Một số điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật Pháp luật về tài sản

Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản, quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản có sự thay đổi khá lớn về mặt kỹ thuật lập pháp, cho đến một số nội dung của điều luật. Trong phạm vi bài viết này tác giả đưa ra các điểm mới cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản.

1. Bộ luật Dân sự năm 2015 đổi mới về kỹ thuật lập pháp trong việc thiết kế vị trí các quy định về tài sản trong Bộ luật Dân sự

Từ Bộ luật Dân sự năm 1995 đến Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định về tài sản đều có vị trí tại Phần thứ hai: Tài sản và quyền sở hữu. Theo đó, tài sản được điều chỉnh trong các Bộ luật Dân sự này với tư cách là đối tượng của quyền sở hữu và quyền của các chủ thể không phải là chủ sở hữu tài sản, trong khi tài sản cũng là đối tượng của giao dịch dân sự (bao gồm hành vi pháp lý đơn phương, quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng). Ngay tại Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã khẳng định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự là: “… quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…”.

Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh[1], Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tách chế định tài sản và quy định thành một chương riêng, cụ thể là Chương VII (gồn 11 điều luật từ Điều 105 đến Điều 115[2]) thuộc Phần thứ nhất – Những quy định chung. Việc thiết kế như trên đã khẳng định rằng chế định tài sản là chế định trung tâm của Bộ luật Dân sự, là đối tượng của nhiều quan hệ dân sự khác nhau (không chỉ là quan hệ sở hữu như cách thể hiện của Bộ luật Dân sự năm 2005 trước đây). Đồng thời, việc quy định này đã tạo nên sự nhận thức thống nhất về vị trí vai trò của chế định tài sản, tránh sự tranh cãi không cần thiết về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật[3].

2. Phân loại tài sản

Tài sản là một trong những vấn đề trung tâm, cốt lõi của các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng. Khái niệm tài sản đã được đề cập rất nhiều trong thực tiễn cũng như trong khoa học pháp lý. Tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, việc phân loại và đưa ra một khái niệm có thể bao trùm được tất cả các tài sản trên thực tế là một vấn đề hết sức cần thiết.

Ở Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 172), Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 163) không đưa ra khái niệm về tài sản. Bộ luật dân sự năm 1995 cũng như Bộ luật dân sự năm 2005 đều dựa vào tiêu chí tài sản là đối tượng của quyền sở hữu phải trị giá được bằng tiền và có thể đưa được vào giao lưu dân sự[4] nên đã liệt kê các loại tài sản là đối tượng của quyền sở hữu? Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã mở rộng hơn loại tài sản là đối tượng của quyền sở hữu, trong đóL tài sản bao gồm: “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005) đã được thay thế cho “vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản” (Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 1995). Như vậy, ta có thể hiểu tài sản là “vật được hình thành trong tương lai” cũng được coi là đối tượng của quyền sở hữu. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2005 chưa xác định rõ “giấy tờ có giá” là những giấy tờ nào.

Kế thừa các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về việc xác định những gì được coi là tài sản và được pháp luật bảo vệ, đồng thời trên cơ sở xác định tài sản là đối tượng của các quan hệ dân sự, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã vẫn liệt kê các loại tài sản như trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản). Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định mới nhằm khẳng định:
Thứ nhất, tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (khoản 2 Điều 105);

Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung một điều luật mới để khẳng định: tài sản hình thành trong tương lai là một loại tài sản được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự. Theo đó, Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
a) Tài sản chưa hình thành;
b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản hình thành trong tương lai không chỉ giới hạn là vật; cũng không chỉ giới hạn trong giao dịch bảo đảm như Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định trước đây. Tài sản hình thành trong tương lai có thể có vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; đồng thời, tài sản hình thành trong tương lai có thể là đối tượng của các giao dịch dân sự khác.

Với cách quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu rõ khái niệm về tài sản hiện có; đối với khái niệm “tài sản hình thành trong tương lai” thì Bộ luật mới chỉ là quy định mang tính khái quát. Việc áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn cần được hướng dẫn cụ thể hơn để áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

3. Quy định về đăng ký tài sản

Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định rất đơn giản về việc đăng lý tài sản, theo đó Điều 174 quy định “Những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì phải được đăng ký”. Như vậy, Bộ luật đã để ngỏ quyền quy định những tài sản nào phải đăng ký quyền sở hữu cho các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.

Bộ luật Dân sự năm 2005 đã xác định rõ bất động sản là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Còn đối với tài sản là động sản, chỉ những động sản nào mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì chủ sở hữu phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu. Quy định này có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với bất động sản và động sản phải đăng ký quyền sở hữu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chiếm hữu ngay tình (Điều 167). Tuy nhiên, vì tài sản được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự được xác định là đối tượng của quyền sở hữu, nên Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng chỉ quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản. Trong khi đó, đăng ký tài sản có nội hàm rộng hơn đăng ký quyền sở hữu.

Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản tại Điều 167 Bộ luật Dân sự năm 2005 thành một điều luật mới – Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không định nghĩa thế nào là đăng ký tài sản. Theo tôi, đăng ký tài sản là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin cần thiết liên quan đến tài sản để làm cơ sở phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp lý của chủ thể (bao gồm chủ sở hữu và các chủ thể khác) đối với một tài sản nhất định.

Việc đăng ký quyền sở hữu tài sản mà Bộ luật Dân sự điều chỉnh nhằm thực hiện ba mục tiêu cơ bản sau đây: Thứ nhất, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với tài sản nói chung, các tài sản mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu nói riêng. Thứ hai, công nhận quyền và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu, bảo vệ quyền đối với tài sản của các chủ thể khác; Thứ ba, góp phần bảo đảm sự minh bạch của các giao dịch dân sự có liên quan đến tài sản đó. Trên tinh thần đó, Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những điểm mới về đăng ký tài sản như sau:

Một là, việc quy định đăng ký tài sản không chỉ bó hẹp trong phạm vi quyền sở hữu đối với tài sản, mà còn bao gồm các quyền khác đối với tài sản. Quy định này được xây dựng trên cơ sở sự tương thích với quy định tại Phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015 – Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, đặc biệt là quy định xác định khái niệm và phân loại các quyền khác đối với tài sản (Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định về nôi dung của các quyền khác đối với tài sản (Chương XIV – Phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015). Việc đăng ký quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản được thực hiện bắt buộc đối với bất động sản, không bắt buộc đối với động sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1, 2 Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Hai là, để bảo đảm tính minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định “việc đăng ký tài sản phải được công khai” (khoản 3 Điều 106).
Tuy nhiên, quy định về đăng ký tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn chỉ là những quy định mang tính chất nguyên tắc chung. Vì vậy, đòi hỏi Luật Đăng ký tài sản cần được nhanh chóng xây dựng và phải làm rõ hơn về các tài sản phải đăng ký, đặc biệt là loại động sản nào bắt buộc phải đăng ký; trình tự thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin; các thông tin về tài sản đã đăng ký phải được công khai, các thông tin về tài sản đã đăng ký được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu. Các quy định về cung cấp thông tin về tài sản phải phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018).

4. Bộ luật Dân sự năm 2015 làm rõ hơn khái niệm “quyền tài sản”

Một trong những thay đổi quan trọng và được mong đợi nhất của vấn đề tài sản chính là khái niệm về quyền tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã làm rõ hơn nội hàm khái niệm quyền tài sản theo đó “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, điều luật này đã chỉ rõ phạm vi những quyền được coi là quyền tài sản, tránh được sự nhầm lẫn với một số quyền nhân thân. Mặt khác, một điểm nổi bật mà chúng ta có thể thấy rõ đối với khái niệm quyền tài sản mới, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi điều kiện phi lý vốn tồn tại trong Bộ luật Dân sự năm 2005, đó là quy định quyền tài sản phải thỏa mãn điều kiện “có thể chuyển giao được”. Sự thay đổi này là một bước tiến trong việc mở rộng khái niệm tài sản, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cũng như lý luận[5].

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là cần xác định “quyền sử dụng đất” có phải bất động sản hay không? Để xác định vấn đề này thì cần áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 107 hay điểm d khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015? Theo quan điểm của tác giả “quyền sử dụng đất” là quyền tài sản gắn liền với đất cần được xác định là bất động sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ sự phân tích ở trên cho chúng ta thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có một số đổi mới cơ bản khi điều chỉnh các quy định về tài sản. Theo đó, quy định về tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 không chỉ là cơ sở để xác định quyền sở hữu, mà còn là cơ sở để xác lập, thực hiện các quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ sở hữu. Tuy nhiên, các quy định này vẫn là những quy định chung và phải được cần phải được hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.

Nguyễn Xuân Anh

Viện Khoa học pháp lý


[1] Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)”.

[2] Điều 105 – Tài sản; Điều 106 – Đăng ký tài sản; Điều 107 – Bất động sản và động sản; Điều 108 – Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai; Điều 109 – Hoa lợi, lợi tức; Điều 110 – Vật chính và vật phụ; Điều 111 – Vật chia được và vật không chia được; Điều 112 – Vật tiêu hao và vật không tiêu hao; Điều 113 – Vật cùng loại và vật đặc định; Điều 114 – Vật đồng bộ; Điều 115 – Quyền tài sản.

[3] Xem thêm: ThS. Huỳnh Trung Hậu – Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học CSND. “Tìm hiểu một số điểm mới về chế định tài sản trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015” tại http://pup.edu.vn/index.php/news/Nghien-cuu-Trao-doi/Tim-hieu-mot-so-diem-moi-ve-che-dinh-tai-san-trong-Bo-luat-dan-su-Viet-Nam-nam-2015-362.html.

[4] PGS. TS. Hoàng Thế Liên (chủ biên). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật. Hà Nội, 2008, tập I, tr 357.

[5] Xem thêm: ThS. Huỳnh Trung Hậu – Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. “Tìm hiểu một số điểm mới về chế định tài sản trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015”. Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân số 72 tháng 2/2016.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền