Chế định giao dịch dân sự được quy định tại Chương VIII Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm các quy định về điều kiện có hiệu lực, mục đích, hình thức giao dịch dân sự, việc giải thích giao dịch dân sự, các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.
1. Bất cập của Bộ luật dân sự năm 2005 về giao dịch dân sự
Quy định về giao dịch trong Bộ luật dân sự năm 2005 là quy định mang tính nguyên tắc về hành vi pháp lý đơn phương hoặc đa phương nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Về cơ bản, các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 đã đáp ứng được vai trò này, tuy nhiên Bộ luật còn có những bất cập, tồn tại sau[1]:
– Quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch chưa hợp lý, làm phát sinh nhiều nguy cơ vô hiệu cho giao dịch, không bảo đảm tính ổn định của giao dịch: Quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch đã tương đối phù hợp với những yếu tố cấu thành không thể thiếu của một giao dịch tư, bao gồm: điều kiện về chủ thể (chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự); điều kiện về đối tượng (mục đích và nội dung của giao dịch không bị pháp luật cấm); điều kiện về ý chí (chủ thể tham gia hoàn toàn tự nguyện, tự do ý chí). Tuy nhiên:
+ Về hình thức của giao dịch, việc quy định hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định đã làm phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng, xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Theo kinh nghiệm pháp luật của nhiều nước, hình thức bắt buộc của giao dịch có thể vẫn được quy định nhưng thường gắn với mục đích chủ yếu là để minh bạch hóa giao dịch (bảo đảm quyền lợi của người thứ ba) hoặc mục tiêu quản lý hành chính (quản lý, thống kê của cơ quan nhà nước), còn mục tiêu xác định hiệu lực của giao dịch giữa các bên chỉ áp dụng trong những trường hợp hết sức đặc biệt.
Cách quy định có thể dẫn tới hoặc pháp luật chuyên ngành lạm dụng ràng buộc hiệu lực của giao dịch với hình thức của giao dịch hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thi hành pháp luật lại hiểu theo hướng khi pháp luật quy định hình thức bắt buộc của giao dịch thì đó là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Thực tế, mặc dù các văn bản pháp luật chuyên ngành chỉ quy định về các trường hợp giao dịch phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức (ví dụ: bằng văn bản, phải đăng ký, công chứng, chứng thực), không quy định cụ thể hình thức đó là điều kiện có hiệu lực của giao dịch nhưng trong áp dụng pháp luật, một số chủ thể, trong đó có Tòa án, thường hiểu theo hướng, giao dịch khi không tuân thủ hình thức bắt buộc có nghĩa là đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch, trong trường hợp không thể khắc phục thì giao dịch bị tuyên bố vô hiệu.
Bên cạnh đó, quy định về giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do vi phạm hình thức còn cứng nhắc, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chưa tính đến những giao dịch mặc dù vi phạm về hình thức nhưng các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ giao dịch, mục đích tham gia giao dịch của họ cũng đã đạt được. Việc tuyên vô hiệu trong trường hợp này có thể không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, làm mất ổn định trong giao lưu dân sự[2].
+ Về ý chí, theo Bộ luật dân sự năm 2005 thì một trong những điều kiện để giao dịch có hiệu lực là “chủ thể phải hoàn toàn tự nguyện”, hiểu theo nghĩa các chủ thể phải biết về đối tác, nội dung của giao dịch và hoàn toàn tự do ý chí trong việc xác lập, thực hiện giao dịch. Liên quan tới vấn đề này, cách tiếp cận của Bộ luật dân sự năm 2005 chưa phù hợp trong việc xử lý hệ quả của các giao dịch do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện (Điều 145). Giao dịch dân sự xác lập, thực hiện bởi chủ thể không có thẩm quyền đại diện (không được ủy quyền hoặc vượt quá giới hạn ủy quyền) về lý thuyết là không bảo đảm yêu cầu về quyền tự do ý chí trước hết là của bên được đại diện và sau đó là của bên có giao dịch với bên đại diện. Do đó, giao dịch này được coi là có “sai sót về chủ thể” và sẽ không có giá trị ràng buộc trước hết đối với bên được ủy quyền và sau đó là với bên có giao dịch với chủ thể không có thẩm quyền đại điện (do chủ thể này suy đoán là muốn giao dịch với bên được ủy quyền, nay chủ thể của giao dịch không phải là bên được ủy quyền thì mong muốn kia không đạt được). Theo các lập luận này thì quy định tại Điều 145 là không phù hợp với logic về quyền tự do ý chí của các chủ thể trong xác lập và thực hiện hợp đồng.
+ Về năng lực hành vi dân sự của người tham gia giao dịch, Bộ luật dân sự năm 2005 chưa bao quát được hết các trường hợp xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch. Giao dịch chỉ có thể đáp ứng bởi chủ thể của hợp đồng và người trực tiếp ký kết hợp đồng (người đại diện, người giám hộ). Còn đối với giao dịch của người không có năng lực hành vi hoặc bị mất năng lực hành vi được xác lập thông qua người đại diện, thì bản thân người không có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi không phải là người tham gia giao dịch, bởi mọi vấn đề từ khi xác lập đến khi thực hiện giao dịch đều được thực hiện thông qua người đại diện. Điều đó đã gián tiếp tước quyền tham gia giao dịch của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người chưa có năng lực hành vi dân sự dù sự tham gia đó chỉ là tham gia một cách gián tiếp thông qua người đại diện, người giám hộ.
+ Về mục đích, nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định chưa có sự thống nhất. Theo Điều 4 và Điều 122 thì giao dịch vô hiệu khi vi phạm điều cấm của pháp luật. Nhưng theo quy định tại Điều 389 thì một trong những nguyên tắc giao kết hợp đồng là tự do giao kết nhưng không được trái pháp luật.
– Về giao dịch vô hiệu: Nhiều quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về giao dịch vô hiệu chưa cụ thể hoặc quy định không rõ dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Mặt khác, Bộ luật dân sự năm 2005 chưa bao quát được hết các trường hợp xảy ra như: chưa quy định trường hợp nhầm lẫn khi hai bên chủ thể không có lỗi hoặc sự nhầm lẫn về chủ thể giao dịch; chưa xem xét đầy đủ đến ý chí của các bên trong giao dịch. Ví dụ: Điều 131 quy định một bên nhầm lẫn do lỗi vô ý của bên kia, đây là quy định không khả thi vì trong giao dịch dân sự, việc xác định lỗi cố ý hay vô ý khó thực hiện. Thực tế, trong nhầm lẫn có thể không có lỗi, một hoặc các bên cùng nhầm lẫn do không biết hoặc không buộc phải biết về sự nhầm lẫn. Đây là trường hợp cần được xác định vô hiệu nếu bên bị nhầm lẫn yêu cầu; Điều 134 quy định: “… Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Quy định này không phù hợp với thực tiễn, vì nếu giao dịch đã có tranh chấp thì phần lớn do một bên không thiện chí dẫn tới giao dịch không thể thực hiện được[3].
– Về thời hiệu tuyên bố giao dịch vô hiệu: Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu tuyên bố vô hiệu được tính từ thời điểm giao dịch được xác lập là chưa phù hợp với thực tiễn. Trong nhiều trường hợp, chủ thể giao dịch chỉ có thể biết về việc giao dịch vi phạm điều kiện có hiệu lực sau khi giao dịch được xác lập, ví dụ: giao dịch vô hiệu do bị nhầm lẫn hoặc một bên bị lừa dối…
2. Một số điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự
Bộ luật dân sự năm 2015 đã có một số thay đổi cơ bản so với Bộ luật dân sự năm 2005 để làm rõ hơn các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, bảo đảm tôn trọng ý chí của các bên trong việc xác lập giao dịch; bảo đảm sự an toàn pháp lý và ổn định trong giao dịch dân sự, quyền, lợi ích hợp pháp của bên thiện chí, bên ngay tình,…
Thứ nhất, về quy định giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125 Bộ luật dân sự năm 2015).
Điều 130 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện”. Quy định này nhằm hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên chưa bảo đảm tôn trọng đầy đủ ý chí tự nguyện giao kết của các chủ thể này.
Bộ luật dân sự năm 2015, bên cạnh quy định quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu của người đại diện theo quy định của pháp luật, đã bổ sung những trường hợp giao dịch sẽ không bị vô hiệu bao gồm: (i) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; (ii) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ; (iii) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự. Quy định này vừa bảo đảm quyền lợi cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vừa bảo đảm tôn trọng ý chí tự nguyện của các bên.
Thứ hai, về quy định giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định, khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu… Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, tuy nhiên bổ sung thêm trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được. Quy định này là phù hợp, bảo đảm tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên vì nhiều trường hợp, việc nhầm lẫn khi xác lập giao dịch không ảnh hưởng tới kết quả cũng như việc đạt được mục đích xác lập giao dịch của các bên. Bộ luật dân sự năm 2015 đã loại trừ trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005. Quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 là không cần thiết, vì đã được Điều 132 quy định.
Thứ ba, về quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Quy định này khi triển khai trên thực tế đã gặp nhiều vướng mắc và khó bảo đảm tính khả thi vì trong nhiều trường hợp, một trong các bên giao dịch không hợp tác để thực hiện quy định về hình thức của giao dịch – mặc dù giao dịch được giao kết trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên, dẫn tới giao dịch vô hiệu.
Trong quá trình soạn thảo Bộ luật dân sự năm 2015, vấn đề hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Khoản 1 Điều 145 dự thảo Bộ luật dân sự lấy ý kiến Nhân dân năm 2015 quy định:
1. Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó;
b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu.
Qua quá trình lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự, theo tổng hợp của Chính phủ cho thấy về cơ bản có hai loại ý kiến[4], trong đó:
Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn giao kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần xử lý vấn đề này theo hướng khi pháp luật quy định hình thức của giao dịch là bắt buộc mà chủ thể của giao dịch không tuân thủ thì giao dịch đó phải bị tuyên bố là vô hiệu. Quy định như vậy mới bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với một số giao dịch và tài sản nhất định.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân như đã báo cáo ở trên và cho rằng, quy định như dự thảo Bộ luật về vấn đề này thực chất là áp dụng một cơ chế pháp lý vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ để buộc bên không thiện chí phải thực hiện đúng cam kết của mình, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho bên thiện chí không muốn phá vỡ quan hệ giao dịch. Qua đó, góp phần hạn chế việc tuyên bố giao dịch dân sự bị vô hiệu một cách tùy tiện vì lý do không tuân thủ quy định hình thức, bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến Nhân dân về việc dự thảo Bộ luật cần quy định cụ thể, khả thi hơn về các trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thứcnhưng không bị vô hiệu, Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về vấn đề này theo hướng: giao dịch đã được xác lập nhưng vi phạm quy định bắt buộc về hình thức giao dịch bằng văn bản hoặc phải có công chứng, chứng thực mà các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình và không có tranh chấp thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Đối với giao dịch bắt buộc phải được đăng ký nhưng một bên từ chối đăng ký thì theo yêu cầu của bên kia, Toà án ra quyết định về việc đăng ký giao dịch. Trên cơ sở quyết định của Tòa án, cơ quan đăng ký có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký.
Đến nay, Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, nhưng loại trừ trường hợp sau: (i) Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; (ii) Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. Như vậy, với quy định này, một giao dịch vi phạm quy định về hình thức nhưng các bên tham gia giao dịch tích cực, thiện chí thực hiện giao dịch (đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch không bị vô hiệu.
Thứ tư, về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015). Nếu như Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu là 02 năm kể từ ngày giao dịch được xác lập thì đến Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể hơn, theo đó thời hiệu là 02 năm kể từ ngày: (i) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch; (ii) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối; (iii) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép; (iv) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch; (v) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức. Đồng thời Bộ luật dân sự năm 2015 cũng bổ sung quy định: Hết thời hiệu mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Thứ năm, về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình (Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015). Bộ luật dân sự năm 2005 không bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Về vấn đề này, Điều 148 dự thảo Bộ luật dân sự lấy ý kiến Nhân dân năm 2015 quy định: “2. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu; 3. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”. Qua quá trình lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự, cơ bản có hai loại ý kiến[5], trong đó:
Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy góp phần bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao lưu dân sự, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tác dụng, ý nghĩa to lớn của việc đăng ký quyền sở hữu, vật quyền khác; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và cán bộ làm công tác đăng ký, qua đó thúc đẩy việc hoàn thiện chế định về đăng ký quyền sở hữu, vật quyền khác ở nước ta.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định như dự thảo Bộ luật là không thể hiện được quan điểm về việc tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản trong giao lưu dân sự; chưa bảo đảm tính khả thi trong bối cảnh việc đăng ký bất động sản hiện nay ở nước ta đang có nhiều bất cập, chưa thể khắc phục ngay được.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân như đã báo cáo ở trên và cho rằng, quy định như dự thảo Bộ luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình là để tạo ra cơ chế pháp lý hài hòa, công bằng hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cả người thứ ba ngay tình và của cả chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác. Thực hiện cơ chế pháp lý này cũng góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và hiệu quả của công tác đăng ký ở nước ta, nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống đăng ký quyền sở hữu, vật quyền khác, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu ý kiến Nhân dân về việc dự thảo Bộ luật cần quy định cụ thể hơn về mối quan hệ giữa giao dịch dân sự vô hiệu với giao dịch dân sự được xác lập với người thứ ba ngay tình; quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác trong trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ, Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về vấn đề này theo hướng: trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại, nếu có.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa./.
[1] Ý kiến của các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp, Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉnh Lào Cai, Nam Định, Hải Dương, Tuyên Quang, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Dương, Thái Bình, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Nguyên, Phú Yên, Hà Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bắc Giang, Bình Thuận, An Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Bình, Ninh Thuận… Xem: Báo cáo số 151/BC-BTP ngày 15/7/2013 của Bộ Tư pháp về Tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
[2] Theo Tòa án nhân dân tối cao, trong việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với giao dịch mua bán nhà, đất, Nhà nước ta thực hiện chưa tốt công tác quản lý nhà, đất; thủ tục sang tên trước bạ còn phải qua nhiều khâu rườm rà; việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ… Vì vậy, việc thực hiện quy định về hình thức đối với hợp đồng mua bán nhà còn khó khăn, phức tạp. Mặt khác, có trường hợp lại xuất phát từ yếu tố chủ quan của các bên, chẳng hạn khi mua bán hai bên hoàn toàn tự nguyện, nhưng khi làm thủ tục, giá nhà biến động nên vì lợi ích kinh tế một trong hai bên đã yêu cầu hủy bỏ hợp đồng (thường là bên bán); hoặc trường hợp nhà, đất là tài sản của đồng sở hữu, khi bán tất cả các đồng sở hữu đều đồng ý bán nhưng khi làm thủ tục thì một trong các đồng sở hữu, lại không đồng ý bán… do đó, nảy sinh tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với những trường hợp này nếu khi giải quyết Tòa án lại tuyên bố hợp đồng vô hiệu là không công bằng. Đó là còn chưa kể đến việc giải quyết hậu quả của giao dịch mua bán nhà vô hiệu còn nhiều bất cập. Xem: Báo cáo số 151/BC-BTP ngày 15/7/2013 của Bộ Tư pháp về Tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
[3] Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”. Thuật ngữ “không có một trong các điều kiện…” có nghĩa là giao dịch dân sự thiếu một trong bốn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005 thì vô hiệu. Thực tiễn khi xem xét một giao dịch dân sự có vô hiệu hay không, các thẩm phán phải vận dụng các điều luật logic với nhau như: giao dịch có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 122 hay không; ngoài ra, đối với từng trường hợp cụ thể Tòa án còn phải vận dụng thêm các điều luật khác từ Điều 128 đến Điều 134 để kết luận giao dịch đó có hiệu lực, vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần. Những trường hợp vô hiệu quy định tại các điều từ 128 đến 134 đã cụ thể hóa trường hợp vô hiệu do không tuân thủ các điều kiện như quy định tại Điều 122, nên sự tồn tại của Điều 127 là không cần thiết.
[4] Có 82/100 báo cáo của bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức có liên quan có đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Đắk Nông, Bình Thuận… nhất trí với loại ý kiến thứ hai. Văn phòng Chính phủ chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Ban Đối ngoại Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… không thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này. Xem: Chính phủ, Báo cáo số 225/BC-CP ngày 19/5/2015 của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tr. 12, 13.
[5] Có 88/100 báo cáo của bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức có liên quan có đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo. Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… nhất trí với loại ý kiến thứ hai. Ban Đối ngoại Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… không thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này. Xem: Chính phủ, Báo cáo số 225/BC-CP ngày 19/5/2015 của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tr.13, 14.
Để lại một phản hồi Hủy