Phân biệt tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản

Chuyên mụcLuật hình sự lua-dao-chiem-doat-tai-san

Cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản là hai tội trong nhóm tội xâm phạm về sở hữu, đây là hai tội danh rất dễ nhầm lẫn trong quá trình áp dụng. Dưới đây tôi sẽ đưa ra một số điểm khác nhau cơ bản để phân biệt hai tội danh này.

Về căn cứ pháp lý
Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tội cướp tài sản: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; (d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; (đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; (g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (h) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; (c) Làm chết người; (d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.
Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản: “1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; (d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Sự giống nhau giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản

Tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản có những điểm giống nhau cơ bản về mặt khách thể, mặt chủ quan, chủ thể, cấu thành tội phạm.

(i) Về mặt khách thể của tội phạm: Cả hai tội đều xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, xâm phạm đến quyền nhân thân (vì có thực hiện hành vi tác động đến người đang quản lý tài sản).

(ii) Về mặt chủ quan của tội phạm: Đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và đều có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

(iv) Về chủ thể của tội phạm: Bất kỳ người nào thực hiện hành vi phạm tội, khi họ có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định (Từ đủ 14 tuổi trở lên) thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đối với cưỡng đoạt tài sản phải là phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (có hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 2, 3, 4 của Điều 170) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu tội phạm nghiêm trọng bị truy cứu theo khoản 1 thì chỉ người từ đủ 16 tuổi mới chịu trách nhiệm HS.

(v) Về cấu thành tội phạm: Cả hai tội đều có cấu thành tội phạm hình thức (tức chỉ cần có hành vi khách quan được quy định trong luật mà không cần hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi; khi đó tội phạm đã được xem là hoàn thành).
Sự khác nhau giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản
Mặt khách quan của tội phạm

Tội cướp tài sản: Biểu hiện đặc trưng của tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Ví dụ: A kề dao vào cổ B yêu cầu B đưa toàn bộ tiền và các tài sản có giá trị khác trên người B cho A và đe dọa nếu không đưa A sẽ giết B.

Biểu hiện của tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người bị hại, buộc họ phải giao tài sản, nếu không giao thì họ sẽ bị áp dụng những biện pháp như đã đe dọa. Ví dụ: A đe dọa B là sẽ giết B nếu trong vòng 1 tuần B không đưa cho A đủ 1 tỷ.

Ở cả hai tội đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng tính chất đe dọa khác nhau cơ bản như sau:

Đối với tội cướp tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác là ngay tức khắc, làm cho người bị đe dọa thấy rằng nguy hiểm sẽ xảy ra ngay và họ không thể tránh khỏi nếu không giao tài sản. Người bị đe dọa không có điều kiện để suy nghĩ, cân nhắc hay tìm biện pháp ngăn chặn đối với hành vi mà người phạm tội đang đe dọa, sức mãnh liệt của sự đe dọa làm cho y chí chống cự của người bị đe dọa tê liệt.

Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác là tại một thời điểm trong tương lai, không có nguy cơ xảy ra ngay. Trong trường hợp này, người bị đe dọa vẫn có một khoảng thời gian để cân nhắc, suy nghĩ, tìm biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, tội cưỡng đoạt tài sản không có tính chất nguy hiểm bằng tội cướp tài sản.

Một người đang có hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản có thể chuyển hóa sang tội cướp tài sản khi mục đích cưỡng đoạt của họ không đạt được và họ có những hành vi đe dọa ngay tức khắc đối với người bị hại. Ví dụ: B là người đồng tính, B che giấu giới tính thật của mình và luôn thể hiện mình là giới tính nam. A biết điều đó nên đe dọa B sẽ công khai giới tính thật của B cho mọi người biết nếu trong vòng 1 tuần B không chuyển cho A số tiền 100.000.000 đồng. Sau 1 tuần B không đưa tiền cho A, A đến gặp B, kề dao vào cổ B yêu cầu B chuyển tiền vào tài khoản của mình. Trường hợp này, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản mặc dù hành vi ban đầu của A là biểu hiện của tội cưỡng đoạt tài sản.

Khung hình phạt
(i) Đối với tội cướp tài sản: Có 04 mức khung hình phạt khác nhau tương ứng với 04 khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Khung 1: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm;
Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
Khung 3: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;
Khung 4: Phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
(ii) Đối với tội cưỡng đoạt tài sản: Cũng có 04 mức khung hình phạt, tuy nhiên mức phạt ở các khung giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản có sự khác nhau.
Khung 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm;
Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Có thể thấy, các khung hình phạt của tội cưỡng đoạt tài sản thấp hơn khung hình phạt của tội cướp tài sản. Có sự khác nhau này là do hành vi của tội cướp tài sản (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc) nguy hiểm hơn hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản. Đối với tội cướp tài sản, người phạm tội luôn thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền