Mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ và một số nội dung Việt Nam có thể tiếp thu

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Lý luận nhà nước và pháp luật, Thảo luận pháp luật Luật

Pháp điển hóa có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia. Hoa Kỳ là một quốc gia có lịch sử pháp điển hóa từ lâu đời, đã xây dựng được mô hình pháp điển hóa tương đối hoàn thiện và đạt hiệu quả cao. Chính bởi vậy, việc phân tích một cách sâu sắc về mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ nhằm rút ra một số kinh nghiệm pháp điển hóa mà Việt Nam có thể tiếp thu là thực sự cần thiết.

 

Abstract: Codification is a matter important significance in the process of finalizing the legal system of each country. The experience of many countries codified in the world shows that the United States is a country with a history of long-standing codification. That’s why the work in depth analysis on the model of the American codification, in order to draw some experience codification for Vietnam now is really necessary.

 

1. Quan niệm về pháp điển hóa và mô hình pháp điển hóa

Thuật ngữ pháp điển hoá đã được sử dụng khá phổ biến trong cả lý luận và thực tiễn pháp lý quốc tế. “Pháp điển” là một từ Việt cũ, một danh từ dùng để chỉ một bộ luật[1], tương tự như chữ “Code” trong tiếng Anh. Bộ luật khác với các văn bản pháp luật khác về quy mô, tính toàn diện, tính hệ thống, tính ổn định và giá trị pháp lý cao của nó. Vì vậy, việc có được những bộ pháp điển lớn, hoàn chỉnh để có thể sử dụng lâu dài, ổn định là mong muốn của nhiều người, nhiều quốc gia. Thực tế lịch sử nhà nước và pháp luật đã cho thấy, ngay từ thời cổ đại, một số quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công những bộ luật lớn mà cho đến ngày nay vẫn được coi là di sản của văn hoá pháp lý thế giới. Ví dụ như: Bộ luật Hamurabi được xây dựng cách đây gần 4.000 năm là một minh chứng điển hình[2]. Xu hướng xây dựng các pháp điển tiếp tục phát triển khá mạnh mẽ trong những giai đoạn tiếp theo và cho đến nay nhiều nước vẫn tiếp tục quá trình đó[3]. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Như vậy, “pháp điển” cần được hiểu là bộ luật, hàm chứa trong đó hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ cụ thể. Từ cách hiểu về “pháp điển”, thuật ngữ “pháp điển hoá” trong tiếng Việt[4], “Codification” trong tiếng Anh được dùng để thể hiện một khái niệm về một loại hình hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật có những đặc thù riêng về phương pháp, nguyên tắc, trình tự, thủ tục và kỹ thuật pháp lý.

Khái niệm “mô hình” có nguồn gốc từ tiếng La tinh “modus”, có nghĩa là đại lượng, hình ảnh, phương pháp. Ở nghĩa hẹp, mô hình là mẫu, khuôn, tiêu chuẩn theo đó mà chế tạo ra sản phẩm hàng loạt. Cũng ở nghĩa hẹp này, mô hình còn được hiểu là thiết bị, cơ cấu tái hiện hay bắt chước cấu tạo và hoạt động của cơ cấu khác (của nguyên mẫu hay cái được mô hình hóa) vì mục đích khoa học và sản xuất. Ở nghĩa rộng, mô hình được hiểu là hình ảnh (hình tượng, sơ đồ, sự mô tả…) ước lệ của một khách thể (hay một hệ thống các khách thể, các quá trình hoặc hiện tượng)[5].

Trong nghiên cứu lý luận cũng như trong thực tế, thuật ngữ mô hình được sử dụng rộng rãi không chỉ trong khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên mà cả trong các khoa học xã hội và nhân văn như triết học, kinh tế học, ngôn ngữ học, luật học và các khoa học chính trị.

Mô hình hóa là sự tái hiện những đặc trưng của một khách thể nào đó dựa trên khách thể khác tương tự được xây dựng lên để phục vụ cho việc nghiên cứu nó. Khách thể khác ấy được gọi là mô hình. Mô hình có thể thực hiện được vai trò đó khi nào mức độ tương ứng của nó với khách thể được xác định một cách tương đối chặt chẽ[6].

Như vậy, nhu cầu về mô hình hóa phát sinh khi việc nghiên cứu bản thân khách thể một cách trực tiếp gặp khó khăn, tốn kém, cần nhiều thời gian hoặc không thể tiến hành được vì khách thể quá lớn, quá bé hoặc quá phức tạp. Cơ sở của mô hình hóa là sự tương tự nhất định giữa mô hình và khách thể được nghiên cứu. Đây có thể là sự tương tự về đặc trưng vật lý, về chức năng và sự tương tự này cho phép chuyển từ mô hình sang chính khách thể, cho phép sử dụng các kết quả thu nhận được nhờ mô hình lên khách thể.

Lịch sử thế giới cho thấy, các phương pháp mô hình hóa bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong thế kỷ XX, bắt đầu từ các khoa học tự nhiên như vật lý học, hóa học, sinh vật học,… Bởi vì, các khoa học đó chủ yếu dựa vào các hoạt động thực nghiệm thông qua sử dụng các mô hình. Về sau, khoa học xã hội cũng đã dần dần học tập cách sử dụng mô hình và phương pháp mô hình hóa để nghiên cứu, chẳng hạn như mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mô hình bảo hiến, mô hình văn hóa, mô hình quản lý,… trong đó có thuật ngữ mô hình pháp điển hóa.

Mô hình pháp điển hóa là các cách thức mang tính khuôn mẫu, chuẩn mực pháp điển hóa được đúc kết từ thực tiễn pháp lý của các quốc gia; có sự chi phối lớn đến các hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật; chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố mang tính đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc. Mỗi mô hình pháp điển hóa đều mang những đặc thù chung có tính nguyên tắc mà một hệ thống pháp luật cũng như từng lĩnh vực pháp luật cụ thể đều phải tuân thủ.

2. Mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia được tổ chức dưới hình thức Liên bang. Bên cạnh pháp luật Liên bang, từng bang có hệ thống pháp luật riêng về những vấn đề, lĩnh vực mà mình được phân quyền. Do vậy, hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật ở quốc gia này hết sức phức tạp. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng có nhiều điểm thuận lợi mà nhiều quốc gia khác không có, chẳng hạn đó là sự phân định khá rạch ròi về thẩm quyền giữa chính quyền Liên bang và các chính quyền bang, giữa hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, tư pháp. Chính vì vậy, bên cạnh hệ thống án lệ đã được hình thành và duy trì từ lâu, hệ thống pháp luật thành văn tại đây cũng được tổ chức và quản lý một cách tương đối chặt chẽ.

Có thể thấy, ý tưởng pháp điển hóa đã có từ rất sớm ở Hoa Kỳ. Pháp điển hóa ở Hoa Kỳ có một quá trình lịch sử và hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, ở phạm vi Liên bang đang tồn tại hai bộ pháp điển chính thức, đó là 1) Bộ pháp điển pháp luật Liên bang (United States Codes – USC), tập hợp phần lớn các luật đang có hiệu lực do Nghị viện Liên bang Hoa Kỳ ban hành về từng lĩnh vực; 2) Bộ pháp điển pháp quy Liên bang (Code of Federal Regulations – CFR), tập hợp tất cả những quy định do Chính phủ Liên bang và các cơ quan thuộc bộ máy hành pháp Liên bang ban hành.

Nghiên cứu mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ, có thể thấy một số điểm đặc thù sau:

2.1 Cơ sở pháp lý, chủ thể và phạm vi pháp điển hóa

Cơ sở pháp lý pháp điển hóa

Cơ sở pháp lý pháp điển hóa của Hoa Kỳ được quy định trong Luật sửa đổi Luật Đăng ký liên bang được phê duyệt ngày 19/6/1937. Theo quy định tại Luật này thì “…vào ngày 01/7/1938, và vào cùng ngày này sau mỗi giai đoạn 5 năm, mỗi cơ quan Chính phủ sẽ gửi tới Văn phòng Hành chính một bộ văn bản đã được pháp điển hoàn chỉnh của tất cả các văn bản do cơ quan đó ban hành, có giá trị áp dụng chung, giá trị pháp lý và có hiệu lực vào thời điểm ngày 01/6/1938. Trong vòng 90 ngày, Ủy ban sẽ báo cáo về vấn đề này lên Tổng thống và Tổng thống có thể ủy quyền hoặc chỉ đạo việc xuất bản bộ pháp điển đó trong các số đặc biệt hoặc phụ lục của tờ Công báo”[7]. Cũng theo quy định của Luật này, Ủy ban Pháp điển sẽ được thành lập để giám sát và phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến hình thức, thể loại, cách sắp xếp và việc chú dẫn cho các bản pháp điển hóa của các cơ quan tiến hành pháp điển.

Chủ thể pháp điển hóa

Hoa Kỳ thừa nhận sự tồn tại của hai loại chủ thể, đó là chủ thể tiến hành với tư cách là các cơ quan nhà nước và chủ thể tham gia pháp điển hóa trong một số trường hợp.

Cơ quan thực hiện pháp điển chính là Ủy ban Pháp điển. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ tiến hành pháp điển ở những cấp độ với các sản phẩm khác nhau nên mỗi cấp độ sản phẩm sẽ có những cơ quan phụ trách chính.

Chẳng hạn như đối với Bộ USC (Bộ pháp điển pháp luật liên bang), trách nhiệm chính thực hiện pháp điển thuộc Hội đồng Rà soát luật của Hạ viện; Đối với Bộ CFR (Bộ pháp điển hành pháp liên bang) thì trách nhiệm thực hiện pháp điển thuộc về các bộ, ngành (mỗi bộ, ngành đều có cán bộ đầu mối liên lạc với Cơ quan Đăng ký/Công báo Liên bang, cán bộ này có trách nhiệm thường xuyên liên lạc với Cơ quan Đăng ký/Công báo Liên bang về việc thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật của bộ, ngành mình).

Phạm vi pháp điển hóa

Tại Hoa Kỳ, cho đến thời điểm hiện nay, về cơ bản mới tiến hành pháp điển hóa ở cấp liên bang. Pháp điển hóa đối với các văn bản do Nghị viện liên bang ban hành và pháp điển hóa đối với các văn bản do Chính phủ liên bang ban hành. Ở cấp bang, công tác pháp điển hóa chưa được coi trọng.

2.2 Quy trình, cấu trúc, kết quả và giá trị pháp lý, việc cập nhật và duy trì sản phẩm pháp điển hóa

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù hai bộ pháp điển chính thức cùng bắt đầu hình thành và duy trì, nhưng nguyên tắc cũng như quy trình xây dựng, bổ sung, quản lý và cập nhật của hai bộ pháp điển này có nhiều điểm khác biệt cơ bản. Đây chính là nét rất đặc thù trong mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ so với các quốc gia khác.

Một là: Bộ pháp điển pháp luật liên bang (USC)

Thực hiện chức năng lập pháp, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Từ rất sớm, người dân Hoa Kỳ đã nhận ra rằng nếu không tập hợp các văn bản QPPL lại theo một trật tự nào đó thì việc tìm kiếm các văn bản QPPL sẽ trở nên rất khó khăn. Vì vậy, vào cuối mỗi kỳ họp Quốc hội Hoa Kỳ, tất cả các luật đơn hành (slip law) sẽ được xuất bản, đánh số thứ tự và đưa vào Bộ Tổng tập các đạo luật của Hoa Kỳ. Tất cả các luật được ban hành từ năm 1789 đều nằm trong Bộ Tổng tập này.

Tuy nhiên, do số lượng văn bản được Quốc hội Hoa Kỳ ban hành hàng năm rất lớn, trong khi các đạo luật trong Bộ Tổng tập được sắp xếp theo thứ tự thời gian chứ không phải theo các chủ đề nên việc tìm kiếm văn bản không phải là điều dễ dàng. Theo một số liệu thống kê, riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 104 (từ 1995 – 1997) và 105 (từ 1997 – 1999), số lượng trung bình các đạo luật được Quốc hội Hoa Kỳ ban hành hàng năm là 182 đạo luật[8].

Xuất phát từ thực tế trên, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các quy định của pháp luật, Quốc hội Hoa Kỳ đã tiến hành pháp điển hóa các văn bản của mình. Quy trình này thực chất là việc sắp xếp các quy phạm đang có hiệu lực theo ba tiêu chí: 1) Tập hợp các luật gốc với các quy định sửa đổi, bổ sung được thông qua, trên cơ sở xem xét loại bỏ hoặc thêm vào các từ ngữ được thay đổi từ sự sửa đổi, bổ sung đó; 2) Xếp lại với nhau tất cả các luật về cùng một chủ đề; 3) Loại bỏ các quy định đã hết hiệu lực, bị bãi bỏ, thay thế[9].

Bộ pháp điển đầu tiên chính thức được Quốc hội ban hành là Bộ Pháp điển các đạo luật được sửa đổi của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (Revised Statutes of the United States) thông qua năm 1873. Bộ pháp điển này gồm toàn bộ các QPPL đang có hiệu lực được sắp xếp lại theo chủ đề và được ban hành để thay thế toàn bộ các văn bản đang có hiệu lực lúc đó. Tuy nhiên, sau khi được ban hành, Bộ pháp điển nêu trên bị phát hiện ra có quá nhiều lỗi kỹ thuật. Vì vậy, nó đã không được cập nhật thường xuyên mà tiếp tục được đưa vào Bộ Tổng tập các đạo luật của Hoa Kỳ như các văn bản đơn hành khác. Như vậy, tình trạng khó tìm kiếm văn bản do Quốc hội ban hành lại tiếp diễn.

Năm 1919, việc pháp điển hóa được khởi động lại bằng việc Ủy ban sửa đổi luật của Hạ nghị viện đã chỉ định một số chuyên gia tiến hành tập hợp các quy phạm và tiến hành pháp điển hóa. Năm 1920, Bộ pháp điển này được Hạ nghị viện nhất trí thông qua, nhưng bị Thượng nghị viện bác bỏ. Một năm sau đó, Bộ pháp điển sau khi được chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật một lần nữa được Hạ viện thông qua, nhưng Thượng viện bác bỏ. Năm 1924, sau khi chỉnh lý và bổ sung thêm các QPPL được thông qua từ năm 1921, Bộ pháp điển lại được trình ra Nghị viện. Bộ pháp điển này bao gồm tất cả các QPPL đang có hiệu lực và được phân thành 50 chủ đề, bao gồm các lĩnh vực được các đạo luật điều chỉnh[10]. Tuy nhiên, Ủy ban sửa đổi pháp luật của Thượng viện đã đề nghị không đưa Bộ luật này ra xem xét “mặc dù đã được thực hiện một cách rất cẩn thận và không có sự nghi ngờ nào về năng lực của các nhà pháp điển hóa, nhưng Ủy ban của Thượng viện cũng đã phát hiện ra 600 lỗi kỹ thuật trong Bộ pháp điển”[11]. Giải pháp được Ủy ban sửa đổi pháp luật của hai Viện đưa ra là kiểm soát chặt chẽ nội dung Bộ pháp điển bằng cách mời hai nhà xuất bản tư nhân là “West” và “Edward Thomson”, vốn nổi tiếng với việc phát hành các bộ pháp điển không chính thức, tham gia chỉnh lý bộ pháp điển. Sau khi chỉnh lý xong, nội dung của Bộ pháp điển sẽ được các chuyên gia từ các cơ quan nhà nước và các giáo sư đại học kiểm tra.

Như vậy, mục tiêu ban đầu của các nhà làm luật Hoa Kỳ là rà soát, đơn giản hóa, sắp xếp và hợp nhất tất cả các đạo luật của Hoa Kỳ; hợp nhất theo chủ đề và tiến hành sửa đổi khi cần thiết để loại bỏ các mâu thuẫn và những điểm không hoàn thiện của văn bản ban đầu. Có thể thấy, trải qua ba lần tập hợp, rà soát và hệ thống hóa pháp luật từ năm 1866 đến năm 1924, các nhà làm luật của Hoa Kỳ nhận thấy sự hỗn độn của hệ thống pháp luật không thể khắc phục được, vì khoảng cách giữa các lần tổng rà soát này là quá xa. Do vậy, một nỗ lực nhằm xây dựng các Bộ pháp điển và duy trì kết quả này một cách thường xuyên được tiến hành và kết quả là, đến năm 1926, Bộ pháp điển pháp luật bản đầu tiên của Hoa Kỳ (USC) đã được công bố. Đây là tập hợp chính thức các luật do Quốc hội Liên bang ban hành và đang có hiệu lực, được sắp xếp theo chủ đề.

Bộ pháp điển USC được ban hành năm 1926 và tiếp tục được duy trì cập nhật cho đến ngày nay được chia thành 50 “title” (tạm gọi là quyển) gồm 50 chủ đề khác nhau, được xác định một cách logic theo lĩnh vực lập pháp như: Nghị viện, Tổng thống, nông nghiệp, thuế quan, hải quan, giao thông,… Mỗi “title” thường được xuất bản thành một cuốn hay tập (phụ thuộc vào độ dày của mỗi quyển). Tương tự, không có cỡ riêng hoặc độ dài cho các phần phân chia; có mục có thể in vài trang giấy, có mục chỉ có một hoặc hai câu. Khi các mục bị bãi bỏ, phần nội dung văn bản của nó bị xóa hoặc thay thế bằng phần ghi tóm tắt những gì đã từng có ở phần đó.

Trong quá trình chuẩn hóa và cập nhật Bộ pháp điển USC, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dần các đề mục tương đối ổn định của Bộ pháp điển. Lần đầu tiên là vào năm 1947 với các đề mục: 1) Các quy định chung; 4) Quốc kỳ và Quốc huy; 9) Trọng tài và 17) Bản quyền. Cho đến thời điểm năm 2006, đã có 24 đề mục của Bộ pháp điển USC được thông qua một cách chính thức và trở thành các đạo luật của Hoa Kỳ, còn lại 31 đề mục khác đang tiếp tục được xây dựng[12]. Có thể thấy, những đề mục được Nghị viện thông qua có giá trị áp dụng trên thực tế, được xem như một luật và chỉ có thể bị thay đổi bằng một đạo luật khác do chính Nghị viện ban hành. Trong khi những đề mục chưa được thông qua chỉ có giá trị chứng cứ ban đầu của luật, nghĩa là nếu có sự mâu thuẫn giữa quy định của Bộ pháp điển USC với các quy định của đạo luật gốc trong Bộ Tổng tập luật Hoa Kỳ thì các quy định trong Bộ Tổng tập luật được áp dụng.

Công việc biên soạn và duy trì Bộ pháp điển USC được giao cho một cơ quan thuộc bộ máy của Hạ viện Hoa Kỳ là Văn phòng Cố vấn sửa đổi pháp luật thực hiện. Văn phòng này được thành lập năm 1975, hiện tại có gần 20 luật sư và nhân viên được Nhà nước trả lương[13], thực hiện hai nhiệm vụ chính là chuẩn bị, công bố Bộ pháp điển USC và soạn thảo các văn bản pháp luật, trình Nghị viện thông qua các đề mục của Bộ pháp điển USC thành luật thực định. Đây là cơ quan duy nhất chính thức thực hiện rà soát, sửa đổi và hệ thống hóa pháp luật thông qua hoạt động pháp điển hóa.

Thực tế do tồn tại song song các đề mục đã được thông qua và chưa được thông qua nên việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy phạm pháp luật của Nghị viện Hoa Kỳ cũng có những thay đổi tương ứng. Theo đó, khi Nghị viện Hoa Kỳ tiến hành sửa đổi một QPPL nào đó không thuộc đề mục được thông qua thành luật thực định thì quy định sửa đổi đó phải được viện dẫn đến đạo luật gốc. Ngược lại, nếu quy định đó thuộc đề mục đã được thông qua thì việc sửa đổi phải được viện dẫn đến Bộ pháp điển USC. Trường hợp, Nghị viện ban hành một quy định mới thì cơ quan chịu trách nhiệm pháp điển xem xét, đưa quy định đó vào một đề mục phù hợp. Tuy nhiên, chỉ có các luật có giá trị lâu dài, có tính áp dụng chung thì mới được đưa vào Bộ pháp điển USC; các quy định tạm thời hoặc những văn bản cá biệt thì không được pháp điển.

Từ năm 1934, sáu năm một lần có một bản in chính thức Bộ pháp điển USC được xuất bản và trong thời gian đó cứ mỗi năm, lại có một bản tổng hợp các nội dung để cập nhật vào Bộ pháp điển USC. Bộ pháp điển cũng được duy trì dưới dạng dữ liệu điện tử được xây dựng từ năm 1976, được đăng tải trên trang web của Văn phòng Cố vấn sửa đổi pháp luật, được sử dụng phục vụ nhu cầu của người dân.

Hai là: Bộ pháp điển pháp quy Liên bang (CFR)

Vào cuối thập niên 30 của thế kỷ XX, để giải quyết tình trạng ban hành văn bản QPPL quá nhiều và không xác định được hiệu lực của các văn bản đó, Bộ pháp điển pháp quy Liên bang – CFR đã được xây dựng.

Cụ thể, vào năm 1935, Nghị viện Hoa Kỳ ban hành Luật Công báo Liên bang, theo đó các cơ quan chính quyền Liên bang phải công bố các văn bản pháp luật trên “Công báo Liên bang” trước khi các văn bản đó có hiệu lực và được đưa vào thi hành; trình lên Công báo Liên bang một “tập hợp” các văn bản pháp luật đang có giá trị áp dụng. Tuy nhiên, do khối lượng văn bản quá lớn nên việc tập hợp này bị thất bại. Khắc phục tình trạng này, tháng 6/1937, Nghị viện Hoa Kỳ đã sửa đổi Luật Công báo Liên bang, chấm dứt việc tập hợp đơn thuần theo cách thức trên và chuyển sang hình thức pháp điển hóa theo đề mục. Đến năm 1939, Bộ pháp điển CFR được hoàn thành và công bố gồm 15 tập, bố cục theo 50 đề mục chính[14].

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng hơn một năm), hoạt động pháp điển hóa các quy phạm do các cơ quan hành pháp Liên bang đã hoàn thành, Bộ pháp điển CFR đầu tiên được ban hành và bao gồm toàn bộ các quy định do các cơ quan hành chính Liên bang ban hành đang có hiệu lực.

Thành công lớn nhất mà Bộ pháp điển CFR mang lại là việc người dân không còn phải tìm kiếm văn bản khắp mọi nơi mà chỉ cần đọc Bộ pháp điển CFR để tìm mọi quy định pháp luật Liên bang hiện hành. Sau ngày Bộ pháp điển CFR có hiệu lực, mọi quy định mới do một cơ quan Chính phủ ban hành đều phải được thực hiện dưới hình thức sửa đổi Bộ pháp điển pháp quy liên bang CFR bằng cách chỉ rõ các điểm sửa đổi, bãi bỏ hoặc bổ sung các quy định của Bộ pháp điển CFR. Chính việc này bảo đảm cho Bộ pháp điển CFR luôn luôn chỉ chứa đựng các quy định hiện hành có giá trị áp dụng của các cơ quan chính phủ.

Bộ pháp điển CFR đầu tiên được công bố năm 1939 gồm 15 tập, chia thành 50 đề mục chính. Tên các đề mục của Bộ pháp điển CFR hoàn toàn không phụ thuộc vào tên các đề mục trong Bộ pháp điển USC. Ngày nay, Bộ pháp điển CFR vẫn duy trì số lượng 50 đề mục như ban đầu, mặc dù một số đề mục đã được sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới và số lượng tập đã tăng từ 15 tập lên trên 200 tập[15]. Mỗi đề mục của Bộ pháp điển CFR lại được chia thành các chương, mục, điều, khoản… cụ thể. Việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các QPPL trong từng cấu trúc nhỏ hơn của Bộ pháp điển CFR thuộc thẩm quyền của từng cơ quan tương ứng thuộc bộ máy của Chính phủ Liên bang. Cơ quan Công báo Liên bang là đầu mối quản lý, cập nhật, bảo đảm tính chính xác, thống nhất của các quy định được thể hiện trong Bộ pháp điển CFR.

Công việc duy trì Bộ pháp điển CFR được giao cho Cơ quan Công báo Liên bang trực thuộc Cục Lưu trữ Liên bang thực hiện. Quy trình cập nhật, duy trì Bộ pháp điển CFR được thực hiện như sau: 1) Sau khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, văn bản đó được chuyển đến Cơ quan Công báo Liên bang để đăng tải trên bản in của Công báo hàng ngày; thông thường, ba mươi ngày sau khi được đăng tải trên Công báo, văn bản sẽ có hiệu lực thi hành; 2) Hai ngày sau khi có hiệu lực, nội dung của văn bản sẽ được đưa vào Bộ pháp điển CFR điện tử theo đúng vị trí đã được xác định[16].

Bản điện tử của Bộ pháp điển CFR được đăng tải tại trang web http://www.gpoaccess.gov/cfr/ với chức năng tìm kiếm nhanh, giúp người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu. Trong trường hợp cần viện dẫn một cách chính thức, bản in của Bộ pháp điển CFR và bản Công báo hàng ngày sẽ được sử dụng. Bản in của Bộ pháp điển CFR được cập nhật và in lại mỗi năm một lần theo cách cuốn chiếu, cụ thể là từ đề mục 17 đến 27 được in lại vào ngày 01/4, từ đề mục 28 đến 41 được in lại vào ngày 01/7 và từ đề mục 28 đến 41 được in lại vào ngày 01/10 hàng năm. Nếu trong một năm mà một đề mục nào đó không có quy định mới thì Cơ quan đăng ký Liên bang chỉ in lại bìa để người dân có thể biết về việc không có sự thay đổi về nội dung[17].

Ba là: Một số sản phẩm mang tính pháp điển khác

Ngoài hai Bộ pháp điển nổi tiếng nêu trên, khi nói đến pháp luật của Hoa Kỳ, nhiều người còn nhắc đến Bộ luật Thương mại mẫu (Uniform Commerical Code – UCC). Trên thực tế, UCC không phải là một văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành và do đó không có hiệu lực cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ là một Nhà nước Liên bang, mỗi bang đều có quyền ban hành pháp luật. Hơn nữa, căn cứ tại mục (3) khoản 8 Điều 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ thì cơ quan lập pháp Liên bang chỉ ban hành các văn bản điều chỉnh quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với nước ngoài, quan hệ thương mại giữa các bang và với các bộ tộc người da đỏ; các văn bản điều chỉnh mọi lĩnh vực còn lại thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan lập pháp bang. Trong rất nhiều trường hợp, pháp luật của các bang quy định về từng lĩnh vực cụ thể lại không giống nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất. Do vậy, kể từ những năm đầu của thế kỷ XX, ở Hoa Kỳ xuất hiện trào lưu ban hành các văn bản mẫu để các bang dựa vào đó mà ban hành các đạo luật tương ứng. Mục đích là nhằm tạo ra pháp luật thống nhất trên toàn Liên bang. Hầu như tất cả các đạo luật mẫu của Liên bang đều là các văn bản trong lĩnh vực thương mại. Trong xu thế đó, năm 1942, Viện Luật Hoa Kỳ (the American Law Institute) và Hội đồng Quốc gia các ủy viên vì pháp luật bang thống nhất (National Conference of Commissioners on Uniform State Laws) đã cùng khởi thảo Bộ luật Thương mại mẫu – UCC. Phiên bản đầu tiên được giới thiệu vào năm 1952 và sau đó liên tục được cập nhật, bổ sung và duy trì đến ngày nay.

Ngoài ra, tại Hoa Kỳ còn tồn tại những bộ tổng tập pháp luật khác do các Nhà xuất bản tư nhân ấn hành như “LexisNexis”, “WestLaw”, Bộ Tổng tập luật Hoa Kỳ có chủ giải (US Code Annotated) do Trung ương Hội Luật gia Hoa Kỳ ban hành. Hiện nay, cơ sở dữ liệu điện tử các văn bản pháp luật của Hoa Kỳ (bao gồm cả pháp luật của Liên bang và pháp luật của bang) đã được đưa lên mạng Internet để truy cập tự do.

3. Những kinh nghiệm Việt Nam có thể tiếp thu

Thứ nhất, nghiên cứu mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ cho thấy, mục tiêu cuối cùng của pháp điển hóa là tạo thuận tiện, dễ dàng cho việc tìm kiếm, tra cứu pháp luật của người dân. Việc loại bỏ các quy định mâu thuẫn, trái ngược cũng là một mục tiêu của công tác pháp điển hóa nhưng không phải là mục tiêu quan trọng nhất.

Thứ hai, kinh nghiệm của mô hình pháp điển hóa của Hoa Kỳ cho thấy, để pháp điển hóa tiến hành thành công cần thiết phải có một thiết chế riêng chịu trách nhiệm về công tác này. Trên thực tế, việc pháp điển hóa trong lĩnh vực nào, phạm vi ngành gì thì có thể giao cho ngành đó tiến hành vì không ai hiểu thực trạng pháp luật của một ngành bằng chính các chuyên gia pháp luật của ngành đó. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất và khoa học trong công tác pháp điển hóa, Việt Nam cần phải nghiên cứu để giao cho một cơ quan có vai trò là đầu mối nghiên cứu xây dựng các quy định và hướng dẫn kỹ thuật pháp điển hóa cho các bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ về pháp điển hóa để hiểu được và hiểu đúng các vấn đề về nội dung, hình thức, phương pháp cũng như vị trí, vai trò của pháp điển hóa trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Việc hiểu đúng, hiểu đủ sẽ tránh được sự đơn giản, hời hợt thậm chí thương mại hóa trong công tác pháp điển hóa. Thực tế, nhiều cơ quan nhà nước dưới hình thức hệ thống hóa nhưng chỉ dừng ở việc sưu tập văn bản, sắp xếp qua loa rồi đem xuất bản và bán ra thị trường mà không chú ý đến tính khoa học và giá trị thực tế của chúng[18].

Do vậy, việc pháp điển hóa cần phải được thực hiện theo từng cấp độ với đúng nghĩa của nó. Theo đó, đối với hình thức pháp điển hóa ở cấp độ thấp, nên nhấn mạnh phương pháp hệ thống hóa theo từng vấn đề, từng chế định pháp luật, vì chỉ có như vậy mới có tác dụng thiết thực nhất đối với người sử dụng.

Cuối cùng, việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin là hoạt động mang lại hiệu quả cao trong công tác pháp điển hóa. Bên cạnh đó, có thể đa dạng hóa các chủ thể tham gia vào quá trình pháp điển. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, việc các nhà xuất bản tư nhân tham gia vào quá trình pháp điển hóa cũng mang lại hiệu quả cao (mặc dù pháp điển hóa do các nhà xuất bản tư nhân tiến hành chỉ đơn giản là hệ thống hóa); hoặc sự tham gia của các giáo sư, luật sư, nhà nghiên cứu vào quá trình hình thành Bộ pháp điển USC tại Hoa Kỳ cũng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác pháp điển hóa. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình pháp điển hóa là rất tốt, đặc biệt trong việc cập nhật và duy trì Bộ pháp điển trong một thời gian dài như tại Hoa Kỳ hiện nay./.

 

Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13/2018.

[1] Xem Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng, 1996, tr. 741.

[2] Xem: Lê Minh Tâm (2006), Mấy vấn đề lý luận về pháp điển hóa, Tạp chí Luật học số 7/2006, tr.49

[3] Xem: Lê Minh Tâm (2006), tlđd, tr.49

[4] Trong tiếng Việt, chữ “hoá” có nhiều nghĩa và được sử dụng tuỳ hoàn cảnh, trong đó đáng lưu ý: 1) Hoá là thay đổi thành cái khác do kết quả của một quá trình phát triển; 2) Hoá là yếu tố ghép sau để cấu tạo động từ, có nghĩa là “trở thành hoặc làm cho trở thành, trở nên hoặc làm cho trở nên có một tính chất nào đó” (Xem Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng 1996, tr. 431).

[5] Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, Tập 2, Hà Nội, 2002, tr. 932.[6] Xem: Đào Trí Úc (chủ biên), Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr. 16.

[7] Xem Trần Văn Lợi, Một số kinh nghiệm pháp điển của Hoa Kỳ, trên http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1476.

[8] Xem Roger H. Davison và Walter J. Oleszek, Quốc hội và các thành viên (bản dịch của Trần Xuân Danh, Trần Hương Giang, Minh Long), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 367

[9] Xem Đặng Văn Chiến (chủ biên), Pháp điển hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 242

[10] Xem Đặng Văn Chiến, tlđd, tr. 243

[11] Xem Mary Whisner, The United States Code, Prima Facie Evidence, and Positive Law, Law Library Journal, Vol.1014, 2009.

[12] Xem Đặng Văn Chiến Tlđd, tr. 251

[13] Xem: Đặng Văn Chiến, Tlđd, tr. 253.

[14] Xem: Đặng Văn Chiến, Tlđd, tr. 257.

[15] Xem: Đặng Văn Chiến , Tlđd,  , tr. 257.

[16] Xem. Nguyễn Thị Hạnh, Lịch sử và quy trình pháp điển hóa ở Hoa Kỳ, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 91 năm 2007.

[17] Xem Đặng Văn Chiến, Tlđd, tr. 261.

[18] Xem Lê Hồng Sơn và Hoàng Văn Ánh, Pháp điển hóa – một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, bài viết Hội thảo Kinh nghiệm pháp điển hóa, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp, Hà Nội, 2011, tr. 10.

 

TS. Phí Thị Thanh Tuyền – Trường Đại học Luật Hà Nội.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền