Hình thức và điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam

Chuyên mụcBạn có biết?, Cafe Dân Luật Hành nghề luật

Tổ chức hành nghề luật sư là một chủ thể kinh doanh được hình thành bởi một hoặc nhiều luật sư để tham gia vào việc hành nghề luật.

1. Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

a) Văn phòng luật sư

  • Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
    Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.
  • Tên của văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
  • Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.

b) Công ty luật

  • Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư.
  • Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.
  • Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
    Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập.
    Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.
  • Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty.
  • Tên của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các thành viên thỏa thuận lựa chọn, tên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật trách nhiệm hữu hạn”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:

a) Về mặt con người:

Trước khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 1319/QĐ-BTP về phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Bộ quản lý thì điều kiện tiên quyết khi thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề Luật sư chính là luật sư phải trang bị ít nhất hai năm hành nghề liên tục. Trong hai năm này, họ làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề Luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật luật sư. Những cơ quan, tổ chức có thể là: văn phòng luật sư, công ty luật, Tòa Án, Viện Kiểm sát nhân dân,… So với Luật Luật sư năm 2006 thì đây là quy định hoàn toàn mới mang tính ràng buộc điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư.

Hai năm hành nghề liên tục là thời gian để các luật sư tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn cũng như hướng mình theo một lĩnh vực pháp lý nhất định. Tuy nhiên, quy định này không nhất thiết phải áp dụng với tất cả đối tượng muốn thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật. Cụ thể, quy định này sẽ rất cần thiết đối với những đối tượng bắt buộc phải qua khóa đào tạo luật sư và phải trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, với những đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Giảng viên chuyên ngành luật… đã có nhiều năm công tác, có kiến thức, kinh nghiệm lâu năm về pháp luật thì quy định này là khá cứng nhắc.

Vào ngày 08/6/2018,  Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 1319/QĐ-BTP đã bãi bỏ điều kiện có ít nhất 02 năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định Luật Luật sư.

b) Về mặt tổ chức:

Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc. Trụ sở làm việc cũng được quy định là một phần trong hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư. Có thể thấy điều kiện về trụ sở là một trong những điều kiện bắt buộc để thành lập doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp tồn tại mà không có địa điểm liên lạc với doanh nghiệp đó. Có thể hiểu tương tự với văn phòng luật sư. Tức là, phải có một nơi để liên lạc giữa các bên khi bất kỳ bên nào có nhu cầu thực hiện giao dịch. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Ví dụ 1: Luật sư A thuộc Đoàn luật sư của tỉnh X hợp tác với luật sư B thuộc Đoàn luật sư tỉnh Y thành lập một công ty luật TNHH. Vậy thì họ có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại tỉnh X hoặc Y.

Về nguyên tắc, một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư.  Quy định giới hạn số tổ chức hành nghề luật sư chỉ là một cũng vì tính chất nghành nghề kinh doanh. Giả sử rằng luật cho phép tham gia từ hai, ba nơi trở lên thì sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề kèm theo. Thứ nhất, làm việc nhiều nơi sẽ dẫn đến khối lượng công việc tăng lên. Quỹ thời gian nghĩ ngơi và làm việc không được đảm bảo, trong nhiều trường hợp dẫn đến hiệu quả, chất lượng công việc suy giảm. Chưa kể đến sự nhầm lẫn dẫn đến những hậu quả không đáng có. Thứ hai, khả năng chồng chéo công việc. Người luật sư trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được tư vấn cho hai khách hàng mà lợi ích của họ trái ngược nhau. Nếu hoạt động tại nhiều nơi có thể dẫn đến việc “vô tình” nhận hồ sơ rơi vào trường hợp này!

Lưu ý:

  • Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.
  • Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật luật sư.
đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền