Nền tảng văn hóa của Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Thể chế
Ảnh minh họa

Tóm tắt: Để cải cách thể chế, quan trọng nhất là lựa chọn mô hình thể chế. Các mô hình thể chế đưa lại thành công và thịnh vượng không thiếu ở trên thế giới. Vấn đề là phải lựa chọn cho được mô hình phù hợp với Việt Nam.

 

Abstract: An institutional model to be selected is the most important thing once it is to reform the institution of a nation. There are several particular types of the institutional models that are successfully implemented to provide prosperity in the world. It is cruicial matter to select an appropriate one for Vietnam.

 

Mô hình thể chế nào cho Việt Nam?

Mục lục:

  1. Thể chế và văn hóa
  2. Nền tảng văn hóa của Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?
  3. Nội hàm của khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển”
  4. Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho Việt Nam
  5. Vượt qua những rủi ro của việc lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển

Thể chế

1. Thể chế và văn hóa

Có thể nói rằng, di sản lớn nhất của nước Anh là mô hình thể chế của nước này. Các nước cựu thuộc địa của Anh đã được tận hưởng được mô hình thể chế của Anh nên đều rất phát triển. Tuy nhiên, nếu nhận xét trên đúng cho nước Mỹ, nước Úc, nước Canada, nước New Zealand, thì có vẻ lại không hoàn toàn đúng cho Ấn độ, Pakistan và nhiều nước châu Á-Phi từng là thuộc địa của Anh khác.

Tại sao mô hình thể chế của nước Anh lại chỉ phát huy tác dụng ở một số nước, còn ở một số nước khác thì không? Câu trả lời nằm ở nền tảng văn hóa của các nước. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, các nước Mỹ, Úc, Canada, New Zealand có nền tảng văn hóa tương đồng với nước Anh. Người Anh đã không chỉ xuất khẩu thể chế, mà còn di dân và xuất khẩu văn hóa tới những nước trên. Trong lúc đó, nước Anh đã không thể xuất khẩu văn hóa của mình sang Ấn Độ, Pakistan và các nước cựu thuộc địa khác. Chính vì thế, mô hình thể chế của nước Anh ít phát huy tác dụng ở các nước nêu trên. Điều dễ nhận thấy ở đây là: một mô hình thể chế chỉ phát huy tác dụng ở các nước có nền tảng văn hóa tương đồng và ít phát huy tác dụng ở các nước có nền tảng văn hóa khác biệt.

Tương tự, chúng ta có thể nói về mô hình thể chế của nhà nước phúc lợi. Các nhà nước phúc lợi Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần lan, Na Uy…) là mô hình thể chế có thể được coi là thịnh vượng và tốt đẹp nhất đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Ở các nước này, người dân sinh ra đã được nhà nước chăm lo đầy đủ về mọi mặt. Cuộc sống của họ hết sức an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Thế nhưng tại sao một mô hình thể chế tốt đẹp lại không thể nhân rộng ra được ngoài vùng Bắc Âu? Lý do là vì thiếu nền tảng văn hóa của Bắc Âu không thể vận hành được một mô hình như vậy. “Biết thế nào là đủ” là một nét văn hóa rất đặc biệt của những người dân Bắc Âu. Những người dân này sẵn sàng đóng thuế thu nhập ở mức cao cho nhà nước mà không hề tâm tư, suy bì. Bất cứ ở một nơi nào khác trên thế giới, mức thuế quá cao sẽ triệt tiêu động lực làm việc, còn ở các nước Bắc Âu thì lại không. Ví dụ từ các nước Bắc Âu một lần nữa khẳng định nền tảng văm hóa là rất quan trọng để một mô hình thể chế có thể thành công.

2. Nền tảng văn hóa của Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?

Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên). Ăn cơm bằng đũa, viết chữ tượng hình (Việt Nam đã từng có chữ nôm là chữa tượng hình) chỉ là một vài biểu hiện ra bên ngoài của văn hóa Đông Bắc Á. Cái nằm sâu bên trong ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách hành xử của cư dân ở vùng này là tinh thần và tư tưởng Nho giáo. Một trong những đặc điểm nổi bật của các nước này là truyền thống khoa bảng. Học hành, thi cử để làm quan là con đường phấn đấu được coi trọng nhất. Đây cũng là nền tảng văn hóa để nhà nước có thể tuyển dụng được những người tài giỏi nhất cho nền quản trị công.

Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Mô hình thể chế này đã đưa lại sự phát triển kỳ điệu cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài loan và gần đây là cả Trung Quốc. Sự thành công của các nước này cho thấy mô hình nhà nước kiến tạo phát triển rất phù hợp với nền tảng văn hóa của các nước Đông Bắc Á. Mà như vậy thì mô hình này có nhiều khả năng sẽ phù hợp với Việt Nam hơn cả.

Điều đáng nói ở đây là rất nhiều nước ở các vùng miền khác trên thế giới đã cố gắng áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng đều đã không thành công. Trường hợp ngoại lệ, có lẽ, chỉ là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

3. Nội hàm của khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển”

Khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ những năm tám mươi của thế kỷ trước khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển. Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình nhà nước này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mãnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Có thể nói rằng, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh Anh-Mỹ (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.

Những nét đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển được tác giả Chalmers Johnson đưa ra là:

1. Một bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả;

2. Bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả;

3. Nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường;

4. Có Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp[1].

Nhiều người cho rằng, nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.

4. Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho Việt Nam

Do là một nước có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là tối ưu cho Việt Nam.

Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Như vậy, tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, vấn đề là đất nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng’ như các nước Đông Bắc Á.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa là chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa. Có lẽ đây là những khiếm khuyết mà chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để khắc phục. Đồng thời phải kiên trì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Công bằng mà nói, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chưa thật sự hình thành ở nước ta. Sự lựa chọn của chúng ta trong quá trình đổi mới nếu không phải do may mà đúng, thì cũng chủ yếu là đi theo sự đòi hỏi khách quan của tình hình hơn là trên một nền tảng lý thuyết vững chắc.

5. Vượt qua những rủi ro của việc lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển

Lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho đất nước ta, tuy nhiên rủi ro của lựa chọn này là hoàn toàn không nhỏ.

Trước hết, là rủi ro về năng lực. Chúng ta có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam phải là gì? Đây quả thực là những câu hỏi không dễ trả lời. Thiếu một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa khó lòng hoạch định chính sách phát triển đúng đắn được. Để có được một đội ngũ lãnh đạo như vậy, thu hút người tài vào trong Đảng là rất quan trọng. Đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng ta trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, tận dụng tri thức của giới Việt kiều tinh hoa để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp cũng rất quan trọng.

Thứ hai, rủi ro về hội nhập. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định về tự do thương mại song phương và đa phương, nên không gian chính sách còn lại của Nhà nước ta cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ là rất nhỏ hẹp. Bị ràng buộc bởi vô vàn những cam kết quốc tế, Nhà nước rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Để vượt qua rủi ro này, quan trọng là phải nâng cao năng lực thiết kế các hàng rào kỹ thuật, các hàng rào về thủ tục. Điều này có vẻ như đang đi ngược với những cố gắng cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, thì hàng rào kỹ thuật là rất cần thiết để ngành công nghiệp non trẻ này của đất nước không bị cạnh tranh quốc tế bóp chết từ trong trứng nước. Tận dụng các khoảng trống chính sách cũng rất quan trọng ở đây. Các hiệp định tự do thương mại không hạn chế Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực (ví dụ như an ninh, quốc phòng chẳng hạn). Tại sao chúng ta không đầu tư vào đây, khi cần thiết thì vẫn có thể chuyển giao các thành tựu nghiên cứu cho các lĩnh vực dân sự?

Thứ ba, rủi ro về nhận thức. Quỹ thời gian để xây dựng thành công mô hình nhà nước kiến tạo phát triển còn lại không nhiều. Với áp lực của hội nhập và dân chủ hóa, mô hình coi trọng phát triển kinh tế hơn mở rộng dân chủ và nhân quyền như nhà nước kiến tạo phát triển chưa chắc đã có được sự chấp nhận của đông đảo công chúng. Để vượt qua thách thức này, truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không có một nền tảng kinh tế-xã hội phù hợp (với đa số dân chúng là tầng lớp trung lưu) và một nền tảng văn hóa chính trị trưởng thành, những cải cách dân chủ manh động không khéo lại chỉ dẫn đến đổ vở và bất ổn xã hội mà thôi./.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (400), tháng 12/2019


[1] Chalmers Johnson, The Developmental State, CORNELL UNIVERSITY PRESS, NY. 1991,, P.54-56.

5/5 - (9184 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền