Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Chuyên mụcThảo luận pháp luật, Tin tức pháp luật Chống tham nhũng

Ngày 20/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.

 

Xem thêm: Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật mới được thông qua

 

Luật gồm các nội dung cơ bản sau:

1. Về những quy định chung (Chương I)

– Phạm vi điều chỉnh: Điều 1 Luật quy định ngắn gọn và khái quát: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Như vậy, so với Luật hiện hành, Luật này đã thay đổi cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Chương VII của Luật đã quy định việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước.

– Về các hành vi tham nhũng: Luật đã quy định riêng về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và các hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước.

2. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương II)

– Về công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 1): So với Luật hiện hành, Luật năm 2018 không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực mà chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mục này cũng quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu chí đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng…

– Về xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Mục 2): Kế thừa Luật hiện hành, Luật năm  2018 quy định mang tính nguyên tắc trong việc ban hành và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ để không dẫn đến chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

– Về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn (Mục 3): Luật tiếp tục quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc tặng quà, nhận tặng quà với một số chỉnh lý so với Luật hiện hành và bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích tại Điều 23.

– Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (Mục 4): Luật tiếp tục quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác, vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.

– Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt (Mục 5): Luật có quy định chi tiết hơn các nội dung về cải cách  hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý tại Điều 27, Điều 28 và thanh toán không dùng tiền mặt tại Điều 29.

– Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 6): Đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Tại Mục này, Luật đã quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập.

Luật đã quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.

Luật cũng đã bổ sung căn cứ xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

3. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương III)

Kế thừa quy định của Luật hiện hành, Luật 2018 tiếp tục quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; có bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tại Điều 57; bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 62; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 64.

4. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương VI)

Luật 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang đơn vị công tác khác (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72, và Điều 73).

5. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (Chương VI)

So với Luật hiện hành, đây là chương mới, nội dung mới của Luật năm 2018, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Luật quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật năm 2018 quy định việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện. Điều 80 Luật quy định các doanh nghiệp, tổ chức này phải áp dụng các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Luật cũng quy định về thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Điều 81.

6. Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về Phòng, chống tham nhũng (Chương XI)

Đây là chương có nhiều nội dung đổi mới được bổ sung, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng và hiệu quả của công tác Phòng, chống tham nhũng. Đối với xử lý tham nhũng, so với Luật hiện hành, Luật 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng (Điều 92, 93). Đối với xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật 2018 đã bổ sung quy định tại mục 2 Chương IX. Theo đó, Điều 94 liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Điều 95 Luật 2018 quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định một số vấn đề khác như giải thích từ ngữ, các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng tại chương V; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng tại Chương VII; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng tại Chương VIII và điều khoản thi hành.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)

 

 

 

 

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền