Bài tập tình huống môn Luật công chứng

Chuyên mụcĐề cương ôn tập, Luật Công chứng Luật Công chứng

Dưới đây là một số bài tập tình huống môn Luật công chứng (có gợi ý đáp án) xin chia sẻ để các bạn tham khảo ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi 2021 – 2022 sắp tới.

..

Những nội dung liên quan:

..

Bài tập tình huống môn Luật công chứng

Download tài liệu về máy

[PDF] Bài tập tình huống môn Luật công chứng

Nếu quá trình download tài liệu bị gián đoạn do đường truyền không ổn định, vui lòng để lại Email nhận tài liệu Bài tập tình huống môn Luật công chứng PDF ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!

Tình huống số 1:

Ông Trần Văn P có tài sản là một ngôi nhà với diện tích 100m2 trên địa bàn Q.Ba Đình, TP.HN; một mảnh đất vườn 200m2 trên địa bàn Q.1, TP.HCM. Ông P lập di chúc để lại tài sản cho hai con của mình, theo đó tài sản của ông P được chia đều hai con.

Câu hỏi:

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, anh chị hãy cho biết:

Câu 1: Nếu ông P công chứng di chúc thì phải công chứng tại TP.HN hay TP.HCM? Tại sao?

Câu 2: Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? Việc chứng thực sẽ thực hiện như thế nào?

Giả thiết: Khi ông P qua đời, hai con ông phát hiện ra còn một mảnh đất tại TP.HCM chưa được ông P định đoạt trong di chúc nên đã thỏa thuận phân chia mảnh đất này. Văn bản thỏa thuận được đề nghị công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP.HN. Hỏi:

Câu 3: Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Câu 4: Tổ chức hành nghề công chứng ở TP.HN có thể công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của hai con ông P hay không? Tại sao?

Bài làm

Luật công chứng năm 2014
Luật công chứng năm 2014

Câu 1: Nếu ông P công chứng di chúc thì phải công chứng tại TP.HN hay TP.HCM? Tại sao?

Nếu ông P công chứng di chúc thì có thể công chứng tại cả TP.HN hoặc TP.HCM đều được.

Cơ sở pháp lý:

– Điều 42, 56 Luật công chứng năm 2014;

– Điều 122. Luật Nhà ở năm 2014;

– Điều 167 Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó:

– Khoản 3, 4 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự. 4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.”

– Điểm c, d Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định: “c) Văn bản thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự; d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

– Điều 42 Luật công chứng năm 2014 quy định: “Điều 42. Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền liên quan đến bất động sản”.

Như vậy:

– Việc công chứng di chúc về quyền sử dụng đất và nhà ở được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng[1]. Đất đai cũng như nhà ở là bất động sản – loại tài sản cần sự quản lý đặc biệt cần gắn với trách nhiệm quản lí của nhà nước nên khi tiến hành công chứng phải có yêu cầu về địa điểm công chứng. Để bảo đảm tổ chức công chứng có thể chứng nhận chính xác về đối tượng của hợp đồng, giao dịch sẽ công chứng (Bất động sản); đảm bảo giao dịch liên quan đến bất động sản minh bạch, rõ ràng, công khai tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, lừa dối nên mới đặt ra quy định về địa điểm công chứng.

– Tuy nhiên, trường hợp công chứng di chúc là trường hợp ngoại lệ của Điều 42. Ngoài ra, Điều 56 chỉ đặt ra các tiêu chuẩn đối với người yêu cầu công chứng mà không đặt ra tiêu chuẩn đối với tổ chức hành nghề công chứng như là việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản quy định tại Điều 54. Bởi đây là loại giao dịch không làm xác lập, thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ngay khi văn bản công chứng có hiệu lực và yêu cầu công chứng, đây không phải là cơ sở làm phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan đến bất động sản. Chủ yếu yêu cầu đặt ra là công chứng về ý chí, sự tự nguyện, của người để lại di sản, điều kiện để di chúc có hiệu lực, không trái đạo đức, vi phạm pháp luật nên việc quản lí về bất động sản không bị đặt nặng. Vậy nên, người lập di chúc có thể công chứng tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng chứ không nhất thiết phải tại trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng trong địa bàn cấp tỉnh nơi có bất động sản.

=> Áp dụng giải quyết tình huống: Đối với di sản thừa kế bao gồm: 01 ngôi nhà tại thành phố TP.HN và 01 mảnh vườn tại TP.HCM ông P có thể công chứng di chúc của mình tại một tổ chức hành nghề công chứng bất kỳ.

[1] Điều 1 Luật Nhà ở năm 2013, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013

Câu 2: Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? Việc chứng thực sẽ thực hiện như thế nào?

Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc.

Cơ sở pháp lý:

Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Đồng thời theo Điều 635 Bộ luật Dân sự 2015: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.

Với quy định trên, việc công chứng là không bắt buộc trong mọi trường hợp. Ông P hoàn toàn có quyền lựa chọn việc công chứng hay chứng thực di chúc.

Thủ tục thực hiện chứng thực di chúc
Thủ tục thực hiện chứng thực di chúc

Thủ tục thực hiện chứng thực di chúc

– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu chứng thực

Ông P phải nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực gồm:

+ Dự thảo di chúc;

+ Bản sao giấy CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng (xuất kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định.

– Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

+ Người thực hiện chứng thực tiếp nhận và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực của ông P.

+ Người thực hiện chứng thực tiếp nhận bản sao và có quyền yêu cầu ông P xuất trình bản chính để đối chiếu và xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính và tiến hành xác minh nếu thấy cần thiết. Nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn và nhận thức thì tiến hành chứng thực.

+ Trong trường hợp hồ sơ chứng thực chưa đầy đủ thì người thực hiện chứng thực phải hướng dẫn ông P bổ sung hồ sơ. Người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực di chúc cho ông P trong trường hợp thuộc Điều 22, 25 và 32 của nghị định 23/2015 đồng thời giải thích rõ lý do bằng văn bản cho ông P (theo khoản 4, 7 Điều 9 Nghị định 23/2015)

– Bước 3: Ký, điểm chỉ

Ông P phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.

+ Trường hợp ông P không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 2 người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến di chúc (Khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015).

+ Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ công chứng. Đối với di chúc có 2 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của ông P và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của di chúc. Trường hợp di chúc có 2 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai (Khoản 4 Điều 36 Nghị định 23/2015).

+ Thời hạn chứng thực di chúc là 2 ngày làm việc kể từ ông P cung cấp đầy đủ hồ sơ. Nếu trong vụ việc cần xác minh tình tiết phức tạp thì thời hạn chứng thực có thể kéo dài theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực (Điều 37 Nghị định 23/2015).

– Bước 4: Nộp lệ phí

Theo Điều 15 Nghị định 23/2015 quy định:

1. Người yêu cầu chứng thực tại Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện phải nộp lệ phí chứng thực theo quy định của pháp luật;

Mức thu lệ phí, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí chứng thực được thực hiện theo quy định pháp luật …

=> Như vậy, khi chứng thực di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, ông P có nghĩa vụ nộp lệ phí chứng thực với mức phí được pháp luật quy định, cụ thể Lệ phí là 40.000 đồng/ 1 lần chứng thực di chúc.

Giả thiết: Khi ông P qua đời, hai con ông phát hiện ra còn một mảnh đất tại TP.HCM chưa được ông P định đoạt trong di chúc nên đã thỏa thuận phân chia mảnh đất này. Văn bản thỏa thuận được đề nghị công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP.HN.

Câu 3: Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Cơ sở pháp lý:

– Điều 18 Nghị định 29/2015 quy định về niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản;

– Điều 40, Điều 48, Điều 57 Luật Công chứng năm 2014.

Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng

Theo khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014, Hồ sơ yêu cầu công chứng được thành lập thành 1 bộ, gồm:

+ Phiếu yêu cầu công chứng:

  • Thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo;
  • Tên tổ chức hành nghề công chứng, họ và tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản cụ thể là ông P; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa ông P và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế; bản sao di chúc (theo Khoản 2 Điều 57).

+ Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

+ Bản sao giấy tờ tùy thân của hai con ông P;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

– Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

+ Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng, yêu cầu xuất trình bản chính các loại giấy tờ để đối chiếu, kiểm tra. Theo khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 thì Công chứng viên phải kiểm tra, xác định ông P có đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đối với mảnh đất TP Hồ Chí Minh hay không? Và những người yêu cầu công chứng là hai con ông P đúng là người được hưởng di sản không?

Bài tập tình huống môn Luật công chứng
Bài tập tình huống môn Luật công chứng

+ Công chứng viên kiểm tra văn bản thỏa thuận phân chia di sản, xem xét có trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.

  • Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
  • Trường hợp thấy hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, có sự cưỡng ép hay đe dọa, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì từ chối yêu cầu công chứng (Khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014).

+ Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị.

+ Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

– Bước 3: Ký, điểm chỉ

+ Nếu hai con ông P đồng ý toàn bộ nội dung trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì ký vào từng trang văn bản và phải ký trước mặt công chứng viên.

+ Trường hợp hai con ông P không ký được do khuyết tật hoặc không biêt ký thì có thể điểm chỉ. Khi điểm chỉ, phải sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng cả 2 ngón trỏ thì điểm chỉ bằng ngon khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ bằng ngón nào, của bàn tay nào (Khoản 2 Điều 48).

– Bước 4: Nộp phí

Theo khoản 1, 2 Điều 66 Luật Công chứng năm 2014 quy định:

1. …Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.

Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

=> Như vậy, khi tiến hành công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì hai con ông P co nghĩa vụ nộp phí công chứng theo mức phí được pháp luật quy định và thù lao công chứng phát sinh trong quá trình công chứng.

Câu 4: Tổ chức hành nghề công chứng ở TP.HN có thể công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của hai con ông P hay không? Tại sao?

Tổ chức hành nghề công chứng ở TP.HN không thể công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của hai con ông P.

Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 có quy định:

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Khoản 1 Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định:

…Trường hợp di sản bao gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản

=> Như vậy, đối với văn bản thỏa thuận phân chia di sản của ông P là mảnh đất tại TP.HCM thì việc công chứng phải được thực hiện tại nơi có bất động sản, cụ thể là TP.HCM

Tình huống số 2:

Ông Trần Văn Hòa và bà Nguyễn Ngọc Duyên đến Văn phòng Công chứng Tin Tưởng để yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà. Khi nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên của Văn phòng công chứng phát hiện căn nhà mà ông Hòa bán cho bà Duyên là tài sản được hình thành trước khi vợ ông Hòa mất. Mẹ vợ ông Hòa hiện vẫn còn sống. Ngoài ra, qua kiểm tra công chứng viên cũng biết bà Duyên đã mất chứng minh nhân dân.

Câu hỏi:

Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, anh chị hãy cho biết:

Câu 1: Công chứng viên cần tư vấn cho ông Hòa thực hiện thủ tục nào trước khi giao kết hợp đồng mua bán nhà với bà Duyên?

Câu 2: Công chứng viên cần tư vấn cho bà Duyên chuẩn bị những giấy tờ gì bà có thể thực hiện việc giao kết hợp đồng mua bán căn nhà trên?

Tình huống số 3:

Luật sư Bùi Thanh Tâm nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dương Thu Hà trong một vụ án tranh chấp di sản thừa kế là nhà đất. Sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm kết thúc, với lý do là vụ việc phức tạp kéo dài ngoài dự kiến ban đầu, luật sư Tâm đã đề nghị bà Hà ký phụ lục Hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung là bà Hà sẽ trả thêm tiền thù lao là 20.000.000 đồng ngoài mức thù lao đã thỏa thuận trước đây để đảm bảo chất lượng tranh tụng của luật sư trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Bà Hà sau khi trao đổi với luật sư Tâm đã đồng ý thưởng thêm cho luật sư Tâm số tiền là 15.000.000 đồng nhưng đề nghị không cần ký phụ lục hợp đồng. Luật sư Tâm đã nhận số tiền này.

Câu hỏi:

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, anh chị hãy:

Câu 1: Nhận xét về đề nghị ký Phụ lục hợp đồng nhằm bổ sung thêm mức thù lao của luật sư Tâm.

Câu 2: Nhận xét về việc nhận số tiền 15.000.000 đồng từ bà Hà của luật sư Tâm.

[Download] Đáp án bài tập tình huống môn Luật công chứng

Download tài liệu về máy

[PDF] Đáp án bài tập tình huống môn Luật công chứng (full)

Nếu quá trình download tài liệu bị gián đoạn do đường truyền không ổn định, vui lòng để lại Email nhận tài liệu Đáp án bài tập tình huống môn Luật công chứng PDF ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!

Các tìm kiếm liên quan đến bài tập tình huống luật công chứng, tình huống về công chứng, bài tập về công chứng chứng thực, nhận định đúng sai luật công chứng, bài tập luật công chứng, tình huống công chứng chứng thực, đề thi môn công chứng chứng thực, tình huống pháp luật về công chứng, Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần 4

4.8/5 - (18301 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền