Luật “xung đột”, buôn lậu thuốc lá có nguy cơ bùng phát

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật Buôn lậu thuốc lá

Hiện nay, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng lại đang hết sức lúng túng trong việc xử lý đối với các hành vi này bởi những quy định khác nhau trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Là tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia dài 136 km, lại là địa bàn giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh, nên từ nhiều năm nay Long An luôn là điểm nóng của nạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Trung bình mỗi năm các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ mua bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua biên giới và trong nội địa. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay việc xử lý đối với các hành vi này gần như bị đình trệ do vướng những quy định của pháp luật. Cũng vì lý do này, mà ngày 26/1/2016 Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn tạm dừng xét xử đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa để chờ hướng dẫn. Theo thống kê của VKSND tỉnh Long An, tính đến cuối tháng 10/2016 trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng 21 vụ án vận chuyển,  buôn bán thuốc lá nhập lậu, trong đó có 14 vụ/33 bị can đang tạm đình chỉ để chờ hướng dẫn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do những “xung đột”  trong các văn bản pháp luật hiện hành. Theo Luật thương mại 2005, thì pháo và thuốc lá điếu nhập lậu là những mặt hàng cấm  kinh doanh (được quy định cụ thể tại Nghị định 59/2006 và nghị định 43/2009 của Chính  phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh của nghị định 59). Tuy nhiên, Điều 6 Luật đầu tư 2014 quy định những ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh thì pháo và thuốc lá lại không có tên trong danh mục này.

Vậy pháo và  thuốc lá có phải là hàng cấm hay không đang là một câu hỏi khó đối với tất cả các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn cả nước.

Mặt khác, quá trình giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể cũng gặp không ít khó khăn do có những  quy định chồng chéo trong các văn bản pháp luật.

Thông tư liên tịch số 36 ngày 7/12/2012 của liên bộ: Bộ công thương, Bộ Công an, Bộ tư pháp, Bộ Y tế, VKSNDTC, Tòa án NDTC hướng dẫn  thi hành Bộ luật hình sự 2015 quy định: đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu từ 1500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng tại Nghị định 24, ngày 19/11/2015 của Chính phủ mức khởi điểm để xử lý hình sự lại được quy định là từ 500 bao trở lên.

Trong khi đó, Bộ luật hình sự 2015 lại không quy định về số lượng mà quy ra giá trị bằng tiền. Cụ thể theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 thì nếu buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa thì hàng phạm pháp phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; còn nếu buôn bán, vận chuyển qua biên giới thì phải có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Với quy định này, diện xử lý hình sự đối với các hành vi buôn bán vận chuyển, tàng trữ  thuốc là điếu nhập lậu sẽ thu hẹp hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là đối với các mặt hàng buôn lậu không được phép lưu hành trên thị trường thì Bộ Tài chính không có căn cứ để định giá. Mà như vậy thì các cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào cơ sở pháp lý nào để xác định giá trị hàng hóa trước khi đi đến quyết định xử lý hành chính hay khởi tố hình sự?

Lo lắng vì tình trạng án liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ  thuốc lá điếu nhập lậu tồn đọng quá lớn và e ngại  tình trạng này sẽ  khiến cho vấn nạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu bùng phát, VKSND tỉnh Long An đã có văn bản thỉnh thị gửi VKSNDTC để xin phương án giải quyết.

Theo ý kiến của Vụ Thực hành quyền công tố Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án kinh tế, chức vụ (vụ 3) thì những vướng mắc trong việc xử lý các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An mà là tình trạng chung diễn ra phổ biến ở các địa phương trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, liên quan đến các quy định của pháp luật nên vượt quá thẩm quyền giải quyết của ngành. Vì vậy Vụ 3 đã tham mưu cho lãnh đạo VKSNDTC xây dựng văn bản trình Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị tổ chức cuộc họp với các bộ ban ngành liên quan để  tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại, Nghị định 124 của Chính phủ để phù hợp với quy định tại điều 190, 191 của Bộ luật Hình sự 2015.

Yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan cần sớm có phương án giải quyết, sửa đổi kịp thời các bộ luật và văn bản hướng dẫn thi hành để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi nếu kéo dài tình trạng này thì các đối  tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu và pháo nhập lậu sẽ thừa cơ trỗi dậy, khiến cho vấn nạn buôn lậu ngày một thêm trầm  trọng và khó kiểm soát. Hệ lụy là không chỉ Nhà nước thất thu ngân sách 4.300 tỉ đồng mỗi năm, mà còn gây bất ổn tình hình kinh tế xã hội khi một bộ phận nhân dân bỏ sản xuất, kinh doanh đổ xô đi buôn lậu và hơn thế nữa sẽ còn dẫn đến tình trạng nhờn luật khi các hành vi buôn lậu không được xử lý nghiêm minh.

 

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền