Bảo đảm quyền của bị can, bị cáo khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật Hỏi cung bị can

Vấn đề đảm bảo quyền của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự đã được nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và pháp điển hóa trong pháp luật tố tụng hình sự. Theo đó, pháp luật tố tụng hình sự cần đảm bảo sự quyền con người của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự vừa đảm bảo mục tiêu đấu tranh tội phạm. Với tinh thần đó, nội dung bài viết chỉ đề cập đến vấn đề đảm bảo quyền của bị can, bị cáo khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

 

Nội dung liên quan:

 

1. Quy định hiện hành liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Như đã biết, trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTHS). Trong vụ án hình sự cũng có những tranh chấp dân sự liên quan đến hành vi phạm tội. Vấn đề giải quyết vấn đề dân sự này lại được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự BLTTHS). Theo đó, tại Điều 30 BLTTHS năm 2015 có quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”

Theo quy định tố tụng hình sự hiện hành, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử khi nghiên cứu hồ sơ, nếu xét thấy bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có yêu cầu về dân sự rõ ràng và có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, phần dân sự sẽ được giải quyết tại phiên tòa.

Còn nếu chưa có yêu cầu hoặc yêu cầu chưa rõ ràng, chưa cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh thì tùy trường hợp Thẩm phán yêu cầu họ cung cấp hoặc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung ( ).
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ tiến hành xem xét yêu cầu về dân sự cũng như tiến hành thỏa thuận giữa bị cáo và người yêu cầu.

2. Những quy định trên chưa đảm bảo quyền của bị can, bị cáo khi giải quyết vấn đề dân sự

Ngoài quy định vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, thì Bộ luật Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định nào khác quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng các quyền trong tố tụng dân sự của bị can, bị cáo khi giải quyết vấn đề dân sự chưa được đảm bảo ở các khía cạnh cụ thể như sau:

2.1. Bị can, bị cáo chưa được đảm bảo quyền được biết các yêu cầu dân sự cụ thể của người yêu cầu

Việc biết trước các yêu cầu dân sự sẽ làm cơ sở cho bị can, bị cáo thực hiện quyền phản bác, củng cố chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Theo quy đinh trên thì đến tại phiên tòa bị cáo mới có thể biết được bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu những gì. Chính vì vậy, họ không có điều kiện để xem xét tính hợp lý, hợp pháp của các yêu cầu được phó mặc hoàn toàn cho hội đồng xét xử.

2.2. Bị can, bị cáo chưa được đảm bảo quyền được biết các tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu cung cấp kèm theo yêu cầu về dân sự

Các tài liệu, chứng cứ kèm theo là cơ sở để xem xét, giải quyết các yêu cầu về dân sự. Hiện nay, chưa có quy định nào buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải công bố, thông báo cho bị can, bị cáo biết trước nội dung những tài liệu này. Tại phiên tòa, cũng không có quy định buộc Hội đồng xét xử phải công bố những chứng cứ này. Chính vì không được biết được người yêu cầu đã cung cấp các tài liệu gì nên bị cáo cũng chưa được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia thỏa thuận dân sự tại phiên tòa.

2.3. Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chưa đảm bảo sự công bằng cho bị can, bị cáo

Theo các quy định nêu trên thì việc giải quyết vần đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết chủ yếu tại phiên tòa, nơi diễn ra hoạt động xem xét, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo. Chính vì vậy, tạo tâm lý e ngại cho bị cáo khi chủ động giải quyết vấn đề dân sự. Nếu bị cáo phản bác, không đồng ý các yêu cầu này thì lo sợ sẽ bị ảnh hưởng đến mức hình phạt vì cho rằng bị cáo chưa có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội mà bị bị truy tố. Do vậy, thực tiễn trong các vụ án hình sự, tại phiên tòa, bị cáo thường chọn giải pháp đồng ý với các yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dù biết yêu cầu này là vô lý. Và như vậy, việc thỏa thuận vấn đề dân sự tại phiên tòa giữa bị cáo và người yêu cầu vô hình dung sẽ không được đặt lên một cán cân công bằng, không tạo ra được sự bình đẳng giữa các bên tham gia thỏa thuận.

2.4. Bất cập về án phí dân sự sơ thẩm

Tại điểm f và điểm g khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có quy định về án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự liên quan đến phần dân sự như sau:

“f) Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp Tòa án đưa ra xét xử vụ án đó;

g) Trường hợp bị cáo tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa thì không phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền đã tự nguyện nộp.”

Về án phí cho phần dân sự thì có những bất cập như sau:

Thứ nhất, đối chiếu các quy định trên đây như đã trình bày thì hầu như các yêu cầu bồi thường thiệt hại đều được giải quyết tại phiên tòa mà không có quy định cụ thể để Tòa án, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức hòa giải, thỏa thuận về vấn đề dân sự. Do vậy, việc thỏa thuận nếu có hầu như chỉ được tiến hành tại phiên tòa. Và như vậy, bị cáo phải chịu toàn bộ án phí. Đối với vụ án có số tiền bồi thường lớn thì án phí sẽ là gánh nặng cho bị cáo, đặc biệt là các bị cáo không có tài sản, hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Thứ hai, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 thì trước khi mở phiên tòa bị cáo được quyền tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại và không phải nộp án phí đối với số tiền này. Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có hướng dẫn bị cáo nộp tiền ở đâu, cơ quan nào có trách nhiệm thu số tiền này? Thực tiễn hiện nay Cơ quan thi hành án dân sự có nơi thu số tiền này, có nơi từ chối thu vì chưa có hướng dẫn. Vì vậy quyền lợi của bị cáo chưa được đảm bảo.

3. Một số kiến nghị

Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách toàn diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị hành vi phạm tội của bị can, bị cáo xâm phạm. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn đến quyền lợi của bị can, bị cáo chưa được đảm bảo; chưa tạo ra sự công bằng, bình đẳng (một nguyên tắc quan trọng khi giải quyết tranh chấp dân sự) cho bị can, bị cáo khi tham gia giải quyết vấn đề dân sự. Do vậy, cần có sự nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, cần quy định người bị hại, người yêu cầu vấn đề dân sự phải có đơn yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự, trong đó nêu cụ thể, rõ ràng các yêu cầu dân sự đối với bị can, bị cáo và cung cấp các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, cần có thông báo cụ thể, rõ ràng cho bị can, bị cáo biết nội dung yêu cầu dân sự và các tài liệu chứng cứ kèm theo.

Thứ ba, trước khi mở phiên tòa, Tòa án cần tiến hành thủ tục hòa giải, thỏa thuận giữa bị hại, người yêu cầu và bị can, bị cáo về các vấn đề dân sự. Kết quả hòa giải là cơ sở cho việc giải quyết tại phiên tòa (trong đó có cả vấn đề án phí).

Thứ tư, nếu sau khi nhận thông báo nội dung yêu cầu dân sự, nếu bị can, bị cáo có nhu cầu nộp tiền bồi thường thì cơ quan tiến hành tố tụng phát hành thông báo nộp tiền để cơ quan thi hành án dân sự có cơ sở thu tiền của bị can, bị cáo.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp, rất mong các đồng nghiệp cùng trao đổi./.

Ths. NGUYỄN THỊ THU HIẾU (TAND Tp Cam Ranh) 

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền