Đào tạo luật: Học đi đôi với hành hay chia thị phần đào tạo?

Chuyên mụcCafe Dân Luật Tài liệu học nghiệp vụ Luật sư

Đào tạo luật: Hai triết lý, hai hướng đi, hai mô hình, hai hệ quả khác nhau: Học đi đôi với hành hay chia thị phần đào tạo?

 

Các nội dung liên quan:

 

Xã hội nào cũng hô hào “học đi đôi với hành”, song sự kết hợp này trong thực tế như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào triết lý mà xã hội đó theo đuổi.

Triết lý thứ nhất coi pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị, quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị phải thống trị xã hội trên cả ba phương diện: chính trị, kinh tế, tư tưởng. Để thống trị về mặt tư tưởng thì các trường đại học, giảng viên, phụ huynh sẽ bị hạn chế quyền lựa chọn môn học, nội dung học và giảng viên sẽ có bổn phận “vị nhà nước”, cao hơn bổn phận “vị người học”. Bởi vậy, trong mô hình này giảng viên có địa vị là công chức, sau đó là viên chức. Vì quan niệm này, dẫn tới triết lý thứ nhất không cho phép giảng viên hành nghề luật sư, kiêm nhiệm thẩm phán. Bởi vậy, mô hình đào tạo luật theo triết lý thứ nhất thường yếu về thực hành, thiếu va chạm thực tiễn, dạy luật theo kiểu “mổ tim trên giấy”. Bù đắp cho sự thiếu hụt này, mô hình đào tạo theo triết lý thứ nhất thiết kế ra chương trình đào tạo thực hành 18 tháng tách biệt sau áp dụng đối với cử nhân pháp lý muốn trở thành luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên. Theo mô hình này, các đại học chỉ “xuất xưởng” cái khung xe; muốn vận hành được, khổ chủ lại phải tự bỏ tiền ra lắp thêm vỏ xe, ruột xe để có thể hành nghề. Việc cắt khúc này tạo ra thị phần “đào tạo giai đoạn hai”. Và khi đặt thị phần “đào tạo giai đoạn hai” trong bối cảnh mỗi trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc một cơ quan chủ quản, bộ chủ quản khác nhau, thì cơ quan chủ quản nào cũng muốn giành phần “đào tạo giai đoạn hai” này về phía mình; từ một cơ sở đào tạo duy nhất, việc đào tạo hành nghề này bị chia tách làm ba nhánh.

Triết lý thứ hai coi trọng quyền tự do tư tưởng, tự do nghề nghiệp, tự do lao động. Bởi vậy không có ai có quyền áp đặt tư tưởng, nghề nghiệp lên người khác; mỗi người phải tự chịu rủi ro về việc làm của mình thì phụ huynh, sinh viên có quyền chọn học cái gì, học như thế nào, học ai để có việc làm tốt nhất và kéo theo là đòi hỏi về tự chủ đại học. Và phụ huynh,  sinh viên nào cũng muốn khi “xuất xưởng” mình là một sản phẩm hoàn thiện, sử dụng được ngay lập tức. Bởi vậy, họ không chấp nhận việc tách rời đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành thành hai công đoạn được thực hiện bởi hai đơn vị đào tạo biệt lập. Sự kết hợp “học đi đôi với hành” không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu án lệ, nội dung đào tạo, mà người giảng viên cũng phải dày dặn kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề. Để đạt được mong muốn này họ cho phép các giảng viên đồng thời là đại luật sư, kiêm nhiệm thẩm phán4. Triết lý thứ hai không chỉ thúc đẩy kết hợp “học với hành” trong giảng đường, mà còn thúc đẩy việc áp dụng các học thuyết pháp lý trong quá trình xét xử các vụ án tại toà, thúc đẩy các bản án tiệm cận công lý, sáng tạo giải pháp khi án lệ và luật viết không đủ tạo ra lẽ công bằng cho vụ án.

Chưa cần bàn tới việc hai triết lý khác nhau sẽ tác động khác nhau tới mô hình tổ chức tòa án, mô hình bồi thẩm đoàn hay hội thẩm nhân dân, các nguyên tắc tố tụng, mà hai triết lý khác nhau này đã dẫn tới hai mô hình đào tạo luật khác nhau, hai quy trình “sản xuất khác nhau”,  với chất lượng sản phẩm, tỷ lệ “lỗi sản phẩm” khác nhau. Và tỷ lệ “sản phẩm đào tạo lỗi” sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ “án oan” ở mỗi quốc gia tương ứng.

(Trích bài viết Đào tạo luật: Hai triết lý, hai hướng đi, hai mô hình, hai hệ quả khác nhau đăng tải trên Tạp chí Tia sáng ngày 21/02/2019)

1/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền