Thời gian gần đây khi chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh. “Lò đấu tranh chống tham nhũng” đang nóng rực, củi tươi (những người đương nhiệm) củi khô (những người đã về hưu) đều bị bốc cháy, khái niệm “hạ cánh an toàn” cũng đã không còn. Nhiều cựu quan chức cấp cao đã về hưu vẫn bị đưa ra điều tra, truy tố và xét xử về những hành vi phạm pháp từ khi còn đương nhiệm.
Nổi bật lên trong đó là những đại án về kinh tế gây thất thoát, thiệt hại hàng chục đến hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Đa số những bị cáo trong những vụ án này đều bị truy tố Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001).
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
I. Các yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Mặt chủ thể: Chủ thể của tội này là một chủ thể đặc biệt – không phải là bất kỳ người nào mà phải là người có chức vụ, quyền hạn. Yếu tố này rất dễ để nhận diện khi những bị cáo trong các vụ đại án đều là những người thuộc thành phần ban lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước và là những người đứng đầu ban ngành, có chức vụ có quyền hạn hẳn hoi. Do đó, mặt chủ thể không phải là vấn đề gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử.
Mặt chủ quan: Xét về yếu tố lỗi trong cấu thành của tội này phải là lỗi cố ý. Tức là người phạm tội biết được hành vi của mình là sai trái nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó hoặc để mặc hậu quả xảy ra. Nếu không có lỗi hoặc có lỗi nhưng là lỗi vô ý thì không thể buộc bị cáo vào tội này. Đây chính là một điểm hạn chế rất lớn, dễ dẫn đến việc quanh co chối tội. Đã từng có vụ án xét xử trong đó bị cáo tự bào chữa rằng: bị cáo làm sai là do tính cách nóng vội, quyết liệt, muốn làm ngay làm nhanh và vô ý gây thiệt hại chứ không hề cố ý làm sai quy định. Rõ ràng cách lập luận như vậy của bị cáo hoàn toàn có lý, vấn đề của Viện Kiểm Sát là phải chứng minh điều ngược lại, tức bị cáo đã biết trước hậu quả nhưng vẫn mong muốn (cố ý trực tiếp) hoặc không mong muốn nhưng vẫn để mặc nó xảy ra (cố ý gián tiếp) và việc chứng minh này không hề đơn giản.
Trong cấu thành tội phạm của Điều luật này, yếu tố vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác chỉ là tình tiết định khung (Khoản 2) chứ không phải là một tình tiết định tội. Như vậy đối với tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng thì yếu tố vụ lợi là điều không cần phải chứng minh trong việc kết luận bị cáo có phạm tội hay không phạm tội mà chỉ nhằm mục đích xác định khung hình phạt áp dụng cho bị cáo.
Mặt khách quan: Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và hậu quả là gây thiệt hại. Đây là 2 yếu tố bắt buộc phải có trong cấu thành tội phạm quy định tại Điều 165. Về vấn đề hậu quả phần nào khá dễ để xác định, tuy nhiên về hành vi như thế nào là trái quy định bắt buộc phải căn cứ vào luật chuyên ngành có liên quan. Bản thân nội tại quy định tại Điều luật này không mô tả đủ hành vi mà dẫn chiếu đến các quy định khác của pháp luật. Sự dẫn chiếu như vậy trong nhiều trường hợp sẽ gây ra những khó khăn nhất định (người viết sẽ làm rõ hơn ở phần II).
Mặt khách thể: Trật tự quản lý kinh tế bị xâm hại (phần này dễ nhận dạng thông qua những thiệt hại nhà làm luật đã định lượng trong từng điều khoản cụ thể nên người viết sẽ không phân tích sâu hơn).
Như vậy, nhìn thoáng qua có thể thấy điều luật này cực kỳ dễ để áp dụng đối với người vi phạm khi chỉ cần thỏa mãn điều kiện về chủ thể (có chức vụ, quyền hạn) và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó cố ý làm trái quy định gây thiệt hại ở một định lượng cụ thể thì có thể truy tố nhưng trên thực tiễn áp dụng lại không hề đơn giản như vậy.
II. Sự thay đổi của pháp luật và thực tiễn áp dụng
Đến Bộ Luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung 2017) Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã không còn, thay vào đó nhà làm luật theo hướng liệt kê cụ thể hơn những tội cũng có liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái nhưng trong từng lĩnh vực cụ thể như: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 229)…
Tuy được quy định tách ra thành nhiều điều khác nhau nhưng giữa những tội này vẫn có một điểm chung giống với quy định tại BLHS 1999 đó là yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cũng chỉ là tiết tiết định khung mà không phải là tình tiết định tội. Việc có hay không có yếu tố vì vụ lợi chỉ ảnh hưởng đến mức hình phạt mà bị cáo nhận được chứ không hề có ý nghĩa quyết định việc bị cáo đó có tội hay vô tội.
Một đặc điểm rất tiến bộ nữa theo quan điểm của người viết mà các nhà làm luật đã làm được trong BLHS 2015 này là trong yếu tố cấu thành tội phạm đã không còn yêu cầu yếu tố lỗi cố ý mà chỉ cần thực hiện hành vi vi phạm và gây hậu quả thiệt hại là đủ. Ví dụ:
Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…
Như người viết đã phân tích ở phần I, yếu tố lỗi cố ý rất dễ bị lợi dụng để bị cáo quanh co chối tội không thừa nhận, do đó khi BLHS 2015 đã bỏ yếu tố này thực sự đã tạo ra một sự thuận lợi nhất định cho phía cơ quan công tố trong việc luận tội.
Tuy vậy, ngoài việc bỏ yếu tố lỗi trong cấu thành tội phạm và định lượng cụ thể về hậu quả thiệt hại đã gây ra khá rõ ràng và dễ chứng minh thì hành vi “trái quy định của pháp luật” lại là một yếu tố khá mông lung. Việc tham chiếu đến nội dung luật chuyên ngành mà trong đa số trường hợp những quy định này khá rắc rối và chồng chéo dẫn đến khó chứng minh vi phạm. Đơn cử như Điều 229 BLHS 2015
Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
Vậy như thế nào là trái quy định của pháp luật? Dạo gần đây nổi lên việc hàng loạt các khu đất vàng, khu đất có vị trí địa lý thuận lợi thuộc quản lý của Nhà nước (các đơn vị hành chính hoặc của các doanh nghiệp nhà nước) được bán hoặc cho thuê với giá rẻ bèo so với giá trị thực tế trên thị trường. Một câu hỏi lớn được đặt ra là việc làm đó liệu có vi phạm pháp luật (trái quy định pháp luật) và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người đã thực hiện hành vi sai trái đó hay không? Để biết được điều này bắt buộc chúng ta phải tham chiếu đến các quy định liên qua đến Luật đất đai, quy trình định giá đất v.v…
Về vấn đề này hiện nay thực sự rất chồng chéo và khó xác định được việc định giá bán là có vi phạm hay không. Điều này một phần xuất phát từ khi có Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu của Nhà nước. Theo đó, ngoài hình thức bán phổ biến và khá công khai minh bạch là bán đấu giá nhà đất còn có cả việc cho phép bán bằng hình thức chỉ định.
Khoản 2 Điều 7 Quyết định 092007/QĐ-TTg cho phép bán bằng hình thức chỉ định trong trường hợp:
– Chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
– Tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hoá thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao.
Đây chính là lỗ hổng pháp lý khá lớn dẫn đến việc áp dụng khác nhau ở mỗi đơn vị và xuất hiện việc giá “rẻ bèo” do không thông qua đấu giá.
Thực tế lỗ hổng này đã được chứng minh thông qua việc ra đời của Công văn 342/TTg-V.I tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg vào năm 2017 (Khoảng 10 năm thi hành quyết định 09). Trong đó công văn thừa nhận thực trạng: Trong thời gian qua, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản liên quan có một số điểm chưa thống nhất, chưa chặc chẽ, dễ gây thất thoát tài sản nước nên Bộ Tài chính đã dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định số 09/2007/QĐ-TTg …
Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại một lần nữa tái khẳng định: “Nhất định phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất, cho thuê đất nộp tiền một lần cho mục đích kinh doanh, thương mại. Tôi cho là nhà nước thất thoát nhiều lắm trong quản lý đất đai. Giờ người ta làm giàu, các đại gia bất động sản phất lên đều từ chỗ này”. (nguồn: https://dantri.com.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-nguoi-ta-giau-len-tu-viec-nha-nuoc-that-thoat-trong-quan-ly-dat-20181016134748511.htm)
Chỉ đơn cử một trường hợp như trên cũng đã thấy không cần chứng minh lỗi cố ý, không cần chứng minh yếu tố vụ lợi mà chỉ cần chứng minh có việc “làm trái quy định của pháp luật” cũng đã là một vấn đề rất khó khăn đối với cơ quan điều tra, truy tố và xét xử trong những vụ án có liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn.
Để lại một phản hồi Hủy