Site icon Hocluat.VN

Điểm mới về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra tại Bộ luật dân sự 2015

boi-thuong-thiet-hai-do-tai-san-gay-ra

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế cần được khắc phục.

 

Các nội dung liên quan:

 

Về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

– Bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra: Quy định của BLDS năm 2005 không bao quát hết các trường hợp tài sản gây ra thiệt hại, dẫn tới rất nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra liên quan đến tài sản gây ra thiệt hại trên thực tế mà không có cơ sở pháp lý để giải quyết thỏa đáng (ví dụ như trường hợp gia súc, gia cầm phá hoại lúa, hoa màu…).

Để khắc phục, BLDS năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc chung để giải quyết việc bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra tại khoản 3 Điều 584: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Quy định này đã bao quát được toàn bộ các trường hợp tài sản gây thiệt hại, theo đó, việc giải quyết các vụ việc về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra sẽ áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

Một là, nếu thiệt hại do tài sản gây ra thuộc các trường hợp quy định riêng như nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, cây cối, công trình xây dựng thì áp dụng những quy định cụ thể tại Điều 601, Điều 603, Điều 604 và Điều 605 BLDS năm 2015.

Hai là, đối với những tài sản khác gây thiệt hại mà không được quy định cụ thể thì áp dụng khoản 3 Điều 584 để giải quyết.

Về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong từng trường hợp cụ thể

Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận 04 trường hợp về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, cụ thể:

Về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 601)

Phạm vi chủ thể được quy định theo BLDS năm 2015 rộng hơn so với phạm vi chủ thể theo quy định của BLDS năm 2005, Điều 623 BLDS năm 2005 quy định những người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gồm: Chủ sở hữu; người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ; người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật.

Đối với những chủ thể chiếm hữu có căn cứ pháp luật nhưng không phải theo sự chuyển giao của chủ sở hữu tài sản Điều luật này chưa đề cập đến.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ thể bồi thường tại khoản 3, khoản 4 Điều 601 là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, mở rộng phạm vi chủ thể so với quy định tại Điều 623 BLDS năm 2005. Những chủ thể chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể theo sự chuyển giao của chủ sở hữu hoặc của một chủ thể khác hoặc do họ tự chiếm hữu, sử dụng thông qua một sự kiện nhất định.

Về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 603)

Khoản 1 Điều 603 BLDS năm 2015 bổ sung quy định về chủ thể là “người chiếm hữu, sử dụng súc vật” phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng động vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bổ sung này tương đồng với sửa đổi về chủ thể bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Người chiếm hữu, sử dụng động vật được hiểu là người đang trực tiếp cầm giữ, quản lý hoặc đang khai thác công dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ động vật. Việc chiếm hữu, sử dụng có thể theo sự chuyển giao của chủ sở hữu hoặc không; việc chiếm hữu, sử dụng có thể nằm trong trường hợp có căn cứ pháp luật hoặc không có căn cứ pháp luật.

Có thể thấy, việc bổ sung thêm trách nhiệm của người chiếm hữu, người sử dụng súc vật là hoàn toàn phù hợp, bao quát được mọi trường hợp xảy ra trên thực tế.

Về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra (Điều 604)

Điều 626 BLDS năm 2005 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”

Điều 604 BLDS năm 2015 bổ sung thêm trách nhiệm của người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường bên cạnh chủ sở hữu cây cối. Như vậy, người đang chiếm hữu, quản lý là người trực tiếp chăm sóc cây cối và buộc phải biết tình trạng của cây cối để kịp thời chặt bỏ, phát, tỉa cảnh hay chặt cây mục ruỗng nhằm tránh nguy cơ cây cối đổ, gẫy gây ra thiệt hại nên họ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để cây cối gây ra thiệt hại.

Một điểm hạn chế của Điều 626 BLDS năm 2005 là việc liệt kê cụ thể trường hợp cây cối “đổ, gẫy” gây ra thiệt hại, vậy đối với các trường hợp khác như rễ cây đâm sang tường nhà bất động sản liền kề làm hỏng tường thì xử lý như thế nào? nên không bao quát hết các trường hợp cây cối gây thiệt hại. Điều 603 BLDS năm 2015 không liệt kê các trường hợp cây cối gây thiệt hại mà chỉ quy định mang tính chất khái quát “cây cối gây thiệt hại”. Việc quy định khái quát này đã bao quát được các trường hợp cây cối gây ra thiệt hại trên thực tế.

Về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (Điều 605)

Vấn đề bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra được quy định trong BLDS năm 2015 có nhiều nét tương đồng với trường hợp bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Về chủ thể: Điều 607 BLDS năm 2015 quy định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác”, đã khắc phục được điểm thiếu sót của BLDS năm 2005 không quy định một số chủ thể chịu trách nhiệm như: Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai đối với bất động sản,…

Về các trường hợp bồi thường thiệt hại: Điều 605 BLDS năm 2015 quy định bao quát chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác (BLDS năm 2005 quy định không đầy đủ).

Như vậy, so với các quy định về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong BLDS năm 2005 thì các quy định trong BLDS năm 2015 đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung phù hợp, tích cực. Sự sửa đổi, bổ sung này tập trung chủ yếu vào các chủ thể có trách nhiệm bồi thường và quy định khái quát, mở rộng thêm các trường hợp bồi thường. Nếu thực tế phát sinh các tranh chấp xảy ra do tài sản gây thiệt hại thì hoàn toàn có đầy đủ các cơ sở pháp lý để giải quyết việc bồi thường theo quy định của BLDS năm 2015.

(Trích bài: “ Bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015” của Ths. Lê Thị Giang, giảng viên khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội, TCKS số 15/2017)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version