Trình tự giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Chuyên mụcLuật thương mại Luật Trọng tài thương mại

Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp, theo đó các bên thỏa thuận đưa những tranh chấp ra trước một trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài để giải quyết và trọng tài sau khi xem xét vụ việc sẽ đưa ra một phán quyết ràng buộc các bên tranh chấp.

 

Các nội dung liên quan:

 

Pháp luật Việt Nam quy định giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài theo trình tự sau:

1. Thỏa thuận trọng tài: 

Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp do các bên lựa chọn và chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi có thỏa thuận của các bên về việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài. Nói cách khác, thỏa thuận trọng tài là căn cứ để áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nếu các bên lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp thì một bên yêu cầu bắt buộc đặt ra là các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh. Điều này có nghĩa rằng các trung tâm trọng tài chỉ được thụ lý đơn khi các đương sự đã có thỏa thuận trọng tài.

Thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản, thư điện tử, telex, fax, hoặc hình thức khác có thể hiện ý chí của các bên về việc giải quyết tranh chấp đó bằng trọng tài. Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế, thỏa thuận là văn bản nếu nó nằm trong một văn bản được các bên ký kết bằng sự trao đổi qua thư từ, telex, điện tín hoặc qua các hình thức trao đổi viễn thông khác mà ghi nhận sự trao đổi đó thể hiện sự tồn tại của việc ghi nhận hoặc bên kia không phủ nhận.

Thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc có thể là một thỏa thuận riêng biệt độc lập với hợp đồng. Đối với những điều khoản trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng thì việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài. Trong trường hợp vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc trường hợp thỏa thuận trọng tài không thực hiện được.

2. Nộp đơn kiện: 

Nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi trung tâm trọng tài hoặc bị đơn. Kèm theo đơn kiện, nguyên đơn phải gửi bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các chứng cơ tài liệu liên quan, bản sao phải có chứng thực hợp lệ.

Tố tụng trọng tài bắt đầu khi trung tâm trọng tài nhận được đơn kiện của nguyên đơn hoặc từ bị đơn nhận được đơn nhận được đơn kiện của nguyên đơn. Nếu giải quyết tại tại trung tâm trọng tài, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn kiện, trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn kiện của nguyên đơn và những chứng cớ tài liệu mà nguyên đơn đã gửi.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện và các tài liệu liên quan, bị đơn có trách nhiệm gửi cho trung tâm trọng tài hoặc bị đơn bản tự bảo vệ, nếu trung tâm trọng tài không có quy định khác. Và bị đơn cũng có quyền kiện ngược lại nguyên đơn, thời gian và hình thức cũng tương tự nguyên đơn khởi kiện, nếu như bị đơn thấy như các nội dung mà nguyên đơn khởi kiện là không đúng.

3. Thành lập Hội đồng trọng tài:

Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên, bị đơn phải chọn phải chọn các Trọng tài viên có tên trong danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài và báo cáo cho Trung tâm Trọng tài biết hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm Trọng tài chỉ định cho mình. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không chọn hoặc không yêu cầu thì Chủ tịch Trung tâm Trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.

Trong trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn thì các bị đơn thống nhất chọn một Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do Trung tâm Trọng tài gửi đến. Nếu các bị đơn không chọn Trọng tài viên, thì trong vòng 7 ngày làm việc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Trọng tài viên được các bên lựa chọn hoặc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài chỉ định, các trọng tài viên phải chọn Trọng tài viên thứ ba của Trung tâm Trọng tài và bầu làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Hết thời hạn 7 ngày việc mà chưa bầu được Chủ tịch Hội đồng Trọng tài thì Chủ tịch Trung tâm Trọng tài sẽ chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Thành lập Hội đồng Trọng tài vụ việc (trọng tài ad-hoc):

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nguyên đơn gửi đơn kiện cho bị đơn (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác), bị đơn phải chọn Trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết Trọng tài viên mà mình đã chọn. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình đã chọn, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.

Trong trường hợp có nhiều bị đơn thì các bị đơn phải thống nhất chọn một Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn cùng các tài liệu kèm theo. Hết thời hạn này mà các bị đơn không chọn Trọng tài viên thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền, nơi có trụ sở hoặc cư trú của các bị đơn chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hai Trọng tài viên được, các Trọng tài viên này phải thống nhất chọn người thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Hết thời hạn này mà các Trọng tài viên không chọn được, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền chỉ định một Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Trọng tài viên được chọn làm chủ tịch có thể là Trọng tài viên trong và ngoài các Trung tâm Trọng tài của Việt Nam.

Trong trường hợp thỏa thuận một Trọng tài viên duy nhất giải quyết, nhưng không chọn được Trọng tài viên duy nhất, thì theo yêu cầu của một bên thì Tòa án có thẩm quyền chỉ định một Trọng tài viên duy nhất và trong thời hạn là 30 ngày. Quyết định của Trọng tài viên duy nhất có hiệu lực như quyêt định của Hội đồng Trọng tài.

4. Phiên họp giải quyết tranh chấp:

Là hình thức giải quyết chủ yếu của trọng tài, tại đây diễn ra quá trình tranh tụng, theo đó các bên tranh chấp phải phát biểu và trả lời những câu hỏi của Hội đồng trọng tài. Phiên họp giải quyết tranh chấp không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hay ủy quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Các bên có thể mời nhân chứng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp được các bên yêu cầu, Hội đồng trọng tài có thể cắn cứ vào hồ sơ để giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên. Hội đồng trọng tài phải lập biên bản phiên họp giải quyết tranh chấp, đây là văn bản ghi nhận tiến trình của thủ tục trọng tài, cũng như toàn bộ nội dung của quá trình tranh tụng.

Khi tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải bảo đảm rằng các bên có đủ thời gian để tranh luận, các bên có thể trình bày qua điểm và đưa ra chứng cớ để chứng minh cho lập luận của mình. Hội đồng trọng tài có thể đặt câu hỏi để làm rõ một số điểm. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi Hội đồng cần tránh đặt ra những câu hỏi gây ra ấn tượng về tính thiên vị hoặc ngụ ý về bất kỳ vấn đề gì lien quan đến quyết định đến nội dung của vụ việc mà Hội đồng trọng tài đã dự kiến.

Phiên họp giải quyết tranh chấp là thủ tục bắt buộc của quá trình tố tụng, do đó việc Hội đồng trọng tài từ chối tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp có thể bị tòa án coi như là sự vi phạm về quy tắc giải quyết và có thể dẫn đến việc tòa án từ chối công nhận hoặc thi hành quyết định trọng tài.

5. Trọng tài ra quyết định và vấn đề hủy quyết định của trọng tài:

Quyết định của trọng tài là quyết định do Hội đồng Trọng tài hoặc do một Trọng tài viên duy nhất nhằm giải quyết các vấn đề chung thẩm các vấn đề được đưa ra để giải quyết .

Quyết định trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số, trừ trường hợp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết, ý kiến thiểu số được ghi vào biên bản của cuộc họp.

Tòa án nhân cấp tỉnh có thẩm quyền hủy quyết định của trọng tài nếu có bên không đồng ý với quyết định trọng tài và có đơn gửi Tòa án nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định để yêu cầu hủy quyết định của trọng tài. Tòa án ra quyết định hủy quyết định của trọng tài nếu có bên yêu cầu chứng minh được Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định thuộc các trường hợp sau đây:

+ Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

+ Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên, hoặc trái với quy định của Luật này;

+ Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì nội dung đó bị hủy;

+ Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

+ Phán quyết của trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

6. Thi hành quyết định của trọng tài:

Quyết định của trọng tài có thể được công bố ngay tại phiên họp cuối cùng hoặc sau đó nhưng chậm nhất là 30 ngày kể từ phiên họp cuối cùng (Điều 61.3, Luật Trọng tài thương mại). Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Trong trường hợp, một trong các bên yêu cầu tòa án hủy quyết định của trọng tài thì quyết định trọng tài được thi hành kể từ ngày quyết định của tòa án không hủy quyết định của trọng tài có hiệu lực.

Việc thi hành quyết định của trọng tài được thực hiện theo pháp luật về thi hành án dân sự.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền