Bất cập trong quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật to-giac-toi-pham

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã bổ sung một chương (Chương XXXIV) trong phần thứ bảy (Thủ tục đặc biệt) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, các quy định về vấn đề này vẫn còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nên cần được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hướng dẫn.

Trước đây, BLTTHS năm 2003 đã có một số quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác, cụ thể:

– Điều 7 quy định Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.

– Điểm a khoản 3 Điều 55 quy định Người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

– Tại khoản 3 Điều 103 quy định Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

Dù vậy, các quy định này còn chung chung, chưa đầy đủ nên thực tiễn áp dụng gặp nhiều vướng mắc.

Khắc phục hạn chế của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một chương (Chương XXXIV) trong phần thứ bảy (Thủ tục đặc biệt) quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Trong chương này đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng các vấn đề sau: Những người được bảo vệ; cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ; các biện pháp bảo vệ; đề nghị, yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; chấm dứt việc bảo vệ; hồ sơ bảo vệ.

Tuy nhiên, các quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác vẫn còn một số điểm chưa đầy đủ, chưa thống nhất cần được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hướng dẫn.

Quy định chưa đầy đủ về những người được bảo vệ

Điều 484 BLTTHS năm 2015 quy định những người được bảo vệ chỉ gồm: (1) Người tố giác tội phạm; (2) Người làm chứng; (3) Bị hại; (4) Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại. Với quy định tại các điều 57, 67, 70 Bộ luật này thì người báo tin về tội phạm, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật và người thân thích của họ cũng thuộc đối tượng được bảo vệ:

– Tại điểm a khoản 1 Điều 57 Bộ luật này quy định cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa.

– Tại điểm b khoản 3 Điều 67 Bộ luật này quy định một trong các quyền của người chứng kiến là yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.

– Tại điểm b khoản 2 Điều 70 Bộ luật này quy định người phiên dịch, người dịch thuật có quyền đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.

Quy định chưa thống nhất về người được đề nghị, yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ

Theo quy định tại Điều 487 BLTTHS năm 2015 thì chỉ người được bảo vệ mới có quyền làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, còn người đại diện của họ thì không có quyền này. Vậy thì ngay cả người được bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần cũng phải tự mình yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Trong khi Điều 487 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ bị hại mới có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thì tại điểm l khoản 2 Điều 62 Bộ luật này lại quy định cả bị hại và người đại diện của bị hại đều có quyền này.

Một số kiến nghị, đề xuất:

Cần bổ sung người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật vào diện những người được bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 484 BLTTHS năm 2015:

Điều 484. Người được bảo vệ

1. Những người được bảo vệ gồm:

a) Người tố giác, báo tin về tội phạm;

b) Người làm chứng;

c) Bị hại;

d) Người chứng kiến;

đ) Người phiên dịch, người dịch thuật;

e) Người thân thích của người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, bị hại, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật.

2…

Đồng thời, cần quy định bổ sung cho người đại diện của người được bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần quyền đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

Các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định về vấn đề này.

 

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền