Tổng hợp đề thi môn Luật Hôn nhân và gia đình (có đáp án)

Chuyên mụcĐề thi Luật, Luật hôn nhân và gia đình Luật Hôn nhân và gia đình

[Hocluat.vn] Tổng hợp đề thi môn Luật Hôn nhân và gia đình (có gợi ý đáp án) của trường Đại học luật TP.Hồ Chí Minh. Xin chia sẻ để các bạn tham khảo: 

 

Những nội dung liên quan:

 

Đề thi môn Luật Hôn nhân và gia đình

Ly hôn

ĐỀ THI SỐ 1

Thời gian làm bài: 60 Phút

(Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản pháp luật)

I. Phần nhận định (6 điểm)

Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích vì sao? Nêu căn cứ pháp lý khi trả lời!

Nhận định 1. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có quyền kết hôn.

=> Nhận định Sai…

Căn cứ pháp lý: Điều 5 và Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nhận định 2. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện.

=> Nhận định Sai. Không phải trong mọi trường hợp, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đều có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện. Việc kết hôn tự nguyện vi phạm điều kiện kết hôn quy định điểm b, khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nên nam hoặc nữ bị cưỡng ép kết hôn có thể tự mình yêu cầu Tòa hoặc đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam yêu cầu Tòa hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Căn cứ pháp lý: điểm b, khoản 1, Điều 8; khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 3. Nam nữ sống chung như vợ chồng có thể được pháp luật công nhận là vợ chồng.

=> Nhận định Đúng. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết hậu quả việc nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng vẫn có thể được pháp luật công nhận là vợ chồng nếu sau đó nam nữ đăng ký kết hôn theo quy định.

Lưu ý, quan hệ kết hôn trong trường hợp này được xác lập kể từ thời điểm đăng ký kết hôn chứ không phải tính từ thời điểm nam nữ sống chung như vợ chồng.

Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 14, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nhận định 4. Nam nữ có thể ủy quyền cho cha mẹ mình đăng ký kết hôn.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật Hộ tịch 2014 thì trong trường hợp nam, nữ kết hôn thì nam, nữ phải trực tiếp đến đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không được ủy quyền cho người khác, nhằm đảm bảo điểu kiện tự nguyện kết hôn.

Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 6, Luật Hộ tịch 2014.

Nhận định 5. Người chưa thành niên mới được nhận là con nuôi.

=> Nhận định Đúng. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 21, Bộ luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện được nhận con nuôi thì người được nhận làm con nuôi phải là người dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong một số trường hợp đặc biệt.

Do đó, chỉ người chưa thành niên mới được nhận là con nuôi.

Căn cứ pháp lý: khoản 1, Điều 21, Bộ luật dân sự 2015 và khoản 1, khoản 2, Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010.

Nhận định 6. Quan hệ vợ, chồng chấm dứt kể từ thời điểm quyết định tuyên một bên vợ hoặc chồng đã chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại đoạn 2, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân trong trường hợp Tòa án tuyên bố một bên vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm quan hệ vợ, chồng chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án chứ không phải là ngày quyết định đã chết có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ pháp lý: đoạn 2, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

II. Phần bài tập tình huống (4 điểm)

Ông Giang và bà Lan cưới năm 1985 nhưng không đi đăng ký kết hôn. Khi tổ chức lễ cưới, hai bên không vi phạm điều kiện kết hôn. Đến tháng 06/2018 ông Giang và bà Lan nảy sinh mâu thuẫn do bà Lan không có khả năng sinh con nên ông Giang nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật của ông với bà Lan với lý do ông bà không đăng ký kết hôn. Hỏi:

Câu hỏi 1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết trường hợp trên như thế nào?

Gợi ý đáp án:

Do ông Giang và bà Lan sống chung như vợ chồng với nhau từ năm 1985 đây là trường hợp hôn nhân thực tế nên mặc dù đến nay ông Giang và bà Lan chưa đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, theo hướng dẫn tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hộ tịch 2014 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân giữa ông Giang và bà Lan được xác nhận hai ông bà xác lập quan hệ sống chung với nhau như vợ chồng. Nói cách khác, ông Giang và bà Lan là vợ chồng hợp pháp, quan hệ hôn nhân không trái quy định của pháp luật.

Do việc kết hôn của ông Giang và bà Lan là đúng pháp luật nên Tòa án bác đơn yêu cầu của ông Giang về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp trên, nếu ông Giang vẫn muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân với bà Lan thì phải khởi kiện ra Tòa án yêu cầu ly hôn với bà Lan.

Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 44, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Câu hỏi 2. Nếu bà Lan yêu cầu chia khối tài sản chung trị giá 2 tỷ đồng thì Tòa sẽ giải quyết như thế nào?

Gợi ý đáp án:

Nguyên tắc Tòa chỉ giải quyết trong phạm vi khởi kiện: Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Do đó, nếu bà Lan có yêu cầu chia  khối tài sản chung nêu trên thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu chia khối tài sản chung của bà Lan.

Giải quyết việc chia khối tài sản chung trên.

Do ông Giang và bà Lan vẫn trong thời kỳ hôn nhân nên việc chia tài sản chung áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân quy định tại Điều 38 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Nếu ông Giang và bà Lan tự thỏa thuận được việc chia khối tài sản chung trị giá 02 tỷ thì tuân theo sự thỏa thuận của các bên.

Nếu ông Giang và bà Lan không tự thỏa thuận được việc chia khối tài sản chung trên thì Tòa án sẽ giải quyết việc chia khối tài sản chung trên nhưng về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi (mỗi người 01 tỉ) nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên vợ, chồng, lỗi của các bên, hoàn cảnh của các bên vợ chồng,… theo quy định tại khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Căn cứ pháp lý: Điều 38 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.\

ĐỀ THI SỐ 2

Thời gian: 60 phút

(Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản pháp luật)

I. Phần nhận định (6 điểm)

Trả lời đúng sai, kèm theo giải thích, nêu cơ sở pháp lý những nhận định sau:

Nhận định 1. Những người đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật là những người đang có vợ có chồng.

=> Nhận định Sai. Những người đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nhưng sau đó họ đã ly hôn thì những người này hiện không có vợ hoặc chồng.

Căn cứ pháp lý: khoản 14, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 2. Trong chế độ tài sản theo quy định của pháp luật thì tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của bên đó.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng của vợ hoặc chồng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Do đó, tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng không chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của bên đó mà còn có được được dùng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu chung của gia đình.

Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 3. Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên có thể tự thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt nuôi con nuôi.

=> Nhận định Đúng.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 25, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi thì Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Do đó, Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên có thể tự thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt nuôi con nuôi.

Căn cứ pháp lý: khoản 1, Điều 25, Luật Nuôi con nuôi 2010.

Nhận định 4. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không được kết hôn.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các điều kiện kết hôn thì nam nữ chỉ bị cấm kết hôn nếu nam hoặc nữ không có năng lực hành vi dân sự. Do đó, trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn có thể được quyền kết hôn.

Căn cứ pháp lý: khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 5.  Theo quy định của chế độ tài sản pháp định thì tài sản mà vợ chồng có được do thừa kế chung là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

=> Nhận định Đúng. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Tài sản chung của vợ chồng thì tài sản mà vợ chồng có được do thừa kế chung là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Tài sản chung này thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Căn cứ pháp lý: khoản 1 và khoản 2, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 6. Các trường hợp kết hôn trái pháp luật đều bị Tòa án giải quyết hủy khi có yêu cầu.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 11, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xử lý việc kết hôn trái pháp luật thì trong trường hợp có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn thì Tòa án không hủy việc kết hôn trái pháp luật đó mà công nhận quan hệ hôn nhân đó. Do đó, không phải trong mọi trường hợp kết hôn trái pháp luật đều bị Tòa án giải quyết hủy khi có yêu cầu.

Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 11, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

II. Phần bài tập tình huống (4 điểm)

Anh H và chị Y vốn là bạn cùng học chung thời phổ thông với nhau. Theo ý nguyện của gia đình họ đã trở thành vợ chồng sau một lễ cưới với đủ các nghi thức truyền thống được tiến hành vào ngày 20/3/1986. Cuộc sống chung của anh H và chị Y sau khi cưới rất hòa thuận, hạnh phúc.

Do yêu cầu công việc nên đến tháng 6/1995 anh T chuyển đến sinh sống tại một nơi rất xa nhà. Tại đây, anh phát sinh tình cảm với một chị đồng nghiệp là D. Tháng 10/1996, khi phát hiện ra mình đang mang thai, chị D gây sức ép để anh T kết hôn với minh.

Ngày 30/10/1996, anh T và chị D kết hôn với nhau tại UBND xã nơi cư trú của chị D và được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận kết hôn.

Tháng 12/2015, khi chị Y phát hiện ra mối quan hệ giữa anh H và chị D, chị không thể tha thứ sự lừa dối của anh H đối với mình. Tháng 01/2016, chị Y làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh H. Đồng thời chị Y cũng làm đơn yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật của anh H và chị D.

Theo anh chị, Tòa án giải quyết vụ việc trên như thế nào? Vì sao?

Gợi ý đáp án:

Xác định anh H và chị Y có quan hệ hôn nhân hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì do anh H và chị Y kết hôn năm 1986 mặc dù chỉ tổ chức lễ cưới theo phương thức truyền thống (lễ cưới) và chưa đăng ký kết hôn nhưng vẫn được xem là kết hôn hợp pháp theo quy định và ông H và chị Y hiện tại được xem là người đang có vợ, chồng.

Căn cứ pháp lý: khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Tòa án giải quyết yêu cầu chị Y về việc cho chị ly hôn với anh H như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 51, Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì chị Y có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn của chị với anh H.

Căn cứ theo quy định tại Điều 53, Luật Hôn nhân gia đình 2014 Tòa án sẽ thụ lý giải quyết yêu cầu của chị Y theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Trường hợp anh H cũng đồng ý ly hôn với chị Y, anh H và chị Y thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung của vợ chồng và thực hiện các nghĩa vụ tài sản khác (các bên không có tranh chấp) thì vụ việc được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn. Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý: Điều 55, Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Trường hợp anh H không đồng ý ly hôn với chị Y hoặc anh H và chị Y không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung của vợ chồng và thực hiện các nghĩa vụ tài sản khác thì Tòa án thụ lý vụ án ly hôn và giải quyết theo quy định.

Căn cứ pháp lý: Khoản 5, Điều 397 Luật Tố tụng dân sự 2015.

Tòa án giải quyết yêu cầu chị Y về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh H và chị D như thế nào?

Gợi ý đáp án:

Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 và điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì do chị Y và anh H đang là vợ chồng hợp pháp (chưa dù không đăng ký kết hôn) nên việc anh H kết hôn với chị D là việc kết hôn trái pháp luật do khi kết hôn với chị D anh H là người đang có vợ.

Căn cứ tại điểm a, khoản 1, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về những người có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì do chị Y đang là vợ của anh H nên có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của anh H và chị D.

Theo đó, nếu đủ căn cứ Tòa án có thẩm quyền sẽ ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Kết luận: Tòa án sẽ thụ ý vụ việc ra Bản án ly hôn giải quyết việc ly hôn của anh H và chị Y và hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật của anh H và chị D.

ĐỀ THI SỐ 3

Thời gian làm bài: 60 phút

Sinh viên được sử dụng VBQPPL

I. Phần nhận định (6 điểm)

Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? Nêu cơ sở pháp lý khi trả lời.

Nhận định 1. Người bị thiểu năng trí tuệ không có quyền kết hôn.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam và nữ kết hôn với nhau phải đáp ứng tất cả các điều kiện được liệt kê tại khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trong đó nam và nữ phải không bị mất năng lực hành vi dân sự.

Người bị thiểu năng trí tuệ nếu không bị Tòa án có thẩm quyền tuyên mất năng lực hành vi dân sự (Có thể tuyên bị hạn chế năng lực hành vi) thì người bị thiểu năng trí tuệ không bị xem là bị mất năng lực hành vi nên có quyền kết hôn theo quy định (khoản 1, Điều 22 Bộ luật dân sự 2015).

Căn cứ pháp lý: khoản 1, Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 và điểm c khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 2. Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do bị ép buộc.

=> Nhận định Sai. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Hội liên hiệp phụ nữ chỉ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do bị ép buộc khi người bị ép buộc đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu người bị ép buộc không đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Hội liên hiệp phụ nữ không có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật trong trường hợp này.

Căn cứ pháp lý: khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 3. Con do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân có thể không phải là con chung của vợ chồng.

Gợi ý đáp án:

=> Nhận định Đúng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Do đó, trong trường hợp mang thai hộ vi mục đích nhân đạo thì con do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân có thể không phải là con chung của vợ chồng mà là con của vợ chồng nhờ mang thai hộ.

Căn cứ pháp lý: khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 4. Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn.

=> Nhận định Sai.

Căn cứ theo quy định tại khoản 12, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải thích từ ngữ Yêu sách của cải trong kết hôn thì Yêu sách của cải trong hôn nhân là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ. Trường hợp những đòi hỏi về vật chất quá đáng này không nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ thì không được xem là Yêu sách của cải trong hôn nhân.

Căn cứ pháp lý: khoản 12, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 5. Trong mọi trường hợp, việc nhập tài sản riêng của vợ hoặc chồng vào khối tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đều phải lập văn bản.

=> Nhận định Sai.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 45, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng, có thể không cần lập văn bản. Tuy nhiên, trong trường hợp việc giao dịch đến tài sản đó phải tuân thủ hình thức theo quy định của pháp luật như việc nhập tài sản là bất động sản là tài sản riêng của vợ hoặc chồng vào khối tài sản chung của vợ và chồng thì thỏa thuận này bắt buộc phải lập thành văn bản.

Căn cứ pháp lý: khoản 1 và khoản 2, Điều 45, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhận định 6. Nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ của họ sẽ chấm dứt kể từ ngày quan hệ con nuôi được xác lập.

=> Nhận định Sai.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về Hệ quả của việc nuôi con nuôi thì: Trừ trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ của họ sẽ chấm dứt kể từ ngày quan hệ con nuôi được xác lập. Do đó, nếu giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thỏa thuận việc cha mẹ đẻ vẫn duy trì nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa cha mẹ đẻ và người được nhận làm con nuôi thì nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ của họ sẽ không bị chấm dứt.

Căn cứ pháp lý: khoản 4, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010.

II. Phần bài tập tình huống (4 điểm)

Năm 2000, ông Nguyễn Văn Tâm và bà Trần Thị Sự kết hôn. Sau một thời gian chung sống, ông Tâm tới tỉnh TG và chung sống như vợ chồng với chị Lê Văn Tư. Trong khoảng thời gian này, ông Tâm tạo lập được với chị Tư 01 mảnh đất trị giá 900 triệu đồng.

Năm 2017, bà Sự vay 100 triệu đồng của người quen biết cùng với số tiền kinh doanh (trong thời gian ông Tâm bỏ đi) mua được căn nhà tại thành phố H trị giá 600 triệu đồng. Đầu năm 2018, bà Sự vay thêm 300 triệu để sản xuất, kinh doanh.

Đến tháng 11/2018, ông Tâm trở về và yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn và chia tài sản là căn nhà tại thành phố H. Ông Tâm cho rằng mình không có trách nhiệm gì với bất cứ khoản nợ nào của bà Sự do bà Sự tự xác lập mà không có sự thỏa thuận hay đồng ý của ông Tâm.

Nếu anh chị là cơ quan có thẩm quyền, hãy giải quyết các yêu cầu của ông Tâm.

Gợi ý đáp án:

Yêu cầu giải quyết việc ly hôn của ông Tâm.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì ông Tâm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. (Điều 53 và Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Căn cứ pháp lý: khoản 1 và khoản 3, Điều 51, Điều 53 và Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Yêu cầu chia tài sản chung của ông Tâm

Các tài sản chung của ông Tâm và bà Sự được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân gồm: phần tài sản của ông Tâm và chị Tư trị giá 450 triệu đồng (900 triệu / 2), 01 căn nhà trị giá khoảng 600 triệu đồng. Nghĩa vụ về tài sản là số tiền 300 triệu đồng.

Trường hợp trên nếu ông Tâm và bà Sự thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung thì tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên.

Trong trường hợp ông Tâm và bà Sự không thỏa thuận được với nhau hoặc việc thỏa thuận không đầy đủ hoặc không rõ ràng về việc chia tài sản chung thì việc chia tài sản tuân thủ giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo quy định tại các điều từ Điều 59 đến Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các quy định về chia tài sản Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tại sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố được liệt kê tại khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng,… Có thể thấy đối với tài sản chung là căn nhà trị giá 600 triệu của bà Sự thì công sức đóng góp của bà Sự là nhiều hơn, tương tự với phần tài sản ông Tâm tạo lập được với bà Tư thì công sức của ông Tâm nhiều hơn.

Về nghĩa vụ về tài sản, số tiền 100 triệu đồng bà Sự vay để mua căn nhà trên là nghĩa vụ chung của cả ông Tâm và bà Sự do số tiền này góp phần tạo lập nên tài sản chung. Do đó, ông Tâm có trách nhiệm cùng bà Sự liên đới chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ về tài sản này. Việc ông Tâm cho rằng mình không có trách nhiệm gì với bất cứ khoản nợ nào là không chính xác.

Còn số tiền 200 triệu đồng mà bà Sự vay để kinh doanh riêng không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng nên bà Sự phải tự chịu trách nhiệm với phần nghĩa vụ tài sản này.


Các tìm kiếm liên quan đến đề thi môn Luật Hôn nhân và gia đình, đề cương ôn tập môn luật hôn nhân gia đình, nhận định đúng sai luật hôn nhân và gia đình có Đáp án: , trắc nghiệm luật hôn nhân và gia đình 2014, các tình huống hôn nhân gia đình, hỏi đáp luật hôn nhân và gia đình 2014, khang dinh dung sai luat hon nhan gia dinh, cau hoi trac nghiem luat hon nhan gia dinh, de cuong on tap luat hon nhan gia dinh

5/5 - (19089 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền