Đối chất là gì?
Đối chất là biện pháp điều tra được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ, qua đó xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án.
Điểm mới về đối chất quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
So sánh với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có một số điểm mới về đối chất như sau:
Về điều kiện tiến hành đối chất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: ‘‘Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất”. Điều tra viên chỉ tiến hành đối chất khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Thứ nhất, có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người. Thứ hai, đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định điều kiện tiến hành đối chất cụ thể hơn Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 khi bổ sung thêm điều kiện: “Đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn”. Quy định này được hiểu không phải có mâu thuẫn là tiến hành đối chất, mà trước tiên phải tiến hành các biện pháp điều tra khác để giải quyết mâu thuẫn, nếu thông qua các biện pháp điều tra có đủ căn cứ để khẳng định các tình tiết có mâu thuẫn của vụ án đã được giải quyết thì không tiến hành đối chất, trường hợp đã thực hiện các biện pháp điều tra khác mà không giải quyết được mâu thuẫn thì mới tiến hành đối chất, vì vậy đối chất là biện pháp điều tra cuối cùng.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bổ sung quy định về điều kiện tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo tại khoản 6 Điều 421; với trường hợp đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể điều kiện: Chỉ cho phép người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành đối chất nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án. Quy định này nhằm bảo vệ, tránh gây tổn thương cho bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự, nhất là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.
Tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung thêm quy định việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Trong vụ án hình sự có thể có nhiều tình tiết mà lời khai của những người tham gia tố tụng mâu thuẫn với nhau, nhưng không phải tất cả các tình tiết mâu thuẫn đều tiến hành đối chất, mà chỉ tiến hành đối chất những tình tiết thuộc vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ví dụ: Bị can A và B đi xe ô tô từ huyện C đến thành phố D rồi cùng phạm tội Cướp tài sản, A và B khai mâu thuẫn với nhau về biển số và loại xe ô tô đã đi, trường hợp này không cần phải tiến hành đối chất vì tình tiết có mâu thuẫn nêu trên chỉ là diễn biến của vụ án mà không phải là tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.
Một vấn đề cần lưu ý: Các tình tiết của vụ án có mâu thuẫn và đã tiến hành các biện pháp điều tra khác để giải quyết, nhưng chưa giải quyết được hay trong một số vụ án quan điểm giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất, vì đây là vấn đề đánh giá chứng cứ nên quan điểm đánh giá chứng cứ là khác nhau, nếu đánh giá đủ căn cứ để giải quyết mâu thuẫn thì không cần phải tiến hành đối chất, nếu chưa đủ căn cứ để giải quyết mâu thuẫn thì phải tiến hành đối chất.
Ví dụ: Trong vụ án ma túy, các đối tượng nghiện và các bị can khác khai phù hợp với nhau về việc bị can P nhiều lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, nhưng P khai chỉ một lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trường hợp này mặc dù lời khai của P và lời khai của các đối tượng khác có mâu thuẫn với nhau về tình tiết phạm tội nhiều lần hay một lần, nhưng căn cứ các biện pháp điều tra khác (lời khai của các bị can và đối tượng khác) đủ căn cứ để khẳng định P phạm tội nhiều lần, do đó không thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất.
Biện pháp đối chất chỉ đạt hiệu quả trong trường hợp những người tham gia đối chất không có xung đột lợi ích, không có quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè, không cố tình che dấu về các tình tiết của vụ án, việc khai mâu thuẫn về các tình tiết của vụ án là do khả năng tri giác, ghi nhớ của những người tham gia đối chất khác nhau, trường hợp này, Điều tra viên và Kiểm sát viên chỉ cần có cách tác động phù hợp để những người tham gia đối chất nhớ lại chính xác về các tình tiết của vụ án.
Vụ án thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất, một trong các đối tượng tham gia đối chất cố tình che dấu thông tin về các tình tiết của vụ án, trường hợp này Điều tra viên, Kiểm sát viên phải đưa ra tài liệu, chứng cứ để đấu tranh, việc đối chất mới có hiệu quả; quá trình cho các đối tượng tham gia đối chất trình bày ý kiến, hỏi lẫn nhau và tranh luận với nhau, Điều tra viên và Kiểm sát viên cần phải quan sát thái độ, biểu hiện tâm lý của các đối tượng tham gia đối chất để đánh giá lời khai nào là đúng, lời khai nào không đúng, gian dối, từ đó có niềm tin nội tâm để thu thập, củng cố các tài liệu, chứng cứ đảm bảo tính chính xác, đúng đắn và khách quan.
Để lại một phản hồi Hủy