livre du centenaire, rééd. Dalloz, 2004.
– B. Ancel và Y. Lequette, Grands arrêts de la jurisprudence française de droit
international privé (Các án lệ đáng chú ý của Pháp về TPQT), Sirey, 1992, av.-propos, p. XI.
– B. Oppetit, Le droit international privé, droit savant (TPQT, một ngành luật bác học), RCALH 1992-III, t. 234.
– B. Rémy, Les codifications récente du droit international privé (Các pháp điển hóa TPQT mới nhất), Revue international de droit comparé, vol 62, n°2, tr. 292.
– C. Kesedjian, Codification du droit commercial international et droit international privé – De la gouvernance normative pour les relations économiques transnationales (Pháp điển hóa pháp luật thương mại quốc tế và TPQT – Quản trị pháp luật cho các quan hệ kinh tế xuyên quốc gia), RCADI, 2002, t. 300, tr. 79-308.
– D. Bureau, La codification du droit international privé (Pháp điển hóa TPQT), trong La codification, B. Beigner (chủ biên), Dalloz, coll. Thèmes et Commentaires, 1996.
– E. Putman, Réflexions sur la question de la codification du droit international privé (Suy nghĩ về vấn đề pháp điển hóa TPQT), trong La codification du droit international – Actes du XXXIIe Colloque de la Société Française pour le Droit international, Pedone, 1999, tr. 111-116.
– F. Boulanger, Codifications nationales et convention de La Haye du 1 er août 1989: l’improbable unification du droit international des successions (Các pháp điển hóa quốc gia và Công ước La Hay ngày 1/8/1989: pháp điển hóa bất khả thi thừa kế có YTNN), Mélanges Paul Lagarde, Dalloz, 2005, tr. 155-167.
– F. Terré, Les problèmes de codification à la lumière des expériences et situations actuelles (các vấn đề của pháp điển hóa: kinh nghiệm và hiện trạng), trong Etudes de droit contemporain : VIe congrès international de droit comparé, quyển XXIII, Cujas, 1962.
– Jean Foyer, Tournant et retour aux sources en droit international privé: l’article 310 nouveau du code civil(Bước ngoặt và sự trở lại nguồn trong TPQT: điều 310 BLDS mới), J.C.P. 1976.1.2762.
– L. Gannage, La hiérarchie des normes et les méthodes du droit international privé: étude de droit international privé de la famille (Thứ tự các nguồn và phương pháp điều chỉnh của TPQT: nghiên cứu quan hệ gia đình trong TPQT), LGDJ, 1999.
– M. Fallon, P. Lagarde và S. Poillot-Perruzzetto, La matière civile et commerciale, socle d’un code européen de droit international privé ? (Lĩnh vực dân sự và thương mại, trụ cột của Bộ luật châu Âu về TPQT?), Dalloz, Thèmes & Commentaires, 2009.
– Paul Lagarde, Sur la non-codification du droit international privé français (Lý do không pháp điển TPQT Pháp, Syracuse Journal of International Law and Commerce, vol. 25, Iss. 1, Art. 4.
– Yvon Loussouarn, The French Draft on Private International Law and the French Conference on Codification of Private International Law, 5e International and Comparative Law Quartely 378, 1956.
Ngô Quốc Chiến, TS, GV. Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, thành viên Trung tâm Nghiên cứu pháp luật châu Âu và Quốc tế (GERCIE), ĐH Tours, CH Pháp; Lý Vân Anh, ThS. Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.
[1] Nguyễn Khánh Ngọc (chủ biên), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật TPQT, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 2016, chuyên đề số 12.
[2] Vụ Pháp luật Quốc tế – Bộ Tư pháp, Định hướng sửa đổi phần 7 BLDS 2005, Hà Nội, tháng 2/2014.
[3] Ngô Quốc Chiến, Việt Nam cần xây dựng Luật TPQT, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2 và 3 năm 2016; Lê Thị Nam Giang, Đề xuất xây dựng Luật TPQT, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 năm 2013; Nguyễn Khánh Ngọc (chủ biên), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật TPQT, tlđd, tháng 6/2016.
[4] Công văn số 923/BTP-PLQT ngày 21//3/2017 của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu khả năng xây dựng Luật TPQT.
[5] Bành Quốc Tuấn, Không ban hành đạo luật TPQT: Xu thế tất yếu của TPQT Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 5 (285), 2015.
[6] Xem, chẳng hạn: Ngô Quốc Chiến, Thực tiễn xây dựng luật TPQT của Cộng hòa Dominica và một số gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 3 (228), tháng 3/2017, tr. 34-45.
[7] Về pháp điển hóa TPQT ở châu Âu, xem: M. Fallon, P. Lagarde và S. Poillot-Perruzzetto, La matière civile et commerciale, socle d’un code européen de droit international privé? (Lĩnh vực dân sự và thương mại, trụ cột của Bộ luật châu Âu về TPQT?), Dalloz, Thèmes & Commentaires, 2009; F. Boulanger, Codifications nationales et convention de La Haye du 1 er août 1989: l’improbable unification du droit international des successions (Các pháp điển hóa quốc gia và Công ước La Haye ngày 1/8/1989: pháp điển hóa bất khả thi thừa kế có yếu tố nước ngoài), Mélanges Paul Lagarde, Dalloz, 2005, tr. 155-167; A. Weiss, Le Code civil et le conflit de lois (BLDS và xung đột luật), in Le Code civil 1804-1904, livre du centenaire, présentation J.-L. Halpérin, rééd. Dalloz, 2004, tr. 249-262; C. Kesedjian, Codification du droit commercial international et droit international privé – De la gouvernance normative pour les relations économiques transnationales (Pháp điển hóa pháp luật thương mại quốc tế và TPQT – Về quản trị pháp luật cho các quan hệ kinh tế xuyên quốc gia), RCADI, 2002, t. 300, tr. 79-308; E. Putman, Réflexions sur la question de la codification du droit international privé (Suy nghĩ về vấn đề pháp điển hóa TPQT), trong La codification du droit international – Actes du XXXIIe Colloque de la Société Française pour le Droit international, Pedone, 1999, tr. 111-116.
[8] Luật ngày 16/7/2004 ban hành Bộ luật TPQT.
[9] Luật số 218 ngày 31/5/1995 về cải cách hệ thống TPQT.
[10] Luật liên bang về TPQT ngày 18/12/1987.
[11] Luật ngày 19/5/2011 pháp điển hóa các quy phạm xung đột vào Quyển thứ 10 BLDS.
[12] Luật liên bang về TPQT (IPR-Gesetz) ngày 15/6/1978.
[13] Luật về TPQT ngày 19/9/1996.
[14] Luật về TPQT ngày 12/11/1965, sau đó được thay thế bằng Luật TPQT ngày 16/5/2011.
[15] Luật số 97 về TPQT và tố tụng ngày 4/12/1963 của CH Séc và Slovakia. Luật này sau đó được thay thế bằng Luật số 91 ngày 25/1/2012 về TPQT và tố tụng và được áp dụng tại CH Séc.
[16] Luật số 42 về TPQT và TTDS quốc tế ngày 4/5/2005, sau đó được sửa đổi và thay thế bằng Luật số 59 năm 2007.
[17] Sắc luật số 13/1979 của Hội đồng Chủ tịch nước CHND Hungary về TPQT ngày 31/5/1979.
[18] Luật về TPQT năm 1982
[19] Luật của Vương quốc Anh về các quy định TPQT (Private International Law (Miscellaneous Provisions Act) ngày 8/11/1995.
[20] Luật ngày 30/6/1999 về TPQT và tố tụng.
[21] Luật về TPQT ngày 27/3/2002.
[22] Luật về TPQT ngày 4/7/2007.
[23] Luật về TPQT ngày 23/12/2013.
[24] Luật số 105 ngày 22/9/1992 về quan hệ TPQT, sau đó được sửa đổi và pháp điển hóa vào Quyển thứ VII BLDSvà Luật số 134 ngày 15/7/2010 ban hành Bộ luật TTDS.
[25] Luật ngày 25/7/1986 cải cách TPQT và Luật ngày 21/5/1999 về TPQT điều chỉnh các quan hệ ngoài hợp đồng và quan hệ tài sản.
[26] Luật liên bang số 146 ngày 26/11/ 2001 thi hành phần thứ ba BLDS Nga (các điều từ 1186 đến 1224 của Thiên thứ VI, Phần thứ Ba BLDS Nga.
[27] Quy định: “Các quy phạm được áp dụng bắt buộc đối với tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Pháp.
Bất động sản, kể cả do người nước ngoài chiếm hữu, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Pháp.
Luật về tình trạng nhân thân và năng lực của cá nhân điều chỉnh công dân Pháp, kể cả khi họ sinh sống ở nước ngoài”.
[28] Quy định: “Người nước ngoài, ngay cả khi không cư trú trên nước Pháp, vẫn có thể bị xét xử trước tòa án Pháp, đối với việc thực hiện các nghĩa vụ giao kết tại Pháp với người Pháp; người nước ngoài có thể được xét xử trước tòa án Pháp đối với các nghĩa vụ giao kết với người Pháp tại nước ngoài”.
[29] Quy định: “Người Pháp có thể bị xét xử trước tòa án Pháp đối với các nghĩa vụ mà người này đã giao kết tại nước ngoài với người nước ngoài”.
[30] Ngoài điều 3 và điều 14,15 BLDS về thẩm quyền của Tòa án Pháp và luật áp dụng đối với các QHDS có YTNN liên quan tới công dân Pháp, trong suốt hai thế kỷ, cơ quan lập pháp của Pháp chỉ thông qua thêm một số điều khoản về quan hệ cha mẹ con cái có YTNN (Điều 311.14-311.18 BLDS) và ly hôn có YTNN (điều 310 BLDS), xem: Armelle Bodenes-Constantin, La codification du droit international français (Pháp điển hóa TPQT Pháp), Nxb. Defrénois, 2005, đoạn 5, tr. 5-6.
[31] Các quy định về thẩm quyền lẽ ra phải được quy định trong Bộ luật TTDS.
[32] Về vấn đề án lệ và thay đổi án lệ, xem: Ngô Quốc Chiến và Medhi Kebir, Tính hồi tố của án lệ và thay đổi án lệ, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 17 và 18 tháng 9/2013.
[33] Benjamin Rémy, Les codifications récente du droit international privé (Các pháp điển hóa TPQT mới nhất), Revue international de droit comparé, vol 62, n°2, tr. 292.
[34] Dự thảo được đăng trên Tạp chí Revue crititique de droit international privé, 1950, tr. 111-125. Dự thảo đã được thảo luận trước Ủy ban Quốc gia về TPQT và các tham luận được đăng trong cuốn kỷ yếu có tựa đề La codification du droit international privé – Discussion de l’avant-projet de la Commission de réforme du Code civil (20-21 mai 1955) (Pháp điển hóa TPQT – Thảo luận về tiền dự án luật của Ủy ban sửa đổi BLDS (20-21/ 5/1955), Dalloz, 1956.
[35] Benjamin Rémy, tlđd, tr. 292.
[36] Paul Lagarde, Sur la non-codification du droit international privé français (Lý do không pháp điển TPQT Pháp, Syracuse Journal of International Law and Commerce, vol. 25, Iss. 1, Art. 4, tr. 48.
[37] Báo cáo của Bộ Tư pháp Pháp về dự án Luật Dân sự, tr. 28.
[38] Xem bài viết của giáo sư Yvon Loussouarn, The French Draft on Private International Law and the French Conference on Codification of Private International Law, 5e International and Comparative Law Quartely 378, 1956.
[39] Paul Lagarde, tlđd., tr. 48.
[40] Toàn văn được đăng trên Tạp chí Revue crititique de droit international privé, 1970, tr. 832-835.
[41] Paul Lagarde, tlđd., tr. 49.
[42] Benjamin Rémy, tlđd., tr. 293.
[43] Paul Lagarde, tlđd., tr. 49.
[44] Toàn văn được đăng trên Tạp chí Revue crititique de droit international privé, 1970, tr. 835-846.
[45] Paul Lagarde, tlđd., tr. 49
[46]Jean Foyer, Tournant et retour aux sources en droit international privé: l’article 310 nouveau du code civil(Bước ngoặt và sự trở lại nguồn trong TPQT: điều 310 BLDS mới), J.C.P. 1976.1.2762, tr 1.
[47] Vị trí Bộ trưởng tư pháp thay đổi chỉ ít lâu sau khi Dự thảo được hoàn thành, và vị Bộ trưởng mới không dành sự quan tâm cho Dự thảo của Bộ trưởng cũ.
[48] Xem Paul Lagarde, tlđd., tr. 56-59; Benjamin Rémy, tlđd., tr. 293-297; F. Terré, Les problèmes de codification à la lumière des expériences et situations actuelles (các vấn đề của pháp điển hóa: kinh nghiệm và hiện trạng), trongEtudes de droit contemporain : VIe congrès international de droit comparé, quyển XXIII, Cujas, 1962, tr. 175 và tiếp theo; H. Muir Watt, tlđd, tr. 149 và tiếp theo; Y. Loussouarn, tlđd, tr. 191-204; D. Bureau, tlđd, tr. 119-143.
[49] Y. Loussouarn, tlđd, tr. 191-204.
[50] Y. Loussouarn, tlđd, tr. 191-204.
[51] B. Ancel và Y. Lequette, Grands arrêts de la jurisprudence française de droit international privé (Các án lệ đáng chú ý của Pháp về TPQT), Sirey, 1992, av.-propos, p. XI.
[52] D. Bureau, tlđd, tr. 132.
[53] P. Lavie, Tendances et méthodes en droit international privé (Xu thế và phương pháp của TPQT), RCALH 1977-III, t. 155, p. 1 et s., trích trong B. Oppetit, Le droit international privé, droit savant (TPQT, một ngành luật bác học), RCALH 1992-III, t. 234, tr. 339.
[54] B. Oppetit, tlđd., tr. 339.
[55] Armelle Bodenes-Constantin, tlđd., tr. 10.
[56] Paul Lagarde, tlđd., tr.51.
[57] E. Putman, Réflexion sur la question de la codification du droit international (Nghĩ về vấn đề pháp điển hóa pháp luật quốc tế), Nxb. Pedone, 1999, tr. 111.
[58] Y. Loussouarn, tlđd., tr. 201.
[59] Thực nghĩa là Tòa phá án (Cour de cassation), trong hệ thống tư pháp của Pháp, đây là Tòa án cao nhất trong trật tự các Tòa tư pháp. Nhà Pháp luật Việt-Pháp, Từ điển thuật ngữ pháp luật, Nxb. Từ điển Bách khoa, H., 2009, xem mục từ Cour de cassation, tr. 2008.
[60] Xem chi tiết trong Lý Vân Anh, “Thẩm quyền trong các vụ kiện của Facebook của Tòa án Pháp : Gợi mở với Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9 (341), 2016, tr. 75-90.
[61] L. Gannage, La hiérarchie des normes et les méthodes du droit international privé: étude de droit international privé de la famille (Thứ tự các nguồn và phương pháp điều chỉnh của TPQT: nghiên cứu quan hệ gia đình trong TPQT), LGDJ, 1999, tr. 25.
[62] Paul Lagarde, tlđd, tr. 57.
[63] Ví dụ Công ước La Hay năm 1978 về luật áp dụng cho chế độ tài sản vợ chồng tuy có hiệu lực nhưng cũng chỉ có 3 thành viên là Pháp, Hà Lan và Luxembourg; Công ước La Hay năm 1989 về luật áp dụng cho thừa kế mới chỉ có Hà Lan phê chuẩn.
[64] Armelle Bodenes-Constantin, tlđd., tr. 19.
Để lại một phản hồi Hủy