Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Chuyên mụcLuật thương mại Luật Trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài thương mại đang là xu hướng giải quyết được nhiều chủ thể lựa chọn, bởi tính linh hoạt, nhanh gọn của nó.

 

Các nội dung liên quan:

 

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là gì?

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại.

trong-tai-thuong-mai

Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được quy đinh tại Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010:

1. Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

4. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.”

Như vậy, năm nguyên tắc trên là năm nguyên tắc luật định, bắt buộc các trọng tài viên và các bên tranh chấp phải tuân theo.

1. Nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên tranh chấp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 thì “ Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội ”. Quy định này thể hiện nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên tranh chấp, là nguyên tắc chi phối hành vi tố tụng của trọng tài trong toàn bo quá trình tố tụng trọng tài. Nguyên tắc này bao hàm, nhưng không giới hạn bởi các nội dung sau đây:

+ Thứ nhất, trọng tài chỉ được giải quyết tranh chấp trong phạm vi thỏa thuận trọng tài và yêu cầu của các bên không vượt quá phạm vi thỏa thuận trọng tài đó. Yêu cầu này tương ứng với nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên trong tố tụng dân sự trước tòa án.

+ Thứ hai, các bên có quyền tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trong  trường hợp các bên thương lượng được với nhau và yêu cầu Trọng tài đình chỉ việc giair quyết  tranh chấp thì Trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

+ Thứ ba, hội đồng trọng tài có nghĩa vụ tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Theo quy định tại Điều 58 Luật trọng tài thương mại 2010, khi các bên thỏa thuận được với nhau thì Hội đồng trọng tài phải ra quyết định công nhận hào giải thành và chấm dứt giải quyết tranh chấp.

+ Thứ tư, trọng tài phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về địa điểm giải quyết tranh chấp, địa điểm giải quyết tranh chấp, địa điểm tiến hành phiên họp.

+ Thứ năm, trọng tài phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về các thời hạn tố tụng, trừ  trường hợp quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quy định khác.

Theo quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010, việc trọng tài tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên có thể dẫn đến hậu quả phán quyết trọng tài bị tòa án hủy phán quyết trọng tài theo yêu cầu hủy của một bên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trọng tài sẽ không chịu sự ràng buộc bởi thỏa thuận của các bên trong  trường hợp thỏa thuận đó vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

2. Nguyên tắc trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định  của pháp luật

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 thì Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân teo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này xuất phát từ chức năng của Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp với phán quyết có giá trị như bản án và trong chừng mực đó phải đáp ứng các yêu cầu về tư cách như đối với thẩm phán. Mặt khác nguyên tắc này cũng đảm bảo các trọng tài viên tuân thủ được quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình.

Nguyên tắc này còn đòi hỏi bản thân Trọng tài viên phải từ chối tranh chấp trong  trường hợp mình là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp hoặc đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản. Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010, việc không thực hiện  nghĩa vụ từ chối giải quyết tranh chấp trong các trường hợp nêu trên có thể dẫn đến hậu quả phán quyết trọng tài bị Tòa án hủy theo yêu cầu của một bên do thành phần của Hội đồng trọng tài trái với quy định của Luật này.

Việc Trọng tài viên không đáp ứng các điều kiện hoặc không tuân thủ các  nghĩa vụ theo nguyên tắc này cũng còn là căn cứ để một bên yêu cầu thay đổi Trọng tài viên đó.

3. Nguyên tắc các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 thì các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyề và  nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và  nghĩa vụ của mình. Quy định này tương thích với quy định tại Điều 8 Bộ luật tố tụng dân sự 2005 về nguyên tắc bình đẳng về quyền và  nghĩa vụ trong tố tụng dân sự. Điều đó một lần nữa cho thấy, tố tụng trọng tài thương mại cũng dựa trên các nguyên tắc cơ bản như tố tụng dân sự trước tòa án.

Nguyên tắc này trước hết đòi hỏi chính các bên tranh chấp phải tôn trọng các quyền tố tụng của nhau, nhưng chủ yếu nhằm yêu cầu Hội đồng trọng tài tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và  nghĩa vụ của mình. Ví dụ, trọng tài phải tạo điều kiện cho bị đơn trình bày quan điểm bảo vệ của mình đối với nguyên đơn, và tạo điều kiện cho nguyên đơn trình bày quan điểm bảo vệ. Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010, việc trọng tài không tạo điều kiện hoặc thậm chí không để các bên thực hiện quyền được trình bày trước Trọng tài có thể dẫn đến hậu quả phán quyết trọng tài không phù hợp với quy định của Luật này.

4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 thì giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ  trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Khác với các nguyên tắc đã đề cập trên đây, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai là sự khác biệt quan trọng của tố tụng trọng tài so với nguyên tắc xét xử công khai trong tố tụng dân sự trước Tòa án được quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2005.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai được thiết lập nhằm tạo nên sự hấp dẫn của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Nguyên tắc này đáp ứng yêu cầu giữ bí mật các thông tin được coi là nhạy cảm của thương nhân xuất phát từ đặc thù của hoạt động thương mại. Việc giải quyết tranh chấp không công khai có thể giúp giảm thiểu khả năng bí mật kinh doanh bị tiết lộ ra ngoài khi thực hiện các quyền và  nghĩa vụ tố tụng. Mặt khác việc xét xử không công khai cũng có thể giảm thiểu các tác động bất lợi phát sinh từ việc tranh chấp đến uy tín của thương nhân. Đây là yếu tố mà trong thực tiễn thường được các bên cân nhắc khi thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai không chỉ đòi hỏi phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai và Hội đồng trọng tài chỉ được cho phép người khác tham dự phiên họp trong  trường hợp được sự đồng ý của các bên mà còn đòi hỏi Trọng tài viên phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ  trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Nguyên tắc phán quyết trọng tài là chung thẩm

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 thì phán quyết trọng tài là chung thẩm. Điều đó có nghĩa là phán quyết trọng tài không thể bị kháng cáo để xét xử lại bởi bất kỳ một Trọng tài hay Tòa án nào khác. Quy định này không chỉ bao hàm “ phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài ” mà còn cả quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài.

Tương tự như nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai đã đề cập ở trên, nguyên tắc phán quyết trọng tài là chung thẩm cũng là một nguyên tắc đẵ trưng của tố tụng trọng tài. Một mặt nguyên tắc này nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ thể hoạt động thương mại là các tranh chấp phát sinh được giải quyết nhanh gọn, giúp tiết kiệm về mặt thời gian và tiền bạc, đồng thời cũng thể hiện tư tưởng của pháp luật về trọng tài thương mại là tạo nên một phương thức giải quyết tranh chấp đáng tin cậy để các bên có thể gửi gắm lòng tin. Bởi vậy, nguyên tắc này cũng chi phối quy định của pháp luật về trọng tài thương mại theo hướng đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, đặc biệt cả đối với các vấn đề thuộc thủ tục tố tụng.

Phán quyết trọng tài là chung thẩm, không được xét xử lại, bởi vậy các bên tranh chấp chỉ có thể loại bỏ phán quyết trọng tài trong một số ít trường hợp bằng cách yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Tính chất chung thẩm của phán quyết trọng tài là nguyên tắc luật định, nên các bên tranh chấp không cần thỏa thuận điều đó. Một điều khoản như vậy trong thỏa thuận trọng tài chỉ có ý nghĩa biểu lộ sự sẵn sàng chấp nhận phán quyết trọng tài của các bên.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền