Chủ đề tranh biện: Có nên quy định Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp (nghề làm đại diện) ở Việt Nam hay không?
Các nội dung liên quan:
- Tại sao nói Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân?
- Đại biểu Quốc hội chuyên trách hay chuyên nghiệp?
Có nên quy định Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp (nghề làm đại diện) ở Việt Nam hay không?
>>> Quan điểm tranh biện: Ủng hộ
Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội được nhân dân cả nước tín nhiệm bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do. Đó là những đại biểu chân chính của nhân dân, là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Là một nhân tố hợp thành Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội. Chúng ta dễ dàng nhận thấy chất lượng đại biểu Quốc hội từ khi ra đời cho đến nay đã được nâng cao lên rất nhiều, những quy định của pháp luật về đại biểu cũng được bổ sung hoàn thiện thừ Hiến pháp đến luật tổ chức Quốc hội, quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, nội dung kỳ họp Quốc hội, Luật hoạt đông giám sát,… Với mỗi một giai đoạn cách mạng, chế định về Quốc hội, đại biểu Quốc hội có những thay đổi nhất định nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất trong hoạt động, phục vụ đắc lực nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, việc đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên nghiệp mà chỉ kiêm nhiệm, chuyên trách và số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chỉ chiếm 1/3 số lượng đại biểu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính vì vậy chúng tôi xin trình bày quan điểm ủng hộ về việc đại biểu quốc hội nên hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp ( nghề làm dại diện) ở Việt Nam.
Trước khi đi vào nội dung chính, chúng tôi xin giải thích thế nào là chuyên nghiêp, chuyên trách và kiêm nhiệm. Chuyên trách là chuyên đảm trách một công việc. Kiêm nhiệm là một người thực hiện hai hoặc nhiều công việc trong cùng một thời điểm. Còn chuyên nghiệp là chuyên theo đuổi một nghề nghiệp của đời người và tinh thông nghề đó. Đại biểu Quốc hội là nghề chuyên nghiệp cũng như vậy, là họ được đào tạo một cách bài bản, chỉ theo đuổi việc làm đại biểu trong suốt nhiệm kỳ với kĩ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn chuyên sâu.
Lập luận 1: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa vị trí của Quốc hội.
Cơ sở lập luận:
Theo điều 1 luật Tổ chức Quốc hội năm 2014:
“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Phân tích:
Từ khi Hiến pháp năm 1946 ban hành, Quốc hội có tên là Nghị viện nhân dân thì đã là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và cho đến nay, sau nhiều lần sửa đổi Hiến pháp thì Quốc hội vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, do nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực, đại diện cho ý chí của nhân dân mà người được ủy quyền chính là đại biểu Quốc hôi được bầu thông qua cơ chế bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Tuy nhiên từ khi thành lập cho đến nay thì đại biểu Quốc hội vẫn đang hoạt động dưới hình thức kiêm nhiệm và chuyên trách (trong đó đại biểu kiêm nhiệm chiếm đa số và đại biểu chuyên trách chỉ chiếm 1/3). Điều đó cho thấy Quốc hội chưa thể hiện hết vị trí của của mình là cơ quan quyền lực cao nhất. Một cơ quan với quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng nhân dân cả nước nhưng tồn tại chủ yếu các đại biểu không chuyên nghiệp. Chính vì vậy Quốc hội cần phải có nhiều hơn nữa đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp để nâng cao hơn nữa vị trí của Quốc hội trong bộ máy chính quyền nhà nước đồng thời tăng cường niềm tin trong Nhân dân.
>>> Xem thêm: Quốc hội (Nghị viện) là gì? Có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước?
Lập luận 2: Nâng cao vai trò của Quốc hội khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp
Cơ sở lập luận:
Theo Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội 2014:
Phân tích:
Theo như đề cập bên trên, Quốc hội có quyền lập hiến. Lập hiến tức là soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp. Theo luật hiện hành thì việc này được Quốc hội giao việc cho ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Ủy ban này sẽ do các chuyên gia, người có kiêm nghiệm trong công tác pháp luât đảm nhiệm và được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, khi soạn thảo và sửa đổi không thể tránh hết được những hạn chế, sai sót trong công tác soạn thảo và sửa đổi. Và theo như luật định thì Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Nếu đại biểu là người không chuyên nghiệp thì tỉ lệ nhìn ra sai xót rất thấp vì họ thiếu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực lập hiến, đại biểu Quốc hội bị chi phối các tư tưởng từ công việc hiện tại họ đang nắm giữ. Đồng thời, có một hiện thực là Quốc hội không tổ chức trưng cầu
dân ý để thông qua Hiến pháp. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội cần hoạt động chuyên nghiệp để giảm bớt hạn chế thấp nhất những sai sót trong công tác lập hiến cũng như lập pháp.
Đồng thời giúp nâng cao vai trò lập pháp của Quốc hội. Thực trạng hiện nay đa số các Luật đều do chính phủ trình Quốc hội để thông qua. Theo như luật tổ chức Chính phủ và Hiến pháp 2013 thì chính phủ giữ vai trò hành pháp, tuy nhiên thực tế cho thấy rằng chính phủ có cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong một trường hợp. Chính vì vậy cần phải hoạt động chuyên nghiệp, nâng cao kiến thức chuyên môn để nhìn rõ các vấn đề khi thông qua dự án luật của chính phủ.
Trong công tác của Quốc hội thì đại biểu là người quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo Điều 7 luật Tổ chức Quốc hội: (1) Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. (2) Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn nợ an toàn quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán nhà nước và phân bố ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Như vậy Quốc hội đã quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế- xã hội của một Quốc gia hay nói cách khác đại biểu là người có ảnh hưởng to lớn đối với vận mệnh đất nước. Những nhiệm vụ quan trọng và dài hạn như vậy phải được giao phó cho những người được đào tạo chuyên sâu, có năng lực, có kinh nghiệm và tầm nhìn bao quát. Không thể giao phó công việc đó cho những người có tư tưởng, lập trường bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Hậu quả sẽ vô cùng lớn nếu như một quyết định sai lầm được thông qua trong thời kỳ đầy rẫy những khó khăn và thách thức. Và lúc này chúng ta cần những đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp để đưa ra quyết sách đúng đắn, đưa đất nước ngày càng đi lên. Khi vai trò của đại biểu Quốc hội được tăng cường cũng có nghĩa là quyền lực của Nhân dân cũng được nâng cao. Điều đó càng làm cho đất nước trở nên dân chủ.
Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp là điều không thể thiếu trong thời đại hiện nay. Điều đó giúp vai trò của Quốc hội ngày càng được củng cố và dân chủ ngày càng mở rộng.
Lập luận 3: Khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong giải quyết các công việc của Quốc hội, đồng thời làm giảm bớt đi những hạn chế, sai xót của đại biểu Quốc hội khi hoạt động chuyên trách và kiêm nghiệm
Cơ sở lập luận:
Từ thực tiễn và nhiệm vụ của Quốc hội (tiếp xúc cử tri; hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; hoạt động nghiên cứu tài liệu; hoạt động trình dự án luật, kiến nghị về luật, xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước).
Phân tích:
Theo như trình bày ở trên, các hoạt động của Quốc hội đa số đều là hoạt động chuyên môn.
Thứ nhất, tiếp xúc cử tri tức là hoạt động có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu tại kỳ họp. Mục đích tiếp xúc cử tri là để thông báo dự kiến chương trình nội dung kỳ họp và những vấn đề cần xin ý kiến cử tri liên quan đến kỳ họp. Như vậy, một đại biểu vừa làm chức vụ, ngành nghề khác thì khối lượng công việc họ quá cồng kềnh, họ quá bận rộn để có thể tiếp xúc cử tri và nếu có đảm bảo thời gian đi chăng nữa thì cũng không đảm bảo được mục đích, tính chất và hiệu quả của việc tiếp xúc cử tri. “Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân ở các địa phương tồn tại rất nhiều hạn chế như: số điểm tiếp xúc còn ít, một số cuộc tiếp xúc cử tri còn hình thức, chưa thu hút sự tham gia và phản ánh của cử tri, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn hạn chế, nhiều giám sát, giải quyết kiến nghị cử tri mới chỉ dừng ở mức đôn đốc, nhắc nhở, chưa đưa ra những biện pháp cụ thể để yêu cầu cơ quan, đơn vị giải quyết đến cùng các sự việc…Tồn tại này được cho là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng, hiệu quả hoạt động của người đại diên dân chủ”. (trích “Góc nhìn đại biểu: Cần tạo bước đột phá trong tiếp xúc cử tri” – Báo Quốc hội ban hành 26/09/2019). Vậy đại biểu Quốc hội cần hoạt động chuyên nghiệp để có thể lắng nghe tốt hơn những tâm tư, nguyện vọng Nhân dân, thực hiện tốt vai trò của một người đại diện, đạt được hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri.
Thứ hai, hoạt động giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Khiếu nại, tố cáo là những thắc mắc của công dân, tổ chức khi lợi ích của họ bị xâm phạm bởi một tổ chức hay một cá nhân khác. Khi đó đại biểu Quốc hội cần phải trình cơ quan có thẩm quyền và giám sát quá trình giải quyết của cơ quan đó. Tuy nhiên, để xác định được vụ việc đó sẽ do cơ chức năng nào có thẩm quyền giải quyết lại là một chuyện khác. Đại biểu Quốc hội phải có đủ kiến thức chuyên môn và hiểu biết nhất định mới yêu cầu đúng cơ quan để giải quyết kịp thời cho nhân dân. Khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm sẽ không đủ thời gian cũng như hiểu biết sâu rộng các mặt của vấn đề để có thể trả lời, giải quyết những bức xúc, thắc mắc cuả nhân dân trong cả nước, vì vậy sẽ dẫn đến nhiều hạn chế trong việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân như: một số đơn Quốc hội đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn đến các đại biểu quốc hội còn chậm nên không có thông tin để giải thích cho công dân, công dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn khiếu nại , tố cáo gay gắt đến nhiều cơ quan . Trong xử lý tập thể , cán bộ, công chức có vi phạm còn có hiện tượng nể nang , ngại va chạm, vẫn chủ yếu là kiểm điểm, nhắc nhở, việc sử dụng , cập nhật hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại , tố cáo ở các tỉnh còn rất nhiều hạn chế, việc cập nhật có nơi còn chưa kịp thời… Vì vậy, khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp họ sẽ giải quyết một cách chặt chẽ những mong muốn, yêu cầu của nhân dân một cách thỏa đáng nhất.
Thứ ba, hoạt động chất vấn. Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu. với hoạt động chất vấn, trong nhiều năm qua, hoạt động chất vấn đã có nhiều đổi mới, tiến bộ những bên cạnh những mặt tích cực còn tồn tại nhiều hạn chế như:
“Hoạt động chất vấn chỉ thường tập trung ở một số đại biểu trong khi có những đại biểu rất ít khi thậm chí là chưa bao giờ thực hiện một lần nào quyền chất vấn của mình, nhiều đại biểu mang tâm lí nể nang né tránh những vấn đề gai góc, chưa đi đến tận cùng việc tiếp xúc cử tri” (trích Báo Thế giới Luật). Đơn cử như kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII có đến 202 đại biểu không có chính kiến trong việc chọn cho các phiên chất vấn trực tiếp.
Cũng trong kì họp Quốc hội khóa XIII, tại những phiên họp chất vấn, số lượng đại biểu vắng lên tới 50 người
Kĩ năng đặt câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, nhất là những đại biểu kiêm nhiệm còn hạn chế. Cách trình bày nội dung câu hỏi chất vấn vẫn còn mắc nhiều lỗi. Ví dụ như câu hỏi của Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên): “Qua theo dõi công tác thi hành án dân sự trong những năm gần đây cho thấy số lượng của các bản án quyết định có nội dung tuyên không rõ ràng còn nhiều và điều này đã tác động đến tiến độ công tác thi hành án dân sự cũng như ảnh hưởng đến quy định và lợi ích hợp pháp của người dân. Xin hỏi Viện trưởng, với trách nhiệm thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự, Viện trưởng cho biết tại sao tình trạng trên lại tồn tại như thế và giải pháp để khắc phục việc có những bản án quyết định có nội dung tuyên không rõ ràng trong thời gian sắp tới. Tôi xin cảm ơn Viện trưởng?”. Những câu hỏi dài dòng như trên có nguy cơ khiến người trả lời chất vấn lúng túng khi không nắm được chính xác ý muốn hỏi của đại biểu, dẫn đến việc trả lời lệch hướng, không trọng tâm, không đáp ứng đầy đủ thắc mắc của cử tri.
Bên cạnh hoạt động chất vấn, giám sát tối cao là việc Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, Luật, nghị quyết của Quốc hội và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. trên thực tế, hoạt động giám sát của các cơ quan đơn cử các cấp vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn. Về khách quan, giám sát là một lĩnh vực khó, phạm vi quá rộng, nhiều vẫn đề còn chung chung, thiếu tính khả thi,… Tuy nhiên, xét về tính chủ quan, các đại biểu Quốc hội còn có tâm lý ngại khó, ít quan tâm đến hoạt động giám sát. Tình trạng này xuất hiện có thể là do các đại biểu Quốc hội thiếu kiến thức, thiếu trách nhiệm hay do họ phải đảm nhận quá nhiều công việc, trọng trách nên chưa thể làm việc có hiệu quả trong hoạt động giám sát?
Từ những thắc mắc trên, có thể khẳng định việc quy định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp là hết sức cần thiết lúc này. Có như vậy, Quốc hội mới có thể khắc phục những hạn chế, yếu kém làm cho hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng cao, củng cố vững chắc bộ máy nhà nước.
Thứ tư, Hoạt động trình dự án luật, kiến nghị về luật xem xét thông qua dự án luật. theo như chúng ta đã biết quốc hội có chức năng lập hiến, lập pháp, đó là hai chức năng quan trọng của pháp luật. Khi hoạt động chuyên nghiệp, Đại biểu sẽ dồn hết thời gian và công sức của mình để thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, sẽ đưa ra được những bản Hiến pháp, Pháp luật phù hợp với yêu cầu của thực tế, dễ dàng đi vào hoạt động, hạn chế bớt những rủi ro trong việc thi hành pháp luật. Bởi khi đại biểu quốc hội quốc hội hoạt động chuyên nghiệp họ sẽ có đủ thời gian để nghiên cứu thực trạng của xã hội Việt Nam hiện nay, hiểu được những mong muốn nguyện vọng của người dân để từ đó ban hành pháp luật một cách sát nhất có thể. Hơn thế nữa đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm để đã để lại không ít hạn chế trong thực hiện lập hiến, lập pháp như: “Hiến pháp chưa có áp dụng trực tiếp, đặc biệt là trong các trường hợp mà quy phạm của hiến pháp không rõ ràng, khó xác định những nội dung nào được Hiến pháp bảo vệ, những nội dung nào do các văn bản quy phạm pháp luật khác bảo vệ. Việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Việc chuẩn bị m ít quy định của luật còn nặng nề về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào đời sống, chưa phát huy được đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quân hệ kinh tế – xã hội,…” (trích trong: “Lập hiến, lập pháp luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội”- Báo Pháp luật ban hành ngày 23/3/2016). Chính vì vậy, khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp sẽ khắc phục những hạn chế của hoạt động chuyên trách và kiêm nghiệm trong nhiệm vụ lập hiến và lập pháp.
Có thể nói rằng, những nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cần phải thực hiện đều là các nhiệm vụ cực kì quan trọng, đòi hỏi đại biểu phải liên tục thực hiện để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân cũng như của Quốc hội. Thế nhưng ta được biết rằng, mỗi nhiệm kì của đại biểu Quốc hội chỉ kéo dài năm năm, ví dụ như: khi danh sách đại biểu Quốc hội khoá XIV được công bố, có chưa tới 1/3 là đại biểu tái cử và còn lại là số đại biểu mới tham gia Quốc hội. “ Khi trả lời báo chí và cuối nhiệm kì, không ít đại biểu Quốc hội khẳng định rằng trong lần đầu trúng cử họ mất đến hai năm để làm quen với công việc Quốc hội, sau đó mới thật sự thể hiện được vai trò của một người đại biểu Quốc hội” ( trích “Quốc hội trên đường đến lập pháp chuyên nghiệp” – Báo Tuổi trẻ viết ngày 10/7/2016 ). Vậy trong quãng thời gian đó các công việc của Quốc hội giao cho, đại biểu Quốc hội chuyên trách và kiêm nhiệm liệu có thể hoàn thành tốt hay không? Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp thì sẽ không tốn thời gian để làm quen các công việc bởi các công việc đó họ đã nghiên cứu, đã theo đuổi một thời gian dài, họ có kĩ năng có kinh nghiệm để bắt nhịp với tiến độ hoạt động của cơ quan này. Không chỉ vậy, khi hoạt động chuyên nghiệp, nghề nghiệp chính của họ sẽ là đại biểu Quốc hội, lương bổng, phụ cấp để lo toan cho cuộc sống sẽ xuất phát từ chính công việc này, hiệu quả công việc sẽ quyết định tối đa đối với cuộc sống của họ, vì vậy họ sẽ đặt toàn tâm toàn ý với mỗi nhiệm vụ được giao cho.
Lập luận 4: Trong Quốc hội hiện nay, việc đại biểu Quốc hội cùng lúc sắm “hai vai”, vừa là người nắm các chức vụ khác ngoài đại biểu Quốc hội, vừa là đại biểu Quốc hội đã cho thấy bất cập không chỉ về chất lượng nhân sự mà còn dễ dẫn tới khả năng lồng ghép lợi ích cá nhân vào quá trình làm luật. Cho nên, cách tốt nhất là bỏ hẳn tình trạng “hai vai”, đã là đại biểu Quốc hội thì không làm việc trong các cơ quan hành pháp và tư pháp khác, từ đó xây dựng một đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp.
Cơ sở lập luận:
Dựa trên những dẫn chứng cụ thể về sự thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc tắc trách, vi phạm Hiến pháp của một số đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những đại biểu kiêm nhiệm.
Phân tích lập luận:
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ 20/5 đến 14/6) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Kỳ họp vừa qua đại biểu vắng mặt rất nhiều. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, thậm chí có ngày vắng tới 100 đại biểu.”
Cũng trong kì họp này, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến: “Có những phiên biểu quyết, tổng số gần 500 đại biểu nhưng chỉ thu về được hơn 300 ý kiến biểu quyết”. Như vậy, việc gần 200 Đại biểu Quốc hội không tham gia biểu quyết là vi phạm khoản 1 điều 26 Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.”, cho thấy những bất cập về chất lượng nhân sự của Quốc hội khi phải kiêm nhiêm quá nhiều công việc.
Hơn hết đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm trung thực, gương mẫu với nhân dân. Tuy nhiên không ít các Đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm khi cùng lúc nắm giữ nhiều chức vụ, có nhiều quyền lợi đã lạm dụng quyền lực, lồng ghép lợi ích cá nhân như: Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, hay vụ việc nữ Đại biểu tỉnh Kiên Giang lợi dụng chức vụ trong Quốc hội để “chạy” trường cho con,…
Tựu chung lại, nếu bỏ hẳn tình trạng “hai vai”, vừa có thể giảm bớt tình trạng lạm quyền, vừa có thể khắc phục những hạn chế không đáng có về mặt nhân sự trong Quốc hội. Từ đó, Đại biểu Quốc hội mới có thể an tâm làm việc, nâng cao chất lượng công việc trong tất cả các hoạt động: lập pháp, chất vấn, giám sát, tiếp xúc cử tri,…
Có thể nói rằng, hiện nay bất kì một ngành nghề nào, một công việc nào trong xã hội đều được hướng đến sự chuyên nghiệp, kể cả những nhân viên trong một cửa hàng đồ ăn nhanh hay trong một rạp chiếu phim nào đó,… xã hội phát triển đi kèm với nhiều thuận lợi nhưng cũng theo đó là đối mặt với môn ngàn sự cạnh tranh và thách thức, nếu chúng ta cứ giữ mãi một bộ máy “bán chuyên nghiệp”, “thiếu chuyên nghiệp” như vậy rất có thể sẽ cho công việc trì trệ, đất nước tụt lùi hơn so với thế giới. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội thật sự nên được quy định trở thành những người hoạt động chuyên nghiệp (nghề làm đại diện) ở Việt Nam để có thể đạt được những thành tựu lớn trong tương lai.
Tài liệu được chia sẻ bởi Nhóm 5 – Lớp 4419A – Trường Đại học luật Hà Nội
Để lại một phản hồi