Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật đất đai

Chuyên mụcLuật đất đai Đất đai

Cũng giống như quan hệ pháp luật của các ngành luật khác. Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật đất đai bao gồm: Chủ thể, khách thể và nội dung. Cụ thể:

 

Những nội dung liên quan:

 

Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật đất đai

Mục lục:

  1. Chủ thể quan hệ pháp luật đất đai
  2. Khách thể của quan hệ pháp luật đất đai
  3. Nội dung của quan hệ của pháp luật đất đai

Luật Đất đai

1. Chủ thể quan hệ pháp luật đất đai

Khi đề cập tới vấn đề chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai tức là cần nói tới ai là chủ thể và với điều kiện nào, trên cơ sở pháp lý nào thì các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Các dấu hiệu cơ bản nhất để nhận biết một chủ thể là:

1.1. Có sự tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật đất đai

Để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật đất đai, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải được Nhà nước quyết định giao đất hoặc cho thuê đất. Các văn bản đó là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mối quan hệ hợp pháp trong sử dụng đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất.

1.2. Có năng lực pháp lý đất đai

Năng lực pháp lý đất đai là khả năng của các chủ thể được hưởng quyền và làm nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ pháp luật đất đai.

a) Đối với tổ chức

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất để sử dụng thì năng lực pháp lý của họ xuất hiện cùng lúc với quyết định thành lập cơ quan, tổ chức đó. Việc quy định năng lực pháp lý phải phù hợp với mục đích, nhiệm vụ và chức năng của cơ quan, tổ chức đó. Nhà nước quy định cụ thể trong từng trường hơp năng lực pháp lý đất đai của tổ chức khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

Theo chế độ pháp lý hiện hành thì năng lực pháp lý của tổ chức không chỉ thể hiện việc họ có quyền sử dụng đất đai trực tiếp, mà còn được phép giao một phần đất cho người thứ hai sử dụng. Quyền sử dụng thứ hai là quyền giao cho hộ gia đình, cá nhân là thành viên của tổ chức để sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của họ.

b) Đối với hộ gia đình và cá nhân

Trên thực tế, năng lực pháp lý của công dân xuất hiện khi Nhà nước cho phép họ sử  dụng đất và người sử dụng chấp hành đúng pháp luật và làm nghĩa vụ đầy đủ đối với Nhà nước.

Năng lực pháp lý đất đai không phụ thuộc vào lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, nó xuất hiện từ lúc khai sinh cho đến khi chết.

1.3. Năng lực hành vi đất đai

Năng lực hành vi đất đai là khả năng của một chủ thể có thể bằng hành vi của mình tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai, có quyền và nghĩa vụ nhất định.

Năng lực hành vi đất đai không giống như năng lực hành vi dân sự, bởi vì trong Luật Đất đai không quy định cũng không chia thành năng lực hành vi đầy đủ và năng lực hành vi không đầy đủ.

1.4. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý

Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân công dân tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật đất đai, có ý chí độc lập, có quyền và nghĩa vụ nhất định.

Các chủ thể bao gồm:

– Tổ chức trong nước: Các cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh tế, các tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân,…

– Hộ gia đình, cá nhân trong nước.

– Cộng đồng dân cư sinh sống trên cùng địa bàn hoặc có chung dòng họ.

– Cơ sở tôn giáo.

– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư, hoạt động văn hóa, khoa học thường xuyên hoặc về sống ổn định tại Việt Nam.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư.

2. Khách thể của quan hệ pháp luật đất đai

2.1. Định nghĩa

Khách thể của quan hệ pháp luật đất đai là toàn bộ vốn đất đai của quốc gia, là vùng đất, khoảnh đất cụ thể mà qua đó thiết lập một chế độ pháp lý nhất định.

2.2. Phân loại chế độ pháp lý

Trên cơ sở phân loại các loại đất được quy định tại Điều 13 Luật Đất đai, có thể thiết lập chế độ pháp lý các loại đất như sau:

– Nhóm đất nông nghiệp là khách thể của chế độ pháp lý đất nông nghiệp.

– Nhóm đất phi nông nghiệp là khách thể của chế độ pháp lý đất phi nông nghiệp.

– Đất chưa sử dụng là khách thể của chế độ pháp lý đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

3. Nội dung của quan hệ của pháp luật đất đai

3.1. Quyền và nghĩa vụ của Nhà nước

a) Quyền của Nhà nước

Nhà nước là chủ sở hữu toàn bộ đất đi trong cả nước, là người quyết định tối cao trong công tác quản lý và sử dụng đất. Vì vậy, Nhà nước có nhiều quyền đặc trưng của chủ sở hữu, bao gồm:

– Quyền chiếm hữu đất đai: Là quyền giữ và kiểm soát đất đai theo ý chí của Nhà nước.

– Quyền sử dụng đất đai: Là quyền khai thác lợi ích vật chất của đất đai, cho phép Nhà nước thu lợi phát sinh từ đất đai.

– Quyền định đoạt đất đai: Là quyền quyết định số phận pháp lý của đất đai.

– Quyền quản lý đất đai: Là quyền định ra các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đất đai phù hợp với cơ chế thị trường.

Luật đất đai

b) Nghĩa vụ của Nhà nước

Điều 22 Luật Đất đai 2013 xác định 15 nội dung trong quản lý đất đai của Nhà nước và cũng chính và nghĩa vụ mà Nhà nước cần phải thực hiện. Cụ thể Nhà nước phải:

– Nắm chắc toàn bộ quỹ đất quốc gia thông qua các kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan quản lý đất đai thực hiện là: Khảo sát, đo đạc, đánh giá đất đai, đăng ký sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…

– Xác lập, xây dựng quy hoạch, kế hoạch để phân phối một cách hợp lý quỹ đất đai thống nhất vì lợi ích Nhà nước và lợi ích xã hội.

– Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

– Thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng đất đai, bảo hộ quyền lợi chính đàng của người sử dụng đất, giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn trong quan hệ đất đai.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

a) Quyền của người sử dụng đất

– Các quyền chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 105 Luật Đất đai.

– Bên cạnh những quyền chung đó, người sử dụng đất còn được quyền lựa chọn các hình thức sử dụng đất mà mình mong muốn như: hình thức được giao đất hoặc thuê đất.

– Ngoài ra, khi trở thành chủ sử dụng đất người sử dụng đất còn được quyền giao dịch quyền sử dụng đất như:

+ Chuyển đổi quyền sử dụng đất.

+ Chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

+ Cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.

+ Tặng cho quyền sử dụng đất.

+ Thừa kế quyền sử dụng đất.

+ Thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất.

+ Góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

b) Nghĩa vụ của người sử dụng đất

Người sử dụng đất khi sử dụng đất phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một chủ sử dụng đất như:

– Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật;

– Đăng ký quyền sử dụng đất, làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bão lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

– Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

– Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan;

– Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất;

– Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất hoặc khi hết thời hạn sử dụng đất.

5/5 - (18224 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền