Nghệ thuật phá án của người xưa

Chuyên mụcBạn có biết?, Cafe Dân Luật Nghệ thuật phá án của người xưa
(Ảnh minh họa - Nguồn: internet)

Chẳng cứ thời nào, việc điều tra, xét án, để cho rõ manh mối mà làm sáng tỏ sự vụ, xử đúng người, đúng tội, thì không đâu bằng chứng cứ. Tang chứng, vật chứng rõ ràng còn “bằng mười” lập luận của thầy cãi hay luật sư.

Để có được những chứng cứ thuyết phục trong tay, ngày nay, việc điều nghiên hồ sơ, phân tích bằng chứng,… sử dụng những nghiệp vụ điều tra kết hợp với giám định pháp y, phân tích tâm lý tội phạm,… với sự hỗ trợ của các trang thiết bị từ đơn giản đến tối tân, hiện đại, nhưng có lúc, có vụ án vẫn rơi vào ngõ cụt khi tang chứng, vật chứng, manh mối điều tra không rõ ràng.

Nói nay, lại ngẫm xưa, ở cái thời mà cha ông ta chưa được trang bị những phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại như hiện nay. Bên cạnh đó, những quan viên trong lĩnh vực hình án người thì được luân chuyển mà giữ chức vụ, người thì được cất nhắc mà nắm quyền hành, chứ chẳng phải từ trường lớp đào tạo nghiệp vụ như hiện nay. Vậy nhưng, cái khó ló cái khôn, góp nhặt trong sử cũ, chúng tôi thấy rằng trong lĩnh vực điều tra phá án đầy khó khăn, phức tạp này, cha ông ta đã không quản ngại khó khăn, hạn chế về kiến thức, phương tiện mà luôn biết “tùy cơ ứng biến”. Ngoài những phương tiện thông thường để điều tra, xét xử, họ còn rất linh hoạt, vận dụng tài trí, sự sáng tạo, nhanh nhạy, trí thông minh của bản thân để từ đó, giúp cho nhiều vụ án tưởng bị bế tắc, lại được đưa ra ánh sáng. Những tấm gương của tiền nhân, hẳn nhiên nếu vận dụng vào thời nay, ở mặt này mặt khác, đáng để chúng ta học hỏi, vận dụng.

Nhẫn nại và cẩn trọng

Trong việc điều tra phá án, việc lần tìm manh mối, xâu chuỗi sự kiện, tình tiết vụ án cần có sự logic. Vì vậy, đức tính không thể thiếu của người làm công tác điều tra, đó là sự nhẫn nại, cẩn trọng tỉ mỉ, không bỏ qua bất cứ tình tiết, manh mối nào dù là nhỏ nhất. Điểm này từng được minh chứng qua trường hợp Hình bộ Lang trung Phí Trực thời vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) khi điều tra vụ tên Văn Khánh, đầu sỏ bọn trộm cướp. Sự việc xảy ra năm Đinh Tỵ (1317), triều đình đã nhiều lần cho quan quân lùng bắt tên này mà không được. Thế nhưng bỗng dưng có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo tên này chính là Văn Khánh. Đến khi quan ngục tra hỏi nghi phạm, kẻ bị bắt cũng nhận ngay mình là Văn Khánh bấy lâu bị tróc nã gắt gao. Vì thế ai cũng cho là đã bắt được Văn Khánh rồi mà chẳng mảy may nghi ngờ có điều gì khuất tất.

Với nghiệp vụ của một vị quan tham gia lãnh đạo Bộ Hình, Phí Trực lấy làm nghi ngờ, không hiểu sao tên trộm cướp đầu sỏ khét tiếng mà lại bị bắt dễ thế, cung khai ngay mình là Văn Khánh thì không khỏi chịu cái tội lụy đến thân, bởi luật pháp nhà Trần đối với tội trộm cướp hình phạt rất nặng. Kẻ trộm và người trốn tránh có thể bị chặt ngón chân cho đến chặt chân, chặt tay hay là cho voi giày đến chết để chừa mãi thói đạo chích[1]. Vì phân vân, nên việc xét xử tên Văn Khánh để lâu không giải quyết. Thượng hoàng Trần Anh Tông biết chuyện lấy làm nóng lòng nên hỏi, Phí Trực bấy giờ mới trải lòng mình với bề trên rằng:

– Thưa Thượng hoàng, sinh mạng con người rất đáng quý. Trong vụ việc này lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử án.

Vụ xét xử tên Văn Khánh cứ thế vẫn đình lại, chưa có tiến triển gì mới. Một thời gian sau, Thượng hoàng Trần Anh Tông sốt ruột, lại hỏi đến án Văn Khánh thế nào, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng lấy làm giận ông, mới bảo:

– Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi. Sao để mất thời gian nhiều thế!

Phí Trực thấy bề trên nóng ruột, trách móc, bèn tâu bày uẩn khúc trong lòng mình:

– Thần thấy nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, nên thần trộm lấy làm ngờ có vấn đề khuất tất chi đây trong vụ này.

Nghi ngờ của Phí Trực quả nhiên không sai, bởi khoảng một năm sau, tên tướng cướp Văn Khánh thật mới bị sa lưới, đeo gông vào cổ[2]. Thượng hoàng lúc đó thấy tài năng của ông Hình bộ Lang trung xét việc cẩn trọng như thế nào, coi trọng sinh mạng con người ra sao.

Dùng kinh nghiệm dân gian

Việc này, điểm trong sử cũ, ta thấy rất nhiều vụ việc, trường hợp được ứng dụng. Hẳn lẽ, vì những vị quan hình án, phần bởi xuất thân từ trong nhân gian, phần năng quan sát, tìm hiểu cuộc sống bên ngoài bốn bức tường vôi, nên mới nhanh nhạy mà vận dụng hiểu biết, trí thông minh của bản thân để ứng dụng những kinh nghiệm vốn có trong cuộc sống để làm sáng rõ những vụ án tưởng chừng như bế tắc, giúp tạo nên ngả rẽ bất ngờ cho việc điều tra. Xin lấy trường hợp của Bùi Cầm Hổ và Nguyễn Khoa Đăng làm ví dụ.

Riêng Bùi Cầm Hổ (1390 – 1483), ông đã phá được vụ án bát canh lươn khi mà chưa bước chân vào chốn quan trường. Theo Đại Nam nhất thống chí, phần “Hà Tĩnh tỉnh”, mục Nhân vật[3], lúc đến tuổi theo đòi nghiên bút, Bùi Cầm Hổ dời quê nhà ra đất kinh kỳ Thăng Long để “tầm sư học đạo”.

Buổi ấy ở Thăng Long có một lái buôn làm ăn xa lâu ngày về nhà. Người vợ gặp chồng mừng vui khôn xiết, bèn mua lươn nấu canh cho chồng ăn. Ngờ đâu, người chồng vừa thưởng thức xong, đã lăn đùng ra chết không kịp trăng trối. Người vợ đâu biết rằng lươn chị mua về là loài rắn độc vẻ ngoài có sắc vàng giống như lươn, khiến cho người ta dễ nhầm lẫn. Thân quyến nhà chồng không biết việc ấy, ngờ rằng cô vợ ngoại tình, sợ chồng phát hiện nên ra tay hãm hại. Do đó, họ thưa kiện lên quan hữu ty. Người vợ bị tống giam chờ ngày xét xử. Vụ án ấy người khắp nơi Kẻ Chợ kể cho nhau nghe. Bùi Cầm Hổ biết sự vụ, lại xuất thân con nhà nông tang, hiểu biết về những loài bò sát có độc hoặc làm thực phẩm được nơi đồng ruộng, ngờ rằng có sự khuất tất ở mấy con lươn, nên nói với bạn đồng môn:

– Án này, nếu tôi là pháp ty, ắt xử ra.

Lời họ Bùi đến tai quan hữu ty. Đang rối như canh hẹ không biết làm sao cho tỏ vụ án, quan hữu ty lập tức vời ông đến. Khi được tham vấn, Bùi Cầm Hổ xin cho người đến các chợ nơi kinh thành, tìm mua loại lươn sắc vàng lẫn đen mà cổ có chấm lốm đốm, lại hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc thì mua đem về nấu canh và xin cho tử tù ăn. Nghe lời ông, việc ấy được đem thực thi ngay. Canh lươn ấy nấu xong, đem cho các tử tù dùng. Các tử tù vừa nuốt xong canh, mắt đã trợn trừng chết ngay. Quan tòa biết người góa phụ kia bất đắc dĩ bị oan khiên vì nhầm lẫn lươn với rắn độc nên tha bổng. Còn Bùi Cầm Hổ nhờ phá được vụ án hóc búa nên được tiến triều làm quan, mà riêng ông, đã cứu được một mạng người hoặc suýt bị tù, hoặc suýt bị xử tử oan.

Thời chúa Nguyễn trấn giữ đất Đàng Trong, có quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cũng là người có những sáng tạo khi ứng dụng kinh nghiệm dân gian mà điều tra, phá án vừa nhanh, vừa hiệu quả đến bất ngờ. Và có lẽ, kẻ thủ ác cũng không thể ngờ rằng mình bị lộ bởi những tang chứng, vật chứng thu được quá ư khác với cách thường. Việc thứ nhất, liên quan đến vụ xét án kẻ hại người trồng dưa, theo Liệt truyện: “Đời truyền có người trồng dưa, đêm bị kẻ khác dùng xẻng phá hủy, không biết phạm nhân là ai. Người chủ dưa đem việc đến kiện. Đăng lập tức cho thu hết xẻng của các người trong làng, và ra lệnh ai nấy biên tên vào xẻng, rồi sai người lấy lưỡi liếm vào xẻng: một cái xẻng có vị đắng. Đem tra xét, quả nhiên bắt được đứa phá hủy dưa ấy”[4]. Rõ là chẳng cần phải điều tra tốn thời gian, mà thủ phạm qua đó vẫn phải “thò mặt ra”.

Một lần khác, có anh bán dầu đem dầu ra chợ bán, bị kẻ gian thò tay lấy trộm tiền. Anh biết có một người mù quanh quẩn bên gánh dầu của mình, nghi ngờ mà không có tang chứng. Khi tìm thấy anh mù kia, thì hắn chối bay chối biến. Sự việc đến tai quan Đăng. Sau khi biết rõ sự tình, ông Đăng liền nghĩ ra một kế. Ông đề nghị anh mù kia đưa tiền hắn có trong túi cho ông, rồi lại sai người đem đến một chậu nước, bỏ tất cả số tiền đó vào chậu. Một lúc sau, váng dầu nổi lên. Tang chứng rõ là đây, những tiền dính dầu hẳn là của anh bán dầu. Chàng mù hết đường chối quanh. Nhưng nào đã xong, ông ngờ hắn giả mù để qua mắt thiên hạ, liền lệnh cho lính nọc ra đánh roi. Chỉ mới ba roi, hắn phải mở mắt nhận tội, đúng như dự đoán của Nguyễn Khoa Đăng[5]. Thế là án trộm tiền được phá, mà kẻ giả mù cũng bị lộ nguyên hình.

Với việc dùng kinh nghiệm, hiểu biết dân gian mà áp dụng để phá án, vừa thực tế, vừa hiệu quả mà chứng cứ thuyết phục như của Bùi Cầm Hổ hay Nguyễn Khoa Đăng, cho ta thấy rằng làm người điều tra vụ án, không chỉ cần có nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, mà vốn hiểu biết thực tế từ những kiến thức liên ngành, thậm chí là từ tai nghe, mắt thấy có khi lại mang tính quyết định để giúp vụ án được tỏ thông.

Khai thác sự mê tín của nghi phạm

Trong một số trường hợp, các vị quan xét án đã dựa vào sự mê tín của thủ phạm, qua đó lột trần được chân tướng của chúng. Thời Hậu Lê, có quan Nhữ Đình Hiền, vị quan nổi tiếng về đường chính trị mà dân gian đã có câu khen ngợi là “Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nhữ Đình Hiền” đã dựa vào sự mê tín, mà phá được vụ án khó. Việc này trong Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Hải Dương, mục Nhân vật có thuật lại[6].

Theo đó, dạo ấy có cô em gái đi thăm chị ốm. Đường từ làng cô em gái ở đến làng chị gái cách nhau một quãng khá xa. Cô em gái đi thăm chị đã nhiều ngày mà không thấy trở về. Người chồng tưởng vợ ở lại chăm sóc chị. Nhưng rồi mãi không thấy tin tức gì. Người chồng nghi là vợ bị chồng chị gái sát hại, nên liền làm đơn kiện lên quan trên. Ngay sau đó, chồng của chị gái bị bắt và tống giam vào nhà lao.

Sau nhiều lần xử, vụ mất tích của cô em gái vẫn đi vào ngõ cụt. Chứng cứ, tang vật vụ án không có, nên tội trạng của người chồng chị gái vẫn không cấu thành được. Án xử đi xử lại nhiều lần, pháp quan xử án nhiều phen thay đổi, trải qua đến sáu, bảy năm mà vụ án vẫn không có gì tiến triển. Trong khi ấy, chồng của người chị gái thì một mực kêu oan. Chúa Trịnh lệnh cho Thượng thư Bộ Hình Nhữ Đình Hiền trực tiếp đảm nhiệm việc điều tra, xét xử.

Chứng cứ, tang vật vụ án không có, mà nghi phạm số một lại dồn hết vào người chồng của chị gái. Quan Thượng thư Bộ Hình rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Không như các vị quan xử vụ này đa phần liên tục nhằm vào đối tượng chính là người chồng chị gái mà tra khảo, Nhữ Đình Hiền tra xét vụ án theo một hướng khác. Sau khi xem xét khoảng cách địa lý giữa làng người em gái và người chị gái trên địa đồ, ông để ý thấy trên quãng đường giữa làng người em gái sang làng người chị tất phải đi qua một cánh đồng. Ở cánh đồng đó có một ngôi chùa được bao quanh bởi cây cối rậm rạp. Người em gái đi đến thăm người chị phải đi qua khu vực này. Nghi phạm chính của vụ án là người anh rể thì một mực kêu oan, chắc chắn phải có uẩn tình gì đây khi cô em đi qua ngôi chùa này.

Từ đó, Thượng thư Bộ Hình Nhữ Đình Hiền chuyển nghi vấn của mình sang đối tượng mới là những người sống trong ngôi chùa, chắc chắn có “sư hổ mang” đã làm hại cô em gái trên đường về rồi phi tang xóa dấu vết. Phải làm cách nào để lôi ra ánh sáng tội ác của chúng khi mà thời gian đã trôi qua quá lâu, dấu vết không còn lại gì. Suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng ông cũng tìm ra cách phá án độc đáo.

Nhữ Đình Hiền cùng tùy tùng giả cách là quan viên đi lễ chùa, rồi mượn cớ tụng kinh, niệm Phật để lưu lại qua đêm. Sáng hôm sau ngủ dậy, ông yêu cầu sư trụ trì cho triệu tập hết sư tăng lại. Khi họ đến đông đủ, ông lấy cớ đêm qua ngủ tại chùa, nằm mơ thấy có mộng báo có người con gái bị cưỡng hiếp mà chết oan ở đây, rồi quát tất cả sư tăng rằng:

– Các người đều là kẻ tu hành, nương nhờ cửa Phật, tại sao lại có oan hồn đến tố giác với ta việc ấy? Sự thể thực hư ra sao, mau mau tự thú để nhận lượng khoan hồng!

Lũ sư hổ mang trong chùa lúc ấy, mặt đều tái mét kinh sợ vì nhớ lại tội ác đã gây ra với người em gái, nên nhất loạt nhận tội trạng. Sau đó, họ dẫn ông ra phía chân tháp. Nhữ Đình Hiền lệnh cho lính đào đất nơi chân tháp lên, quả nhiên nơi ấy là hài cốt người thiếu phụ xấu số bị làm hại rồi vùi xuống đó phi tang. Vụ trọng án tưởng không thể phá, đến đây đã được làm sáng tỏ. Những kẻ thủ ác bị bắt, oan tình của người anh rể được cởi, còn danh tiếng Thượng thư Bộ Hình Nhữ Đình Hiền từ đó được người cả nước biết tới, khâm phụ tài năng phá án như thần của ông. Tài năng xử án của ông được Hải Dương địa dư nhận xét là: “Các vụ án oan uổng đều được xét án, phần nhiều được làm sáng tỏ”[7].

Nắm chắc tâm lý tội phạm

Trong lĩnh vực hình án đời xưa, ngoài những gông cùm, kẹp tay, roi quất, trượng đánh,… để trấn áp, làm cho phạm nhân phải cung khai nhận tội, các vị quan phụ trách xét xử không chỉ dùng phương pháp thông dụng để phá án. Có những vụ án khó tìm ra thủ phạm, phải nhờ tài trí của người thay mặt nhà nước cầm cân nảy mực mà truy tìm kẻ phạm tội. Ở đây, việc nắm bắt được tâm lý của kẻ phạm tội góp phần quan trọng cho việc lần tìm manh mối, truy lùng thủ phạm. Một trong những người có tài nắm bắt tâm lý tội phạm là quan Nguyễn Mại thời Lê Trung hưng.

Dạo Nguyễn Mại được cử làm Đốc đồng chuyên trách việc xử án, khám xét các vụ kiện cáo (Trong Thối thực ký văn cho rằng ông làm chức Đốc trấn[8], xét ra cũng đúng cả) trấn thủ đạo Sơn Tây, nhờ “có phương pháp chính trị đặc biệt, trộm cướp phải im hơi lặng tiếng, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao”[9]. Minh chứng cho điều đó, phải kể đến việc xét án thông minh hơn người của ông nơi đất này, được đời sau ngợi ca là:

Nguyễn Mại công bình,

Xử kiện rất minh[10].

Theo dân gian truyền lại, vụ án ấy bắt nguồn từ sự vụ dân mất… một cái màn (Ngự chế Việt sử tổng vịnh thì cho là mất con gà). Sự việc ấy, trong Đăng khoa lục sưu giảng có thuật lại. Theo đó “Một hôm ông đi bộ, thấy một người đàn bà mất một cái màn mà chửi rủa. Ông sai trói người đàn bà ấy ở quán, rồi cho gọi hàng xóm đến, ông mắng người đàn bà rằng:

– Mất một cái màn đáng giá bao nhiêu tiền mà chửi tổ tông người ta?

Ông sai tất cả đàn ông đàn bà xóm làng ấy vả vào má người đàn bà. Mọi người sợ lệnh ông, nhưng thương hại người đàn bà không nỡ tát mạnh. Duy có một người đàn bà trong đám, hết sức tát thật mạnh, vì người ăn trộm cái màn, giận người kia chửi rủa nhưng không biết thâm ý của ông, mà chỉ khoái được tát cho sướng tay, ông liền bắt cho điều tra. Quả nhiên phải nhận tội, ai cũng khen thần minh”[11].

Án xét xong, mụ đàn bà trộm màn phải trả tang vật, lại phải bồi thường cả cái tội tát mạnh người bị hại. Việc này, người đời truyền rằng xảy ra ở chợ Bảo Khám thuộc huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Riêng Nguyễn Mại, ông đã hiểu tâm lý thủ phạm, khi bị kẻ bị hại chửi cha, mắng mẹ mình thì sinh ra bực tức, nuôi thù, được dịp trả thù thì phát lộ hết sự bất minh của bản thân qua hành động.

Dụ rắn ra khỏi hang

Có nhiều vụ án, dẫu biết nghi phạm là ai, nhưng lại có khó khăn là, chúng ẩn náu, trốn tránh khó lường. Làm sao để tội phạm phải cổ tra vào gông, tay chân chịu cùm? Đó là lúc tài trí của người điều tra, phá án được thể hiện. Ở điểm này, chúng tôi vẫn lấy Nội tán Nguyễn Khoa Đăng làm điển hình.

Truông nhà Hồ thuộc nơi giáp giới đất Quảng Bình và Quảng Trị, như miêu tả của Đại Nam nhất thống chí thì “tương truyền khi xưa chỗ này núi rừng rậm rạp, có nhiều côn đồ tụ tập để cướp bóc những người đi qua”. Bấy giờ, Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán, thấy dân sống không yên với bọn cướp, ông bèn nghĩ cách dẹp chúng để trừ họa cho dân. Trong Hi long di thặngcủa Đặng Nguyên Khu, đăng trên Nam Phong tạp chí số 132 (tháng 8/1928)[12] cho biết, để dụ được bọn lục lâm thảo khấu liều lĩnh này, ông nghĩ ra một kế đắc dụng. Nguyễn Khoa Đăng lệnh cho chế ra một loại hòm gỗ kín có lỗ thông khí vừa một người ngồi, có khóa bên trong để người trong hòm mở được dễ dàng. Ông tuyển những người giỏi võ cho ngồi trong hòm, để sẵn vũ khí. Chuẩn bị xong đâu đó, quan Nội tán tìm kế dụ địch.

Một đoàn quân sĩ cải trang làm dân phu để khiêng những hòm của cải trá hình đi qua truông nhà Hồ. Trước đó ông đã cho người phao tin có quan trấn ngoài Bắc sắp về quê, đem theo nhiều tư trang quý giá. Bọn cướp nghe tin chẳng khác gì như “mèo thấy mỡ”, chúng bày binh bố trận hòng đánh úp, cướp trọn số của cải kia. Quả nhiên, thông thuộc địa bàn, vũ khí áp đảo, những hòm của cải được chúng cướp rất dễ dàng, hò nhau khiêng về đại bản doanh.

Những chiếc hòm nặng vừa đặt xuống, thì chẳng cần chúng mở nắp ngắm của đã bật tung cả lên, các võ sĩ từ bên trong nhanh như sóc cầm vũ khí lao ra tấn công bọn chúng. Cùng lúc ấy, binh lính của quan Nội tán bốn mặt vây kín. Đảng cướp nhanh chóng buông gươm, quỳ gối chịu trói. Vậy là nạn cướp ở truông nhà Hồ được dẹp tan. Câu “Lại như: Hồ Xá rừng xanh không trộm cướp, lời ca quan Nội tán còn truyền” mà Đại Nam dư địa chí ước biên ghi lại chính là sự kiện này. Đời sau, dân tình hồ hởi mà tán rằng:

Phá Tam Giang ngày rầy đã cạn,

Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm[13].

Cũng tại đất Hồ Xá, quan Nội tán họ Nguyễn còn phá được một vụ án khó, kẻ trộm phải đeo gông, mà người mắc nạn thì lấy lại được của cải đã mất trước đó. Số là có người lái buôn nọ làm nghề buôn giấy. Khi đem giấy đi qua làng Hồ Xá thì nghỉ trọ ở đó. Vốn đây là đất có trộm cướp nhiều, thấy của thì chúng nẫng nhanh hơn ai hết. Kết quả là vị lái buôn kia bị mất luôn một gánh giấy. Không biết tìm đâu cho ra, ông ta bèn kêu lên quan Nội tán. Sau khi đã rõ nguồn cơn, Nguyễn Khoa Đăng cho người đi tìm hiểu, do thám mà không thu được tín hiệu gì khả quan. Muốn phá được án, cần phải dụ rắn ra khỏi hang. Và thế là, ông lại nghĩ ra một đắc kế.

Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cho triệu tập dân sở tại và các làng lân cận rồi truyền bảo dân các xã thôn rằng quan tỉnh lệnh họ phải làm ngay một tờ khai tên tuổi quê quán cho minh bạch để chính quyền dễ quản lý. Mọi người đua nhau đi mua giấy để làm bản khai. Chẳng mấy chốc, giá giấy tăng lên nhanh chóng.

Tên trộm gánh giấy kia sau khi trộm được của, thì giấu giấy ở nhà, nay thấy giá giấy tăng lên nhanh, nghĩ kiếm được món lời to, hắn bèn đem giấy ra chợ bán. Nhưng đạo chích giấy nào biết rằng, binh lính của quan Nội tán đã được bí mật rải khắp chợ để chờ hắn lộ diện. Tiền lời chưa kịp thu, thì kẻ trộm giấy đã phải chịu tội nơi công đường, không chỉ trả lại gánh giấy đã chôm chỉa, mà còn phải đền tiền giấy cho dân địa phương đã tốn tiền mua giấy kê khai tên tuổi. Riêng dân tình đất Hồ Xá, thì chịu tài quan Đăng, khen ngợi tài trí của ông mãi không thôi.

Trên đây mới chỉ là sơ thảo bước đầu những ghi nhận về sự phá án tài tình của quan hình án nước ta thời xưa. Hẳn còn nhiều sự vụ đã diễn ra, nhiều cách phá án tài tình, thông minh mà chúng tôi chưa có điều kiện để “cảo thơm lần giở trước đèn” cho hết được. Mong rằng, qua những bài học điều tra phá án của người xưa, trong lĩnh vực điều tra hiện nay, chúng ta học được chút gì chăng!

Ths Trần Đình Ba

Nguồn: Luật sư Việt Nam Online (lsvn.vn)

Tài liệu tham khảo:

[1] Vũ Văn Mẫu (1972), Cổ luật Việt Nam thông khảo, Sài Gòn, tr. 138.

[2] Ngô Thì Sĩ (2012), Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Hồng Bàng, Gia Lai, tr. 503.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, tập I, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 749.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tập I, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 160.

[5] Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 769 – 773.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, tập II, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 1284.

[7] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2009), Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 356, phần “Hải Dương địa dư”.

[8] Trương Quốc Dụng (1944), Thối thực ký văn, Tân Việt xuất bản, Hà Nội, tr. 17. 

[9] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2009), Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 352, phần “Hải Dương địa dư”.

[10] Trần Quang Tặng (1922), Sử Nam bốn chữ, Nhà in Thực Nghiệp ấn quán, Hà Nội, tr. 23.

[11] Trần Tiến (1968), Đăng khoa lục sưu giảng, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, tr. 62 – 63.

[12] Nam phong tạp chí, số 132, tháng 8 năm 1928, tr. 141.

[13] Phạm Việt Tuyền (1965), Văn học miền Nam (Thời Nam Bắc phân tranh các thế kỷ XVI – XVIII), Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, tr. 25.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền