Trong tố tụng dân sự, hòa giải là một chế định rất quan trọng đóng vai trò đặc biệt trong việc giải quyết các tranh chấp. Với cách thức mềm dẻo, linh hoạt, thân thiện, dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các đương sự, hòa giải góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh mà không phải qua con đường tố tụng tại Tòa án nhân dân.
Hòa giải không chỉ đơn thuần là một hoạt động hỗ trợ giúp cho việc giảm tải khối lượng giải quyết tranh chấp tại Toà án nhân dân mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế được tình trạng các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự cho thấy các Thẩm phán thường tạo điều kiện cho các bên tranh chấp hoà giải ngay trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Trước đây, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011, hòa giải ngoài Tòa án chưa được đề cập đến. Chỉ đến khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 tại kỳ họp Khóa 10 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 đã bổ sung một chương mới (Chương XXXIII) quy định về điều kiện, phương thức để công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó:
1. Về đối tượng tham gia hòa giải thành ngoài Tòa án
Là cơ quan, tổ chức, cá nhân và các bên tham gia thỏa thuận hòa giải phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý (theo Điều 416 và Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
2. Về điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Theo quy định tại Điều 418 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.
Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g Khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này;
Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải;
Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu thì phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án hoặc quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
3. Về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Theo quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 419 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:
7. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp”.
8. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, theo quy định trên thì sau khi ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, Quyết định này sẽ được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp nhưng thời hạn gửi, thẩm quyền của Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp như thế nào nếu quyết định có vi phạm luật chưa đề cập đến.
Mặc dù, tại Khoản 5 Điều 419 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: “… Quyết định của Tòa án phải có các nội dung quy định tại Điều 370 của Bộ luật này” nhưng đây chỉ là quy định về nội dung của quyết định theo Khoản 1 Điều 370, còn đối với các khoản khác của Điều 370 trong đó có đề cập đến thời hạn gửi quyết định giải quyết việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp là 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định có được áp dụng luôn trong trường hợp này hay không? Và thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp trong việc kiểm sát các quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hay không? Cụ thể như thế nào pháp luật cũng chưa được đề cập cụ thể, gây khó khăn cho công tác kiểm sát đối với thủ tục này.
Nếu áp dụng quy định dành cho quyết định giải quyết việc dân sự (Hội đồng giải quyết việc dân sự gồm Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên và những người tham gia phiên họp) thì lại không phù hợp với mục đích ban đầu của việc thí điểm áp dụng thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là giải quyết nhanh, gọn các tranh chấp mà không theo con đường tố tụng. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm ban hành một thủ tục riêng dành cho Thẩm phán cũng như Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đối với thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nhằm rút ngắn thời gian giải quyết mà vẫn mang lại hiệu quả cao trên thực tế.
Trên đây là trao đổi của người viết từ thực tiễn công tác kiểm sát thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Rất mong nhận được ý kiến phản biện, trao đổi của các bạn đồng nghiệp để làm tốt hơn nữa công tác kiểm sát trong lĩnh vực này.
Để lại một phản hồi Hủy