Site icon Hocluat.VN

Nội dung về pháp luật thuế tài nguyên, thực trạng và giải pháp

Pháp luật thuế tài nguyên

A – Đặt vấn đề

 

Tài nguyên thiên nhiên là nguồn tài sản quý giá của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Đối với các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú, nếu được quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả thì nó sẽ là nguồn lợi lớn và lâu dài cho sự phát triển của quốc gia đó. Ngược lại, nếu việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên bừa bãi, lãng phí sẽ gây hậu quả xấu không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà cồn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của quốc gia đó. Muốn bảo đảm cho việc bảo vệ, khai thác, sử dụng TNTN đạt hiệu quả, tránh việc khai thác, sử dụng bừa bãi, lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường sống, các quốc gia thường sử dụng nhiều công cụ và biện pháp quản lý khác nhau, trong đó có việc đánh thuế vào hoạt động khai thác TNTN và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Để hiểu rõ hơn về việc đánh thuế vào hoạt động khai thác TNTN ở nước ta như thế nào chúng ta sẽ làm rõ một số vấn đề về pháp luật thuế tài nguyên đó là: khái quát về thuế tài nguyên, nội dung của pháp luật về thuế tài nguyên, thực trạng thực hiện luật thuế tài nguyên ở nước ta và những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong việc thực hiện luật thuế tài nguyên để luật thuế tài nguyên thực sự phát huy được vai trò tích cực của nó, đông thời đóng góp một phần quan trọng cho ngân sách quốc gia.

 

B – Nội dung

 

1. Khái quát về thuế tài nguyên

 

1.1.  Khái niệm

– Tài nguyên bao gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên do con người sáng tạo ra dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, như: cánh rừng trồng, hồ nhân tạo, các sản phẩm trí tuệ, bản phát minh, sáng chế, quy trình công nghệ, các giải pháp hữu ích… tất cả tạo nên điều kiện tổng thể về môi trường, phương tiện, công cụ thiết yếu phục vụ cho đời sống, sản xuất của xã hội.

– Tài nguyên thiên nhiên: tất cả các nguồn năng lượng, nhiên liệu, vật liệu tự nhiên có trên trái đất, trong không gian mà con người có thể khai thác, sử dụng phục vụ cuộc sống, sự phát triển của mình và xã hội.

– Ở Việt Nam, nguồn TNTN thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước sử dụng thuế để điều tiết đối với hoạt động khai thác, sử dụng TN để tạo nguồn thu cho NSNN nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng cho việc khai thác,sử dụng hiệu quả các nguồn TN, tạo lập nguồn tài chính phục vụ cho bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên.

– Thuế tài nguyên được hiểu là loại thuế gián thu, thu vào hoạt động khai thác tài nguyên thuộc tài sản quốc gia của các tổ chức, cá nhân khai thác nhằm khuyến khích việc khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo đảm cho ngân sách nhà nước có nguồn thu để bảo vệ, tái tạo, tìm kiếm, thăm dò tài nguyên.

 

1.2. Đặc điểm

 

– Thứ nhất: Thuế tài nguyên là một khoản thu của NSNN đối với người khai thác tài nguyên thiên nhiên do Nhà nước quản lý.

– Thứ hai: Thuế tài nguyên thu trên sản lượng và giá trị thương phẩm của TN khai thác mà không phụ thuộc vào mục đích khai thác TN.

– Thứ ba: Thuế tài nguyên được cấu thành trong giá bán TN mà người tiêu dùng tài nguyên hoặc sản phẩm được tạo ra từ tài nguyên thiên nhiên phải trả tiền thuế tài nguyên.

– Thứ tư:  Mọi tổ chức, cá nhân khai thác TN thiên nhiên, không phụ thuộc mục đích sử dụng TN.

 

1.3. Vai trò

 

– Tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước

– Góp phần tăng cường quản lý nhà nước trong việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

– Điều tiết hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của các tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên tránh trường hợp cạn kiệt hoặc khai thác quá mức.

 

2. Nội dung của pháp luật về thuế tài nguyên

 

2.1. Đối tượng chịu thuế

– Cơ sở pháp lý: Điều 2 Luật thuế tài nguyên

– Đối tượng chịu thuế tài nguyên là các TNTN trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải,vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam quy định. Các loại tài nguyên nhân tạo không thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

– Phân thành các nhóm như sau:

+ Khoáng sản kim loại: Gồm khoáng sản kim loại đen (sắt, man gan, ti tan…) và khoáng sản kim loại màu (vàng, đất hiếm, bạch kim, thiếc, won fram, đồng, chì, kẽm, nhôm…).

+ Khoáng sản không kim loại: đất làm gạch, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình, đất khai thác sử dụng cho các mục đích khác; đá, cát, sỏi, than, đá quý,… nước khoáng, nước nóng thiên nhiên.

+ Dầu thô

+ Khí than, khí thiên nhiên

+ Tài nguyên rừng tự nhiên: gồm các loại thực vật, động vật được phép khai thác là sản phẩm của rừng tự nhiên, như: gỗ (kể cả cành, ngọn, củi, gốc, rễ… tre, nứa, giang, vầu; các loại dược liệu… và các loại thực vật, động vật được phép khai thác khác.

+ Hải sản tự nhiên: Các loại động vật, thực vật tự nhiên ở biển, sông, ngòi, hồ, ao, đầm… thiên nhiên.

+ Nước thiên nhiên gồm: Nước mặt (biển, hồ, sông, suối, kênh, rạch, ao, đập …); nước ngầm dưới đất, trừ nước nóng, nước khoáng thiên nhiên theo quy định của Luật Khoáng sản.

+ Yến sào thiên nhiên

+ Tài nguyên khác do ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

 

2.2. Chủ thể

 

2.2.1. Người nộp thuế

 

Theo Điều 3 Luật thuế tài nguyên : Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể: Doanh nghiệp khai thác TN được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế; bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân là đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bừng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế

Như vậy, căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân nào có nghĩa vụ phải nộp thuế tài nguyên cho Nhà nước Việt Nam là dựa vào dấu hiệu có hoạt động khai thác TNTN.

 

2.2.2. Cơ quan thu thuế

 

Là cơ quan thuế, ngoài ra còn có sự tham gia phối hợp của chính quyền địa phương trong một số trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, việ quy định giá tính thuế đối với một số loại tài nguyên do UBND tỉnh, thành phố quy định để áp dụng cho các trường hợp không thể xác định giá tính thuế theo cách thông thường ( Khoản 4, Điều 6 Luật thuế tài nguyên ), hoặc trong một số trường hợp miễn, giảm thuế phải có ý kiến hoặc xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực.

 

2.3. Căn cứ tính thuế    

 

– Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất (Điều 4 Luật thuế tài nguyên)

– Thuế tài nguyên phải nộp trong một kỳ được tính như sau (áp dụng thông tư số: 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015 thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên):

 

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế  X  Giá tính thuế đơn vị tài nguyên  X  Thuế suất thuế tài nguyên

 

Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế tài nguyên phải nộp được xác định như sau:

 

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế X Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác

 

2.3.1. Sản lượng tài nguyên tính thuế ( Điều 5 Luật thuế tài nguyên )

 

Sản lượng TN là sản lượng TN khai thác có thể bán ra trên thị trường (sản lượng TN thương phẩm). Tuỳ theo tính chất lý, hoá của loại TN để xác định theo số lượng, trọng lượng hay khối lượng TN khai thác trong kỳ.

Sản lượng TN làm căn cứ tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ, không phụ thuộc vào hiện trạng và mục đích khai thác tài nguyên (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo…) cụ thể:

– TN khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng TN tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của TN thực tế khai thác.

Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ ( Khoanr1, Điều 5 Thông tư 152 hướng dẫn về Luật thuế tài nguyên).

– TN khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại.

+ Đối với tài nguyên sau khi sàng tuyển, phân loại thu được từng chất riêng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng loại tài nguyên hoặc từng chất có trong tài nguyên thu được sau khi sàng tuyển, phân loại .

Trường hợp đất, đá, phế thải, bã xít thu được qua sàng tuyển mà bán ra thì phải nộp thuế tài nguyên đối với lượng tài nguyên có trong phế thải, bã xít bán ra theo giá bán và thuế suất tương ứng của tài nguyên có trong phế thải, bã xít.

+ Đối với tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau (quặng đa kim) qua sàng, tuyển, phân loại mà không xác định được sản lượng từng chất có trong tài nguyên khai thác (quặng) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định đối với từng chất căn cứ sản lượng tài nguyên thực tế khai thác (quặng) và tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên. Tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên được xác định theo mẫu tài nguyên khai thác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định và phê duyệt. Trường hợp, tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế khác với tỷ lệ từng chất có trong mẫu tài nguyên (quặng) thì sản lượng tính thuế được xác định căn cứ kết quả kiểm định về tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– TN khai thác không bán mà đưa vào sản xất  sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng TN tính thuế được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm

Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do NNT kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng, trong đó:

+ Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra

+ Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm công nghiệp thì căn cứ định mức sử tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm cộng nghiệp sản xuất bán ra

–  Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất thuỷ điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không xác định theo hệ thống đo đếm, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận.

– Nước thiên nhiên: nước khoáng thiên nhiên, nước nóng, nước dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng m3 hoặc lít.

–  Tài nguyên được khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, sản lượng tài nguyên khai thác dự kiến trong một năm có giá trị dưới 200 tr. đồng thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ để tính thuế.

 

2.3.2. Giá tính thuế

 

Theo Điều 6 Luật thuế tài nguyên: Giá tính thuế TN là giá bán đơn vị sản phẩm TN của tổ chức cá nhân khai thác  chưa bao gồm thuế GTGT

– TN chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế được xác định :

+ Giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ quy định;

+ TN khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong TN khai thác nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND tỉnh.

– Giá tính thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

+ Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân;

+ Gỗ là giá bán tại bãi giao; trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do UBND tỉnh quy định;

+ TN khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu;

+ Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than là giá bán tại điểm giao nhận. Điểm giao nhận là điểm được thoả thuận trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí.

– UBND tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế đối với tài nguyên chưa xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên, trừ dầu thô, khí thiên nhiên, khí than và nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện.

 

2.3.3. Thuế suất

 

Mức thuế suất tài nguyên được quy định bằng tỷ lệ % áp dụng riêng cho từng nhóm, từng loại tài nguyên khai thác.

– Biểu khung thuế suất: Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13

– Thuế suất cụ thể đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than khai thác bình quân mỗi ngày.

–  Căn cứ vào khung qui định trên, UBTV Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại TN trong từng thời kỳ bảo đảm các nguyên tắc sau:

+ Phù hợp với danh mục nhóm, loại TN và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hộiquy định;

+ Góp phần quản lý nhà nước đối với TN; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn TN;

+ Góp phần bảo đảm  nguồn thu NSNN và bình ổn thị trường.

 

2.4. Miễn, giảm thuế tài nguyên

 

– Cơ sở pháp lý : Điều 9 Luật thuế tài nguyên

– Người nộp thuế  tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

– Miễn thuế đối với hải sản tự nhiên.

– Miễn thuế đối với cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.

– Miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt

– Miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

– Miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

– Trường hợp khác được miễn, giảm thuế do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

 

3. Thực trạng và giải pháp cho luật thuế tài nguyên

 

Luật thuế tài nguyên ra đời đã khắc phục những hạn chế của các pháp lệnh về thuế tài nguyên trước đó, tuy nhiên trong quá trình áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và việc thực hiện thuế tài nguyên vẫn còn những hạn chế.Cụ thể:

Căn cứ tính thuế theo sản lượng khai thác được là không hợp lý bởi lẽ có thể có trường hợp các tổ chức cá nhân khai thác kê khai thấp hơn thực tế và điều rõ ràng là nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì đây sẽ là kẽ hở để lách luật và  gây thâm hụt ngân sách.

Giá tính thuế TN đang bao gồm cả phần giá trị vận chuyển và giá trị sàng tuyển làm giàu khoáng sản là không hợp lý, bởi lẽ việc quy định như vậy sẽ dẫn đến hệ lụy đó là  không khuyến khích khai thác tận thu khoáng sản  xấu, khó tuyểnvà không  đảm bảo sự công bằng giữa các mỏ có điều kiện  khác nhau.

Chưa khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên và tăng cường chế biến sâu khoáng sản bởi lẽ việc khai thác tận thu khoáng sản có chi phí rất cao, nhưng hiện nay không có chính sách khuyến khích thông qua miễn giảm thuế và hỗ trợ giá đối với phần khoáng sản khai thác tận thu.

Việc Luật quy định UBND cấp tỉnh quy định giá tính thuế đối với tài nguyên chưa xác định được giá bán dơn vị sản phẩm tài nguyên trừ một số trường hợp theo Luật định như vậy việc trao quyền cho UBND quyết định giá tính thuế đối với một số tài nguyên nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, các văn bản hướng dẫn cụ thể có thể dân đên việc áp dụng sai luật, nghiêm trọng hơn là có sự thông đồng, tiếp tay của chính người có quyền quy định giá tính thuế tạo nên sự mất công bằng giữa những tổ chức cá nhân có điều kiện khác nhau.

Theo Nghị quyết mới ban hành của UBTVQH về biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản  ( có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) là khá cao như: titan mức thuế là 18%, vôn-phờ-ram mức thuế suất là 20%. Như vậy có thể thấy việc pháp luật quy định như vậy đang vô hình chung đi ngược lại với tinh thần của chính sách coi tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, cần phải khai thác tận thu tối đa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả các loại khoáng sản đang trong trình trạng suy giảm. Điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với tài nguyên khoáng sản, ngành công nghiệp khai khoáng, môi trường và các ngành sản xuất cũng như nền kinh tế quốc dân trước mắt và lâu dài

Một điều dễ thấy là trong biểu mức thuế suất mà UBTVQH mới ban hành thì thuế suất đối với quặng sắt là 14%, bô xít là 12% …mức thuế suát này là khá cao đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác và khuyến khích  khai thác.

C – Kết luận

 

Trong bối cảnh hiện nay với cơ chế hội nhập và mở của đang tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hội nhập, đem lại nguồn thu khổng lồ tuy nhiên đi kèm với lợi nhuận cao là nguy cơ tài nguyên bị khai thác tận thu dẫn đế cạn kiệt, nếu không có cơ chế quản lý rõ ràng và minh bạch thì một mặt vừa tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp các tổ chức cá nhân lách luật để khai thác tài nguyên vì mục tiêu lợi nhuận của công ty, một mặt nếu kiểm soát quá chặt sẽ gây khó khăn trong quá trình khai thác tài nguyên, khuyến khích khai thác tài nguyên đối với khoáng sản xấu…

Đứng trước những thách thức đó có thể thấy Luật thuế tài nguyên ra đời đã khắc phục những hạn chế của pháp lệnh thuế trước đó, đồng thời giúp sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên.

Luật thuế trở thành công cụ đắc lực điều tiết hoạt động khai thác tài nguyên trong nước, giúp Nhà nước phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vưc thuế đồng thời đem lại nguồn thu lớn từ thuế cho ngân sách nhà nươc.

Trong những năm tiếp theo, để đáp ứng sự thay đổi của đất nước luật thuế cần phải được điều chỉnh linh hoạt, mỗi sự thay đổi đều phải có tính dự bá lâu dài, tính khả thi và tính áp dụng cao để luật thuế thực sự phát huy vai trò của mình đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

 

D – Tài liệu tham khảo

 

Giáo trình luật thuế Việt Nam (tái bản lần 4) – NXB Công an nhân dân;

– Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ;

– Tạp chí Tài nguyên và Môi trường: http://www.tapchitainguyenvamoitruong.vn/383/TNMT/18065/Thu%E1%BA%BF%20t%C3%A0i%20nguy%C3%AAn%20trong%20khai%20th%C3%A1c%20kho%C3%A1ng%20s%E1%BA%A3n%20Th%E1%BB%B1c%20tr%E1%BA%A1ng%20v%C3%A0%20gi%E1%BA%A3i%20ph%C3%A1p.html;

– Tiểu luận phân tích ảnh hưởng của thuế tài nguyên: https://www.slideshare.net/lyvu121/phn-tch-nh-hng-ca-thu-ti-nguyntiu-lun;

– Một số tài liệu được chia sẻ trên MXH.

 

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

Phản hồi

1900.0164
Exit mobile version