Chủ thể, đối tượng, nội dung và hình thức phản biện xã hội

Chuyên mụcLý luận nhà nước và pháp luật, Thảo luận pháp luật Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay

Các yếu tố cấu thành phản biện xã hội gồm: Chủ thể phản biện xã hội, đối tượng phản biện xã hội, nội dung phản biện xã hội và hình thức phản biện xã hội.

 

Những nội dung liên quan:

 

Các yếu tố cấu thành phản biện xã hội

  1. Chủ thể phản biện xã hội
  2. Đối tượng phản biện xã hội
  3. Nội dung phản biện xã hội
  4. Hình thức phản biện xã hội

Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay

1. Chủ thể phản biện xã hội

Chủ thể phản biện xã hội rất đa dạng. Nếu nói tổng quát thì chủ thể phản biện xã hội là toàn bộ xã hội nói chung từ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, nhân dân với tính cách là một cộng đồng, hoặc một cá nhân, là chuyên gia, nhà chuyên môn, nhà khoa học đến báo chí v.v.. 

Nếu hiểu phản biện xã hội là một trong các hoạt động thể hiện quyền tự do ngôn luận của con người, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân thì chủ thể phản biện xã hội trước hết chính là cá nhân, là công dân, hay bất cứ một thành viên nào trong xã hội. Chủ thể phản biện xã hội có thể là người dân bình thường, hay là chuyên gia, nhà khoa học – những người có trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn nhất định, có quan tâm đến nội dung cũng như tác động của các chính sách khi được ban hành. Họ tham gia phản biện do xuất phát từ ý thức về trách nhiệm cũng như mong muốn đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Dĩ nhiên, chủ thể phản biện xã hội phải có tính độc lập và không thuộc “lực lượng Nhà nước” – được xem là chủ thể chịu sự phản biện xã hội. Chủ thể phản biện xã hội phải có tiếng nói độc lập trong quan hệ với chủ thể chịu sự phản biện, để phản biện không rơi vào trạng thái “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây là điều kiện cần để phản biện xã hội bảo đảm tính khách quan và đa diện nhất.

Bên cạnh cá nhân công dân, tổ chức với tư cách là đại diện quyền lợi cho các cá nhân, nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội cũng được xem là một chủ thể của phản biện xã hội. Ở các quốc gia, tổ chức xã hội là một thiết chế xã hội quan trọng đóng vai trò bổ sung cho vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội. Tổ chức xã hội tồn tại bên cạnh Nhà nước và luôn có sự độc lập tương đối của nó. Hoạt động phản biện xã hội của tổ chức xã hội được xem là một nhu cầu tự nhiên của các nhớm lợi ích trong xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, các tổ chức xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và cũng có những nét đặc thù nhất định. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, tổ chức xã hội ở Việt Nam sẽ bao gồm: tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội. Các tổ chức này có thể có nhiều tên gọi khác nhau như hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội… Đặc biệt, không thể không nhắc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – một tổ chức chính trị – xã hội có tính chất rộng rãi và bao trùm lên hoạt động của các tổ chức xã hội khác.

Nằm trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác ra đời từ yêu cầu thực hiện chủ trương của Đảng đoàn kết, tập hợp lực lượng đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi giành được chính quyền, các tổ chức này trở thành thành tố của hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội, nằm trong hệ thống chính trị, tham gia hình thành nên quyền lực chính trị, vì vậy rất khó có vị thế khách quan trong việc thực hiện phản biện xã hội[1]. Tuy nhiên, với đặc thù của xã hội Việt Nam, khi nói đến các thiết chế xã hội thì cần thấy rõ vai trò tích cực của tổ chức này trong tiến trình lịch sử và tiếp tục có vai trò tích cực trong đời sống đương đại. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, với tính chất của một tổ chức quần chúng rộng rãi, có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, có hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống cơ sở thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là tổ chức có nhiều lợi thế để thực hiện phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, báo chí – truyền thông cũng có thể được xem là một chủ thể có đủ điều kiện và đủ khả năng để thực hiện phản biện xã hội nhờ quyền tự do tìm kiếm thông tin và phản ánh hiện thực đời sống xã hội. C. Mác đã nhận xét về vai trò phản biện của báo chí: “Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đều biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó một cách gay gắt, hăng say, phiến diện như những tình cảm và tư tưởng bị xúc động thầm bảo nó vào lúc đó”[2]. Học giả Nguyễn Trần Bạt cũng nhận xét: “Phản biện xã hội là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận cho nên nó cần có sự tham gia của hai lực lượng, lực lượng thứ nhất là để nói một cách chuyên nghiệp và lực lượng thứ hai là để nghĩ một cách chuyên nghiệp. Trước khi nói phải nghĩ, nghĩ chuyên nghiệp là giới trí thức và nói chuyên nghiệp là giới báo chí”[3]. Người dân, do các điều kiện khách quan và sự giới hạn thông tin mà không phải lúc nào cũng có thể quan sát và phản biện được các công việc của Nhà nước. Chính vì vậy, báo chí còn là kênh để kết nối thông tin giúp người dân khắc phục những rào cản đó. Báo chí vừa được xem là chủ thể phản biện vừa là phương tiện có thể chuyển tải những thông tin phản hồi từ xã hội đến cơ quan nhà nước để có thể ban hành và điều hành chính sách phù hợp hơn.

2. Đối tượng phản biện xã hội

Phản biện xã hội thường hướng tới một công đoạn cụ thể trong toàn bộ quy trình hoạt động của các thiết chế quyền lực và nhằm vào sản phẩm của hoạt động đó. Chính vì vậy, đối tượng phản biện xã hội là các chính sách do cơ quan công quyền đề xuất ban hành trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh, quốc phòng… Như đã đề cập ở trên, phản biện chính sách chính là việc nhận diện, tìm ra điểm đúng, sai, bất hợp lý của chính sách được đưa ra để giải quyết vấn đề phát sinh, từ đó có thể kiến nghị điều chỉnh hay thậm chí là hủy bỏ chính sách đó, đề xuất chính sách mới, phù hợp hơn để giải quyết vấn đề.

Vấn đề được đặt ra là phản biện xã hội chỉ thực hiện đối với các chính sách trước khi được ban hành (cụ thể ở đây là các dự án, dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, đề án…) hay là cả những chính sách đã được thông qua và đang tổ chức thực hiện?

Có thể thấy rằng, ở mỗi giai đoạn hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách thì vai trò của phản biện xã hội lại thể hiện khác nhau. Ở khâu hoạch định chính sách thì phản biện xã hội được tiến hành đối với cả hình thức lẫn nội dung chính sách, trong đó trọng tâm là nội dung của chính sách. Lúc này, phản biện xã hội sẽ đóng vai trò nâng cao chất lượng của chính sách khi nó được ban hành. Còn đối với quá trình tổ chức thực thi chính sách, phản biện xã hội chủ yếu phát hiện những độ “vênh”, “khoảng trống” của chính sách khi tác động vào thực tế mà ở khâu hoạch định chưa dự liệu được. Vì vậy, sau quá trình theo dõi, giám sát việc thực thi chính sách, từ những thông tin, số liệu thu thập được, chủ thể phản biện xã hội có thể phân tích, đánh giá, đưa ra những lập luận, kiến nghị để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thậm chí thay thế bằng chính sách mới. Do đó, phản biện xã hội trong khâu thực thi chính sách cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật.

3. Nội dung phản biện xã hội

Nói nội dung phản biện là nói tới các vấn đề được đề cập trong các văn bản, dự án thuộc đối tượng phản biện nêu trên có liên quan đến lợi ích chung của xã hội và tính hiệu quả, khả thi, đồng thuận của đề án, dự án đó. Không phải mọi nội dung của đối tượng phản biện cần phải phản biện xã hội.

Dưới góc độ lợi ích xã hội, nội dung phản biện xã hội là các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các vấn đề quốc kế, dân sinh phát triển kinh tế, xã hội, đến quyền và lợi ích của công dân, đến tổ chức bộ máy và cán bộ v.v..

Dưới góc độ đánh giá tính hiệu quả, tính khả thi, tính đồng thuận của đường lối, chính sách, đề án, dự án thì nội dung phản biện xã hội sẽ được chỉ ra cụ thể chi tiết trong từng bối cảnh.

Phản biện xã hội là nhắm tới việc đánh giá các nội dung của chính sách. Để đánh giá được một chính sách, chủ thể phản biện xã hội trước hết cần phải xem xét nội dung chính sách từ nhiều góc độ khác nhau để xác định vấn đề cần giải quyết của chính sách đó là gì, xác định giải pháp giải quyết vấn đề có phù hợp với mục tiêu đề ra hay không và hiệu quả tác động (tiêu cực/tích cực) tới toàn xã hội hay từng nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội như thế nào… Nội dung phản biện xã hội cần hướng tới chính là đưa ra nhận xét, đánh giá về sự cần thiết ban hành chính sách (nếu đó là chính sách chưa được ban hành), tính hợp pháp, tính khả thi, tính dự báo… của chính sách (dù chưa hoặc đã được ban hành) và đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể nếu không đồng tình với chính sách đã được đề xuất. Dĩ nhiên, mọi luồng ý kiến, dù ủng hộ hay phản bác, đều phải được lập luận và phải có tính thuyết phục.

Trên thực tế, một chính sách khi được ban hành sẽ có tác động lớn đến xã hội với nhiều mức độ khác nhau. Nếu nó không được tính toán kỹ càng sẽ có thể có tác động tiêu cực đến xã hội và kìm hãm sự phát triển của đất nước, lãng phí về thời gian, tiền bạc của Nhà nước và xã hội. Về cơ bản, sự cần thiết ban hành một chính sách phải dựa trên các căn cứ như: cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, yêu cầu của quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và hội nhập quốc tế…

Đánh giá về tính hợp pháp của chính sách trước hết là đánh giá sự phù hợp của chính sách với các quy định của pháp luật hiện hành (bao gồm cả Hiến pháp), sự phù hợp với thể chế chính trị, các nguyên tắc của nền dân chủ, nguyên tắc pháp quyền. Việc bảo đảm tính hợp pháp của chính sách chính là một trong những cơ sở bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Bên cạnh việc đánh giá tính hợp pháp, đánh giá tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách cũng được xem là một nội dung cần ưu tiên của phản biện xã hội. Một chính sách có tính khả thi là một chính sách có khả năng thực hiện trên thực tế. Nói cách khác, chính sách đó có khả năng đi vào cuộc sống mà không chỉ dừng lại trên lý thuyết. Để đánh giá tính khả thi của chính sách cần phải dựa vào các tiêu chí cụ thể như: điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước; trình độ phát triển về dân trí, nguồn lực con người, tài chính, trình độ quản lý; cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách… Chủ thể phản biện xã hội luôn phải đứng ở góc nhìn của xã hội, của những nhóm đối tượng thiệt thòi, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân với tâm thế khách quan thì mới có thể dễ dàng để phát hiện được mặt hạn chế, tính không hợp lý của  chính sách (điều mà có thể bản thân người ban hành chính sách cũng có thể nhận ra, nhưng cố tình bị che lấp bởi tư duy áp đặt chủ quan hoặc vấn đề lợi ích nhóm). Ngoài ra, khi phản biện chính sách, chủ thể phản biện xã hội cũng cần quan tâm đến tính dự báo của chính sách. Đây chính là một trong những điều kiện để chính sách khi ban hành có thể đảm bảo được tính ổn định của chính sách.

Thông qua các hoạt động thực tiễn của trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó phát hiện những đường lối, chính sách, pháp luật có được thực thi không, pháp luật có phù hợp với thực tiễn không. Trên cơ sở đó mà đề nghị với Đảng và Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội.

4. Hình thức phản biện xã hội

Trong hoạt động phản biện xã hội, tùy thuộc vào chủ thể và đối tượng phản biện xã hội mà sẽ có những hình thức phản biện phù hợp. Nếu chủ thể phản biện là cá nhân, phản biện xã hội có thể được thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Hình thức trực tiếp chính là việc phát biểu ý kiến phản biện có thể thông qua các buổi hội nghị được tổ chức chính thức để lấy ý kiến, các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử hoặc trực tiếp đăng tải công khai ý kiến thông qua diễn đàn báo chí, truyền thông, trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng, mạng xã hội. Cá nhân cũng có thể sử dụng hình thức phản biện gián tiếp thông qua các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp mà mình tham gia là thành viên hoặc thông qua đại biểu dân cử.

Nếu chủ thể phản biện xã hội là tổ chức, hình thức phản biện xã hội phong phú và đa dạng hơn. Bên cạnh các hình thức phản biện gián tiếp, chủ thể này có thể thực hiện phản biện xã hội trực tiếp thông qua việc tự mình tổ chức các buổi hội nghị đóng góp ý kiến, nghiên cứu văn bản độc lập và gửi trực tiếp văn bản đóng góp ý kiến đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền hoặc tham gia các diễn đàn đối thoại với các chủ thể có văn bản được phản biện.

Như đã nêu trên, báo chí – truyền thông vừa là chủ thể thực hiện phản biện xã hội nhưng cũng được xem như là một phương tiện để chuyển tải các ý kiến phản biện xã hội. Thực tế cho thấy, xã hội càng phát triển, báo chí càng được phát huy quyền dân chủ cởi mở, thông thoáng, rộng rãi, phát huy càng hiệu quả hoạt động phản biện xã hội. Tổ chức báo chí – truyền thông có thể dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc mở các diễn đàn tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến cho chính sách, pháp luật của Nhà nước và đăng tải ý kiến một cách công khai. Đây có thể xem là một hình thức phản biện dễ thu hút và hiệu quả vì tính công khai, minh bạch, đại chúng, dễ tìm kiếm nhưng vẫn tập trung và có tính khoa học.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì có thể có những hình thức sau:

1. Tổ chức cuộc họp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực; Ban Chấp hành, Ban thường vụ các tổ chức chính trị – xã hội;

2. Tổ chức các hội nghị chuyên đề của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn; các hoạt động chuyên môn có liên quan của các tổ chức thành viên;

3. Tổ chức để cơ quan, tổ chức được phản biện xã hội đối thoại trực tiếp với cơ quan, tổ chức phản biện xã hội khi cần thiết;

4. Tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cấp dưới.

5. Tổ chức để nhân dân góp ý kiến phản biện xã hội vào các dự thảo của cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước.

THS. Lê Thị Thiều Hoa, Trưởng ban, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Bùi Xuân Đức, PGS,TS. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


[1] Xem: Nguyễn Trần Bạt (2014), Phản biện xã hội, https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan_bien_xa_hoi.html, ngày 12/7/2014.

[2] Xem: C. Mác – Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,  tr.237.

[3] Xem: Nguyễn Trần Bạt, Phản biện xã hội, tlđd.

5/5 - (1 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền