Trong những năm qua, ngành Kiểm sát xác định nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, do đó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.
Đặc điểm những vụ án có kháng cáo kêu oan thường rất đa dạng: Có trường hợp kháng cáo kêu oan toàn bộ vì bị cáo cho rằng Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm cáo buộc bị cáo phạm tội là không có căn cứ; có trường hợp kháng cáo kêu oan về tội danh vì bị cáo cho rằng mình không phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên mà phạm vào tội danh khác nhẹ hơn; có trường hợp bị cáo kháng cáo kêu oan về mức án vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá vai trò của bị cáo là chủ mưu, cầm đầu là không đúng, đã tuyên bị cáo mức hình phạt nặng hơn các bị cáo khác là oan cho bị cáo,…
Những vụ án này thường rất phức tạp, nguyên nhân là do những tài liệu, chứng cứ thu thập ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ; dấu vết vật chứng thu giữ tại hiện trường không đảm bảo về mặt tố tụng hoặc có sự thay đổi lời khai của bị can, nhân chứng, bị hại, hoặc do có thay đổi về quy định pháp luật hình sự (BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015) dẫn đến thay đổi cấu thành cơ bản ở nhiều tội, những vụ án ma túy, đánh bạc và một số loại tội mới,…
Do tính chất đa dạng và phức tạp của những vụ án có kháng cáo kêu oan nên đòi hỏi Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn diện cả nội dung và tố tụng, nghiên cứu không chỉ chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tội danh, khung, khoản của điều luật mà còn phải nghiên cứu BLHS, BLTTHS cũ, mới và Nghị quyết Quốc hội, Thông tư, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,…nhất là ở thời điểm giao thời giữa luật cũ với luật mới.
Phương pháp, kỹ năng xét hỏi những vụ án loại này, Kiểm sát viên phải là người chủ động trong việc xét hỏi và cân nhắc xem xét hỏi ai trước ai sau. Nếu chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa vào người bị hại hay người làm chứng, người giám định thì việc xét hỏi cần bắt đầu từ những người này, sau đó mới đến người tham gia tố tụng khác và bị cáo. Nếu cần thiết thì Kiểm sát viên đề nghị chủ tọa phiên tòa cách ly những người làm chứng và xét hỏi từng người một cho khách quan, đảm bảo người được hỏi không bị tác động về tâm lý khi trả lời câu hỏi.
Nôi dung xét hỏi của Kiểm sát viên cần tập trung hỏi làm rõ những chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm không? Nếu cấu thành tội phạm thì hành vi mà bị cáo đã thực hiện trong thực tế phù hợp với dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội nào quy định trong BLHS? Xét hỏi để làm rõ những tình tiết, chứng cứ còn mâu thuẫn, làm rõ tính hợp pháp của các chứng cứ, nguồn chứng cứ, giá trị pháp lý của các chứng cứ; kiểm tra và xét hỏi kỹ để làm rõ các chúng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, các tình tiết, các chứng cứ đã được chứng minh tại CQĐT, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm; xét hỏi làm rõ các tình tiết mà bị cáo, người bào chữa đưa ra để chứng minh sự ngoại phạm của bị cáo.
Kỹ năng và kinh nghiệm xét hỏi những vụ án loại này được thể hiện qua vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng bọn phạm tội “Giết người; cướp tài sản” xảy ra tại tỉnh Bình Phước. Đây là vụ án phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều bị cáo, trong đó có bị cáo trực tiếp thực hiện tội phạm và có bị cáo chỉ giúp sức không trực tiếp thực hiện tội phạm.
Trong vụ án, bị cáo Trần Đình Thoại là người đã cung cấp hung khí cho bị cáo đầu vụ, không trực tiếp tham gia gây án và sau khi vụ án xảy ra bị cáo không trình báo. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội “Giết người; cướp tài sản” như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Để bảo đảm việc xét hỏi có kết quả, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ nội dung kháng cáo của các bị cáo, quan điểm của người bào chữa, những quy định của pháp luật hình sự về các giai đoạn phạm tội, về đồng phạm, về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội từ đó xác định các nội dung trọng tâm phải xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.
Khi xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên đặt ra nhiều câu hỏi với bị cáo Thoại về hành vi của bị cáo, đối chất trực tiếp với đối tượng khác, tập trung làm rõ hành vi phạm tội Thoại đã thực hiện như: cung cấp hung khí, bàn bạc việc thực hiện tội phạm với Nguyễn Hải Dương, sau đó tuy không trực tiếp thực hiện tội phạm nhưng lại không có hành vi ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa hành vi của đồng bọn, dẫn đến hậu quả đồng bọn vẫn thực hiện tội phạm và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Thông qua hoạt động xét hỏi, có cơ sở xác định hành vi của bị cáo thực hiện không thuộc trường hợp về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội mà đã thỏa mãn cả về lý luận lẫn thực tiễn về các giai đoạn phạm tội, về đồng phạm, do đó, Kiểm sát viên kết luận Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo Trần Đình Thoại phạm tội là có căn cứ, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo. Quan điểm của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát
Để lại một phản hồi Hủy