Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay

Chuyên mụcLý luận nhà nước và pháp luật, Thảo luận pháp luật Luật

Nguồn của pháp luật là gì?

Nguồn của pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế[1].

 

Những nội dung liên quan:

 

Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay

Nguồn của pháp luật bao gồm: nguồn nội dung và nguồn hình thức; nguồn chủ yếu (nguồn cơ bản) và nguồn thứ yếu, tùy vào căn cứ phân biệt. Khi xem xét về nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay, cần phải quan tâm cả nguồn nội dung và nguồn hình thức của nó, trong đó, “nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, là căn nguyên của pháp luật bởi vì nó được các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật”[2]; “nguồn hình thức của pháp luật được hiểu là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật, tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế”[3]. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối.

Hệ thống pháp luật

Một số nguồn nội dung của pháp luật Việt Nam

– Đường lối, chính sách của Đảng

Đường lối, chính sách của Đảng được coi là nguồn nội dung của pháp luật bởi vì chúng định ra mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong một giai đoạn nhất định cũng như những phương pháp, cách thức cơ bản để thực hiện những mục tiêu, phương hướng này. Và những mục tiêu, phương hướng, phương pháp và cách thức đó sẽ được Nhà nước thể chế hoá thành pháp luật và tổ chức thực hiện trong thực tế. Nội dung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), từ Hiến pháp, luật cho đến các văn bản dưới luật đều phải phù hợp, không được trái với đường lối, chính sách của Đảng. Về mặt lý luận, đường lối, chính sách của Đảng chỉ có thể là nguồn nội dung mà không thể là nguồn hình thức của pháp luật; song, trong thực tế có lúc nó cũng được coi là nguồn hình thức của pháp luật như việc áp dụng thẳng Nghị quyết 10 và Chỉ thị 100 của Đảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở một số địa phương trước đây. Nói chung, việc áp dụng thẳng đường lối, chính sách của Đảng vào các lĩnh vực của xã hội là một hạn chế cần khắc phục, vì về mặt nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng chỉ có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện nghiêm chỉnh đối với các đảng viên và các tổ chức đảng. Và dĩ nhiên, đường lối, chính sách đó chỉ có thể có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với toàn xã hội khi nó được Nhà nước thể chế hoá thành pháp luật.

– Nhu cầu quản lý kinh tế – xã hội của đất nước

Đây cũng là một trong những nguồn nội dung quan trọng của pháp luật, một trong những cơ sở để xây dựng, ban hành pháp luật. Để tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật cụ thể nhằm xây dựng đồng bộ các loại thị trường (thị trường lao động, thị trường hàng hoá, thị trường bất động sản, thị trường tài chính…); cụ thể hoá các chính sách tài chính, thuế, tiền tệ, giá cả, đầu tư, thu nhập…; sắp xếp, cơ cấu lại các ngành kinh tế, điều chỉnh các quan hệ kinh tế theo chiều hướng mà Nhà nước mong muốn, chiều hướng vừa thúc đẩy sự tăng trưởng, vừa bảo đảm sự cân đối và ổn định của nền kinh tế – xã hội.

– Các tư tưởng, học thuyết pháp lý

Các tư tưởng, học thuyết pháp lý cũng có thể trở thành nguồn nội dung của pháp luật. Chẳng hạn, theo Điều 2 của Hiến pháp hiện hành của nước ta thì, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Quy định này của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở sự kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; tư tưởng chủ quyền nhân dân; tư tưởng nhà nước pháp quyền và tiếp nhận các yếu tố hợp lý của học thuyết phân chia quyền lực nhà nước.

Các loại nguồn hỗn hợp

Bên cạnh các nguồn nội dung kể trên, còn có các nguồn vừa là nguồn nội dung, vừa là nguồn hình thức của pháp luật. Đó là các nguồn cơ bản sau:

– Các nguyên tắc chung của pháp luật

Đây là những nguyên lý, những tư tưởng cơ bản làm cơ sở cho toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật trong thực tế. Có những nguyên tắc chỉ là nguồn nội dung của pháp luật. Chẳng hạn, theo Điều 8 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì, “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự …”. Quy định này xuất phát từ một nguyên tắc chung của pháp luật là không ai bị coi là có tội nếu tội đó không được quy định trong luật hình. Hoặc quy định của Điều 130 của Hiến pháp năm 1992 rằng, “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của toà án.

Song, có những nguyên tắc vừa là nguồn nội dung, vừa là nguồn hình thức của pháp luật. Ví dụ, nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc này được coi là nguồn nội dung của pháp luật vì các quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực được ban hành ra nhằm thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước phục vụ cho sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi cá nhân, bảo đảm công bằng xã hội, xoá đói, giảm nghèo… Với tư cách là nguồn hình thức của pháp luật, nguyên tắc này đòi hỏi khi xác định mức bồi thường thiệt hại xảy ra trong thực tế phải tuỳ từng trường hợp cụ thể của nạn nhân và của người gây thiệt hại, có trường hợp chỉ yêu cầu bồi thường những thiệt hại trực tiếp; song, có trường hợp lại phải yêu cầu bồi thường cả những thiệt hại trực tiếp lẫn những thiệt hại gián tiếp.

– Văn bản quy phạm pháp luật

Đây là loại nguồn hình thức chủ yếu, cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật, bởi lẽ, các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi giải quyết các vụ việc pháp lý thực tế thuộc thẩm quyền của mình đều chủ yếu dựa vào các VBQPPL. VBQPPL là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung được Nhà nước bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn bản luật

VBQPPL ở nước ta bao gồm nhiều loại với giá trị pháp lý cao, thấp khác nhau. Đứng đầu thang bậc giá trị pháp lý trong hệ thống VBQPPL là Hiến pháp, đạo luật gốc, luật cơ bản của Nhà nước. Tiếp đó là các đạo luật và các nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,…

VBQPPL được hình thành do kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật, thể hiện trí tuệ của tập thể nên tính khoa học tương đối cao. Các quy định của nó được trình bày thành văn nên thường rõ ràng, cụ thể, bảo đảm có thể được hiểu và được thực hiện thống nhất ở phạm vi rộng; nhờ vậy, nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế. Hơn nữa, VBQPPL cũng có thể đáp ứng được kịp thời các yêu của cuộc sống nên nó được coi là loại nguồn hình thức cơ bản, chủ yếu và quan trọng nhất của pháp luật nước ta hiện nay. Tuy nhiên, VBQPPL không phải là loại nguồn hình thức duy nhất của pháp luật bởi VBQPPL vẫn có những điểm hạn chế nhất định cần được khắc phục như: các quy định của nó thường mang tính khái quát cao nên nhiều khi không dự kiến được hết các tình huống, điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống để điều chỉnh, vì thế có thể dẫn đến tình trạng thiếu pháp luật hoặc tạo ra những lỗ hổng, khoảng trống trong pháp luật. VBQPPL có tính ổn định tương đối cao nên nhiều khi kém linh hoạt hơn các nguồn khác. Quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL cũng lâu dài và tốn kém hơn một số nguồn khác.

VBQPPL không chỉ là nguồn hình thức mà còn có thể là nguồn nội dung của pháp luật, bởi, nếu xét về nội dung thì các quy định trong các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn lại có thể trở thành nguồn nội dung cho các văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn. Chẳng hạn, các quy định của Hiến pháp là nguồn nội dung của tất cả các VBQPPL khác vì các quy định trong các văn bản ấy được xây dựng, ban hành dựa trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, trong nhiều trường hợp là sự cụ thể hoá, chi tiết hoá nhằm thực hiện Hiến pháp trong thực tế… Hoặc một đạo luật nào đó có thể trở thành nguồn nội dung cho các nghị định hướng dẫn thi hành nó.

– Các điều ước quốc tế

“Theo cách tiếp cận của Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế ký kết giữa các quốc gia và các quy định của luật quốc tế hiện hành thì điều ước quốc tế được xác định là thoả thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể luật quốc tế và được luật quốc tế điều chỉnh, không phụ thuộc vào việc thoả thuận đó được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hay hai hoặc nhiều văn kiện có quan hệ với nhau, cũng như không phụ thuộc vào tên gọi cụ thể của những văn kiện đó”[4]. Nói chung, các điều ước quốc tế do Việt Nam ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập thực tế vừa là nguồn nội dung, vừa là nguồn hình thức của pháp luật nước ta. Nó là nguồn nội dung trong trường hợp các quy định của nó được chuyển hóa thành các quy định trong các VBQPPL. Ví dụ, việc chúng ta gia nhập Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã dẫn đến việc ban hành Luật Bình đẳng giới trong đó có nhiều nội dung là sự cụ thể hóa các quy định của Công ước này. Nhiều quy định của các điều ước quốc tế khác đã được chuyển hóa thành các quy định trong các đạo luật của Việt Nam, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO.

Điều ước quốc tế trở thành nguồn hình thức của pháp luật trong trường hợp nó được áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần vào việc giải quyết các vụ việc xảy ra trong thực tế. Việc áp dụng này đã được thừa nhận trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 của nước ta.

Nói chung, trong lĩnh vực luật quốc tế thì điều ước quốc tế là nguồn cơ bản, chủ yếu và quan trọng nhất. Còn đối với pháp luật quốc gia, vai trò của điều ước quốc tế ngày càng quan trọng và có vị thế ngày càng cao hơn, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Điều đó được thể hiện rõ trong các quy định được nêu trong nhiều VBQPPL hiện hành của nước ta là: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của văn bản này thì tuân theo các quy định của điều ước quốc tế đó”.

– Phong tục tập quán

Có nhiều quan niệm khác nhau về phong tục tập quán, song dưới góc độ coi nó là một dạng quy phạm xã hội thì có thể hiểu phong tục tập quán là những cách ứng xử hay những thói quen ứng xử hoặc những quy tắc xử sự chung được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư nhất định, được bảo đảm thực hiện bằng thói quen, bằng sức thuyết phục của chúng, bằng dư luận xã hội và có thể bằng cả một số biện pháp cưỡng chế phi nhà nước.

Theo Từ điển Black’s Law thì tập quán (custom) là “thực tế mà bằng sự thừa nhận chung và lâu dài đối với nó, thói quen không thay đổi đã trở thành có hiệu lực như pháp luật”[5]. Sau đó, Từ điển này đề cập đến một số loại tập quán như: tập quán thông thường là một tập quán chỉ được thực hiện trực tiếp thông qua sự môi giới của các sự thoả thuận để nó được chấp nhận và được làm theo trong trường hợp cá biệt của cá nhân như là pháp luật thông thường giữa các bên trong những thoả thuận này – cũng còn được gọi là phong tục; tập quán chung có hai nghĩa, một là một tập quán thịnh hành khắp đất nước và tạo nên một trong các nguồn của pháp luật của đất nước, hai là một tập quán mà được công nhận và tuân theo trong thương mại; tập quán pháp luật là tập quán được thực hiện như là một quy định bắt buộc của pháp luật, không phụ thuộc vào một thoả thuận nào của các chủ thể liên quan đến nó – thường là sự thu hẹp của tập quán; tập quán địa phương là tập quán chỉ thịnh hành ở một số địa phương nhất định như là một thành phố hoặc một tỉnh và tạo thành nguồn của pháp luật chỉ trong địa phương đó – cũng còn được gọi là tập quán đặc biệt, tập quán riêng biệt. Từ điển này còn đề cập đến cụm từ tập quán và phong tục (custom and usage) và giải thích đó là những quy định, những thực tiễn chung đã được công chúng công nhận thông qua thói quen không thay đổi và thói quen chung.

Theo quan niệm trên thì tất cả các loại tập quán như tập quán thông thường, tập quán chung, tập quán pháp luật và tập quán địa phương đều có thể trở thành nguồn của pháp luật.

Phong tục tập quán vừa có thể là nguồn nội dung, vừa có thể là nguồn hình thức của pháp luật. Những phong tục tập quán tiến bộ, tốt đẹp, phù hợp với ý chí của Nhà nước, được Nhà nước thừa nhận sẽ trở thành nguồn nội dung của pháp luật. Ví dụ, việc Nhà nước thừa nhận phong tục ăn Tết Nguyên đán, phong tục Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch đã dẫn đến quy định cho phép người lao động, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên… được nghỉ làm việc, học tập trong những ngày này.

Ngoài ra, trong một số lĩnh vực, các quy tắc và quan niệm đạo đức chính thống, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng có thể trở thành nguồn nội dung của pháp luật. Các quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái, của ông bà và các cháu, của vợ và chồng, của các thành viên khác trong gia đình với nhau trong pháp luật hôn nhân và gia đình là sự thể chế hóa các quan niệm đạo đức truyền thống, là sự thừa nhận các quy tắc đạo đức thịnh hành trong xã hội;…

Ngược lại, có những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu, phản tiến bộ khiến Nhà nước ban hành VBQPPL nhằm xóa bỏ, loại trừ dần chúng khỏi đời sống xã hội. Ví dụ, sự tồn tại của phong tục đốt pháo gây lãng phí tiền bạc, tai nạn thương tâm dẫn đến việc Nhà nước ban hành quy định cấm sản xuất và đốt pháo để loại trừ phong tục này.

Phong tục tập quán là nguồn hình thức của pháp luật trong những trường hợp nó được áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc xảy ra trong thực tế. Việc thừa nhận phong tục tập quán là nguồn hình thức của pháp luật đã được thể hiện cụ thể trong một số đạo luật của nước ta. Ví dụ, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán;… Tập quán… không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”; hoặc theo Điều 6 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì, “trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy”.

Trong loại nguồn này còn bao gồm cả các tập quán quốc tế đã được thừa nhận và áp dụng tại Việt Nam như các tập quán thương mại quốc tế.

Nói chung, phong tục tập quán chỉ được coi là nguồn thứ yếu của pháp luật Việt Nam bởi các quy định của nó chủ yếu tồn tại dưới dạng bất thành văn nên thường chỉ được hiểu một cách ước lệ, thiếu rõ ràng, cụ thể, khó bảo đảm cho việc hiểu và áp dụng thống nhất trong phạm vi rộng. Song, ưu điểm của phong tục tập quán là hình thành từ thực tiễn cuộc sống, từ những thói quen ứng xử hàng ngày nên rất gần gũi với nhân dân và thường được nhân dân tự giác thực hiện. Vì vậy, phong tục tập quán có thể góp phần bổ sung cho chỗ thiếu của pháp luật, khắc phục những lỗ hổng của pháp luật nên cần được tiếp tục sử dụng cùng với các VBQPPL. Điều cần thiết hiện nay là phải có hình thức xác định cụ thể những tập quán được Nhà nước thừa nhận để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất và bảo đảm công bằng xã hội.

Trên đây là các loại nguồn đã được chính thức thừa nhận trong pháp luật và trong thực tế ở nước ta. Ngoài ra, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 còn nêu “nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ,… và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Theo tinh thần của Nghị quyết này, thì trong tương lai, pháp luật Việt Nam có thể có thêm hai nguồn sau:

– Án lệ hay các quyết định, bản án của tòa án

Theo Từ điển Black’s Law thì, án lệ (precedent) có hai nghĩa:

“Một là sự làm luật bởi toà án trong việc nhận thức và áp dụng những quy định mới trong khi thi hành công lý. Hai là một vụ việc đã được quyết định mà cung cấp cơ sở để quyết định cho những vụ việc sau liên quan đến các sự kiện hoặc vấn đề tương tự.

Trong pháp luật, án lệ là một vụ việc đã được xét xử hoặc quyết định của toà án được xem như sự cung cấp quy định hoặc quyền lực cho quyết định của một vụ việc giống hoặc tương tự xảy ra về sau, hoặc cho một vấn đề tương tự của pháp luật, hoặc khi nếu các sự kiện là khác nhau thì nguyên tắc chi phối vụ việc đầu tiên có thể áp dụng được cho các sự kiện khác nhau chút ít.

Một án lệ là một quyết định của toà án chứa đựng trong nó một nguyên tắc. Nguyên lý cơ bản giống như mẫu mà phần có căn cứ đích xác của nó thường được gọi là nguyên tắc pháp lý cho một phán quyết trong một trường hợp cụ thể. Một quyết định cụ thể là bắt buộc đối với các bên, nhưng nó là bản tóm tắt của nguyên tắc pháp lý cho một phán quyết trong một trường hợp cụ thể mà chỉ có nó có hiệu lực pháp luật.

Cũng có thể nói một cách khái quát là, một vụ việc trở thành án lệ vì quy định chung như vậy là cần thiết đối với quyết định thực tế có thể được đưa ra là sự biến dạng trong những trường hợp phụ.

Thường cũng có thể chấp nhận, tôn trọng một án lệ không phải bởi nó bao quát một logic ổn định mà bởi từ các phần của nó có thể nảy sinh ra ý tưởng về mẫu mới của quyết định”[6].

Từ điển này còn giải thích: án lệ bắt buộc là án lệ mà toà án bắt buộc phải tuân theo, ví dụ, toà án cấp thấp hơn bị giới hạn bởi một cách áp dụng của một toà án cấp cao hơn trong một vụ xét xử tương tự. Án lệ để giải thích là án lệ chỉ có thể được áp dụng cho một quy định pháp luật hiện đã có rồi. Án lệ gốc là án lệ tạo ra và áp dụng một quy định mới của pháp luật. Án lệ có sức thuyết phục là một án lệ mà toà án có thể hoặc là tuân theo hoặc là từ chối, nhưng điều khoản của nó phải được tôn trọng và cân nhắc cẩn thận.

Từ quan niệm trên, có thể hiểu án lệ là quyết định hoặc lập luận, nguyên tắc hoặc sự giải thích pháp luật do toà án đưa ra khi giải quyết một vụ việc cụ thể được nhà nước thừa nhận làm mẫu hoặc làm cơ sở để toà án dựa vào đó đưa ra quyết định hoặc lập luận để giải quyết vụ việc khác xảy ra về sau có nội dung hoặc tình tiết tương tự. Án lệ được coi là nguồn của pháp luật cũng bao gồm nhiều loại như: án lệ bắt buộc, án lệ để giải thích, án lệ gốc.

Án lệ là loại nguồn rất quan trọng của pháp luật ở các nước thuộc hệ thống thông luật. Nó có một số ưu điểm sau: đề cập đến các vụ việc đã xảy ra trong thực tế mà không phải là những giả thuyết có tính lý luận về những tình huống có thể xảy ra trong tương lai, vì vậy, nó thường phong phú và đa dạng hơn pháp luật thành văn; góp phần bổ sung cho những thiếu sót, những lỗ hổng của pháp luật thành văn và khắc phục được tình trạng thiếu pháp luật; tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật được dễ dàng, thuân lợi hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, án lệ vẫn chưa được thừa nhận một cách chính thức; song, nếu theo tinh thần của Nghị quyết số 48 thì trong tương lai gần, án lệ có thể được coi là một trong các nguồn hình thức của pháp luật nước ta. Vấn đề cần phải nghiên cứu ở nước ta hiện nay là những bản án loại nào và của toà nào có thể trở thành án lệ? Chủ thể, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thừa nhận nó ra sao? Nếu một bản án được thừa nhận là án lệ thì phần nào trong bản án sẽ bị bắt buộc phải tuân theo hoặc phải tôn trọng? Đây là những câu hỏi mà các nhà chuyên môn, các nhà hoạt động thực tiễn phải trả lời. Theo chúng tôi, đó nên là các bản án của Toà án nhân dân tối cao.

– Quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp

Loại nguồn dự kiến này mới chỉ được đề cập đến trong Nghị quyết số 48 nói trên mà dường như chưa có tiền lệ ở Việt Nam và cũng chưa được thừa nhận chính thức về mặt Nhà nước. Chỉ mới có quy định của các tổ chức chính trị – xã hội là đã được thừa nhận một cách gián tiếp trong một số văn bản. Ví dụ, Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2003) đã thừa nhận một cách gián tiếp rằng quy định của các tổ chức chính trị – xã hội cũng có thể được thừa nhận là một trong các nguồn hình thức của pháp luật thông qua việc thừa nhận những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã… cũng là cán bộ, công chức. Theo đó, những cán bộ, công chức thuộc loại này nếu vi phạm kỷ luật của các tổ chức đó thì khi xử lý họ, quy định của các tổ chức đó cũng sẽ được viện dẫn và áp dụng.

Đối với các quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp thì vấn đề cần làm sáng tỏ cả về mặt lý luận và thực tiễn là quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp nào có thể được thừa nhận là một trong các loại nguồn của pháp luật? Đó là những quy tắc điều chỉnh những quan hệ xã hội nào, về những vấn đề gì? Nói chung, đây là vấn đề khá mới mẻ, cần phải được cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định thừa nhận nó là một trong các loại nguồn của pháp luật nước ta.

Bài viết được đăng tải trên Tạp chí nghiên cứu Lập pháp số 12 (128) tháng 8/2008


Chú thích:

[1],2,3 TS. Nguyễn Thị Hồi, Về khái niệm nguồn của pháp luật, Tạp chí Luật học, số 2/2008, tr. 29, 30.

[4] Xem: Giáo trình Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội,  2004, tr. 26.

[5] Black/s Law Dictionary. Seventh Edition. Bryan A, Garner. Editor in Chief. ST. Paul, Minn., 1999, tr. 390.

[6] Black/s Law Dictionary. Seventh Edition. Bryan A, Garner. Editor in Chief. ST. PAUL, MINN., 1999, tr. 1195.

5/5 - (18166 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền