Ngày 19/6/2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua Luật Phá sản 2014, Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, thay thế cho Luật Phá sản 2004. Theo đó, Luật Phá sản 2014 gồm 14 chương, 133 điều, so với Luật Phá sản 2004 thì Luật phá sản 2014 có nhiều nội dung.
Những hạn chế, bất cập của Luật phá sản 2014
Các quy định mới của Luật Phá sản 2014 đã khắc phục những bất cập cập hạn chế về thủ tục giải quyết các vụ việc phá sản của Luật Phá sản 2004 đồng thời tạo hành lang pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh việc phá sản của các doanh nghiệp và hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Mặt khác, việc bổ sung quy định về Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản, đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.
Tuy nhiên, khi thực hiện các quy định của Luật Phá sản 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập liên quan đến việc thi hành án quyết định tuyên bố phá sản.
Cụ thể, theo quy định của Điều 119 Luật Phá sản 2014 thì thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tại Điều 120 Luật Phá sản 2014 lại quy định về thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Việc quy định như vậy dẫn đến các Chấp hành viên khi được phân công tổ chức thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản lúng túng và gặp khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật thể hiện trên các vấn đề sau:
Thứ nhất, về thời hạn ra quyết định thi hành án.
Luật Phá sản 2014 và Luật Thi hành án dân sự đều quy định thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án là của cơ quan thi hành án dân sự. Về thời hạn ra quyết định thi hành án tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản 2014 quy định:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành.
Như vậy, thời hạn để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản của Luật Thi hành án dân sự và Luật Phá sản 2014 là không thống nhất với nhau.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành và người được thi hành án được hưởng các quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì những “chủ nợ” trong danh sách chủ nợ tại quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án là những người được thi hành án. Vậy những “chủ nợ” có được hưởng các quyền của người được thi hành án hay không? và Chấp hành viên có phải thực hiện việc thông báo các quyết định về thi hành án và các văn bản khác liên quan đến việc thi hành án cho các chủ nợ hay không ?
Thứ ba, thẩm quyền của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong việc định giá.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Phá sản 2014 quy định:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoàn toàn chủ động trong việc định giá tài sản mà không phụ thuộc vào việc cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án cũng như việc Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản.
Thứ tư, về các trường hợp định giá lại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Phá sản 2014 quy định: việc định giá lại tài sản được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 122 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định nếu phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, Chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại khoản 1 và Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này.
Như vậy, Luật Phá sản 2014 đã thu hẹp các trường hợp định giá lại so với Luật Thi hành án dân sự, đồng nghĩa với nó là những chủ nợ (người được thi hành án) không có quyền yêu cầu việc định giá lại như quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự, điều này có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Thứ năm, về bán đấu giá tài sản.
Tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điểm d khoản 1 Điều này (Điểm d khoản 1 Điều này quy định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên trong các trường hợp bán đấu giá tài sản không thành), Chấp hành viên quyết định việc thanh lý tài sản”.
Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không chỉ ra là khi thực hiện quyết định việc thanh lý tài sản thì Chấp hành viên làm thủ tục gì (ra quyết định giảm giá hay quyết định việc tiếp tục bán tài sản…) dẫn đến khó khăn trong việc có tiếp tục bán đấu giá tài sản.
Thứ sáu, về trình tự thủ tục khi Chấp hành viên thực hiện việc thanh lý tài sản.
Tại khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản 2014 quy định:
Tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản của Chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản mà tài sản chưa được thanh lý thì việc thanh lý tài sản được giao trở lại cho Chấp hành viên.
Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 chỉ quy định là cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật. Việc quy định chung chung như vậy dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc tổ chức thi hành cụ thể là trong trường hợp này Chấp hành viên áp dụng các quy định của Pháp luật về phá sản hay Pháp luật về thi hành án để tiếp tục tổ chức việc thanh lý tài sản. cụ thể: trong trường hợp Chấp hành viên khi thực hiện việc thanh lý tài sản của Doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì có phải thực hiện việc ra quyết định kê biên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hay chỉ tiến hành định giá lại tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Phá sản.
Thứ bảy, về chi phí thực hiện phá sản.
Tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác.
Như vậy, Nghị định trên mới chỉ quy định chi phí thực hiện phá sản trong trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện còn trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản) và thực hiện việc thanh lý tài sản (theo quy định khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản) thì chưa quy định rõ ai là người phải chi trả những chi phí trên. Mặt khác, theo quy định tại Điều 73 Luật thi hành án dân sự quy định về chi phí cưỡng chế đã quy định rõ trường hợp nào người phải thi hành án chịu, trường hợp nào người được thi hành án chịu và trường hợp nào thì ngân sách chịu.
Tuy nhiên, đối với trường hợp thi hành quyết định tuyên bố phá sản thì không có người phải thi hành án, do đó, các chi phí khi Chấp hành viên thực hiện các công việc trên có được được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hay không?
Từ những khó khăn vướng mắc trên để việc thi hành các quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án được thuận lợi nhanh chóng đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ thì Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn các quy định liên quan đến thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Các tìm kiếm liên quan đến hạn chế của luật phá sản 2014, bình luận luật phá sản 2014, so sánh luật phá sản 2004 và 2014
bất cập của luật phá sản 2014, đánh giá luật phá sản 2014, thực trạng luật phá sản 2014, những bất cập trong luật phá sản 2014
Để lại một phản hồi Hủy