Nội dung và ý nghĩa của nguyên tắc công minh trong Luật Hình sự Việt Nam

Chuyên mụcLuật hình sự Nguyên tắc công minh

Nguyên tắc công minh luật hình sự Việt Nam

Nguyên tắc của luật hình sự là tư tưởng chủ đạo vào định hướng cơ bản được thể hiện trong pháp luật hình sự, cũng như trong việc giải thích và trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự thông qua một hay nhiều quy phạm của nó”.[1]  Như vậy có thể nhận thấy đó là những tư tưởng, nguyên lý cơ bản được ghi nhận, thể hiện hiện trong các quy phạm luật hình sự, phản ánh những quy luật kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và “những quan niệm về đạo đức và pháp luật của nhân dân đối với việc quy định tội phạm và hình phạt và những vấn đề khác có liên quan đến tội phạm và hình phạt”[2]. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, với nhiều biến đổi của xã hội, cùng với các tư tưởng dân chủ, tiến bộ…thì công minh là một giá trị có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của xã hội ấy. Công minh là một phạm trù quan trọng, được thể hiện, khẳng định trong quan hệ giữa xã hội và cá nhân, giữa Nhà nước và công dân, giữa các tổ chức xã hội với thành viên của mình, giữa cá nhân với cá nhân trong đời sống thường ngày, giữa các thành viên của một xã hội nói chung với nhau, quan hệ ấy được xác lập trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng.

Công minh được hiểu bao gồm cả sự công bằng, văn minh, là “công bằng và sáng suốt”[3],  (vừa bình đẳng, vừa văn hóa, vừa tiến bộ hợp thời đại…). Công minh có tác động to lớn đối với việc pháp huy hiệu quả của pháp luật hình sự cũng như các quy phạm pháp luật nói chung. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số những luận điểm thông qua việc nghiên cứu phạm vi ứng dụng, cơ chế tác động qua đó làm rõ hình thức, mức độ biểu hiện và những đòi hỏi của yếu tố công minh đối với quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) cũng như của thực tiễn áp dụng quy định của bộ luật này. Công minh trong luật hình sự được hiểu như một khái niệm nhằm đánh giá, đo lường sự hiệu quả của việc ban hành các quy phạm pháp luật hình sự, là sự đánh giá tương xứng giữa sự phù hợp của nội dung quy phạm với các tình yếu tố thực tế khi áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo phát huy tác dụng tối đa của các quy phạm khi áp dụng vào thực tiễn vụ việc hình sự nhằm thực hiện nhiệm vụ của BLHS. Biểu hiện cụ thể của nguyên tắc này là:

1) Hình phạt, các biện pháp tư pháp và các quy định hình sự khác áp dụng đối với người phạm tội cần đảm bảo sự phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, động cơ và mục đích phạm tội, mức độ lỗi cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, phù hợp với nhân thân người phạm tội;

2) Trong BLHS có các quy phạm mang tính chất tùy nghi để giúp Tòa án chủ động trong việc xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với từng tội phạm cụ thể qua đó áp dụng một cách hợp lý, hợp tình, phát huy hiệu quả mục đích của hình phạt và các biện pháp hình sự khác;

3) Không một hành vi phạm một tội nhất định nào bị xử lý quá một lần.

2. Phạm vi ứng dụng và sự cần thiết phải luật hóa nguyên tắc công minh trong luật hình sự   

Có thể nhận thấy, công minh bao hàm cả mối tương quan giữa vật chất và tư tưởng, của khách quan và chủ quan. Từ các quy phạm pháp luật hình sự, cho phép trả lời về chính sách hình sự của một quốc gia và từ thực tiễn áp dụng cũng cho phép trả lời câu hỏi về hiệu quả, chất lượng, sự phù hợp với đạo đức, ý thức xã hội của các quy phạm luật hình sự. Thông qua nguyên tắc công minh, giúp cho Nhà nước có thể định hướng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo công bằng, văn minh của xã hội nói chung.

Nguyên tắc công minh thể hiện dưới hai hình thức, công minh “chính xác” (có tài liệu gọi là ngang nhau) là sự bình đẳng trước pháp luật hình sự của mọi chủ thể, việc xây dựng những cơ sở của trách nhiệm hình sự (TNHS), tội phạm và hình phạt  và công minh bởi có tính đến yếu tố “hợp lý- hợp tình”  đó là công minh “điều hòa”(có tài liệu gọi là phân phối), công minh “điều hòa” thể hiện tập trung nhất trong hoạt động quyết định hình phạt.  Do đó công minh là một nguyên tắc độc đáo và quan trọng có ý nghĩa chỉ ra đường lối từ việc xây dựng cho đến áp dụng pháp luật hình sự. Phạm vi ứng dụng của nguyên tắc công minh trong BLHS hiện hành là:

2.1 Công minh trong việc quy định tội phạm và hình phạt:

2.1.1 Quy định cơ sở của TNHS:

cơ sở của TNHS là một căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong các quy định của BLHS, dựa vào đó các cơ quan có thẩm quyền mới đặt ra vấn đề TNHS của một người nào đó trên thực tế vì đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm. Do đó nguyên tắc công minh thể hiện ở chỗ tội phạm là cơ sở của TNHS, ở đâu có tội phạm, thì ở đó có TNHS, không có tội phạm thì không có TNHS.

2.1.1 Quy định tội phạm và phân loại tội phạm:

Xác định rõ ranh giới giữa tội phạm và không phải tội phạm, tội phạm và các vi phạm khác. Bởi lẽ với mỗi loại hành vi, Nhà nước áp dụng những chế tài khác nhau phù hợp với tư tưởng tiến bộ xã hội, chế tài phải tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi. Nếu không xác định rõ ranh giới thì trong nhiều trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội lớn hơn (tội phạm) lại chịu trách nhiệm nhẹ hơn những hành vi có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn (các vi phạm khác) và ngược lại. Do đó, chỉ những hành vi nào được quy định trong BLHS mới là tội phạm, còn lại không phải là tội phạm – đó là sự công minh.

Hình sự hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý bằng chế tài hình sự, những hành vi được coi là tội phạm và đưa vào xây dựng BLHS là những hành vi nguy hiểm, việc trừng trị và giáo dục người phạm tội là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của xã hội, đảm bảo sự công bằng xã hội – gây nguy hại cho xã hội thì phải chịu trừng phạt.  Bên cạnh đó phi hình sự hóa những hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa…

Phân loại các loại tội phạm, quy định rõ hậu quả pháp lý với việc thực hiện một tội phạm cụ thể. Việc phân loại tội phạm có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội, pháp lý và đạo đức, là đòi hỏi của tư tưởng công minh cần được thể hiện trong pháp luật hình sự. Việc phân loại tội phạm phản ánh sự khác nhau về về chất của trách nhiệm đối với những người thực hiện tội phạm, có ý nghĩa trong việc áp dụng các quy phạm khác có liên quan của BLHS, tố tụng hình sự, thi hành án…(như chế định chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tái phạm, thời hạn tạm giam…) và xây dựng các cấu thành tội phạm cụ thể ở phần các tội phạm. Quy định như hiện nay, phân loại tội phạm theo tính chất và mức độ nguy hiểm đối với xã hội của hành vi, tính chất thể hiện dấu hiệu vật chất của vi phạm, mức độ thể hiện tính khách quan tương ứng với từng loại tội phạm, tức là phân loại dựa trên việc trả lời câu hỏi : Tội phạm diễn ra như thế nào, hành vi, hậu quả, mức độ thiệt hại cho xã hội và quan hệ xã hội bị xâm hại có ý nghĩa như thế nào?, tầm quan trọng ra sao?…Đây cũng là một cách phân loại công minh – phân loại theo tiêu chuẩn phản ánh được nội dung xã hội của tội phạm.

2.1.2 Quy định hình phạt:

Quy định về khái niệm hình phạt, trong đó nêu rõ hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền của người phạm tội. Công minh ở chỗ người đã thực hiện hành vi phạm tội, tức là những hành vi nguy hiểm nhất cho xã hội thì phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất.

Quy định về mục đích của hình phạt, bao gồm cả mục đích trừng trị người phạm tội và giáo dục, cải tạo người phạm tội. Nguyên tắc công minh thể hiện ở điểm: Nhà nước có quyền trừng trị người phạm tội nhưng ngược lại Nhà nước cũng có trách nhiệm giáo dục lại người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội…

Hình phạt được quy định đa dạng (Cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn…) để Tòa án tùy trường hợp mà áp dụng sao cho đảm bảo quy định của pháp luật nhưng cũng không bị cứng nhắc với những trường hợp cụ thể. Chỉ có trách nhiệm phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi thì mới mang lại tác dụng tích cực. Sẽ đảm bảo đòi hỏi nguyên tắc công minh ở chỗ: nếu hai người cùng phạm một tội nhưng ý thức xã hôi, nhân thân, khả năng giáo dục lại, sự tự ý thức tái hòa nhập công đồng…khác nhau thì không phải chịu hình phạt như nhau.

Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị tuyên một hình phạt chính nhưng có thể áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung. Thể hiện yếu tố thống nhất của công minh “chính xác” và công minh “điều hòa”.

Bằng cách quy định rõ nội dung các hình phạt, các điều kiện áp dụng chúng, loại hình phạt nào được áp dụng đối với tội phạm gì phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của tội phạm ấy, trường hợp nào được áp dụng hình phạt này, hình phạt khác, trong từng quy phạm có quy định giới hạn tối tiểu, tối đa của một hình phạt…nhà làm luật đã xác định rõ giới hạn của việc áp dụng hình phạt, không được áp dụng hình phạt một cách tùy tiện, tràn lan.

2.2 Công minh trong việc định tội danh đúng, quyết định hình phạt:

2.2.1 Công minh trong việc yêu cầu định tội danh đúng.

Từ việc định tội danh đúng mới có thể xử lý theo đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Để định tội danh đúng, trước hết phải xác định đúng, khách quan các tình tiết thực tế của vụ án, nghiên cứu sâu sắc các tình tiết đó, giải thích chính xác nội dung của điều luật, lựa chọn đúng các quy phạm hình sự tương ứng, đối chiếu, so sánh chính xác, đầy đủ các dấu hiệu tội phạm được quy định trong quy phạm đó với các dấu hiệu của hành vi trong thực tế…Truy cứu đúng người, đúng tội mới đảm bảo được cả yếu tố trừng trị, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.

Đòi hỏi người đã thực hiện tội phạm thì phải chịu hình phạt. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao phải chịu hình phạt nặng hơn người thực hiện hành vi nguy hiểm ở mức độ thấp hơn và ngược lại…. Trong phạm vi các quy phạm cũng có quy định tương tự, theo đó, những tội phạm được coi là nguy hiểm hơn thì mức hình phạt quy định nghiêm khắc hơn.

Việc định tội danh đúng cần phải viện dẫn quy định của điều luật cụ thể ở phần các tội phạm của BLHS, điều luật bao gồm nhiều khoản, nhiều điểm thì phải chỉ rõ các khoản, điểm tương ứng của điều luật. Trong trường hợp đồng phạm, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt thì phải viện dẫn cả quy định ở phần chung về các chế định này và viện dẫn điều, khoản, điểm ở tội phạm tương ứng trong phần các tội phạm.

2.2.2 Công minh trong việc quyết định hình phạt:

Thừa nhận nguyên tắc trong thực tế, đó là: không thể áp dụng những hình phạt giống nhau một các máy móc đối với những người phạm tội giống nhau. Để kết án một cách công minh, để người bị kết án phải chịu hình phạt một cách thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, thông qua đặc điểm về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng TNHS, lỗi, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt v.v…, pháp luật dành cho Tòa án một khả năng rộng lớn, sự “tùy nghi” lựa chọn các biện pháp tác động cụ thể đối với người phạm tội. Để “dưới con mắt của kẻ phạm tội, sự trừng phạt phải là kết quả tất yếu của hành vi của chính người đó- do đó phải là hành vi của chính người đó. Giới hạn hành vi của y phải là giới hạn của sự trừng phạt.’’[4].  Hay nói cách khác quyết định hình phạt phải làm cho người phạm tội và xã hội “tâm phục, khẩu phục’’ – đó chính là kết quả của sự công minh.

Nguyên tắc công minh còn đòi hỏi Tòa án quyết định hình phạt phải phản ánh một cách đúng đắng dư luận xã hội, ý thức pháp luật và đạo đức xã hội, có sức thuyết phục mọi người ở tính đúng đắn, tính công bằng của chính sách xét xử.

Nguyên tắc công bằng định hướng cho Hội đồng xét xử khi quyết định hình phạt trong việc đưa ra những luận điểm toàn diện, xem xét mọi vấn đề, khía cạnh cả pháp lý, xã hội để bản án đạt hiệu quả cao nhất.

Một số các quy định khác của BLHS là sự cụ thể hóa của nguyên tắc công minh như: Nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng với người tự thú, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thiệt hại…

2.3 Công minh trong việc quy định “Không ai phải chịu trách nhiệm hai lần về cùng một tội phạm”

Tuy hiện nay luật hình sự không có một quy phạm cụ thể quy định về vấn đề này, nhưng thông qua các quy phạm cụ thể cũng như của pháp luật có liên quan chúng ta có thể nhận thấy được tinh thần của nguyên tắc trên. Theo đó, người thực hiện một tội phạm chỉ có thể phải chịu TNHS một lần. Trong trường hợp tội phạm đã có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự, căn cứ để đình chỉ khi vụ án đang được giải quyết. Ngoài ra BLHS còn quy định tình tiết đã là tình tiết định tội thì không được sử dụng làm tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS; tình tiết đã là tình tiết định khung thì không dùng làm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS.

Tính công minh của pháp luật hình sự (công minh trong cả việc xây dựng quy phạm pháp luật hình sự và áp dụng vào trong thực tiễn) có ý nghĩ vô cùng to lớn cả về chính trị – pháp lý và tâm lý xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung và pháp luật hình sự nói riêng không chỉ bảo đảm sự bình đẳng về mặt pháp lý của mọi chủ thể trong xã hội mà thông qua đó còn tác động vào quá trình điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, tạo điều kiện trong việc đạt được sự công bằng, bình đẳng, văn minh trong thực tế. Ngoài ra tính công minh trong luật hình sự còn thể hiện ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Theo đó, nếu như sự bất công sinh ra bất bình, căm phẫn, bất phục, tiêu cực, lãnh đạm, thờ ơ, vô trách nhiệm, “buông xuôi”, mất niềm tin…thì sự công tâm lại tạo cảm giác thỏa mãn, đồng tình và nâng cao tính tích cực. Sự thuyết phục, tin tưởng của xã hội ở tính công minh của pháp luật, cụ thể là của các quy định và việc áp dụng trên thực tiễn sẽ “nâng cao uy tín của pháp luật, thúc đẩy việc tự nguyện tuân thủ các đòi hỏi của pháp luật, tạo điều kiện cho việc củng cố trật tự pháp luật và pháp chế”.[5] Như vậy, công minh là nguyên tắc hoàn toàn phù hợp với tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại về sự công bằng của pháp luật đã có từ thời đại xa xưa với câu ngạn ngữ La tinh cổ đại nổi tiếng “Jus est ars bony aequi” – Pháp luật là nghệ thuật của sự thật và công lý.[6] Công minh được biểu hiện xuyên suốt trong hầu hết các quy phạm của BLHS, là sợi chỉ đỏ định hướng cho việc xây dựng, tìm hiểu và áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự trong thực tiễn, do đó việc chưa quy định nguyên tắc công minh như một nguyên tắc cơ bản nhất của BLHS là một thiếu sót lớn. Do đó, chúng tôi kiến nghị bổ sung nguyên tắc này trên cơ sở nội dung như sau:

Nguyên tắc công minh

1. Hình phạt và các biện pháp xử lý hình sự khác được áp dụng đối với người phạm tội phải đảm bảo phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

2. Không ai có thể phải chịu trách nhiệm hai lần về cùng một tội phạm.

Từ nguyên tắc cơ bản trên, BLHS sẽ triển khai thành các quy phạm cụ thể, đảm bảo yêu cầu của sự công minh để việc áp dụng trên thực tiễn thu được hiệu quả cao nhất, đó là: 1. Quy định hình phạt, hệ thống hình phạt và các chế tài cụ thể đối với các tội phạm. Tương ứng với các tội phạm khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội có những hình phạt, chế tài khác nhau về tính chất và sự nghiêm khắc; 2. Định tội danh đúng là tiền đề quan trọng trong việc quyết định hình phạt một cách công minh; 3. Khi quyết định hình phạt phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã thực hiện, cân nhắc các đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt để hình phạt được tuyên là tương xứng với các yếu tố nêu trên.

 Th.s Trần Đình Hải

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội


[1] TSKH.GS Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (phần chung), Nxb Đại học quốc gia, 2005, tr.200-201.

[2] Võ Khánh Vinh (chủ biên), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần chung), Nxb Công an nhân dân, 2002, tr.30

[3] Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008, tr. 270

[4] L Bkimov A.I, Công bằng và pháp luật xã hội chủ nghĩa, Nxb Đại học tổng hợp Leningrat, 1980, tr.35

[5] TS Võ Khánh Vinh, “Nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam”. Nxb Công an nhân dân 1994, tr.59

[6] TSKH..GS Lê Cảm, “Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự” phần chung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005, tr207


Các tìm kiếm liên quan đến nguyên tắc công minh trong luật hình sự

7 nguyên tắc của luật hình sự

nguyên tắc tương tự trong luật hình sự

bộ luật hình sự 2015 quy định người từ độ tuổi nào phải chịu trách nhiệm hình sự

các nguyên tắc trong điều tra vụ án hình sự

nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội quy định trong bộ luật hình sự năm 2015

nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự

độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự 2015

nguyên tắc áp dụng luật hình sự

3/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền